hoang mang - Y Học Cộng đồng https://yhoccongdong.com Dự án “Y Học cùng cộng đồng” phổ biến những kiến thức khoa học và thường thức về y học cho cộng đồng Việt Nam Mon, 21 Dec 2020 08:57:50 +0000 vi hourly 1 https://wordpress.org/?v=5.8.9 Nói với con thế nào khi chúng ta mắc ung thư https://yhoccongdong.com/thongtin/noi-voi-con-the-nao-khi-chung-ta-mac-ung-thu/ Sun, 21 Jul 2019 05:03:55 +0000 https://yhoccongdong.com/?p=29584 Nói với con thế nào khi chúng ta mắc ung thư

Có một số điều cơ bản mà chắc chắc chúng ta cần trao đổi với con trẻ về căn bệnh cha mẹ mắc phải, sống với ba mẹ có ung thư thì sẽ như thế nào và liệu con có thể làm được những gì.

Bài viết Nói với con thế nào khi chúng ta mắc ung thư được xuất bản tại Y Học Cộng đồng.

]]>
Nói với con thế nào khi chúng ta mắc ung thư

Biên dịch: Trương Nguyễn Xuân Quỳnh

Nhân viên xã hội trong lĩnh vực y tế

Bộ môn Tham vấn – Khoa Công tác xã hội – Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM

Mọi người đều xứng đáng được biết

Bất kì ai nhận được chẩn đoán ung thư cũng trải qua nhiều khó khăn trong việc chấp nhận tình trạng bệnh, sắp xếp kế hoạch điều trị và xoay sở với nhiều lắng lo trong cuộc sống. Với những anh chị mắc ung thư khi đang làm cha mẹ, đặc biệt là con ở độ tuổi nhỏ thì mọi thứ dường như còn khó khăn hơn. Một câu hỏi lớn mà nhiều bậc làm cha làm mẹ đang điều trị ung thư băn khoăn là: “Liệu có nên nói cho con rằng ba (mẹ) đang mắc ung thư hay không?”. Có lẽ, đa phần trả lời: KHÔNG.

Một lẽ rất tự nhiên là chúng ta muốn bảo vệ con trẻ trước những nỗi hoang mang và đau khổ. Vì chúng ta nghĩ là: nếu con không biết thì con sẽ không bị tổn thương. Ai mà chẳng muốn giữ lại cho con trẻ sự thơ ngây và vô tư. Và chúng ta quyết định giữ im lặng

Tuy nhiên, đôi lúc, im lặng không phải là vàng.

Ba mẹ cho rằng các con không biết được được điều gì đang xảy ra? Các con cảm nhận được. Kể cả các bé nhỏ tuổi nhất cũng biết rằng có chuyện gì đó trong nhà và ba mẹ đang giấu diếm hoặc lờ các con đi.

Ba mẹ sẽ giải thích thế nào với con về mọi sự xáo trộn trong gia đình sắp tới? Những thay đổi trong lịch sinh hoạt, ngoại hình hay cảm xúc của ba mẹ quá dễ để con nhận thấy.

Nói với con thế nào khi chúng ta mắc ung thư

Một số ba mẹ thường tìm cách chống chế các câu hỏi của con bằng một lời nói dối mà ba mẹ nghĩ là sẽ làm các con an tâm hơn như: Mẹ ăn nhiều đồ chua nên bị đau bụng thường xuyên; Nóng quá nên ba cạo tóc cho mát; mẹ ăn ít nên bị sụt cân… Nhưng nếu con đã ở độ tuổi có nhận thức tốt hoặc tuổi vị thành niên, liệu những lời nói dối đó có hiệu quả?

Những cách chúng ta cho rằng là tốt, đôi khi chỉ càng làm cho các con hoảng sợ, lo âu và bối rối nhiều hơn, thay vì cảm thấy vô tư và vui vẻ. Đó là chưa kể, các con có thể nghe lỏm được ba mẹ nói chuyện hoặc nghe từ người khác. Các con cũng có thể lên mạng và tìm hiểu về những triệu chứng mà ba mẹ có và càng thấy lo hơn.

Như vậy, tốt nhất, chúng ta NÊN cân nhắc việc nói với con về tình trạng bệnh của mình.

Nhưng nói như thế nào với con?

Tùy vào độ tuổi và mức nhận thức của trẻ mà chúng ta có thể cân nhắc nhiều cách nói chuyện với các con. Ba mẹ có thể tham khảo những gợi ý dưới đây.

