Thứ Bảy , 13 Tháng Tư 2024
Trang chủ 4 Steps for Healthy Babies Chương 3: Áp dụng chế độ dinh dưỡng lành mạnh trước khi mang thai và các chất dinh dưỡng cần thiết trong thai kỳ

Chương 3: Áp dụng chế độ dinh dưỡng lành mạnh trước khi mang thai và các chất dinh dưỡng cần thiết trong thai kỳ

 

ThS. Ngô Thị Hải Lý

Vai trò của chế độ ăn uống và dinh dưỡng lành mạnh trong sự phát triển thai nhi

Dinh dưỡng là một khía cạnh quan trọng của sức khỏe và sức khỏe trước và trong khi mang thai. Thiếu hụt về dinh dưỡng ở phụ nữ là yếu tố nguy cơ đáng kể đối với thai chết lưu, sinh non, và trẻ nhẹ cân so với tuổi thai và gây ra các ảnh hưởng xấu bao gồm: 20% tử vong mẹ. Theo y văn, có khoảng 10-20% phụ nữ thiếu cân ở hầu hết các quốc gia (Dean, Lassi, Imam, & Bhutta, 2014a).

Khi thụ thai, tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ là một yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của phôi thai và thai nhi, đặc biệt là sự phát triển của bánh nhau và thai nhi trong thời kỳ tiền làm tổ. Sự phát triển của nhau thai cũng xảy ra khá nhanh, trong vài tuần đầu sau thụ thai và ngay cả trước khi chẩn đoán chắc chắn có thai. Hầu hết các cơ quan của thai nhi hình thành từ 3 – 7 tuần sau kỳ kinh nguyệt cuối cùng và bất kỳ tác nhân gây quái thai nào cũng có thể xảy ra vào thời điểm này. Nghiên cứu gần đây cho thấy chế độ ăn uống và lối sống của người mẹ ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của con cái của họ. Cụ thể, nếu mức độ dinh dưỡng của mẹ không đủ trong giai đoạn phát triển quan trọng của thai nhi có thể dẫn đến việc tái thiết lập lại trong các mô của thai nhi, làm cho quá trình phát triển không hoàn chỉnh và gây ra tình trạng trẻ sơ sinh mắc các bệnh mãn tính ở tuổi trưởng thành. Các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của người phụ nữ bao gồm di truyền, môi trường, thói quen sinh hoạt, sự hiện diện của bệnh hoặc các yếu tố gây căng thẳng sinh lý và phơi nhiễm với các thuốc có chứa độc tố (Gardiner et al., 2008).

Việc đánh giá và đưa ra các khuyến cáo về dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong tư vấn trước mang thai. Khi thực hiện tư vấn dinh dưỡng cho cặp đôi chuẩn bị mang thai, người tư vấn cần đề cập đến các thành phần chính của quá trình chăm sóc về dinh dưỡng trước mang thai bao gồm:

  • Đánh giá dinh dưỡng, phân tích và giải thích dữ liệu nhân trắc học, sự đầy đủ và chất lượng của thói quen ăn uống.
  • Chẩn đoán về dinh dưỡngcủa mỗi cá nhânsẽ giúp xác định và phát hiện bất kỳ vấn đề nào liên quan đến dinh dưỡng hoặc các yếu tố nguy cơ như béo phì hoặc rối loạn ăn uống.
  • Can thiệp dinh dưỡng theo từng thời điểm với mục tiêu và kế hoạch chăm sóc riêng biệt cho từng cá nhân để có cân nặng thích hợp, tiêu thụ đa dạng các loại thực phẩm, sử dụng loại chế phẩm bổ sung và các hoạt động thể chất phù hợp.
  • Theo dõi, đánh giá dinh dưỡng và giới thiệu đến chuyên gia dinh dưỡng khi cần thiết, tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân (Gardiner et al., 2008).

