Thứ Bảy , 13 Tháng Tư 2024

Sinh non – Những điều cần biết

Bài viết thứ 6 trong 8 bài thuộc chủ đề Sinh non
 

Trẻ sinh non

Trẻ sinh thiếu tháng hay sinh non, chào đời sớm hơn trẻ đủ tháng tuổi. Sinh non xảy ra khi quá trình mang thai diễn ra ít hơn 37 tuần. Trẻ sinh đủ tháng được sinh ra trong khoảng 37-42 tuần kể từ kỳ kinh nguyệt cuối cùng của người mẹ.

Những trẻ sinh trước 32 tuần được gọi là “sinh cực non”.

Trẻ sinh non

Thông thường, nguyên nhân gây ra sinh non là không rõ ràng và không trong tầm kiểm soát của người mẹ. Tuy nhiên, đôi khi sinh non xảy ra bởi điều kiện sức khỏe và lối sống của người mẹ trong khi mang thai. Chẳng hạn như mẹ bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim hoặc thận, nhiễm trùng (đặc biệt là nhiễm trùng liên quan đến màng ối, bộ phận sinh dục và tiết niệu), thiếu dinh dưỡng trong khi mang thai, hoặc chảy máu do vị trí bất thường của nhau thai.

Ngoài ra, sinh non có thể xảy ra do cấu trúc bất thường hoặc sự giãn rộng quá mức của tử cung khi mang nhiều hơn một thai (sinh đôi, sinh ba hoặc hơn) hoặc sử dụng thuốc lá, rượu, hoặc các loại thuốc bất hợp pháp trong khi mang thai. Sinh non xảy ra thường xuyên hơn ở phụ nữ dưới 19 tuổi hoặc trên 40, hoặc người có tiền sử sinh non.

Tuy nhiên, bất kỳ phụ nữ nào cũng có khả năng sinh non với nguyên nhân không rõ.

Trẻ sinh non có những nhu cầu đặc biệt. Bởi vậy chăm sóc trẻ sinh non cũng khác đối với trẻ sinh đủ tháng. Đó là lý do trẻ sinh non thường được chuyển tới phòng chăm sóc sơ sinh tích cực (Neonatal intensive care unit-NICU). NICU được thiết kế để tạo cho trẻ một môi trường với ít căng thẳng và đáp ứng các nhu cầu cơ bản của trẻ như sự ấm áp, dinh dưỡng và sự bảo vệ để đảm bảo trẻ tăng trưởng và phát triển thích hợp.

Do những tiến bộ gần đây, hơn 90% trẻ sinh non có cân nặng 800 gram trở lên có thể sống bình thường. Những trẻ nặng hơn 600 gram có 60% cơ hội sống sót, mặc dù tỉ lệ biến chứng lớn hơn.

Trẻ sinh non có thể gặp những vấn đề sức khỏe nào?

Các nhu cầu cơ bản của trẻ sinh non

Sự ấm áp

Trẻ sinh non thường thiếu lượng mỡ cần thiết để duy trì nhiệt độ cơ thể, thậm chí khi được ủ ấm trong chăn. Do đó máy sưởi được dùng để giữ ấm cho trẻ trong NICU. Duy trì thân nhiệt trẻ trong phạm vi bình thường giúp trẻ phát triển nhanh hơn.

Những lồng ấp được làm từ nhựa trong suốt bao phủ xung quanh trẻ không những giúp giữ ấm mà còn hạn chế nhiễm trùng và hạn chế mất nước. Những xe giữ ấm là những giường giữ ấm bằng điện không có lồng chắn. Những chiếc xe này được sử dụng khi nhân viên y tế cần thường xuyên tiếp cận để chăm sóc trẻ. Có một nhiệt kế nhỏ chạm vào da trẻ sơ sinh để đo thân nhiệt và điều chỉnh nhiệt độ

Trẻ sinh non

Dinh dưỡng và phát triển

Trẻ sinh non có nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt. Bởi vì trẻ phát triển với tốc độ nhanh hơn so với những trẻ đủ tháng và hệ thống tiêu hóa của trẻ sinh non là chưa trưởng thành. Các bác sĩ nhi khoa theo dõi trọng lượng của trẻ sinh non bằng gram. Trẻ sơ sinh đủ tháng thường nặng hơn 2.500 gram, trong khi trẻ sinh non có cân nặng dao động từ khoảng 500 đến 2.500 gram.

