Thứ Sáu , 29 Tháng Ba 2024

Tuyến yên và các loại u tuyến yên

Bài viết thứ 8 trong 10 bài thuộc chủ đề Các bệnh ung thư khác
 

Tuyến yên là một tuyến nhỏ đính vào phần nền não (phía sao mũi) ở vùng gọi là hố tuyến yên hay hõm yên (sella turcica). Tuyến yên thường được gọi là “tuyến chủ đạo” vì nó kiểm soát việc tiết ra các nội tiết tố (hormone) khác. Tuyến yên bình thường nặng dưới một gram, và có kích thước cỡ 1 hạt đậu tây.

Chức năng của tuyến yên có thể ví như bộ chỉnh nhiệt trong nhà. Bộ chỉnh nhiệt liên tục đo nhiệt độ trong nhà và gửi tín hiệu đến máy điều hòa để tắt hay mở nó và duy trì nhiệt độ dễ chịu ổn định trong cả căn nhà. Tuyến yên liên tục “theo dõi” các chức năng của cơ thể và gửi tín hiệu đến các cơ quan và tuyến nội tiết để điều chỉnh hoạt động của chúng và duy trì một môi trường ổn định bên trong cơ thể. Cài đặt tối ưu cho “bộ chỉnh nhiệt” phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ hoạt động, giới tính, cấu phần cơ thể,…

Tuyến yên chịu trách nhiệm kiểm soát và điều hòa các quá trình:

  • Tăng trưởng và phát triển cơ thể;
  • Hoạt động của nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể (thận, vú, tử cung,…);
  • Hoạt động của các tuyến khác (như tuyến giáp, sinh dục, tuyến thượng thận);

Cấu trúc và chức năng tuyến yên

Tuyến yên gồm hai phần riêng biệt gọi là yên trước và yên sau. Mỗi phần có những loại tế bào chuyên biệt, tiết ra những hormone khác nhau, phụ trách cân bằng những yếu tố khác nhau trong cơ thể. Tuyến yên trước có nguồn gốc từ hầu họng. Tuyến yên sau phát triển từ phần đáy não, chính xác hơn là phần kéo dài ra của vùng hạ đồi (hypothalamus). Bản thân tuyến yên cũng chịu sự chi phối của vùng hạ đồi, vùng não ngay trên tuyến yên. Vùng hạ đồi và tuyến yên hợp lại tạo thành hệ thần kinh nội tiết.

Tuyến yên trước chiếm khoảng 80% tuyến yên, bao gồm thùy trước và vùng trung gian (intermediate zone). Tuyến yên trước đảm trách phần lớn tín hiệu nội tiết gửi vào máu.

Tuyến yên sau hình thành từ rất sớm nhưng thú vị là nó lại không tạo hormone của riêng nó mà chỉ mang những đầu tận cùng thần kinh của những tế bào thần kinh (neuron) xuất phát từ hạ đồi. Những neuron này sản xuất các hormone vasopressin và oxytocin rồi vận chuyển theo cuống tuyến yên đến tuyến yên sau. Chúng được trữ ở đây và tiết vào máu khi cần.

Tuyến yên và hạ đồi cùng làm việc để điều chỉnh những hoạt động hàng ngày của cơ thể, cũng như giữ vai trò thiết yếu trong sự tăng trưởng, phát triển và sinh sản. Hạ đồi tiết các hormone để điều hòa tiết ra các hormone của tuyến yên trước. Các hormone của hạ đồi còn được gọi là các yếu tố kích tiết hay yếu tố ức chế, tùy vào ảnh hưởng của chúng lên tuyến yên trước.

Nhiệm vụ của tuyến yên là phát các tín hiệu bằng hormone để điều khiển hoạt động của các cơ quan khác. Tuyến yên tiết các hormone sau:

  • Hormone hướng vỏ thượng thận (ACTH) kích thích tuyến thượng thận tiết các hormone như cortisol hay aldosterone. Các hormone này điều hòa chuyển hóa đạm (protein) và đường, và cân bằng muối/ nước.
  • Hormone tăng trưởng (GH) – Đây là hormone chính điều hòa quá trình chuyển hóa và tăng trưởng.
  • Hormone tạo hoàng thể (LH) and hormone kích thích nang noãn (FSH) – Hai hormone này tham gia kiểm soát việc tiết ra các hormone sinh dục (estrogen và testosterone).
  • Hormone kích hắc tố bào (MSH) – MSH điều khiển quá trình tạo melanin, chất sắc tố da, thông qua các tế bào hắc tố ở da. Sự tăng sản xuất melanin sẽ làm sậm màu da. Một số bệnh lý gây tăng sản xuất MSH sẽ gây đen da.
  • Prolactin (PRL) – Hormone này kích thích tuyến vú tiết ra sữa.
  • Hormone kích giáp (TSH) – TSH kích thích tuyến giáp tiết các hormone của tuyến giáp. Hormone tuyến giáp kiểm soát chuyển hóa cơ bản và giữ vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và trưởng thành. Hormone tuyến giáp ảnh hưởng đến hầu hết cơ quan trong cơ thể.
  • Vasopressin, hay hormone kháng lợi niệu (ADH) – Hormone này tăng sự giữ nước ở thận.

