Thứ Bảy , 20 Tháng Tư 2024

Sàng lọc khiếm thính

Bài viết thứ 4 trong 5 bài thuộc chủ đề Sàng lọc sơ sinh
 

Khiếm thính bẩm sinh có phổ biến không?

Khiếm thính sơ sinh xảy ra ở tỷ lệ 1/1000 đến 1/2000 trẻ sơ sinh, riêng trong nhóm trẻ có nguy cơ cao như những trẻ được sinh ra từ các bà mẹ mắc một số bệnh lý khi mang thai như rubella, giang mai, herpes…, những trẻ có tiền sử gia đình có người bị điếc, trẻ đẻ non hoặc nhẹ cân, có các dấu hiệu của suy hô hấp sau đẻ, và phải thông khí hỗ trợ kéo dài, trẻ bị vàng da do tăng bilirubin, viêm màng não v.v…thì tỷ lệ trẻ sơ sinh khiếm thính rất cao, từ 1/50 đến 1/25 trẻ sơ sinh. Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ điếc ở trẻ chiếm từ 1/1000 đến 5/1000. Như vậy ước tính mỗi năm sẽ có thêm khoảng 5000 trẻ bị điếc mới trên khoảng 1 triệu trẻ được sinh ra.

Tại sao cần sàng lọc khiếm thính ở trẻ sơ sinh?

Việc phát hiện tình trạng khiếm thính ở trẻ thường rất muộn, đa phần sau 2 tuổi nên việc điều trị cả điếc và ngôn ngữ đều rất khó khăn. Trẻ khiếm thính thường chậm nói hoặc không nói được, từ đó dẫn đến chậm phát triển ngôn ngữ và gây khó khăn cho việc học tập. Sàng lọc thính lực cho trẻ sơ sinh trước khi xuất viện về nhà sẽ giúp phát hiện từ rất sớm những trẻ có vấn đề về thính giác để kịp thời can thiệp, điều này có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển ngôn ngữ và khả năng nói của trẻ. Trẻ sơ sinh bị khiếm thính nếu được phát hiện và can thiệp sớm sẽ có thể nghe, nói, và phát triển như trẻ bình thường.

Sàng lọc khiếm thính

Những trẻ sơ sinh nào cần sàng lọc khiếm thính?

Tất cả trẻ sơ sinh bình thường hoặc có biểu hiện bệnh lý đều cần được kiểm tra thính lực thông qua chương trình sàng lọc khiếm thính. Do trẻ khiếm thính có thể có vẻ ngoài hoàn toàn bình thường nên việc cho trẻ sàng lọc khiếm thính là biện pháp hữu hiệu giúp phát hiện sớm những vấn đề có liên quan đến thính lực của trẻ để chẩn đoán và can thiệp sớm.

Làm thế nào để đánh giá mức độ khiếm thính và hướng xử trí?

Để đánh giá mức độ khiếm thính có thể sử dụng máy đo thính lực (audiometer) hoặc sử dụng giọng nói (voice test). Có nhiều cấp độ hay mức độ khiếm thính khác nhau. Chúng được đo bằng đơn vị decibel (dB) khi đề cập đến mức độ hay độ lớn hay âm lượng, hoặc đơn vị Hertz (Hz) khi đề cập đến độ cao thấp hay tần số của âm thanh tiếng nói.

Khiếm thính được chia làm nhiều loại khác nhau, gồm khiếm thính do dẫn truyền, khiếm thính do tiếp nhận ốc tai (khiếm thính do thần kinh cảm nhận: sensorineural hearing loss), khiếm thính do thần kinh thính giác, khiếm thính hỗn hợp. Tùy theo khiếm thính loại nào mà sẽ khác nhau về nguyên nhân, mức độ khiếm thính cũng như phương pháp điều trị.

Tật khiếm thính có các mức độ như bảng sau

Độ khiếm thính Máy đo thính lực Giọng nói Hướng xử trí
Nhẹ 20 – 40 dB

–  Trẻ có thể nghe được tiếng nói nhưng chỉ là những đoạn rời rạc. Những từ ngắn, phần cuối của từ và những âm từ không rõ thường
bị bỏ sót và không nghe được.
–  Tiếng ồn trong lớp học và trong môi trường chung quanh sẽ làm cho trẻ khó nghe hơn
–  Trẻ có thể nghe và nhắc lại giọng nói bình thường cách 1 mét.

