Thứ Năm , 14 Tháng Ba 2024
Trang chủ Chuyên mục Ung thư Chăm sóc giảm nhẹ trong ung thư Chăm sóc giảm nhẹ trong ung thư người lớn Các tác dụng phụ trên hệ thần kinh trong quá trình điều trị ung thư

Các tác dụng phụ trên hệ thần kinh trong quá trình điều trị ung thư

Bài viết thứ 14 trong 73 bài thuộc chủ đề Xử trí giảm nhẹ triệu chứng và tác dụng phụ
 

Tác dụng phụ trên hệ thần kinh rất thường gặp ở bệnh ung thư và khi điều trị ung thư. Làm giảm các tác dụng phụ đó là một phần rất quan trọng trong việc chăm sóc bệnh nhân ung thư. Lĩnh vực này gọi là chăm sóc giảm nhẹ/xoa dịu hay chăm sóc hỗ trợ. Bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ điều trị hay nhóm chăm sóc về những triệu chứng gặp phải và sự thay đổi các triệu chứng đó.

Tổng quan về hệ thần kinh

Hệ thần kinh được chia làm hai phần chính như sau:

  • Hệ thần kinh trung ương (Central Nervous System – CNS): Gồm não bộ và tủy sống.
  • Hệ thần kinh ngoại vi (Peripheral Nervous System – PNS): Là những dây thần kinh nằm ngoài hệ thần kinh trung ương, truyền tải thông tin qua lại giữa cơ thể và não bộ. Hệ thần kinh ngoại vi có vai trò kiểm soát các hoạt động:
    • Vận động
    • Giác quan như sờ, nghe, nhìn, nếm và ngửi
    • Chức năng nội tạng như dạ dày, phổi và tim

Triệu chứng về tác dụng phụ trên hệ thần kinh

Các triệu chứng thần kinh có thể giúp phát hiện ung thư, xuất hiện ngay sau khi điều trị, hoặc có thể vài năm sau khi điều trị ung thư. Các triệu chứng phụ thuộc vào nơi bị ảnh hưởng trên hệ thần kinh.

Triệu chứng do thay đổi ở hệ thần kinh trung ương

  • Các thay đổi về nhận thức hoặc suy nghĩ bao gồm: giảm trí nhớ, giảm khả năng giải quyết vấn đề và tính toán.
  • Rối loạn cân bằng, chóng mặt, nôn và cảm giác như căn phòng đang xoay vòng.
  • Rối loạn điều phối động tác.
  • Co giật/động kinh.

Triệu chứng do thay đổi ở hệ thần kinh ngoại vi

  • Yếu toàn thân và thiếu phối hợp vận động, bao gồm các vấn đề đi lại và cầm nắm đồ vật.
  • Cảm giác tê, châm chích, hoặc nóng rát ở tay hoặc chân.
  • Táo bón.
  • Són tiểu.
  • Rối lượng cương dương.

Triệu chứng do thay đổi ở dây thần kinh sọ

Dây thần kinh sọ cũng là thành phần của thần kinh ngoại vi nhưng có thể liên quan tới các tác dụng phụ khác biệt như:

  • Mất thính lực và/hoặc ù tai (như có tiếng chuông trong tai).
  • Mất thị lực và/hoặc nhìn nhòe hoặc nhìn đôi.
  • Thay đổi vị giác hoặc khứu giác.
  • Nói lè nhè, không rõ.
  • Khó khăn trong việc trình bày hay hiểu cuộc đối thoại.
  • Khó nuốt.

Nguyên nhân gây tác dụng phụ ở hệ thần kinh

Có nhiều nguyên nhân gây tác dụng phụ ở hệ thần kinh bao gồm bệnh ung thư, các phương pháp điều trị ung thư, một số thuốc khác hay tình trạng sức khỏe khác. Biết được các nguyên nhân ảnh hướng đến hệ thần kinh là rất quan trọng để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất. Dưới đây là danh sách các nguyên nhân có thể gây ra các vấn đề của hệ thần kinh:

Ung thư

Ung thư xuất phát từ não hoặc tủy sống, hoặc di căn tới não hoặc tủy sống có thể ảnh hưởng lên hệ thần kinh trung ương. Một khối u nơi khác của cơ thể chèn ép lên dây thần kinh ngoại vi cũng gây ra các vấn đề.

Hóa trị

Một số thuốc chuyên biệt thường gây ra các tác dụng phụ ở hệ thần kinh hơn, bao gồm:

  • Vinca alkaloids, bao gồm vincristine (Vincasar), vinorelbine (Navelbine) và vinblastine (Velban).
  • Thuốc có gốc Platinum như thuốc cisplatin (Platinol) hay oxaliplatin (Eloxatin).
  • Các thuốc taxane như docetaxel (Taxotere) và paclitaxel (Taxol).
  • Etoposide (Vepesid).
  • Cytarabine (Cytosar-U), ở liều cao.
  • Ifosfamide (Ifex), ở liều cao.
  • Methotrexate (nhiều thương hiệu khác nhau), ở liều cao.

Các triệu chứng trên hệ thần kinh trung ương thường xảy ra hơn khi tiêm thuốc trực tiếp vào tủy sống.

