dinh dưỡng trong hội chứng ruột ngắn - Y Học Cộng đồng https://yhoccongdong.com Dự án “Y Học cùng cộng đồng” phổ biến những kiến thức khoa học và thường thức về y học cho cộng đồng Việt Nam Tue, 12 May 2020 09:14:20 +0000 vi hourly 1 https://wordpress.org/?v=5.8.9 Hướng dẫn dinh dưỡng trong hội chứng ruột ngắn https://yhoccongdong.com/thongtin/huong-dan-dinh-duong-trong-hoi-chung-ruot-ngan/ Sun, 14 Jul 2019 15:14:15 +0000 https://yhoccongdong.com/?p=29446 hướng dẫn dinh dưỡng trong hội chứng ruột ngắn

Hội chứng ruột ngắn là một nhóm các triệu chứng xảy ra sau khi phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột khi phần ruột còn lại chưa kịp thích nghi để duy trì chức năng của hệ tiêu hóa bình thường.

Bài viết Hướng dẫn dinh dưỡng trong hội chứng ruột ngắn được xuất bản tại Y Học Cộng đồng.

]]>
hướng dẫn dinh dưỡng trong hội chứng ruột ngắn

Biên dịch: BS.TS Đào Thị Yến Phi, Hoàng Thu Hà

Hiệu đính: BS Hoàng Đình Tuy, TS.BS Phạm Nguyên Qúy

Thông tin này sẽ giúp bạn duy trì dinh dưỡng tốt sau phẫu thuật cắt bỏ ruột.

Nhắc lại vài đặc điểm về cấu trúc và chức năng của ruột

Ruột bao gồm ruột non và ruột già (còn gọi là đại tràng hay ruột kết). Ruột là bộ phận quan trọng của ống tiêu hoá, giữ vai trò tiêu hoá thức ăn thành chất dinh dưỡng và giúp hấp thụ chất dinh dưỡng từ ruột vào máu.

  • Ruột non là đoạn ống tiêu hóa giữ vai trò chính trong tiêu hóa thức ăn và hấp thụ chất đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin, chất khoáng và một phần nước. Ruột non dài chừng 4.5m tới 6m và chia làm ba đoạn. Đoạn đầu tiên là tá tràng, đoạn thứ hai là hỗng tràng và đoạn thứ ba là hồi tràng. Mỗi đoạn có vai trò khác nhau trong tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng khác nhau
  • Ruột già hấp thụ nước, các chất khoáng và vitamin B12. Ruột già dài khoảng 150 cm.

Ngoài các chất dinh dưỡng được hấp thu vào máu, có một chất dinh dưỡng quan trọng là chất xơ, dù chỉ luôn tồn tại trong lòng ống tiêu hóa, nhưng lại có vai trò sống còn trong điều hòa nhu động ruột và nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột, hỗ trợ hấp thu các chất dinh dưỡng.

Khi một phần ruột bị cắt bỏ, phần còn lại có thể thích nghi dần để đảm bảo chức năng của ống tiêu hóa. Các phần ruột còn lại sẽ có khuynh hướng thay đổi cấu trúc để có thể hấp thu được các chất dinh dưỡng mà trước đây được hấp thu bởi phần ruột đã bị cắt bỏ. Điều này có nghĩa là nếu như phải cắt bỏ đi một vài đoạn ruột thì bạn vẫn có thể được nuôi dưỡng bình thường với đoạn ruột còn lại. Tuy nhiên, cần một ít thời gian cho quá trình thích nghi của ruột. Giai đoạn ngay sau khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể không hấp thụ chất dinh dưỡng, chất lỏng, vitamin và chất khoáng so với lúc trước mổ.

Hội chứng ruột ngắn

Hội chứng ruột ngắn là một nhóm các triệu chứng xảy ra sau khi phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột khi phần ruột còn lại chưa kịp thích nghi để duy trì chức năng của hệ tiêu hóa bình thường. Bạn có thể làm giảm các triệu chứng này bằng cách tuân thủ các hướng dẫn trong tài liệu này.

