Thứ Năm , 16 Tháng Ba 2023
Trang chủ Chuyên ngành Nhi khoa Bú mẹ lâu dài có sao không?

Bú mẹ lâu dài có sao không?

Bài viết thứ 29 trong 97 bài thuộc chủ đề Các bài viết của Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo
 

Câu hỏi: 

Bác sĩ ơi, con em được 2 tuổi rồi, và em vẫn còn cho con bú mẹ. Con em em thấy rất là tốt, bé cũng ăn tốt và ngủ cũng ok. Em thì vẫn thấy ok cho con bú, em thấy giống như là sợi dây gắn kết riêng đặc biệt của em và con em vậy. Nhưng mà, gia đình em lúc nào cũng nói sữa tới lúc này là hết chất rồi, có máu không chứ có cái gì đâu mà cho bú. Rồi nhiều người cũng nói này nói kia, tối ngày cứ kêu em ngưng cho con bú mẹ, làm em rất khó chịu, bực bội, và nhiều khi em cũng phải đặt câu hỏi, là em có nên cho con em tiếp tục bú em tiếp hay là không nữa. Bé vẫn chưa đi nhà trẻ, và cũng chưa có biểu hiện gì là muốn bỏ ti mẹ cả chị ơi.

Chị trả lời giúp em, thật sự em nên nghĩ thế nào, và làm thế nào hả chị? Tới lúc nào thì em mới nên ngưng cho con em bú mẹ chị ơi?

Trả lời:

Sữa mẹ, thật sự đã được khoa học chứng minh là nguồn dinh dưỡng tối ưu nhất trên đời này dành cho con trẻ, giúp trẻ tăng trưởng và phát triển thể chất, trí não một cách lý tưởng nhất. Điều này cũng đã được các tổ chức y khoa trên thế giới ghi nhận và khuyến cáo, khuyến khích mẹ cho con bú mẹ hoàn toàn, tối thiểu trong 6 tháng đầu tiên, và có thể kéo dài đến 2 tuổi, hoặc sau 2 tuổi nếu mẹ và con đều mong muốn.

Người ta thấy rằng, đúng là sữa mẹ có thể thay đổi thành phần khá linh động tùy theo chế độ ăn của mẹ, nhưng đáng kể nhất được thấy là, sữa mẹ thay đổi theo thời gian để phù hợp với nhu cầu và giai đoạn phát triển khác nhau theo thời gian của trẻ. Ngay cả khi dinh dưỡng của mẹ có vấn đề, sữa tiết ra từ mẹ vẫn đảm bảo được đầy đủ những dưỡng chất cần thiết cho con trẻ. Đây là một cơ chế tự điều chỉnh rất thông minh, ưu tiên cho trẻ.

Nghiên cứu phân tích sự thay đổi thành phần sữa mẹ theo thời gian trong hai năm đầu đời của trẻ, cho thấy rằng, sữa mẹ theo thời gian hoàn toàn không mất đi dưỡng chất, mà còn ngược lại.

Trong năm thứ hai cho con bú

  • Các loại chất dinh dưỡng vĩ mô, và các hợp chất sinh học quan trọng trong sữa mẹ, như là protein, lactoferrin, IgA, và lysozyme, chẳng hạn, lại có mặt với lượng nhiều hơn, so với sữa mẹ trong năm đầu cho con bú.
  • Lượng mỡ trong sữa mẹ vẫn giữ nguyên, không thay đổi theo thời gian.

Nhiều người hay nói, trong những năm sau, sữa mẹ chỉ có máu, hoàn toàn không có chất dinh dưỡng. Đây là một cáo buộc hoàn toàn sai lầm và không đúng đắn. Sữa được tiết ra từ các tuyến vú trong bầu ngực mẹ, và không hề liên quan gì đến các mạch máu cả. Vì vậy, sữa vẫn là sữa, không trở thành máu được. Và như đã nói ở trên, sữa mẹ theo năm tháng, vẫn có dinh dưỡng phù hợp cho trẻ theo từng giai đoạn.

Sau 6 tháng đầu đời, dinh dưỡng từ sữa mẹ, sẽ không thể đảm bảo được hoàn toàn yêu cầu dinh dưỡng để trẻ tăng trưởng, do đó, trẻ nên được bắt đầu ăn dặm là vậy. Các loại sữa công thức, khi đến thời điểm 6 tháng tuổi, cũng như vậy mà thôi.