  • Gọi đúng tình trạng bệnh: Đừng lừa phỉnh hay nói giảm nói tránh bằng bất kì cái tên không đầy đủ hay gây khó hiểu nào như “khối u”, “tế bào bệnh”, hay “ chỗ không khỏe” … Hãy mạnh dạn nói với con đó là ung thư vú hoặc khối u ở não hay máu trắng.
  • Hãy trực tiếp nói với con sớm nhất có thể: Chắc chắn chúng ta không muốn con nghe phong phanh về việc ba mẹ mắc ung thư từ người khác, hoặc để con tự tìm hiểu bằng những phỏng đoán của mình. Do vậy, hãy cố gắng nói với con khi cả gia đình mình đã sẵn sàng và thống nhất với nhau.

Nói với con thế nào khi chúng ta mắc ung thư

  • Hãy để con hỏi mọi điều con thắc mắc: Chắc chắn tin mà con nhận được quá mới, con sẽ có nhiều thắc mắc. Dù khó, nhưng ba mẹ hãy khuyến khích con hỏi và trả lời con. Có nhiều khi các con sẽ quá bối rối để diễn tả thắc mắc của mình, ba mẹ cần kiên nhẫn và tìm xem con thực sự muốn hỏi điều gì. Một số câu hỏi thẳng thắn có thể khiến chúng ta bối rối hay đau lòng, chúng ta có thể hẹn con là sẽ trả lời con khi ba mẹ sẵn sàng. Việc trả lời con những câu hỏi về cái chết sẽ được chia sẻ trong một bài viết khác.
  • Thành thực với con không có nghĩa là phải giải thích cho con mọi chi tiết: Tùy vào độ tuổi của con, ba mẹ có thể tìm cách giải thích phù hợp để con hiểu. Nếu con còn nhỏ, chúng ta có thể nhờ giáo viên của con hoặc người có chuyên môn làm việc với trẻ em tư vấn. Với các con ở độ tuổi lớn hơn và có thể dùng mạng internet, hãy cùng còn tìm kiếm thông tin trên mạng.
  • Nếu con không muốn nói chuyện, hãy tôn trọng con: Trong một số trường hợp, trẻ có thể sẽ hoảng và không muốn nói về việc này với ba mẹ. Đó là vì các con chưa sẵn sàng. Chúng ta nên tôn trọng con nhưng cũng nhớ nói với con là con có thể hỏi ba mẹ bất kì lúc nào con muốn.
  • Đừng để con lo lắng một mình: Ông bà và ba mẹ có thể khuyến khích con nói ra những nỗi lo lắng. Nhiều bé sẽ rất lo lắng khi biết ba mẹ có bệnh giống như trên phim truyền hình mà mình thường thấy. Con cũng có thể nghe người ta xì xào về bệnh ung thư ở đâu đó. Do vậy, hãy khuyến khích con chia sẻ. Nếu con gần gũi với ai đó trong gia đình, họ hang hoặc thầy cô, chúng ta cũng có thể nhờ họ giúp đỡ. Ba mẹ có thể trấn an con là tình trạng bệnh và giai đoạn bệnh của mỗi người khác nhau, kết quả điều trị cũng sẽ rất khác biệt.

Nói với con thế nào khi chúng ta mắc ung thư

  • Cố gắng duy trì lịch sinh hoạt của con ổn định: Một trong những cách giúp con không quá hoang mang là cố gắng ít xáo trộn cuộc sống của con. Việc này thường khó do chính đời sống của chúng ta cũng bị thay đổi, nhưng nếu thấy khó, ba mẹ có thể nhờ sự hỗ trợ của ông bà, họ hàng.
  • Dành thời gian cho con: Việc điều trị kéo dài thường làm chúng ta mệt mỏi và và mất năng lượng tích cực dành cho gia đình. Đừng để con cảm thấy mất tình thương và sự quan tâm của ba mẹ. Nhiều bé hiểu chuyện sẽ không đòi hỏi ba mẹ chăm sóc mình nhiều nhưng các con cũng sẽ bị tổn thương, Cũng không cần cố dành quá nhiều quan tâm chăm sóc hoặc nuông chiều con hơn trước kia. Chúng ta chỉ cần duy trì thời gian vốn có dành cho con, để con cảm thấy được an toàn và được quan tâm.

Nói cho con biết những gì?