Các triệu chứng/dấu hiệu thường gặp của hội chứng ruột ngắn

  • Bụng đầy hơi: bụng chướng nhẹ hay nhiều, gõ vang
  • Chuột rút: còn gọi là vọp bẻ, tình trạng các cơ bị co cứng
  • Tiêu chảy (phân lỏng hoặc phân toàn nước), đi cầu nhiều lần trong ngày, đi cầu ngay sau bữa ăn
  • Mất nước: tiểu ít, khát nước, khô da…
  • Sụt cân

Chế độ ăn trong Hội chứng ruột ngắn

Trong thời gian chờ ruột phục hồi, bạn cần tuân thủ các hướng dẫn trong cẩm nang này. Bạn cũng có thể ăn theo thực đơn mẫu có ở cuối cẩm nang

Ăn làm nhiều bữa nhỏ

Bạn nên ăn khoảng 6 tới 8 bữa ăn nhỏ trong ngày. Ăn các bữa ăn nhỏ cách đều nhau sẽ giảm áp lực lên phần ruột còn lại và không làm căng vết nối ruột. Các bữa ăn với ít thức ăn cũng dễ tiêu hóa và hấp thu nhanh vào máu hơn nên làm giảm các triệu chứng ứ đọng thức ăn trong lòng ruột. Nên ăn chậm và nhai kỹ.

Khi đường ruột đã thích ứng, tức là khi các triệu chứng giảm đi, bạn có thể từ từ quay trở về chế độ ăn 3 bữa trong ngày.

Uống ít nước trong bữa ăn

Ăn hoặc uống nhiều chất lỏng cùng với bữa ăn đẩy thức ăn đi qua ruột nhanh hơn, có nghĩa là bạn có thể không tiêu hóa hoặc hấp thụ đủ chất dinh dưỡng. Tốt nhất là không nên uống thêm nước trong bữa ăn, vì bạn còn ăn nước canh hoặc nước của các món nước như phở, hủ tíu… Tổng lượng nước cho mỗi bữa ăn ngoài thức ăn khô không nên vượt quá 120 ml (khoảng ½ chén ăn cơm). Nếu có uống canh hay súp trong bữa ăn, nên chia đều lượng chất lỏng này ra từng phần trong thời gian ăn, không nên uống dồn toàn bộ nước một lần.

Ăn đủ chất dinh dưỡng theo nhu cầu hàng ngày

  • Chất đạm: các ví dụ về thức ăn giàu đạm gồm.
o   Cá

o   Thịt gia cầm (gà vịt)

o   Thịt (bò, lợn và cừu)

o   Trứng

o   Đậu phụ

o   Các sản phẩm sữa (sữa, pho mát)

o   Bơ lạc xay nhuyễn và các loại bơ hạt khác như là bơ hạnh nhân

Lượng đạm trung bình 1-1,2 g/kg cân nặng /ngày. Ví dụ bệnh nhân 50 kg cần 50-60 g đạm/ngày. Khoảng 25g-30g (50%) đã được cung cấp từ các loại ngũ cốc (gạo, bánh mì…); như vậy cần cung cấp thêm 25g-30g từ nguồn thực phẩm giàu đạm. Mỗi 100g thực phẩm giàu đạm sẽ cung cấp 17-20% đạm. Như vậy, người nặng 50 kg cần ăn khoảng 150g-200g thịt hay cá nạc mỗi ngày.

  • Chất bột đường phức tạp có lượng xơ thấp hoặc đã tinh chế. Ví dụ:
    • Bánh mì trắng
    • Ngũ cốc
    • Khoai tây bóc vỏ, khoai lang
    • Gạo trắng
    • Mì sợi, bún, miến

Lượng chất bột đường trung bình chiếm khoảng 50% năng lượng khẩu phần, tức là một bệnh nhân hội chứng ruột ngắn nặng khoảng 50kg sẽ cần khoảng 750 kcal từ chất bột đường, tương đương khoảng 3 chén chất bột mỗi ngày, hay ½ chén chất bộ mỗi bữa ăn.

  • Ăn chất béo vừa phải. Ví dụ về thức ăn nhiều béo:
o   Dầu ăn

o   Bơ

o   Bơ thực vật

o   Mayonnaise

o   Các loại nước chấm

o   Xốt kem

o   Nước trộn sa lat

Ví dụ trét ít bơ lên trên bánh mì nướng hoặc thêm chút sốt mayonnaise và món sà lách thì có thể chấp nhận được, nhưng không nên ăn thức ăn rán ngập dầu.

Nếu bạn bị cắt mất đoạn dài hồi tràng (đoạn cuối của ruột non) thì bữa sáng bạn nên ăn chất béo nhiều hơn và giảm dần chất béo ở các bữa trưa, chiều tối.

  • Ăn ít đường. Ví dụ thức ăn có đường gồm:
    • Đường (bánh quy giòn, bánh ngọt, kẹo, sô cô la, chè, trà sữa, nước hoa quả)
    • Các loại xi rô
    • Mạch nha
    • Mật ong

Bạn nên tập thói quen ăn không quá ngọt, và không nên lạm dụng các chất tạo ngọt nhân tạo.