Có thể dùng máy trợ thính

Vừa 41 – 60 dB

–  Trẻ có thể không nghe được tới 50% lời nói của người khác và thậm chí còn hơn nữa nếu tiếng ồn xung quanh tăng lên.
–  Nếu trẻ không được đeo máy trợ thính thì hậu quả thường là vốn từ của trẻ bị hạn chế và phát âm không rõ.
–  Chất lượng giọng nói của trẻ cũng có thể bị ‘đều đều’ gần như không biến đổi vì trẻ không có khả năng theo dõi giọng nói của chính mình.
–  Trẻ có thể nghe và nhắc lại giọng nói lớn cách 1 mét

Cần dùng máy trợ thính thường xuyên

Nặng 61 – 90 dB

–  Trẻ không nghe được phần lớn âm thanh tiếng nói. Ngoài ra, các kỹ năng nói có thể không phát triển được nếu âm thanh không được khuyếch đại nhờ máy trợ thính và trẻ cần được điều chỉnh ngôn ngữ và trị liệu về ngôn ngữ.
– Trẻ chỉ nghe được 1 số từ khi hét thật lớn vào tai

–  Cần dùng máy trợ thính thường xuyên.
–  Nếu không có máy nghe thì phải học cách đọc môi hoặc ngôn ngữ điệu bộ.

Rất nặng 91 dB

–  Trẻ gần như không nghe được âm thanh gì cả (đặc biệt là lời nói). Khả năng nói không thể phát triển được nếu không dùng máy trợ thính hay cấy thiết bị trợ thính ốc tai.
–  Trẻ không có khả năng nghe và hiểu cả khi hét vào tai

–  Máy máy trợ thính có thể giúp phần nào.
–  Cấy ốc tai
–  Học đọc môi và ngôn ngữ điệu bộ là chính nếu không sử dụng được máy trợ trính hoặc được cấy ốc tai.

Khiếm thính tần số cao 1500 Hz–8000 Hz

–  Trẻ chủ yếu không nghe được những âm thanh có tần số cao và không phải lúc nào cũng nghe được các phụ âm.
–  Trẻ có thể bị mất nhiều đoạn thông tin bằng lời nói và mức độ tiếng ồn xung quanh cao càng khiến cho trẻ khó nghe được âm thanh hơn nữa.

Các nghiệm pháp đánh giá mức độ khiếm thính ở trẻ nhỏ?

Nghiệm pháp hành vi

Các xét nghiệm hành vi được dựa trên việc tạo ra hay quan sát thấy một thay đổi trong hành vi khi phản ứng lại với âm thanh. Các xét nghiệm này bao gồm phép đo thính giác quan sát hành vi (BOA: behavioral observation audiometry), phép đo thính giác tăng cường thị giác (VRA: visual reinforcement audiometry) và phép đo thính giác bằng trò chơi.

Đối với trẻ nhỏ, bố mẹ hoặc người trực tiếp chăm sóc là người có thể biết tốt nhất khả năng nghe của trẻ. Ở trẻ bình thường, ở mỗi độ tuổi khác nhau sẽ có những đáp ứng âm thanh khác nhau được mô tả trong bảng dưới đây:

Tuổi (tháng) Đáp ứng với âm thanh
<1

Một vài dấu hiệu như mở mắt, chớp mắt

6

Quay đầu hoặc mắt nhìn theo hướng phát âm thanh

9

Lắng nghe và tự phát ra các loại âm từ lớn đến nhỏ

12

Biết tên mình và một số từ, bắt đầu bập bẹ nói

18

Biết chỉ một số đồ vật quen thuộc khi được yêu cầu, biết nói một số từ đơn giản

24

Có thể nghe những từ rất nhỏ và nhận biết hướng của nó, có khả năng nói những câu đơn giản

Các nghiệm pháp khách quan

Những nghiệm pháp này đo đáp ứng của một bộ phận cụ thể trong hệ thống thính giác và gần như không cần trẻ phải hợp tác. Các nghiệm pháp này bao gồm:

  • Nghiệm pháp đo âm ốc tai (OAE: otoacoustic mission)
  • Nghiệm pháp đo đáp ứng thính giác thân não (ABR: auditory brainstem response)
  • Nghiệm pháp đáp ứng trạng thái bền vững thính giác (ASSR: auditory steady state response)

Xét nghiệm chức năng tai giữa là một xét nghiệm khách quan khác nhằm cung cấp thông tin về chức năng của tai giữa.

Máy trợ thính là gì?