Phẫu thuật

Hệ thần kinh có thể bị tổn thương trong phẫu thuật loại bỏ một khối u hoặc khi lấy sinh thiết chẩn đoán. Sinh thiết là phương pháp cắt hoặc dùng kim chích lấy một mẫu mô nhỏ trong khối u để kiểm tra dưới kính hiển vị.

Xạ trị

Việc chiếu tia xạ vào não và/hoặc tủy sống thể gây ra các vấn đề ở hệ thần kinh trung ương. Xạ trị ở các bộ phận khác như đầu và cổ hoặc toàn bộ cơ thể có thể gây ra các vấn đề ở hệ thần kinh ngoại vi.

Các thuốc khác

Một số thuốc khác có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, bao gồm:

  • Các thuốc chống nôn.
  • Thuốc giảm đau nhóm opioid/ma túy dùng trong y tế (Opioid pain relievers).
  • Thuốc chống co giật, sử dụng trong điều trị động kinh.

Các nguyên nhân liên quan tới ung thư khác

Một số tình trạng hoặc triệu chứng khác liên quan với ung thư hoặc quá trình điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh.

Các nguyên nhân không liên quan đến ung thư

Nhiễm trùng gây sưng hoặc viêm não, tủy sống hoặc tai trong có thể ảnh hưởng lên hệ thần kinh trung ương hoặc ngoại vi. Các tác nhân khác có thể ảnh hưởng lên hệ thần kinh bao gồm bệnh tiểu đường, bệnh tuyến giáp, virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV), tai biến mạch máu não, bệnh Alzheimer và chứng đa xơ cứng (multiple sclerosis).

Dinh dưỡng và bù nước

Mất nước và thiếu vitamin có thể cũng ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh.

Xử trí các tác dụng phụ ở hệ thần kinh

Tác dụng phụ ở hệ thần kinh làm bệnh nhân khó hoàn thành các hoạt động hằng ngày. Một số triệu chứng do quá trình điều trị ung thư sẽ biến mất sau khi điều trị kết thúc nhưng một số khác thì có thể tiếp tục. Mặc dù tổn thương thần kinh và tác dụng phụ ở hệ thần kinh có thể không ngăn ngừa được, hầu hết các trường hợp có thể kiểm soát được nếu phát hiện sớm.

Điều trị sớm cũng có thể ngăn ngừa các triệu chứng trở nên nặng hơn. Điều quan trọng là phải báo cho bác sĩ ngay khi có các vấn đề liệt kê ở trên. Một khi đã được chẩn đoán, việc điều trị các tác dụng phụ ở hệ thần kinh phụ thuộc vào loại và nguyên nhân gây ra triệu chứng.

Danh sách sau nói về các phương pháp điều trị tác dụng phụ ở hệ thần kinh. Hãy nói chuyện với đội chăm sóc của bạn về các biện pháp phù hợp cho bạn.

Thuốc

Một số triệu chứng ở hệ thần kinh có thể được kiểm soát và điều trị bằng thuốc:

  • Thuốc điều trị buồn nôn và chóng mặt như meclizine (Antivert), prochlorperazine (Compazine), scopolamine patch (Transderm-Scop).
  • Kháng sinh điều trị nhiễm trùng.
  • Thuốc corticosteroid làm giảm viêm và sưng.
  • Thuốc chống trầm cảm, như các thuốc thuộc hệ serotonin chọn lọc (selective serotonin) hoặc thuốc ức chế tái hấp thụ norepinephrine (norepinephrine reuptake inhibitors) (SSRIs or SNRIs) hoặc thuốc amitriptyline (nhiều thương hiệu khác nhau) hoặc thuốc nortriptyline (Aventyl, Pamelor).
  • Thuốc điều trị các vấn đề ở hệ thần kinh ngoại vi.

Kiểm soát đau

Có nhiều phương pháp để kiểm soát sự đau đớn do tổn thương hệ thần kinh:

  • Thuốc giảm đau, bao gồm thuốc nhóm opioid (ma túy).
  • Gây tê dây thần kinh (nerve block) và kích thích hệ thần kinh bằng dòng điện qua da (TENS-transcutaneous electric nerve stimulation) giúp làm giảm đau.

Phục hồi chức năng

Một số chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể giúp bạn phục hồi thể lực, chức năng vận động và các hoạt động tự chủ bị mất.

  • Hoạt động trị liệu (Occupational therapy) giúp duy trì kỹ năng vận động cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày.
  • Vật lý trị liệu (Physical therapy) giúp gia tăng sức cơ, thăng bằng, phối hợp vận động và di chuyển.
  • Âm ngữ trị liệu (Speech therapy) giúp cải thiện khả năng nói và học các cách phát biểu.
  • Thần kinh – tâm lý học giúp đánh giá và cải thiện chức năng nhận thức.

Thay đổi hỗ trợ ở nhà

Một số thay đổi ở nhà có thể được cân nhắc để bệnh nhân được tự chủ, an toàn và thoải mái hơn:

  • Lắp thêm tay vịn ở nhà tắm.
  • Sử dụng thảm chống trượt.
  • Lắp thêm đèn sáng.
  • Kiểm tra nhiệt độ nước bằng khuỷu tay thay vì bằng bàn tay.

Tài liệu tham khảo

http://www.cancer.net/navigating-cancer-care/side-effects/nervous-system-side-effects