  • Cung cấp đủ nhu cầu nước hàng ngày
  • Tổng lượng nước bạn cần trong ngày được ước tính = 40 ml x cân nặng. Ví dụ một người nặng 50 kg sẽ cần 2000ml nước/ngày (tương đương khoảng 8 ly nước loại 250 ml mỗi ngày). Lưu ý là tổng lượng nước này được cung cấp qua tất cả các dạng thức uống và thức ăn lỏng (như canh, cháo), nên bạn cần trừ hết các phần nước từ thức ăn mới ra lượng nước lọc phải uống hàng ngày.
  • Tránh đồ uống rất nóng hoặc rất lạnh
  • Chọn đồ uống ít đường sẽ giúp giảm nguy cơ mất nước. Ví dụ: nước, cà phê, nước trà, sữa, hoặc nước ép hoa quả pha loãng với nước. Lưu ý: cà phê có thể có tác dụng nhuận tràng ở một số người.

Một số lưu ý đặc biệt

Hạn chế lactose khi không dung nạp lactose

Lactose là một loại đường có trong sữa và các sản phẩm sữa. Triệu chứng của không dung nạp lactose là chướng bụng đầy hơi, chuột rút, tiêu phân lỏng, đau rát hậu môn… Các triệu chứng này thường bắt đầu trong vòng 30 phút sau ăn hoặc uống sản phẩm sữa.

Trong trường hợp này, tốt nhất là bạn nên sử dụng các sản phẩm sữa đã được loại bỏ lactose (sữa lactose free). Nếu bạn có thể ăn được ít sữa chua, bạn cũng có thể dùng khoảng 100 ml/ngày.

Hạn chế oxalate sau khi cắt bỏ hồi tràng

Nếu bạn đã cắt bỏ hồi tràng và còn nguyên ruột già thì bạn cần ăn chế độ ăn ít oxalate. Oxalate có trong nhiều loại thực phẩm và có thể gây sỏi thận. Tránh các thức ăn và đồ uống có hàm lượng oxalate cao như:

  • Trà
  • Cà phê
  • Nước ngọt có ga
  • Sô cô la
  • Các loại hạt
  • Các sản phẩm từ đậu nành
  • Rau lá xanh
  • Khoai lang
  • Cần tây
  • Trái cây họ dâu tây
  • Quýt
  • Cây đại hoàng
  • Củ cải
  • Mầm lúa mì

Bạn nên hỏi ý kiến Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trong trường hợp cần áp dụng chế độ ăn này.

Chọn lọc chất xơ

Chất xơ, đặc biệt là chất xơ không hòa tan không tiêu hóa và làm cho khối phân to hơn, có thể gây ra nguy cơ cho tình trạng ruột ngắn của bạn. Chất xơ không hòa tan có nhiều trong các ngũ cốc nguyên cám, gạo lứt, rau củ…

Các dạng chất xơ hòa tan thường an toàn hơn vì khi vào trong hệ tiêu hoá sẽ tạo thành dung dịch nhầy vừa phải, giúp tiêu hóa hấp thu chậm đi mà ít làm tăng áp lực lên ruột ngắn của bạn. Thức ăn có chất xơ hòa tan gồm:

·       Yến mạch

·       Đại mạch

·       Đậu nành

·       Các loại hạt khô

·       Hoa quả

·       Psyllium (Chất bổ sung chât xơ)*

·       Đậu hạt các loại

·       Rau đay

·       Mồng tơi

  • Nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ trước khi uống các chất bổ sung.

Nhiều loại thực phẩm cung cấp cả chất xơ hòa tan và không hòa tan. Bạn có thể tham khảo thêm trong danh sách dưới đây

Thực phẩm nên dùng
Thực phẩm có chất xơ hòa tan Thực phẩm ít chất xơ
  • Hoa quả đóng hộp
  • Hoa quả đã gọt vỏ, không còn màng mỏng hoặc hạt
  • Bơ lạc xay nhuyễn và các loại bơ hạt khác
  • Yến mạch và các sản phẩm yến mạch khác
  • Đại mạch
  • Các loại đậu hạt (như là đậu gà, đậu lima, đậu đỏ, và đậu lăng). Cẩn thận: các loại đậu hạt có thể gây đầy hơi. Hãy bắt đầu ăn thử lượng ít khoảng ¼ tách.
  • Cốm mì, cốm gạo, ngũ cốc làm từ bắp và các ngũ cốc khác (mỗi phần ăn chỉ chứa tối đa 1 gam ngũ cốc).
  • Gạo trắng
  • White bread, matzoh, and Italian bread without seeds
  • Bánh mì trắng, bánh mì ngũ cốc, bánh mì Ý có trộn các loại hạt.
  • Mì thông thường (không phải từ bột mì thô nguyên cám)
  • Khoai tây nướng hoặc nghiền bỏ vỏ