Máy trợ thính là những thiết bị khuếch đại âm thanh để người bị khiếm thính có thể nghe được.Máy trợ thính không chữa được tật khiếm thính nhưng có ích cho người khiếm thính khi sử dụng. Có hai loại máy trợ thính dựa trên sự khác biệt trong kỹ thuật tiếp nhận âm thanh:

Máy trợ thính khuếch âm đồng bộ : khuếch âm đồng bộ mọi âm thanh xung quanh, nó như một cái amply có nhiệm vụ làm to lên các tiếng động một cách đồng bộ. Do đó, nếu người khiếm thính đeo máy này ở nơi ồn ào sẽ nghe đủ mọi tiếng động do âm thanh không được chọn lọc, dẫn đến có thể không nghe được chính xác âm thanh cần nghe.

Máy trợ thính kỹ thuật số: ra đời theo sự phát triển của công nghệ điện tử . Nó có thể phân lọc được các âm thanh ra từng loại.Máy được lập trình để đem lại những âm thanh cần nghe ở những vị trí và hoàn cảnh khác nhau. Máy vẫn có tính năng khuếch âm như máy khuếch âm đồng bộ nhưng có thêm ưu điểm là chọn lọc âm thanh, hạn chế hiện tượng dội âm, và loại bỏ các âm thanh chói tai để người khiếm thính có thể nghe được tốt nhất. Ngoài ra, máy còn có thể kết nối với các phương tiện nghe nhìn khác mà không cần dây dẫn như điện thoại di động, máy nghe nhạc Mp3, Mp4, tivi, radio…

Cấy ốc tai là gì?

Cấy ốc tai đôi khi còn được gọi là tai điện tử, thiết bị trợ thính ốc tai là một thiết bị thính giác được thiết kế để tạo ra các cảm giác âm thanh hữu ích bằng cách dùng các xung điện kích thích các dây thần kinh bên trong phần tai trong.Thiết bị này được cấy bằng cách phẫu thuật, thích hợp cho người khiếm thính nặng hoặc rất nặng.

Sàng lọc khiếm thính ở trẻ sơ sinh được thực hiện như thế nào?

Hiện nay, tại Việt Nam, sàng lọc khiếm thính ở trẻ sơ sinh được thực hiện dựa vào nghiệm pháp đo âm ốc tai (OAE) và nghiệm pháp đo đáp ứng thính giác thân não (ABR).

Đo âm ốc tai là gì?

Khi có âm thanh từ ngoài tác động vào ốc tai (nằm ở tai trong), ốc tai sẽ có phản ứng bằng cách phát ra những âm thanh rất nhỏ. Nguồn gốc của những âm thanh này là do sự rung động của những tế bào có tua ở bên trong ốc tai khi bị kích thích bởi âm thanh bên ngoài. Âm thanh phát ra do sự rung động của những tế bào có tua này gọi là âm ốc tai (OAE). Năm 1977 David Kemp ứng dụng đo âm ốc tai để đánh giá chức năng của ốc tai. Đến nay, ứng dụng đo âm ốc tai để phát hiện điếc được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới, đặc biệt là để sàng lọc khiếm thính ở trẻ sơ sinh do phương pháp đo âm ốc tai có độ chính xác đến 80-85 %. Ngoài ra, máy đo nhỏ gọn, cách thực hiện đơn giản, không gây đau cho trẻ, cho kết quả trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, đo âm ốc tai chỉ giúp phát hiện những trường hợp khiếm thính do tổn thương ốc tai, sẽ có khoảng 15% trường hợp khiếm thính sau ốc tai (do tổn thương thần kinh thính giác) sẽ không được phát hiện bằng phương pháp này.

Để thực hiện đo âm ốc tai, đòi hỏi phải có môi trường yên tĩnh, bao gồm cả phòng đánh giá và trẻ, do vậy trẻ thường được đo khi đang ngủ yên.

Máy đo âm ốc tai (OAE)

Hình: Máy đo âm ốc tai (OAE)

Đo đáp ứng thính giác thân não là gì?

Đo đáp ứng thính giác thân não (ABR) hay còn gọi là đo điện thế đáp ứng thính giác thân não, là phương pháp quan trọng trong đánh giá chức năng sau ốc tai. Nghiệm pháp này đánh giá chức năng của dây thần kinh thính giác (dây thần kinh VIII) và thân não với kích thích âm thanh thông qua các điện cực đặt ở trán, bề mặt hai xương chũm và gáy của trẻ. Kích thích âm thanh là các tiếng “click” với cường độ 35dB được đưa vào tai trẻ qua chụp tai.Đáp ứng của mỗi trẻ sẽ được so sánh với kết quả bình thường đã được cài đặt sẵn trong máy, và đưa ra kết quả “đạt” hoặc “nghi ngờ”.Trường hợp nghi ngờ sẽ cần làm thêm các nghiệm pháp khách quan khác.

