Thứ Sáu , 12 Tháng Tư 2024

Bạn cần làm gì khi bị hóc xương

Bài viết thứ 10 trong 20 bài thuộc chủ đề Các bệnh Tai Mũi Họng
 

Tổng quan

Dị vật đường ăn là những vật mắc lại trên đường ăn từ họng tới tâm vị.

Gặp ở người lớn nhiều hơn trẻ em, nam nhiều hơn nữ. Các loại dị vật hữu cơ và có hình thái sắc nhọn như: xương gà, cá,.. dễ gây viêm nhiễm và biến chứng hơn dị vật vô cơ, hình thái tròn, tù. Dị vật thường gặp nhất là xương cá.

Tổng quan vùng hầu họng – thanh quản

Họng là ngã tư đường ăn và đường thở, phía trên nối liền với mũi, phía trước thông với khoang miệng, phía dưới là nối với thanh quản và thực quản. Chúng ta có thể hình dung giống như một cái phễu phần trên loe rộng, phần dưới thu hẹp.

Họng chia làm 3 phần: Họng mũi, họng miệng, họng thanh quản.

Họng miệng và họng thanh quản là 2 nơi mà dị vật hay vướng mắc.Thành sau họng miệng liên tiếp với thành sau họng mũi họng thanh quản. Hai thành bên có amydan họng khẩu cái nằm trong hốc amydan – đây là nơi mà dị vật hay mắc kẹt. Họng thanh quản đi từ ngang tầm xương móng xuống đến miệng thực quản, có hình như cái phễu, miệng to mở thông với họng miệng, đáy phễu là miệng thực quản. Thành sau liên tiếp với thành sau họng miệng, thành trước phía trên là đáy lưỡi, dưới là sụn thanh thiệt và hai sụn phễu thanh quản. Thành bên như một cái máng hẹp dần từ trên xuống dưới, nếp phễu thanh thiệt của thanh quản hợp với thành bên họng tạo nên máng họng thanh quản hay xoang lê.

Những mốc giải phẫu nêu ở trên là những vị trí mà dị vật thường xuyên mắc kẹt.

Cấu tạo họng

Nguyên nhân

  • Bệnh nhân ăn uống vội vàng.
  • Vừa ăn vừa nói chuyện cười đùa.
  • Uống rượu say rồi ăn lẫn thức ăn lẫn xương.
  • Nhai không kỹ trước khi nuốt.
  • Hẹp thực quản.
  • Bệnh lý tâm thần hoặc cố ý.

Triệu chứng lâm sàng

Các triệu chứng xuất hiện ngay sau khi bị hóc. Bệnh nhân thường mô tả đang ăn đột nhiên thấy nuốt đau, nuốt vướng vùng cổ. Bệnh nhân phải bỏ dở bữa ăn, không ăn uống tiếp được nữa, hoặc sau đó vẫn ăn uống bình thường nhưng luôn có cảm giác cộm vướng mỗi khi nuốt nước bọt.

Xương cá mắc tại rãnh lưỡi thanh thiệt

Xương cá mắc tại rãnh lưỡi thanh thiệt

Ngay sau khi nghĩ mình bị hóc xương hoặc thức ăn (cọng bánh tráng), bệnh nhân thường làm động tác có hại như: thò tay vào móc họng, cố nuốt nước hoặc miếng thức ăn to như miếng cơm bự hay một mẩu chuối to để dị vật trôi đi, hoặc dùng que đũa chọc vào họng; điều này rất nguy hiểm. Hành động này làm cho niêm mạc vùng họng – hạ họng thanh quản bị trầy xước phù nề hoặc làm xương hay dị vật cắm sâu vào mô hay niêm mạc gây che lấp dị vật, gây trở ngại cho việc tìm kiếm dị vật. Một vài trường hợp bệnh nhân làm dị vật đi sâu xuống vùng thực quản và mắc kẹt tại đó.

Bệnh nhân móc họng và nuốt cơm để cố lấy xươngmảnh xương mắc kẹt ở thực quản

Bệnh nhân móc họng và nuốt cơm để cố lấy xương, làm cho vùng xoang lê sụn phễu bị phù nề, và xương chạy xuống thực quản (đầu mũi tên là mảnh xương mắc kẹt ở thực quản).

Khi dị vật không được loại bỏ, triệu chứng viêm nhiễm xuất hiện sớm hay muộn tùy bản chất dị vật, thường sau 24h-48h: Nuốt đau, không ăn uống được, tăng tiết nước bọt. Đau vùng cổ, quay cổ đau.

Chẩn đoán phân biệt

Hóc giả: Bệnh nhân có cảm giác nuốt đau, nuốt vướng nhưng không sốt, vẫn ăn uống bình thường, chụp phim không thấy hình ảnh dị vật, cũng không thấy hình ảnh dày phần mềm trước cột sống cổ.

Dị vật đã trôi đi: Thực chất bệnh nhân có hóc xương nhưng xương đã trôi đi, để lại vết loét nên bệnh nhân ăn uống cảm thấy đau. Vết loét có thể tự lành nhưng có khi nhiễm trùng tạo thành ổ viêm

Khối u thực quản: Cảm giác chủ yếu là nuốt vướng, nuốt nghẹn không sốt nhưng thể trạng gầy sút.

Xử trí

Nếu bạn cảm thấy mình bị hóc xương hay thức ăn khi đang ăn. Thì bạn làm theo những bước sau:

  •  Ngừng việc ăn và khạc hết thức ăn ra khỏi miệng.
  •  Súc họng bằng nước lọc theo phương pháp sau: Ngậm một ngụm nước vào miệng, ngửa đầu ra sau, thè lưỡi ra ngoài và kêu “aaaaa” liên tục để làm cho lọc sọc nước ở trong họng cho đến lúc phải nhổ ra để thở. Động tác này sẽ giúp lấy xương ra khỏi miệng và vùng họng. Sau khi làm liên tục 03 lần mà vẫn cảm giác vướng họng, đau họng khi nuốt thì đến cơ sở y tế để kiểm tra.
  • Tuyệt đối không móc họng hay cố gắng nuốt thức ăn cơm thật nhiều để làm trôi xương.

Tài liệu tham khảo

  1. Hướng Dẫn điều trị và chẩn đoán bệnh tai mũi họng của Bộ y tế.
  2. Chăm sóc tại chỗ bệnh lý tai mũi họng – Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Nam Hà.