Thứ Năm , 14 Tháng Ba 2024

Bệnh thần kinh ngoại biên trong ung thư

Bài viết thứ 16 trong 73 bài thuộc chủ đề Xử trí giảm nhẹ triệu chứng và tác dụng phụ
 

Bệnh thần kinh ngoại biên

Hệ thần kinh ngoại biên bao gồm những dây thần kinh bên ngoài não bộ và tủy sống. Não bộ và tủy sống được gọi là hệ thần kinh trung ương. Thần kinh ngoại biên làm nhiệm vụ truyền tin giữa hệ thần kinh trung ương và phần còn lại của cơ thể. Bệnh thần kinh ngoại biên là sự tổn thương thần kinh thuộc hệ thần kinh ngoại biên. Tùy thuộc vào dây thần kinh nào bị ảnh hưởng bởi bệnh thần kinh ngoại biên mà bệnh nhân có thể ghi nhận những triệu chứng sau:

  • Dị cảm, đặc biệt là ở bàn tay và bàn chân như bị tê, châm chích hoặc đau nhức;
  • Yếu cơ (nhược cơ), gọi là các bệnh về cơ;
  • Rối loạn chức năng của các cơ quan, dẫn đến chóng mặt hoặc táo bón.

Nguyên nhân gây ra bệnh thần kinh ngoại biên

Có thể là:

Điều trị ung thư cũng có thể gây ra rối loạn về thần kinh ngoại biên hoặc khiến các rối loạn này trở nên trầm trọng hơn.

Những yếu tố nguy cơ liên quan đến ung thư

Bệnh thần kinh ngoại biên là một tác dụng phụ thường gặp liên quan đến ung thư. Bất cứ ai bị chẩn đoán ung thư đều có nguy cơ mắc phải rối loạn này.

Những yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ gồm:

  • Vị trí khối u: Khối u chèn lên dây thần kinh ngoại biên hay xâm lấn dây thần kinh có thể gây tổn thương thần kinh.
  • Hóa trị: Một số loại thuốc hóa trị đặc thù, đặc biệt ở liều cao, có thể làm tổn thương thần kinh ngoại biên. Bao gồm các thuốc hóa trị sau:
    • Bortezomib (Velcade)
    • Platinums, gồm cisplatin (Platinol), oxaliplatin (Eloxatin) và carboplatin (Paraplatin)
    • Taxanes, gồm docetaxel (Docefrez, Taxotere) và paclitaxel (Taxol)
    • Nhóm Thalidomide (Synovir, Thalomid)
    • Vinca alkaloids, gồm vincristine (Vincasar), vinorelbine (Navelbine)và vinblastine (Velban)
  • Xạ trị: Xạ trị cũng có thể gây tổn thương thần kinh. Triệu chứng có thể xuất hiện trễ, sau vài năm.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật ở phổi, vú hoặc đoạn chi đều có khả năng dẫn đến bệnh thần kinh ngoại biên.
  • Các rối loạn liên quan đến ung thư: Hiếm gặp là các rối loạn do hội chứng cận ung. Chúng phát sinh khi hệ miễn dịch phản ứng với tế bào ung thư. Những rối loạn này có thể gây ra bệnh thần kinh ngoại vi. Những rối loạn này thường gặp hơn ở những người bị ung thư phổi. Bệnh zona là một bệnh nhiễm virut thường gây đau và phát ban ở những người có hệ miễn dịch yếu, bệnh này cũng có thể gây ra bệnh thần kinh ngoại biên.

Trước khi bắt đầu điều trị ung thư, hãy báo cho bác sĩ hay nếu bạn đã có các triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên. Bạn cũng nên thảo luận về bất kỳ yếu tố nguy cơ nào khác mà bạn mắc phải (sẽ được liệt kê dưới đây). Các yếu tố sau là những nguy cơ của bệnh thần kinh ngoại biên

Các nguy cơ không liên quan tới ung thư

Những điều kiện có sẵn sau đây được cho là có thể gây ra bệnh thần kinh ngoại biên. Bệnh nhân mắc phải bất kỳ bệnh nào trong số các bệnh sau đều có có nguy cơ cao bị mắc bệnh thần kinh ngoại biên.

  • Đái tháo đường;
  • Nghiện rượu;
  • Bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn như HIV-AIDS;
  • Các bệnh tự miễn, như lupus và viêm khớp dạng thấp;
  • Nhược giáp;
  • Bệnh lý thận hoặc suy thận;
  • Các bệnh lý thần kinh ngoại biên di truyền như bệnh Charcot-Marie-Tooth;
  • Ngộ độc chì hoặc nhiễm thuốc trừ sâu;
  • Stress nặng.

Triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên

Triệu chứng bệnh thần kinh ngoại biên

Triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên ở mỗi người là khác nhau. Các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh phụ thuộc vào dây thần kinh nào bị tổn thương và số lượng dây thần kinh bị ảnh hưởng.