Vai trò của Axit folic

Axit folic là một vitamin nhóm B phức tạp và hòa tan trong nước, cần thiết cho quá trình tổng hợp DNA, có vai trò chính trong việc phân chia và phát triển tế bào. Chính vì thế, axit folic là chất dinh dưỡng rất quan trọng trước và trong khi mang thai nhờ khả năng phòng ngừa đã được chứng minh chống lại dị tật ống thần kinh (Gardiner et al., 2008McGurk, 2017). Dị tật ống thần kinh là một dị tật bẩm sinh nghiêm trọng của cột sống (tật nứt đốt sống) và não (não phẳng). Dị tật này được phân loại thuộc nhóm dị tật bẩm sinh lớn thứ hai trên toàn thế giới. Các nhóm dân số có nguy cơ cao mắc dị tật ống thần kinh hoặc thiếu axit folic bao gồm phụ nữ gốc Tây Ban Nha, phụ nữ béo phì, phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường trong tình trạng kiểm soát đường huyết kém, phụ nữ có dị tật ống thần kinh trước đó và phụ nữ mắc chứng rối loạn co giật khi dùng thuốc chống động kinh (Gardiner et al., 2008).

Nhiều nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng đã chỉ ra khả năng của axit folic trong ngăn ngừa dị tật ống thần kinh rất cao: nếu phôi thai tiếp xúc với lượng axit folic bảo vệ trong thời kỳ quan trọng là thời kỳ sự hình thành các cơ quan, ước tính có ít nhất 70% dị tật ống thần kinh có thể được ngăn chặn (Gardiner et al., 2008). Tổng quan Cochrane gần đây đã tìm thấy việc bổ sung folate (đơn thuần, hoặc dùng axit folic kết hợp với các vitamin và khoáng chất khác) làm giảm tỷ lệ dị tật ống thần kinh so với nhóm không can thiệp, nhóm giả dược hoặc bổ sung vi chất nhưng không chứa axit folic (De‐Regil, Fernández‐Gaxiola, Dowswell, & Peña‐Rosas, 2010). Ngoài ra, acid folic còn có tác dụng đáng kể trong dự phòng tái phát dị tật ống thần kinh (De‐Regil, Peña‐Rosas, Fernández‐Gaxiola, & Rayco‐Solon, 2015) với sự giảm nguy cơ tái phát của dị tật ống thần kinh từ 69 đến 100% và giảm nguy cơ xuất hiện dị tật ống thần kinh từ 42 lên 62% (Dean et al., 2014a). Tuy nhiên có khoảng 96% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản uống bổ sung sắt và folate dưới nồng độ khuyến cáo sử dụng cho thai kỳ (Stephenson et al., 2018), và như vậy không chỉ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản mà còn đến khả năng phòng ngừa dị tật ống thần kinh cho thai nhi. Theo y văn, các nghiên cứu còn cho thấy folate có vai trò trong sinh tinh trùng ở người đàn ông, và ở người phụ nữ, folate cũng rất quan trọng đối với chất lượng tế bào trứng và sự trưởng thành, sự làm tổ, sự hình thành và phát triển nhau thai, tăng trưởng của thai nhi và phát triển cơ quan (Ebisch, Thomas, Peters, Braat, & Steegers-Theunissen, 2006).

Folates là dẫn xuất của axit folic được tìm thấy tự nhiên trong thực phẩm. Các nguồn phong phú nhất là rau có lá xanh thẫm, khoai tây, và các loại rau và hạt khác. Folates bị phá hủy nhanh chóng bởi nhiệt và hòa tan dễ dàng trong nước; do đó, folate có thể bị mất đi trong khi nấu, hoặc giữ ấm thực phẩm và bảo quản kéo dài. Thiếu folate có thể dẫn đến thiếu máu hồng cầu to. Bệnh lý này xảy ra là do người mắc bệnh ăn uống không đủ, hoặc bị kém hấp thu hoặc tăng nhu cầu của folate trong khi mang thai, hoặc do điều trị bằng thuốc chống co giật và thuốc tránh thai (McGurk, 2017). Gan là một trong những thực phẩm chứa nguồn folate phong phú nhất, tuy nhiên không nên tiêu thụ quá nhiều trong thai kỳ do hàm lượng vitamin A cao. Chế độ ăn giàu vitamin B và vitamin C góp phần làm giàu folates (McGurk, 2017).