 

 

Thực phẩm nên tránh

Thực phẩm có chất xơ không tan Thực phẩm khó tiêu
  • Bánh mì nguyên cám, bánh quy nguyên cám, ngũ cóc nguyên cám và các sản phẩm nguyên cám khác
  • Lúa mì lứt
  • Các loại hạt nguyên vỏ, dừa
  • Vỏ và hạt trái cây
  • Hoa quả sấy khô

Cách ăn rau

Sau khi phẫu thuật, bạn sẽ gặp khó khăn khi tiêu hóa các loại rau chưa nấu chín. Vì vậy, chỉ nên ăn rau đã nấu chín mềm, chọn lọc từ danh sách dưới đây. Đầu tiên chỉ nên ăn khoảng ½ chén sau đó tăng dần, nhai thật kỹ. Nếu triệu chứng tiêu hóa không nặng lên, bạn có thể tăng từ từ lượng rau nấu chín. Khi đường ruột đã ổn định tốt với rau nấu, bạn có thể thử một chút rau sống.

Các loại rau ăn “thường được dung nạp tốt” được liệt kê trong danh sách dưới đây. Hãy tránh các loại ra dễ gây đầy bụng hoặc khó chịu.

Thường được dung nạp tốt     Có thể gây đầy bụng hoặc khó chịu
  • Cà rốt
  • Đậu cô ve
  • Rau chân vịt, cải bó xôi
  • Củ cải đỏ
  • Khoai tây bỏ vỏ
  • Ngọn măng tây
  • Rau diếp
  • Dưa chuột gọt vỏ, bỏ hạt
  • Sốt cà chua và cà chua bỏ vỏ và hạt
  • Bí bầu bỏ vỏ và hạt
  • Hành tây
  • Bông cải trắng
  • Bông cải xanh
  • Bắp cải
  • Đậu hạt như là đậu lăng, đậu gà, đậu lima, và đậu đỏ
  • Ngô (bắp)
  • Cải xoăn
  • Đậu Hà Lan

Việc sử dụng các chế phẩm bổ sung Vitamin và khoáng chất

Sau phẫu thuật, chắc chắn bạn sẽ ăn uống giảm đi, vì vậy có khi cần phải bổ sung thêm 1 viên multivitamin mỗi ngày để đảm bảo không bị thiếu hụt vi chất. Nên dùng loại viên bổ sung có hàm lượng các vi chất dinh dưỡng vừa đủ theo nhu cầu.

Trong một số trường hợp, Bác sĩ sẽ đề nghị dùng một số vitamin và chất khoáng cụ thể với liều cao hơn. Ví dụ:

  • Vitamins A, D, and E: Cần khi cắt gần hết hồi tràng. Nên dùng dạng thuốc tan trong nước.
  • Vitamin B12: Khi cắt phần cuối hồi tràng và đại tràng, cần tiêm vitamin B12 mỗi 1-3 tháng.
  • Canxi: Cần bổ sung khi cắt bỏ hồi tràng, còn nguyên ruột già.
  • Kali: Thường bị thiếu khi đi tiêu chảy nhiều. Tốt nhất nên bổ sung kali qua thực phẩm như khoai tây, cà chua, chuối… Các loại thuốc bổ sung kali có thể gây làm tăng nhịp tim và gây nguy cơ tim mạch, nên chỉ nên dùng khi được bác sĩ kê toa và theo dõi sát.
  • Kẽm: Nếu bạn bị đi ngoài nhiều, hãy hỏi bác sĩ xem có cần uống thêm kẽm hay không.

Dung dịch bù nước đường uống

Khi tiêu phân lỏng nhiều lần trong ngày, ngoài mất nước, có thể mất kèm các chất điện giải như kali, natri. Bạn có thể tự mua các loại dung dịch bù nước và pha theo đúng hướng dẫn, không cần chờ kê toa. Tổng số lượng nước cần uống vào bằng với lượng dịch đi ra. Lưu ý rằng dung dịch bù nước này không phải là loại dung dịch bù nước khi chơi thể thao; hai loại dung dịch này có thành phần chất dinh dưỡng hoàn toàn khác nhau

Các chất bổ sung dinh dưỡng dạng lỏng (công thức dinh dưỡng)