U tuyến ở tuyến yên (Adenoma)

U tuyến ở tuyến yên đứng hạng thứ 4 trong các u thường gặp trong não (u nội sọ), sau u sao bào, u màng não và u tế bào bao sợi thần kinh (schwannoma). Phần lớn u là lành tínhlớn khá chậm. Ngay cả u tuyến yên ác tính cũng hiếm khi lan đến các nơi khác trong cơ thể. U tuyến (adenomas) là loại u thường gặp nhất ở tuyến yên. Độ tuổi 30-40 là thường gặp nhất, dù u cũng có thể xuất hiện ở trẻ em. Hầu hết những u này có thể điều trị được tốt. U tuyến yên rất đa dạng về kích thước và biểu hiện. Những u tiết ra hormone được gọi là u chế tiết, trong khi u không tiết ra hormone gọi là u không chế tiết.

Triệu chứng

Những u nhỏ hơn 10 mm được gọi là “microadenomas” và thường tiết ra hormone. Những u tuyến nhỏ có chức năng này thường được phát hiện sớm hơn vì sự tăng tiết hormone gây những biến đổi bất thường trên cơ thể. Khoảng 50% u tuyến yên được chẩn đoán khi chúng nhỏ hơn 5 mm. Những u lớn hơn 10mm được gọi là “macroadenomas” và thường là u không chế tiết. Những u này thường được phát hiện khi chúng chèn ép não và các cấu trúc thần kinh xung quanh và gây ra triệu chứng tương ứng.

Phần lớn triệu chứng của u tuyến yên bắt nguồn từ các rối loạn nội tiết. Rối loạn có thể là tăng tiết hormone tăng trưởng (GH), gây chứng to đầu mút tay chân (to đầu chi) hoặc chứng người khổng lồ (giantism). Rối loạn cũng có thể làm giảm sản xuất hormone như trong bệnh suy giáp. Sự mất cân bằng nội tiết có thể ảnh hưởng khả năng sinh con, kinh nguyệt, khả năng chịu nóng hay lạnh, cũng như nhiều phương diện khác của cơ thể.

Vì tuyến yên nằm ở một vị trí rất độc đáo trong sọ, khi u tuyến yên to lên có thể chèn ép các cấu trúc não quan trọng. Tình huống thường gặp nhất là chèn ép thần kinh thị giác (thần kinh số 2), dần dần làm giảm khả năng nhìn. Được gọi là mất thị trường ngoại biên, hiện tượng này thường ảnh hưởng khoảng nhìn bên ngoài (phía thái dương) ở cả hai bên.

tuyến yên

U tuyến yên chèn ép thần kinh thị làm bệnh nhân không thấy phần bên ngoài của quang cảnh.

Hình trên: ở người bình thường. Hình dưới: ở bệnh nhân

Tuyến yên các u tuyến yên

Nếu che 1 mắt lại, hiện tượng không thấy phần bên ngoài khung cảnh sẽ rõ hơn.

Nếu bạn có nhiều hơn 3 triệu chứng trong các triệu chứng dưới đây, bạn có thể bị u tuyến yên:

  • Bất thường thị giác (nhìn mờ, nhìn đôi hay sụp mi);
  • Đau đầu vùng trán;
  • Buồn nôn và ói;
  • Mất khả năng ngửi mùi;
  • Rối loạn tình dục;
  • Trầm cảm;
  • Mệt mỏi;
  • Vô sinh;
  • Rối loạn tăng trưởng;
  • Loãng xương;
  • Tăng cân không giải thích được;
  • Sụt cân không giải thích được;
  • Dễ bầm da;
  • Đau khớp;
  • Hội chứng ống cổ tay;
  • Gián đoạn kinh nguyệt;
  • Mãn kinh sớm;
  • Yếu cơ;
  • Chảy sữa (vú tiết sữa tự phát mà không có mang thai hay cho con bú).