Các nghiên cứu cũng cho ra các bằng chứng cực kì mạnh mẽ, cho thấy rằng, có rất nhiều lợi ích mà sữa mẹ mang lại cho con trẻ, như

  • Giảm nguy cơ nhiễm trùng
  • Giảm nguy cơ tiêu chảy
  • Giảm nguy cơ thừa cân, béo phì;
  • Giảm nguy cơ các bệnh dị ứng;
  • Giảm nguy cơ bị các bệnh tim mạch, tiểu đường;
  • Giúp tăng cường trí não cho trẻ nữa.

Những lợi ích này càng nhiều, nếu trẻ được bú mẹ càng lâu!

Bên cạnh đó, việc cho con bú mẹ, lại mang đến những lợi ích sức khỏe rất quan trọng cho mẹ về lâu dài, như

Những lợi ích này, cũng được tích lũy càng nhiều theo thời gian cho con bú mẹ.

Theo thời gian, trẻ có thể tự cai bú mẹ một cách tự nhiên. Cũng có thể có những hoàn cảnh mà mẹ cảm thấy cần giảm thời gian cho con bú, hoặc cai con bú mẹ. Những vấn đề này, là những vấn đề rất riêng tư, khách nhau ở từng gia đình, mà chúng ta nên linh động xem xét để quyết định và thực hiện.

Tuy nhiên, nếu em đặt ra những câu hỏi như trên: “Em nên nghĩ gì?” “Em nên làm gì?” Thì chị nghĩ em nên tự hỏi bản thân để mà hành động. Nếu bản thân em vẫn thích và muốn tiếp tục cho con bú, em cứ nên tiếp tục. Nếu bản thân em vẫn thấy đây là một hoạt động gắn kết cho cả mẹ và con em, em cứ nên duy trì.

“Đây có phải là một điều đúng đắn nên làm hay không?” – Chị có thể thẳng thắn, tự tin xác nhận với em 1000 lần: Đây là một điều đúng đắn, và rất nên làm!

“Đến bao giờ em nên ngưng cho con bú?” – Đến khi nào em hoặc con thấy muốn ngưng bú, thì thôi!

“Vậy còn ý kiến của những người khác thì sao?” – Em ạ, nếu cứ sống theo ý của người khác, bao giờ chúng ta mới sống được cuộc sống của chính mình? Hãy cứ làm những gì mình thấy đúng, để ý đến người ngoài chi cho mệt.

Nếu người ngoài, hoặc người trong gia đình vẫn muốn góp ý tiêu cực, nên góp ý tích cực rằng, đây là quyết định của không chỉ riêng em. Y khoa, khoa học, và cả bác sĩ của em (là chị chẳng hạn), đều thống nhất chung như vậy.

Còn đối với những góp ý quá lỗ mãng, sỗ sàng, dè bỉu việc cho bú mẹ lâu dài – cứ lỗ mãng sỗ sàng lại khi cần thiết, cứ có thể huỵch toẹt ra rằng, “Trời ạ, bạn đang sống ở thời đại nào rồi, mà còn có thể có suy nghĩ lạc hậu, sai lệch đến thế kia?”. Vì thật sự đúng là như vậy đấy!

Chúc em mau loại bỏ được ưu phiền, em nhé!

Tài liệu tham khảo

  1. Policy statement; Breastfeeding and the use of human milk; American Academy of Pediatrics; Pediatrics;129(3):e827; 2012.
  2. Eat for Health – Infant feeding guidelines; National health and Medical research Council; Department of health and aging; Australian Government, 2012.
  3. Breast Feeding guidelines and Publications; World Health Organisation Website.
  4. Extended breast-feeding: What you need to know; Mayo Clinic; America; April 17th, 2015.
  5. Perrin M, Fogleman A, Allen J; A Longitudinal Study of Human Milk Composition Beyond One Year Postpartum; The FASEB Journal; 29(1); Supplement 582.6; April 2015.
  6. Martin C.R, Ling P.R, Blackburn G.L; Review of Infant Feeding: Key Features of Breast Milk and Infant Formula; Nutrients; 8, 279; doi:10.3390/nu8050279; 2016.
  7. Cuốn sách Chat với bác sĩ – Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo
  8. https://www.facebook.com/huyenthao.bacsi/posts/462220714164989