Thứ Tư , 31 Tháng Năm 2023
Trang chủ Chuyên mục Góc nhìn Chế độ ăn nhiều mỡ có thể dẫn đến tình trạng buồn ngủ vào ban ngày

Chế độ ăn nhiều mỡ có thể dẫn đến tình trạng buồn ngủ vào ban ngày

Bài viết thứ 17 trong 94 bài thuộc chủ đề Góc nhìn
 

Chế độ ăn nhiều mỡ có thể dẫn đến tình trạng buồn ngủ vào ban ngày, theo kết luận của một nghiên cứu mới.

Những nhà nghiên cứu Úc đã khảo sát 1800 người dựa trên thông tin được họ điền vào bảng câu hỏi về tần số các loại thức ăn và thông tin họ cho biết về việc họ cảm thấy buồn ngủ như thế nào trong ngày. Họ cũng được theo dõi bằng thiết bị điện tử sự ngừng thở thoáng qua khi ngủ do tắc nghẽn, đây là nguyên nhân khiến người ta thức giấc nhiều lần trong đêm.

Sau khi loại bỏ những yếu tố có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ như hút thuốc, uống thức uống có cồn, vòng eo, hoạt động thể lực, thuốc men, trầm cảm và một số yếu tố khác, nghiên cứu tìm thấy rằng, khi so sánh với những người trong nhóm một phần tư người có lượng chất béo ăn vào thấp nhất, nhóm một phần tư người có lượng chất béo ăn vào cao nhất có khả năng bị buồn ngủ vào ban ngày cao hơn 78% và bị mắc chứng ngừng thở thoáng qua cao hơn gần gấp 3 lần. (Đây là phần giải thích thêm của người dịch: người tham gia nghiên cứu được xếp thứ tự dựa trên lượng chất béo ăn vào từ ít đến nhiều – nghĩa là người ăn ít chất béo nhất xếp thứ tự số 1. Những người ở số thứ tự từ 1 đến 650 – chiếm một phần tư của 1800 người tham gia nghiên cứu – được gọi là nhóm một phần tư người có lượng chất béo ăn vào thấp nhất. Những người ở số thứ tự từ 1150 đến 1800 được gọi là nhóm một phần tư người có lượng chất béo ăn vào cao nhất).

Sự liên quan giữa lượng chất béo ăn vào với chứng ngừng thở thoáng qua được thấy rõ nhất ở những người có chỉ số trọng lượng cơ thể cao (Body Mass Index), nhưng mối liên quan mạnh giữa lượng chất béo ăn vào cao và tình trạng buồn ngủ ban ngày được thấy ở tất cả những người trong nghiên cứu bất chấp chỉ số trọng lượng cơ thể của họ như thế nào. Nghiên cứu đăng trên tạp chí Nutrients.

“Có khả năng cơ chế của vấn đề này là việc điều hòa thời gian của bữa ăn, nhưng chúng tôi không có thông tin,” theo tác giả nghiên cứu Yingting Cao, nghiên cứu sinh tại đại học Adelaide. “Nhưng chúng tôi có lý do để tin rằng nhịp sinh học ngày đêm, hóc môn và chế độ ăn phối hợp với nhau tạo ra hiện tượng này.”

“Tất cả mọi người đều biết rằng chế độ ăn có sự ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe,” cô ấy giải thích. “Ăn qua nhiều chất béo không tốt cho giấc ngủ. Vậy thông điệp chính ở đây là ăn uống sao cho có lợi cho sức khỏe. Nhưng điều này nói thì dễ hơn làm.”

Bài viết do  BS. Trần Lý dịch

Tài liệu tham khảo

http://well.blogs.nytimes.com/2016/04/21/a-high-fat-diet-may-lead-to-daytime-sleepiness/?_r=1 cập nhật ngày 21/04/2016.