Trẻ sinh non ăn gì? Sữa mẹ là một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời. Nhưng trẻ sinh non thì quá non nớt để nuôi trực tiếp từ vú mẹ hoặc bình sữa cho đến khi trẻ được 32 đến 34 tuần tuổi. Phần lớn trẻ sinh non phải được cho ăn từ từ để tránh nguy cơ hoại tử đường ruột (NEC), một nhiễm trùng tiêu hóa hàng đầu. Sữa mẹ và thức ăn cho các trẻ sinh non có thể được bơm thông qua một ống đi từ mũi hoặc miệng của trẻ vào dạ dày.

Sữa mẹ có ưu điểm hơn sữa bột vì có chứa nhiều protein giúp chống lại nhiễm trùng và thúc đẩy tăng trưởng. Những dưỡng chất đặc biệt có thể được thêm vào sữa mẹ (hoặc sữa bột nếu không có sữa mẹ). Vì trẻ sinh non có nhu cầu vitamin và khoáng chất cao hơn trẻ đủ tháng tuổi.

Hầu như tất cả trẻ sinh non được bổ sung canxi và phốt pho bằng cách thêm trực tiếp vào sữa mẹ hoặc bằng các loại sữa bột đặc biệt dành cho trẻ sinh non. Dinh dưỡng và khoáng chất trong máu của trẻ, chẳng hạn như đường huyết, muối, kali, canxi, phốt pho, và magiê, được theo dõi thường xuyên và chế độ ăn uống của trẻ được điều chỉnh để giữ nồng độ các chất này trong phạm vi bình thường.

Vấn đề sức khỏe chung của trẻ sinh non

Trẻ sinh non dễ bị một số vấn đề, chủ yếu là do cơ quan nội tạng của trẻ không hoàn toàn sẵn sàng để tự hoạt động. Nhìn chung, trẻ càng sinh sớm thì nguy cơ biến chứng càng cao.

Tăng bilirubin máu

Một trong những bệnh thường gặp có thể điều trị được ở trẻ sơ sinh là tăng bilirubin máu, xuất hiện ở 80% trẻ sinh non. Bilirubin là một một hợp chất tự nhiên được hình thành trong quá trình tan máu. Nồng độ bilirubin cao có thể gây ra vàng da và vàng mắt.

Mặc dù vàng da nhẹ khá phổ biến ở trẻ sơ sinh đủ tháng (khoảng 60%), nó phổ biến hơn ở trẻ sinh non. Nồng độ bilirubin quá cao có thể gây tổn thương não. Vì vậy trẻ sinh non được theo dõi và điều trị vàng da sớm, trước khi bilirubin đạt mức nguy hiểm. Trẻ sơ sinh vàng da được đặt dưới ánh đèn màu xanh đặc biệt giúp cơ thể loại bỏ bilirubin. Thay máu có thể dùng để điều trị vàng da nghiêm trọng nhưng không phổ biến.

Ngừng hô hấp

Ngừng hô hấp là một vấn đề sức khỏe phổ biến ở trẻ sinh non. Trong cơn ngưng thở ngắn, trẻ ngừng thở, nhịp tim có thể giảm, da có thể chuyển thành nhợt, tím, hoặc xanh. Ngừng hô hấp thường do sự phát triển chưa hoàn chỉnh của khu vực điều khiển sự hô hấp trong não. Hầu như tất cả các trẻ sinh ra ở 30 tuần hoặc ít hơn có hiện tượng ngừng hô hấp. Ngừng hô hấp sẽ trở nên hiểm khi trẻ lớn lên.

Trong NICU, tất cả trẻ sinh non được theo dõi hiện tượng ngừng hô hấp. Điều trị ngừng hô hấp có thể đơn giản như nhẹ nhàng kích thích trẻ sơ sinh để khởi động lại nhịp hô hấp. Tuy nhiên, khi ngưng thở xảy ra thường xuyên, trẻ sơ sinh có thể cần dùng thuốc (phổ biến nhất là caffeine) và/ hoặc một thiết bị đặc biệt để thổi một luồng không khí ổn định từ mũi vào trong đường hô hấp của trẻ.