Sàng lọc khiếm thính ở trẻ sơ sinh bằng đo đáp ứng thính lực thân não

Hình: Sàng lọc khiếm thính ở trẻ sơ sinh bằng đo đáp ứng thính lực thân não (Nguồn ảnh: chaodontuonglai.vn)

Nghiệm pháp này không bị ảnh hưởng bởi tiếng động trong phòng đo, tuy nhiên điện cực có thể bị nhiễu do hoạt động của hệ cơ. Vì vậy, khi tiến hành đo ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thường làm lúc trẻ đang ngủ.

Quy trình sàng lọc khiếm thính

Mục tiêu của chương trình sàng lọc khiếm thính quốc gia là sàng lọc cho 100% trẻ sinh ở bệnh viện trước khi xuất viện hoặc vào khoảng 1 tháng tuổi. Sàng lọc được thực hiện ở cả hai tai của trẻ.

Chú ý

  • Quan sát ống tai của trẻ để kiểm tra xem có ráy tai, máu, chất gây không.
  • Thay đổi tư thế của trẻ, nhất là khi trẻ đang nằm nghiêng phía bên tai chuẩn bị đo.
  • Đặt đầu dò vào trong lòng ống tai bằng cách kéo nhẹ tai lên trên và ra phía ngoài đểmở rộng ống tai.
  • Nếu lần đo thứ nhất không đạt, hãy thử:

–  Lấy đầu dò ra và kiểm tra xem có gì trong ống tai của trẻ không.

–  Thay đổi đầu dò nếu thấy cần thiết

–  Lau chùi đầu dò nếu thấy cần thiết.

–  Đặt lại đầu dò và đo lại.

Thời gian sàng lọc khiếm thính

1. Sàng lọc khiếm thính nên được thực hiện vào gần ngày xuất viện.

2. Không nên sàng lọc trước 12 giờ sau sinh, nên thực hiện sàng lọc trong khoảng thời gian từ 24 – 72 giờ sau sinh.

3. Nếu trẻ xuất viện trước 12 giờ sau sinh cần thực hiện sàng lọc khi trẻ xuất viện, nếu trẻ không đạt, cần hẹn trẻ quay lại sau 2 tuần để thực hiện sàng lọc lần thứ  hai.

4. Thực hiện sau khi trẻ đã được bú để tăng cơ hội trẻ ngủ khi thực hiện các nghiệm pháp.

5. Ở trẻ mổ đẻ, phải đợi ít nhất là 24 giờ để cho ống tai được sạch mới thực hiện lần sàng lọc đầu tiên.

6. Nếu sàng lọc khiếm thính 12 – 24 giờ sau sinh sẽ làm giảm tỷ lệ dương tính sai.

7..Nếu sàng lọc bằng nghiệm pháp đo âm ốc tai, tỷ lệ dương tính sai giảm dần trong 4 ngày đầu sau sinh.

8. Nếu trẻ bị “nghi ngờ” trong lần sàng lọc đầu tiên:

a. Nếu sàng lọc lần hai bằng đo âm ốc tai OAE: phải đợi 12 giờ trước khi thực hiện lần hai.

b. Nếu sàng lọc lần hai bằng đo đáp ứng thính giác thân não ABR: phải đợi vài giờ trước khi thực hiện lần hai.

9. Thời gian sàng lọc cho mỗi trẻ có thể thay đổi từ 3 – 6 phút tùy thuộc vào loại thiết bị và sự hợp tác của trẻ.

10. Cân nhắc việc thực hiện sàng lọc ở trẻ có tuổi thai dưới 34 tuần.

11. Nếu trẻ đang điều trị kháng sinh, trẻ vẫn nên được sàng lọc khiếm thính trước khi xuất viện.

12. Nếu trẻ bị tăng bilirubin máu: cho phép thực hiện sàng lọc nếu trẻ được điều trị bằng chiếu đèn.

13. Sàng lọc lại trong tháng đầu:

  • Sàng lọc khiếm thính lập lại nên được thực hiện trong tháng đầu cho tất cả các trẻ( nhóm bình thường hoặc nhóm được chăm sóc đặc biệt) có nguy cơ khiếm thính như tăng bilirubin máu cần thay máu hay nhiễm trùng huyết.
  • Thực hiện đo đáp ứng thính giác thân não (ABR).

Sơ đồ sàng lọc khiếm thính

Sơ đồ sàng lọc khiếm thính ở trẻ sơ sinh

Cám ơn bác sĩ BS.Lê Thanh Nhã Uyên đã chia sẻ bài viết này ​

Tài liệu tham khảo

http://chaodontuonglai.vn/modules.php?name=Tailieu&op=Tailieu_View&tlid=34