Chủ Nhật , 26 Tháng Ba 2023
Trang chủ Chuyên ngành Nhi khoa Chiều quá con hư?! – Hay – Chưa yêu sao đã nói lời cay đắng!

Chiều quá con hư?! – Hay – Chưa yêu sao đã nói lời cay đắng!

Bài viết thứ 57 trong 97 bài thuộc chủ đề Các bài viết của Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo
 

Trẻ con sinh ra là để được nuông chiều! Câu nói này, có lúc đúng có lúc sai, nhưng trong độ tuổi từ lúc trẻ sinh ra cho đến 6 tháng tuổi, câu nói này luôn luôn đúng! Mình nói cho các bạn biết tại sao nhé!

Bạn cứ tưởng tượng, bạn là một chàng trai khá-được-không-đến-nỗi-nào, một hôm được gặp tình-yêu-định-mệnh của đời mình, mà ngay từ lúc mặt tiếp mặt, mắt nhìn mắt, là bạn đã biết một chuyện hiển-nhiên-như-người-phải-hít-thở-để-sống, là có trời đất chứng giám, bạn và “cô ấy” sẽ sống với nhau trọn đời, đến chui xuống lỗ thì vẫn còn vướng nợ nhau. Một thứ tình cảm sâu nặng và khó dứt bỏ đến như thế đó! Vậy thì, 6 tháng đầu tiên tìm hiểu nhau, sẽ là 6 tháng lửa thử vàng, để “cô ấy” thấy được tấm chân tình của bạn dành cho “cô ấy”. Bạn cần chứng tỏ với cô ấy rằng, bạn là người sinh ra dành riêng cho cô ấy, cũng như cô ấy sinh ra là dành riêng cho bạn vậy! Để làm được điều này, bạn phải ra sức yêu chiều cô ấy, cung phụng cô ấy, tạo được niềm tin cho cô ấy về bạn, và để cho cô ấy biết, bạn là người đáng tin nhất, đáng dựa vào nhất, sẵn sàng có mặt khi cô ấy cần, bất cứ khi nào, bất kì ở đâu, trên cung trăng cũng được. Để cô ấy can tâm, an thân gửi phận tin tưởng bạn không một chút đắn đo, để cập bến sống hạnh phúc suốt đời với bạn chứ, phải không ta?! Chứ lúc người ta đang gặp khó khăn, la khóc đòi bạn, mà bạn lại đứng đó lạnh lùng bảo: vấn đề của em là do em hết, em tự giải quyết đi nha, anh làm vầy để muốn em mạnh mẽ lên, vì muốn tốt cho cả hai ta! Thì còn phia người ta chịu gật đầu, không cho đi tàu lượn liền và luôn là còn may í!!!

Con trẻ sinh ra cũng vậy, là một tình yêu lớn của đời ta, và 6 tháng đầu tiên, khi con còn bỡ ngỡ đặt chân xuống nhân gian, chúng ta cũng nên cho con một tình yêu như thế! Vì đây là điểm khởi đầu cho một mối quan hệ máu mủ định mệnh có ý nghĩa đối với chúng ta, và đối với trẻ! Và vì là điểm khởi đầu, nên được bắt đầu bằng một dấu yêu thương bền vững!!!