Thiếu máu

Nhiều trẻ sinh non thiếu số lượng tế bào hồng cầu cần thiết để cung cấp đầy đủ oxy cho cơ thể. Biến chứng này được gọi là thiếu máu và có thể dễ dàng chẩn đoán bằng xét nghiệm. Các xét nghiệm có thể xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu máu và số lượng tế bào hồng cầu mới được sản xuất.

Trẻ sinh non có thể bị thiếu máu vì nhiều lý do: Trong vài tuần đầu tiên, cơ thể trẻ sơ sinh không tạo ra nhiều hồng cầu mới. Ngoài ra, các tế bào hồng cầu của trẻ sơ sinh tồn tại ngắn hơn so với người trưởng thành. Việc lấy thường xuyên các mẫu máu cho các xét nghiệm cũng làm giảm hồng cầu ở trẻ. Một số trẻ sinh non, đặc biệt là những trẻ có cân nặng dưới 1.000 gram, đòi hỏi phải truyền máu.

Cách chăm sóc trẻ sinh non

Vấn đề sức khỏe phổ biến hơn của trẻ sinh non

Huyết áp thấp

Huyết áp thấp là một biến chứng tương đối phổ biến có thể xảy ra ngay sau khi sinh. Nó có thể là do nhiễm trùng, mất máu, mất nước, hoặc các loại thuốc người mẹ dùng trước khi sinh. Huyết áp thấp có thể được điều trị bằng cách tăng dịch truyền hoặc dùng thuốc. Trẻ có huyết áp thấp do mất máu có thể cần phải truyền máu.

Hội chứng suy hô hấp

Một trong những vấn đề phổ biến nhất mà trẻ sinh non phải đối mặt ngay lập tức là khó thở. Nhiều nguyên nhân có thể gây khó thở ở trẻ sinh non, nhưng phổ biến nhất được gọi là hội chứng suy hô hấp.

Trong hội chứng suy hô hấp, do phổi của trẻ sinh non chưa trưởng thành nên không sản xuất đủ của một chất quan trọng được gọi là chất bề mặt – surfactant. Chất surfactant cho phép các bề mặt bên trong của phổi giãn ra đúng cách khi trẻ chuyển đổi từ việc thở trong bụng mẹ đến việc hít thở không khí sau khi sinh. May mắn là, suy hô hấp có thể điều trị được ở hầu hết trẻ sơ sinh.

Khi không thể ngăn cản việc sinh non, hầu hết các phụ nữ mang thai được cho uống thuốc ngay trước khi sinh để đẩy nhanh việc sản xuất surfactant trong phổi của trẻ sơ sinh và giúp ngăn ngừa suy hô hấp. Sau đó, ngay lập tức sau khi sinh và một vài lần sau đó, chất bề mặt có thể được truyền cho các trẻ sơ sinh nếu cần thiết.

Mặc dù hầu hết trẻ sinh non thiếu chất bề mặt sẽ cần máy thở trong một thời gian ngắn. Việc sử dụng chất bề mặt sẽ làm giảm đáng kể lượng thời gian trẻ sử dụng máy thở.

Loạn sản phế quản phổi

Loạn sản phế quản phổi, hoặc bệnh phổi mãn tính, là một bệnh phổi phổ biến ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là những trẻ có trọng lượng dưới 1.000 gram lúc mới sinh. Nguyên nhân chính xác của bệnh này vẫn chưa rõ ràng, nhưng trẻ sinh quá sớm, suy hô hấp nghiêm trọng, nhiễm trùng trước và sau khi sinh, và việc sử dụng kéo dài oxy và/ hoặc máy thở cần thiết để điều trị bệnh phổi đều đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của bệnh loạn sản phế quản phổi.

Trẻ sinh thiếu tháng thường được điều trị bằng thuốc và oxy khi bị loạn sản phế quản. Những trẻ sơ sinh được điều trị bằng phương pháp này thường được cải thiện sau 2 năm tuổi, nhưng nhiều trẻ tiếp tục có các triệu chứng tương tự như hen suyễn.