Triệu chứng có thể phát triển trong quá trình điều trị hoặc một thời gian ngắn sau khi điều trị ung thư. Bệnh thần kinh ngoại biên cũng có thể phát triển chậm hoặc trở nặng sau khi điều trị kết thúc. Điều này xảy ra rất phổ biến ở những người sử dụng loại thuốc platinum và những loại thuốc taxanes. Có 3 nhóm thần kinh ngoại biên có thể bị tổn thương:

  • Thần kinh cảm giác: Những bệnh lý thần kinh ngoại biên thường ảnh hưởng đến cảm giác sờ và cảm nhận ở tay và chân. Sau đây là những triệu chứng khi thần kinh cảm giác bị ảnh hưởng:
    • Các triệu chứng thường gặp là tê, châm chích, bỏng rát hoặc như bị điện giật. Triệu chứng này thường bắt đầu ở ngón chân và ngón tay, sau đó có thể đi dọc lên cẳng chân và cánh tay.
    • Bạn có thể có cảm giác như mình đang đeo găng tay hoặc mang vớ chặt bó.
    • Bạn có cảm giác không thoải mái ở bàn tay hoặc bàn chân, nhất là khi chạm vào các đồ vật.
    • Các vật dưới chân thường ngày không gây đau như giày dép, tấm drap trải giường… nay lại gây ra cảm giác đau.
    • Bạn có thể tăng cảm giác đau tựa như bị ngắt nhéo, đâm, nóng bỏng và điện giật.
    • Bạn có thể ít cảm nhận với nhiệt độ nóng hoặc lạnh, hoặc không biết rằng mình tự gây tổn thương.
    • Bạn có thể rất khó khăn để biết được vị trí của bàn tay và bàn chân của mình đang ở đâu. Tình trạng nầy được gọi là mất định vị. Nó làm cho việc đi lại hoặc cầm nắm đồ vật trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là khi ở trong phòng tối hoặc khi cầm nắm những vật nhỏ.
  • Thần kinh vận động: Nhóm thần kinh vận động đảm nhận chức năng truyền thông tin giữa não và các cơ. Khi những dây thần kinh này bị tổn thương, bạn có thể có những triệu chứng này:
    • Đi lại và di chuyển khó khăn.
    • Cảm giác nặng hay yếu ở chân và tay, gây ra sự mất cân bằng và mất phối hợp các động tác.
    • Gặp khó khăn khi sử dụng bàn tay và cánh tay.
    • Khó thực hiện các động tác thường ngày như gõ nhắn tin hoặc cài nút áo.
    • Chuột rút hoặc các tình trạng teo cơ ở tay và chân.
  • Thần kinh tự động: Những dây thần kinh này kiểm soát các chức năng cơ thể mà ta không điều khiển được, chẳng hạn như huyết áp hay chức năng co thắt của ruột và bàng quang. Các triệu chứng bao gồm:
    • Không ra mồ hôi như bình thường.
    • Các rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy và táo bón.
    • Chóng mặt hoặc choáng váng.
    • Nuốt khó.
    • Các khó khăn trong tình dục.

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng này, hãy báo cho bác sĩ hay để nhận được sự giúp đỡ từ họ.

Phòng ngừa bệnh thần kinh ngoại biên liên quan đến hóa trị

Không có phương pháp nào minh chứng trong việc ngăn ngừa bệnh thần kinh ngoại biên do hóa trị. Không có những bằng chứng tin cậy cho thấy bất kỳ loại thuốc, vitamin hay các thuốc bổ sung nào có thể giúp người bệnh tránh được bệnh thần kinh ngoại biên.

Hiện nay, một số thuốc chống trầm cảm và một số loại thuốc khác đang được nghiên cứu, nhưng hiện chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy lợi ích của các dược chất trên có thể giúp ngăn ngừa bệnh thần kinh ngoại biên do hóa trị. Hội ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) không khuyến khích bạn sử dụng các vitamin hoặc các thuốc bổ sung sau đây để ngăn ngừa bệnh thần kinh ngoại biên do hóa trị:

  • Acetyl-L-carnitine;
  • Canxi và magiê;
  • Glutathione;
  • Vitamin E.

Kiểm soát bệnh thần kinh ngoại biên

Giảm các tác dụng phụ (còn được gọi là chăm sóc giảm nhẹ) là một phần quan trọng trong chăm sóc và điều trị ung thư. Người bệnh cần chia sẻ, trao đổi với bác sĩ điều trị về bất kỳ triệu chứng nào họ gặp phải, bao gồm những triệu chứng mới hoặc sự thay đổi triệu chứng.