Nhiều ông bà ba mẹ thường có quan niệm ôm ít ít thôi, hun chút chút thôi, không thôi nó quấn hơi, nó đòi, nó đổ đốn cả ra! Có ba mẹ còn ráng tập cho bé ngủ theo giấc, bú theo cữ khi bé chưa đầy 6 tháng, muốn rèn bé vào khuôn phép ngay từ sớm! Nhưng cái chính là, mọi người quên mất là, bé từ lúc sinh đến 6 tháng tuổi là một thiên thần lơ ngơ vô tội, đáng thương và đáng yêu, và hoàn toàn không “tính toán” được gì về nguyên nhân – hệ quả! Bé không thể nhận biết hoặc suy luận kiểu như: “mình muốn thứ này, mình sẽ khóc cho đến khi có được nó mới thôi”! Bé chỉ biết biểu hiện theo nhu cầu no-đói-ị-tè-ngủ như những hành vi thiết yếu để sinh tồn, và nhiều khi khóc lóc để biểu hiện sự khó ở và nhu cầu cần được ba mẹ hỗ trợ, vỗ về! Bé chỉ biết nhìn đời và nhìn người qua ba mẹ và những người sống chung với bé. Bé chỉ biết thế giới con người có yêu thương ấm áp hay không qua sự yêu thương ấm áp mà ba mẹ ông bà dành cho bé. Bé chỉ biết thế giới con người có an toàn hay bất ổn, vui vẻ hay sầu não, hạnh phúc hay lệ rơi, qua những cử chỉ, hành vi, lời nói (mặc dù bé có thể không hiểu, nhưng âm thanh, ngữ điệu bé hoàn toàn đọc được!) của ông bà, ba mẹ, anh chị em của bé, đối với bé, và đối với nhau! Nói một cách khác, ông bà, ba mẹ, anh chị của bé chính là vũ trụ của bé trong thời điểm này, và những tương tác hành vi, tình cảm mà bé nhận được và quan sát được trong cái vũ trụ nhỏ này của bé, sẽ mang tính quyết định cho sự phát triển tính cách, sự tương tác với con người và xã hội rộng lớn về sau!

Người ta thấy rằng, trẻ nhỏ trong giai đoạn sớm, nếu nhận được một mối quan hệ yêu thương nuôi dưỡng một cách nhất quán (có nghĩa là: bé được yêu thương và được đáp ứng nhu cầu căn bản khi cần một cách hợp lý), sẽ nhanh chóng phát triển được một mối quan hệ gắn kết vững chắc với người chăm sóc bé. Đồng thời, khi các bé này lớn lên, các bé có xu hướng linh động tích cực đối với các loại stress, cũng như dễ kết bạn và dễ hòa đồng hơn với những trẻ khác. Khi các bé trưởng thành, bé cũng có sức khỏe về tâm lý và thể lực tốt hơn!

Nhưng, lợi ích của việc chiều con trẻ còn lan ra cả ba mẹ và ông bà nữa đấy! Khi bạn đáp ứng nhu cầu của con nhanh chóng và hợp lý, bé sẽ bớt quấy và bớt khóc hơn, và vì vậy, bạn sẽ bớt căng thẳng hơn, và cảm thấy mình làm công việc ba mẹ “tốt hơn”. Nếu bạn muốn luyện cho con, và không đến đáp ứng nhu cầu trẻ khi trẻ lên tiếng khóc, nội việc nghe trẻ khóc cũng là một yếu tố gây căng thẳng cho ba mẹ và ông bà. Việc ôm ấp, hun hít con có lợi cho người nhận lẫn người cho, và có thể mang lại giây phút thư giãn, giúp mối quan hệ với con trẻ thêm phần khắng khít!

Điều ba mẹ ông bà cần tránh làm lúc này, là đừng tập cho bé những nhu cầu khác, thói quen “không lành mạnh” khác, như khi bú xong là lấy ti ra liền, đừng để bé ngậm ti mà ngủ, hoặc khi bé buồn ngủ thì đặt bé xuống để tự tập cho bé đi vào giấc ngủ, chứ không ru, đung đưa bé tới khi bé ngất thì thôi! :)

Sau 6 tháng tuổi, bé bắt đầu “khôn ra”, bắt đầu biết liên hệ “nguyên nhân –hệ quả”, và cũng bắt đầu tự kiểm soát được hành vi của chính mình. Lúc đó, chúng ta bắt đầu “rèn” cho bé vô nề nếp, và từ từ loại bỏ những “lịch trình” ăn-ngủ-nghỉ lệch giờ của bé để vào lịch chung của gia đình là một điều hợp lý và nên làm!

Tài liệu tham khảo

  1. Can you spoil a baby? – Raising children net website, as in February, 2016.
  2. https://www.facebook.com/huyenthao.bacsi/posts/447247795662281
  3. Chào con! Ba mẹ đã sẵn sàng! –  BS. Trần Thị Huyên Thảo