  • Nếu bạn sụt cân, bạn có thể cần bổ sung dinh dưỡng có lượng calo cao. Luôn cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về điều này, vì các công thức dinh dưỡng này có thành phần khác nhau, chọn sử dụng loại nào tuỳ thuộc nhiều yếu tố như loại phẫu thuật, kiểu suy dinh dưỡng và rối loạn chuyển hoá…
  • Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể khuyến nghị chất bổ sung đặc biệt cho bạn có hàm lượng đường thấp và có các thành phần “đã được tiêu hóa sơ bộ” để dễ hấp thụ. Họ cũng có thể khuyến nghị triglycerides mạch trung bình (MCT), là một loại chất béo dễ tiêu hóa để có thêm calo.
  • Nếu bạn không thể ăn hoặc uống các công thức dinh dưỡng, hãy thử “sữa tăng cường” trong phần dưới. Nó làm tăng lượng calo và protein trong chế độ ăn của bạn.

Cách pha chế sữa tăng cường

  1. Trộn 960ml sữa tươi với 130g sữa bột. Bạn có thể dùng bất kỳ loại sữa nào (như là sữa nguyên kem, 2%, 1% chất béo, sữa tách kem…)
  2. Trộn kỹ các thành phần.
  3. Để trong tủ lạnh

Hỗn hợp này tạo nên 4 phần sữa tăng cường.

Tùy theo loại sữa bạn dùng để trộn sữa tăng cường mà giá trị dinh dưỡng cho mỗi lần uống (240ml) sẽ là

  • Sữa nguyên kem: 230 calo, 16 gam protein
  • Sữa 2% chất béo: 200 calo, 16 ham protein
  • Sữa 1% chất béo: 180 calo, 16 gam protein
  • Sữa tách bơ: 160 calo, 16 gam protein

Hướng dẫn ghi nhật ký ăn uống

Ghi nhật ký ăn uống hàng ngày là cách thức hữu ích để tìm ra thức ăn nào là tốt nhất cho bạn. Các thông tin cần ghi lại trong nhật ký ăn uống là:

  • Thời gian bạn ăn bữa ăn, bữa phụ hoặc uống
  • Tên của thực phẩm hoặc đồ uống
  • Lượng thực phẩm hoặc đồ uống bạn đã ăn vào
  • Bất kỳ triệu chứng nào bạn có

Nếu bạn được mở thông hồi tràng hoặc có hậu môn nhân tạo, hãy ghi lại lượng phân thải ra trong 1 tuần (tổng lượng phân của tất cả những lần bạn đổi túi hoặc trút bỏ phân ra khỏi túi. Khi lượng phân đã ổn định, không còn khác biệt giữa mỗi ngày thì chỉ cần ghi mỗi tháng một lần, mỗi lần đo 1-2 ngày. Nhớ mang thông tin này khi đi khám bác sĩ. Nếu bạn thấy phân có thay đổi thì đo thường xuyên hơn và nói với bác sĩ.

Thực đơn mẫu

Bữa sáng: 7 giờ Bữa tăng cường: 8 giờ  
  • 1 chén bánh hủ tíu hay phở
  • 50 g thịt heo hay thịt gà nạc
  • 1 trái chuối cau
240 ml sữa tăng cường
Bữa phụ 1: 9 giờ 30 Bữa tăng cường: 10 giờ
  • 3 cái bánh quy hay bánh lạt
  • 100 g trái cây lạt tùy ý
120 ml sữa tăng cường
 

Bữa trưa: 11 giờ

Bữa tăng cường: 12 giờ
  • 1 chén cơm
  • 60 g cá thu kho thơm
  • 1 chén canh rau dền nấu tôm
  • 1 trái quít
1 ly sinh tố dâu hay bơ ít đường, có thêm 30 g sữa bột.
Bữa phụ 2: 15 giờ Bữa tăng cường: 16 giờ
  • 150 ml sữa chua hoặc 1 cái bán flan
·       240 ml sữa tăng cường

 

 

Bữa tối: 18g Bữa tăng cường: 19g
  • 1 chén cơm
  • 30 g thịt heo nạc
  • 1 cái trứng gà nhỏ 60 g
  • 1 chén canh bí đỏ nấu với tôm tươi
  • 1 miếng thanh long
·       120 ml sữa tăng cường
Bữa phụ 3: 22g
  • 1 lát bánh mì trắng
  • 1 miếng phô mai mềm
  • 120 ml sữa tăng cường

Tài liệu tham khảo

https://www.mskcc.org/cancer-care/patient-education/nutrition-guidelines-patients-short-bowel-syndrome

 

Bài viết Hướng dẫn dinh dưỡng trong hội chứng ruột ngắn được xuất bản tại Y Học Cộng đồng.

]]>