Chẩn đoán

Khi nghi ngờ u tuyến yên, bác sĩ sẽ phải khám toàn diện, bao gồm cả khám mắt để phát hiện mất thị trường ngoại biên nếu có. Các xét nghiệm đo đạc nồng độ các hormone trong máu và nước tiểu cùng với chụp hình sọ não sẽ giúp xác định chẩn đoán. Phương tiện hình ảnh chính xác nhất để chẩn đoán là chụp cộng hưởng từ (MRI) não, kèm và không kèm chất tương phản.

Điều trị

Can thiệp sớm giúp trị khỏi hay kiểm soát u và các biến chứng của u tốt nhất. Có 3 phương pháp điều trị u tuyến yên là phẫu thuật lấy u, xạ trị tia X liều cao hay bức xạ proton để diệt tế bào u, và thuốc để làm nhỏ hoặc loại trừ u.

Phẫu thuật

  • Đường mổ qua xoang bướm tiếp cận khối u từ phía sàn sọ, thông qua mũi và hai qua đường rạch trên nướu răng hàm trên. Đường mổ này thường được chọn vì nó ít xâm hại cơ thể nhất, mang ít biến chứng, và bệnh nhân hồi phục nhanh hơn. Bệnh nhân có thể xuất viện khoảng 2-4 ngày sau khi mổ.
  • Đường mổ qua sọ thường áp dụng cho những u lớn ở mức không an toàn nếu mổ qua xoang bướm.

Phẫu thuật nội soi là một kỹ thuật mới, với khả năng xâm hại tối thiểu lên cơ thể. Phẫu thuật viên sẽ dùng ống nội soi nhỏ đi qua cuống mũi đến trước khối u ở xoang bướm và cắt bỏ khối u bằng những dụng cụ được thiết kế chuyên biệt. Những khó chịu sau mổ thường rất ít và nhẹ. Phẫu thuật nội soi là một lựa chọn cho mổ u tuyến yên, tuy nhiên phương pháp này chỉ áp dụng được cho những ca phù hợp.

Tuyến yên

Xạ trị

Xạ trị dùng bức xạ giàu năng lượng để diệt tế bào ung thư, tế bào tuyến yên bất thường và làm nhỏ khối u. Xạ trị được cân nhắc khi khối u không thể điều trị hiệu quả bằng phẫu thuật hay nội khoa.

  • Xạ trị ngoài thông thường (Standard External Beam Radiotherapy) dùng nguồn tia X không chọn lọc và chiếu tất cả các tế bào trên đường đi của chùm tia. Các phần khác của não quanh tuyến yên có thể bị tổn thương do đường đi của tia xạ.
  • Bức xạ Proton dùng loại bức xạ là hạt proton chuyên biệt chiếu tập trung vào tuyến yên. Ưu điểm của phương pháp này là ít tổn thương các mô lân cận.
  • Xạ phẫu lập thể (như Gamma Knife, hay Cyberknife) kết hợp kỹ thuật xạ trị ngoài thông thường với kỹ thuật định vị 3 chiều giúp tập trung tia xạ vào khối u từ rất nhiều hướng chiếu khác nhau, giúp giảm lượng tia ảnh hưởng lên các mô não xung quanh.

Điều trị nội khoa

Prolactinoma (hay u tiết prolactin) là thể u tuyến yên thường gặp nhất trong thực tế. Nói chung, điều trị nội khoa là bước đầu tiên trong điều trị prolactinoma. Khoảng 80% bệnh nhân sẽ đưa được prolactin về mức bình thường sau khi uống thuốc đồng vận dopamine (dopamine agonist therapy). Thuốc thường được dùng nhất là bromocriptine (Parlodel) hay cabergoline. U sẽ nhỏ dần ở hầu hết bệnh nhân tuy mức độ sẽ khác nhau tùy trường hợp. Bệnh nhân nữ sẽ có kinh lại và có thể có thai. Bromocriptine có một số tác dụng phụ nên thường được kê toa tăng liều dần dần.

Cabergoline là một loại thuốc mới có tác dụng dài nên có ưu điểm là chỉ uống hai lần một tuần và nhìn chung là có ít tác dụng phụ hơn so với bromocriptine. Cabergoline cũng cho thấy có hiệu quả trên những bệnh nhân không đáp ứng với bromocriptine.

Ở những bệnh nhân bị microadenoma, thuốc đồng vận dopamine thường được thử trước trong vài tháng, khuyến cáo chung là 6 tháng. Nếu u không đáp ứng với điều trị thuốc, khi đó phẫu thuật sẽ được xem xét.

U tiết GH có thể điều trị nội khoa với thuốc tương tự somatostatin, là một hormone ức tiết ra GH.

Tài liệu tham khảo

http://www.aans.org/en/Patient%20Information/Conditions%20and%20Treatments/The%20Pituitary%20Gland%20and%20Pituitary%20Tumors.aspx