Thứ Năm , 16 Tháng Ba 2023
Trang chủ Chuyên ngành Nhi khoa Cho trẻ ăn bao nhiêu lần trong ngày là đủ?

Cho trẻ ăn bao nhiêu lần trong ngày là đủ?

Bài viết thứ 71 trong 97 bài thuộc chủ đề Các bài viết của Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo
 

Tổng quan

Việc cho ăn bao nhiêu lần trong ngày thường phụ thuộc vào tùy từng hoàn cảnh và tùy từng trẻ, tuy nhiên, số lần cho ăn thường dựa vào mức phát triển của trẻ, và đây là khuyến cáo chung để chúng ta tham khảo:

  • Khi trẻ cần hỗ trợ khi ngồi (trẻ ngồi chưa vững): cho ăn 2 – 3 lần/ngày, và sử dụng thức ăn nghiền nhuyễn, dầm nát, hoặc thức ăn semi – solid (không cứng quá, cũng không mềm quá).
  • Khi trẻ ngồi vững được: cho trẻ ăn 2 – 3 lần một ngày, sử dụng thức ăn theo thức ăn của gia đình, và một lượng ít thức ăn dầm mềm, không có cục.
  • Khi trẻ bò được: cho trẻ ăn 3 – 4 lần/ngày, sử dụng thức ăn gia đình, thức ăn dầm mềm, với cục nhỏ, thức ăn giòn, tan trong miệng khi bé cắn vào – ví dụ như bánh gạo.
  • Khi trẻ đi được: lý tưởng là 3 bữa ăn chính và 2 bữa ăn phụ một ngày. Cho trẻ ăn thức ăn cắt hơi bự, thức ăn có nhiều dạng khác nhau, thức ăn cỡ bằng một miếng cắn của trẻ, và các thức ăn dạng ngón tay (finger food).
  • Trong ngày, trẻ sẽ cần cho uống thêm sữa mẹ, sữa công thức, tùy theo hoàn cảnh và tùy theo tuổi của trẻ.
Xem thêm bài viết Ăn dặm

Các phát triển kỹ năng vận động liên quan đến việc ăn uống

Việc nhận biết các phát triển kỹ năng của trẻ sẽ giúp ba mẹ quyết định khi nào cho con tự ăn, hay tiếp tục hỗ trợ trẻ, khi nào cho trẻ ăn bằng muỗng hiệu quả, cũng như các dạng thức ăn nào là phù hợp hơn cho trẻ:

  • 6 – 9 tháng tuổi: trẻ có thể uống được từ ly do người lớn cầm, có thể ăn thức ăn mềm bón từ muỗng, bắt đầu nhai được, và thích thú khi cầm thức ăn, và bắt đầu thử tự cho ăn bằng tay.
  • 9 – 12 tháng tuổi: trẻ sẽ thử sử dụng muỗng. Lúc này, trẻ tự cho ăn bằng tay thành thạo hơn, nắm thức ăn chuyên nghiệp hơn, và bắt đầu ăn thường xuyên hơn.
  • 12 – 18 tháng tuổi: trẻ biết nắm thức ăn và thả thức ăn ra bằng ngón tay. Trẻ bắt đầu sử dụng muỗng tốt hơn, nhưng vẫn còn hơi lọng ngọng, và biết cho muỗng vào miệng. Trẻ có thể tự sử dụng ly, nhưng còn vương vãi nhiều.

Lựa chọn thức uống thêm cho trẻ

  • Nước: trẻ dưới 6 tháng bú mẹ hoàn toàn không cần uống thêm nước. Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, nên cho trẻ uống nước thêm.
  • Nước nên được cho uống giữa các cữ ăn và trong các cữ ăn phụ, nếu trẻ khát. Nếu bạn chọn cho trẻ uống nước trái cây, nên chắc chắn là nước trái cây 100% (có nghĩa là không thêm đường hoặc các phụ gia khác). Luôn cho trẻ uống nước ở ly nước, và giới hạn nước cái cây tối đa 125ml đến 175 ml/ngày mà thôi.

Có thức ăn nào trẻ không nên ăn không?

  • Có, không nên cho trẻ uống nước ngọt hoặc thức ăn ngọt, như kẹo, các loại nước ngọt đóng chai.
  • Không cho trẻ dưới 1 tuổi ăn hoặc uống mật ong, vì nguy cơ ngộ độc botulism gây liệt.
  • Không cần tránh/trì hoãn các loại thức ăn dễ gây dị ứng, và khi bắt đầu, nên cho trẻ tiếp xúc với các loại thức ăn này thường xuyên.

Cần lưu ý gì thêm khi cho trẻ ăn dặm hay không?

  • Luôn rửa tay trước khi cho trẻ bú mẹ, và rửa tay trẻ trước khi ăn.
  • Nếu bé chưa mọc răng, bạn vẫn nên vệ sinh nướu răng cho trẻ bằng một khăn mềm thấm nước, 2 lần mỗi ngày, để giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ.

Nguy cơ hóc nghẹn và phòng ngừa

Nên lưu ý nguy cơ hóc nghẹn của trẻ, vì trẻ nhỏ không biết cách nhai thức ăn ra thành từng miếng nhỏ, và trẻ cũng chưa học được cách ợ thức ăn lên nếu bị nghẹn. Các thức ăn dễ gây hóc nghẹn thường là các thức ăn nhỏ, dạng tròn, hoặc hình ống, ví dụ như xúc xích, quả nhỏ nguyên, lát cà rốt cắt ngang, các loại hạt, và các loại kẹo cứng. Vì vậy, nên phòng ngừa trẻ bị hóc nghẹn bằng cách:

  • Luôn có mặt theo dõi khi trẻ ăn
  • Trẻ phải ngồi xuống khi ăn
  • Khi sử dụng các rau củ sống, nên bào nhỏ ra, để trẻ dễ nhai hơn
  • Nấu mềm các loại trái cây, rau quả cứng
  • Đối với các loại thức ăn tròn, như xúc xích, nho, nên chẻ dọc, thay vì cắt ngang
  • Bỏ hột và lõi của quả trước khi cho trẻ ăn
  • Đối với các loại thịt có nhiều xơ, nên cho thêm nước vào nấu để làm mềm.
  • Không cho trẻ ăn các loại đậu nguyên hạt, bỏng ngô, kẹo cao su, kẹo cứng, hoặc cá có xương.

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.facebook.com/huyenthao.bacsi/posts/145572409163156
  2. Feeding your baby in the first year – Caring for Kids – Canadian Paediatric Society – Canada.
    Introducing solid foods – National health and medical research council – Australia.