Cũng tùy vào độ tuổi và mức độ nhận thức của các bé mà chúng ta có thể nói nhiều hay ít với con về ung thư. Nhưng có một số điều cơ bản mà chắc chắc chúng ta cần trao đổi với con trẻ về căn bệnh cha mẹ mắc phải, sống với ba mẹ có ung thư thì sẽ như thế nào và liệu con có thể làm được những gì.

Về ung thư

  • Việc ba mẹ bị ung thư không phải lỗi của con, không phải tại con hư, tại con quấy hay không vâng lời. Cho nên nếu ai đó nói với con là vì con ba mẹ mắc ung thư thì con không được nghe họ. (vài trường hợp con trẻ bị đổ lỗi vì kị tuổi hay kị mạng với ba mẹ)
  • Ba mẹ mắc ung thư không có nghĩa là ba mẹ sẽ chết. Có rất nhiều cô chú cũng mắc ung thư và họ sống rất lâu với căn bệnh đó.
  • Con không thể làm cho ba mẹ khỏi bệnh, nhưng nhờ có con, ở cạnh con, ba mẹ có thể thấy vui hơn, dễ chịu hơn.
  • Rất nhiều các cô chú là nhà khoa học đang nghiên cứu để tìm cách điều trị ung thư

Sống chung với ung thư

  • Không chỉ có một mình con có ba mẹ mắc ung thư. Có những bạn nhỏ khác cũng có chung hoàn cảnh.
  • Việc con cảm thấy buồn, giận dữ hay sợ hãi đều là bình thường. Không sao cả.
  • Con không thể làm gì để thay đổi việc ba mẹ mắc ung thư
  • Có thể ông bà, cô chú hay họ hàng sẽ cư xử với con hơi lạ so với thường ngày, chỉ vì họ đang lo lắng cho con thôi.

Vậy con có thể làm gì cho ba mẹ

  • À, có rất nhiều việc con có thể giúp ba mẹ như rửa chén bát, dọn dẹp nhà cửa để ba hoặc mẹ đỡ mệt hơn, hoặc đơn giản con chỉ cần vẽ tặng mẹ một bức tranh.
  • Con nên đi học bình thường, chơi thể thao, sinh hoạt văn nghệ và vui chơi với bạn bè. Không phải vì ba mẹ mắc ung thư mà con cần phải ở nhà và bỏ lỡ nhiều niềm vui.
  • Con có thể chia sẽ những lo lắng hay suy nghĩ của con cho những người lớn mà con tin tưởng như thầy cô, họ hàng, cha xứ hay sư thầy…

Con trẻ có thể sẽ phản ứng ra sao

Tùy vào từng bé mà phản ứng có thể rất khác nhau. Những phản ứng này không chỉ xuất hiện khi con nghe tin ba mẹ có ung thư mà còn xuất hiện trong cuộc sống sau này. Con có thể có những phản ứng sau:

  • Bối rối, sợ hãi, cô đơn…
  • Cảm thấy có lỗi và nghĩ là do con làm gì đó sai mà ba mẹ mắc bệnh
  • Cảm thấy tức giận mỗi khi người lớn kêu con im lặng hoặc làm nhiều việc nhà hơn.
  • Lơ là việc học hoặc không muốn tham gia các hoạt động thường có trước đây như đi học võ, chơi đá banh với bạn, sinh hoạt đội văn nghệ hay đi nhà thờ/chùa…
  • Cư xử con nít hơn giống như trước đây. Ví dụ bé 10 tuổi có thể mè nheo và nhõng nhẽo như khi con lên 7.
  • Gây sự hoặc gây rối ở trường lớp hoặc ở nhà.
  • Muốn ở lì trong nhà và sợ ra ngoài.

Trên đây là bài viết tổng hợp các ý kiến có được từ kinh nghiệm nghiên cứu và thực hành cùng các đồng nghiệp từ nhiều nơi, đặc biệt là từ tài liệu dướng dẫn của các anh chị nhân viên xã hội ở Bệnh viện Đa khoa Massachuset tại Boston.

Tài liệu tham khảo

Https://www.cancer.gov/about-cancer/coping/adjusting-to-cancer/talk-to-children?Fbclid=iwar1ooxiqitermg14avft8ailaqhxf4zjty3fggnk4qomazi1yfulwtmsvmg#what

Bài viết Nói với con thế nào khi chúng ta mắc ung thư được xuất bản tại Y Học Cộng đồng.

]]>