Nhiễm trùng

Nhiễm trùng là một mối đe dọa lớn đối với trẻ sinh thiếu tháng vì trẻ ít có khả năng chống lại vi trùng có thể gây bệnh nghiêm trọng so với trẻ đủ tháng tuổi. Nhiễm trùng có thể đến từ người mẹ trước khi sinh, trong quá trình sinh, hoặc sau khi sinh. Thực tế bất kỳ phần cơ thể nào cũng có thể bị nhiễm trùng. Để giảm nguy cơ nhiễm trùng, cần thường xuyên rửa tay trong NICU.

Nhiễm vi khuẩn có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Các loại thuốc khác được chỉ định để điều trị nhiễm virus và nấm.

Còn ống động mạch

Ống động mạch là một mạch máu thiết yếu trong hệ tuần hoàn máu của thai nhi cho phép máu đi qua phổi, vì oxy của thai máu xuất phát từ người mẹ mà không từ không khí thở.

Ở trẻ sơ sinh đủ tháng, ống động mạch đóng ngay sau khi sinh, nhưng nó thường vẫn mở ở trẻ sinh non. Khi đó, máu dư thừa chảy vào phổi và có thể gây ra khó thở và đôi khi suy tim.

Còn ống động mạch thường được điều trị bằng một loại thuốc được gọi là indomethacin hoặc ibuprofen. Ống động mạch sẽ đóng ở 80% trẻ được điều trị thuốc này. Tuy nhiên, nếu điều trị thất bại, phẫu thuật có thể được tiến hành để kẹp ống.

Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non

Mắt của trẻ sinh non đặc biệt dễ bị tổn thương sau khi sinh mà một biến chứng nghiêm trọng là bệnh võng mạc do sinh non, đó là sự phát triển bất thường của mạch máu trong mắt của trẻ. Khoảng 7% trẻ sơ sinh có trọng lượng 1.250 gram hoặc ít hơn khi sinh mắc bệnh này, và hậu quả có thể từ nhẹ (cần phải đeo kính) đến nặng (mù).

Nguyên nhân của bệnh nay ở trẻ sinh non chưa được hiểu rõ ràng. Mặc dù trước đây nồng độ oxy cao được coi là nguyên nhân chính, gần đây các nghiên cứu sâu hơn đã chỉ ra rằng nồng độ oxy (quá thấp hoặc quá cao) chỉ là một yếu tố góp phần trong sự phát triển của bệnh võng mạc ở trẻ. Trẻ sinh non được khám mắt trong NICU để kiểm tra bệnh này.

Chăm sóc đặc biệt cho trẻ sinh non

Trẻ sinh non thường cần chăm sóc đặc biệt sau khi rời NICU, thường một số bệnh viện có phòng chăm sóc cho trẻ sau phòng chăm sóc tích cực. Ngoài việc đi khám nhi và chủng ngừa mà tất cả trẻ sơ sinh thường xuyên tiến hành, trẻ sinh non phải được khám thính giác và thị giác định kỳ.

Sự phát triển thần kinh của trẻ sinh non cần được chú ý đặc biệt, bao gồm cả việc đạt được các kỹ năng vận động như mỉm cười, ngồi, đi lại cũng như hoạt động của các cơ bắp.

Cách trẻ diễn đạt ngôn ngữ và phát triển hành vi cũng là những vấn đề quan trọng trong quá trình theo dõi. Một số trẻ sinh non có thể cần ngôn ngữ trị liệu và vật lý trị liệu khi trẻ lớn lên. Trẻ có tiền sử biến chứng trong NICU có thể cần được tiếp tục chăm sóc bởi các chuyên gia y tế.

Sự hỗ trợ từ gia đình cũng rất quan trọng cho trẻ sinh non. Chăm sóc cho trẻ sinh non thậm chí còn đòi hỏi khắt khe hơn chăm sóc cho một trẻ sơ sinh đủ tháng. Phòng chăm sóc trẻ cũng cần đặc biệt chú ý đến nhu cầu của gia đình trẻ.

Tài liệu tham khảo

http://familydoctor.org/familydoctor/en/pregnancy-newborns/caring-for-newborns/infant-care/a-primer-on-preemies.html