Việc lựa chọn phương án điều trị bệnh thần kinh ngoại biên tùy thuộc vào nguyên nhân và các triệu chứng của bệnh. Có nhiều trường hợp hồi phục hoàn toàn sau vài tháng hoặc vài năm. Đôi khi, một số tình trạng có thể khó điều trị hơn và có thể cần thời gian điều trị lâu dài hơn. Bác sĩ sẽ chẩn đoán và loại trừ các nguyên nhân gây ra bệnh lý thần kinh ngoại biên và kiểm soát các triệu chứng. Một số phương pháp để giảm bớt các triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên bao gồm:

  • Thuốc: mặc dù thuốc không thể chữa khỏi bệnh thần kinh ngoại biên nhưng có thể làm giảm đau cho bệnh nhân. Tuy nhiên, thuốc không có tác dụng làm giảm cảm giác tê. Hiện nay các thuốc phổ biến nhất để điều trị giảm đau do thần kinh là thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm. Đối với bệnh thần kinh liên quan đến hóa trị liệu, ASCO khuyến cáo sử dụng thuốc chống trầm cảm Duloxetine (Cymbalta). Người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau không cần kê toa (OTC) cho những trường hợp đau nhẹ.

Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) hoặc các thuốc giảm đau tác dụng mạnh có thể được chỉ định cho những cơn đau mức độ nặng. Các phương pháp điều trị tại chỗ, chẳng hạn như các miếng dán Lidocaine và các loại kem, cũng có thể giúp kiểm soát cơn đau. Ngoài ra những nghiên cứu ban đầu cho thấy việc sử dụng Menthol 1% tại chỗ cũng mang lại hữu ích.

  • Dinh dưỡng: chế độ ăn uống giàu vitamin B (gồm cả B1 và B12), axit folic, và chất chống oxy hoá có thể giúp kiểm soát bệnh thần kinh ngoại biên. Bạn cũng nên ăn một chế độ ăn cân bằng và tránh uống quá nhiều rượu.
  • Vật lý trị liệu/hoạt động trị liệu và điều trị can thiệp: vật lý trị liệu/hoạt động trị liệu có thể giúp cơ bắp khỏe mạnh và cải thiện sự điều phối động tác và cân bằng. Các nhà trị liệu có thể giới thiệu các thiết bị hỗ trợ để bệnh nhân thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách dễ dàng. Tập thể dục đều đặn cũng có thể giúp làm giảm đau. Việc kích thích da bằng điện cũng có thể hữu ích trong điều trị đau thần kinh, nhưng cần được nghiên cứu nhiều hơn.
  • Y học phối hợp: xoa bóp, châm cứu và các kỹ thuật thư giãn có thể giúp giảm đau và giảm căng thẳng. Ngoài ra còn có các mẹo khác bao gồm:
    • Đặt thảm lót sàn trong nhà và nơi làm việc để bảo vệ bàn chân.
    • Mang giày có gót tròn và đế dày hơn bình thường (rocker bottom shoe).

An toàn trong nhà

Người bị bệnh thần kinh ngoại biên có nguy cơ tự gây tổn thương, đặc biệt là trong nhà. Nếu người bệnh có những triệu chứng mất cảm giác hoặc vận động, những lời khuyên sau có thể giúp người bệnh tránh được các chấn thương:

  • Lắp đèn sáng ở tất cả các phòng, hành lang, và cầu thang.
  • Lắp lan can tay vịn ở cả hai bên cầu thang.
  • Loại bỏ đồ vật có thể gây trợt té, như những tấm thảm nhỏ hoặc đồ đạc lộn xộn.
  • Lắp những tay nắm trong buồng tắm hoặc trong bồn tắm. Đặt thêm các tấm chống trơn trượt trong bồn tắm.
  • Đảm bảo nhiệt độ nước vòi hoa sen hoặc nước trong bồn tắm dưới 43 độ C. Sử dụng nhiệt kế để kiểm tra nhiệt độ nước và chỉnh máy nước nóng ở nhiệt độ thấp hơn.
  • Lau khô nước vun vãi khi sử dụng xong nhà tắm.
  • Dùng các loại chén đĩa không vỡ.
  • Sử dụng găng tay trong khi cầm nồi chảo nóng và găng tay cao su khi rửa chén.
  • Nếu người bệnh lái xe, hãy chắc chắn bệnh nhân có thể cảm nhận được chân ga và chân thắng (phanh) cũng như cảm nhận được vô lăng. Phải chắc chắn rằng người bệnh có thể nhanh chóng đổi chân từ bàn đạp ga qua bàn đạp thắng.
  • Nếu bác sĩ ra toa sử dụng gậy hoặc khung đi bộ, người bệnh phải sử dụng nó mỗi khi di chuyển từ phòng này sang phòng khác.

Tài liệu tham khảo

http://www.cancer.net/navigating-cancer-care/side-effects/peripheral-neuropathy