Nhu cầu axit folic tăng lên trong thai kỳ do sự gia tăng số lượng tế bào, đặc biệt quan trọng trong khoảng thời gian thụ thai và trong thời kỳ đầu mang thai. Lượng folate được khuyến cáo là 200 µg/ngày cho cả nam và nữ từ 11 tuổi trở đi. Đối với phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc mang thai, để giảm nguy cơ xuất hiện dị tật ống thần kinh lần mang thai đầu, phụ nữ nên tăng lượng folate và axit folic hàng ngày thêm 400 microgam (như vậy họ cần tổng cộng 600 microgam/ngày) trước khi thụ thai hoặc từ thời gian ngưng sử dụng biện pháp tránh thai và trong suốt 12 tuần đầu tiên của thai kỳ (McGurk, 2017).

Tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (có thể mang thai) nên được tư vấn về lợi ích của việc bổ sung axit folic các lần khám sức khỏe cho dù có thai hay không có thai, vì rất nhiều trường hợp mang thai mà cặp đôi không hề có sự chuẩn bị hoặc lên kế hoạch từ trước. Phụ nữ có nguy cơ cao thiếu axit folic như  bản thân mắc dị tật ống thần kinh, đã từng có con bị  dị tật ống thần kinh, chồng hoặc bạn trai có tiền sử cá nhân bị khuyết tật ống thần kinh… cần có chế độ ăn nhiều thực phẩm giàu folate và bổ sung bằng đường uống hàng ngày với nồng độ axit folic cao hơn bình thường, là 4,0 mg trong ít nhất 3 tháng trước khi thụ thai và cho đến khi thai 12 tuần tuổi. Từ 12 tuần tuổi thai, tiếp tục trong suốt thai kỳ, và trong 4 đến 6 tuần sau khi sinh hoặc tiếp tục dùng trong giai đoạn cho con bú, với nồng độ axit folic từ  0,4 đến 1,0 mg hàng ngày kết hợp với việc bổ sung vitamin tổng hợp (Wilson et al., 2015).

Bổ sung folate có thể thực hiện được bằng cách:

  • Ăn nhiều thực phẩm giàu folate.
  • Ăn nhiều thực phẩm tăng cường axit folic.
  • Uống bổ sung axit folic hàng ngày 400 microgam.

Viên uống bổ sung 400 microgam thường có sẵn và dễ dàng mua được từ các hiệu thuốc và cửa hàng thực phẩm chức năng (WHO, 2019b). Những phụ nữ đã có con bị ảnh hưởng trước đó có thể bổ sung từ 4-5mg/ngày đến khi thai được 12 tuần (McGurk, 2017NHS, 2018).

Sắt

Thiếu sắt là dạng thiếu hụt dinh dưỡng phổ biến nhất trên toàn thế giới và là nguyên nhân gây thiếu máu phổ biến nhất trong thai kỳ (Dhavliker, 2017Gardiner et al., 2008). Sắt giúp cơ thể tạo ra hồng cầu mang oxy theo máu cung cấp cho tất cả các bộ phận của cơ thể. Thiếu máu do thiếu sắt xảy ra khi không có đủ chất sắt trong cơ thể (OWH, 2017). Các phụ nữ bình thường khi mang thai có nguy cơ bị thiếu máu vì nồng độ huyết sắc tố trước khi mang thai thấp, dự trữ thấp các vi chất dinh dưỡng (vitamin B12 và axit folic) và nhu cầu tăng trong thai kỳ (Dhavliker, 2017). Có khoảng 40% phụ nữ thiếu máu thiếu sắt trên thế giới, và nếu các phụ nữ thiếu máu thiếu sắt khi mang thai không được điều trị, có thể gây ra tử vong (Dean et al., 2014a).

Thiếu máu thiếu sắt ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là do họ có nguy cơ bị thiếu sắt do kinh nguyệt, chế độ ăn uống kém và do mang thai (Gardiner et al., 2008). Khi mang thai, nhu cầu sắt tăng thêm 0,8mg trong ba tháng đầu lên hơn 6mg/ngày trong tam cá nguyệt thứ ba (do tăng khối lượng hồng cầu và tăng nhu cầu của thai nhi)  (Dhavliker, 2017). Một nghiên cứu về phụ nữ trong độ tuổi sinh sản ghi nhận chỉ có 20% phụ nữ có trữ lượng sắt lớn hơn 500 mg, 40% có dự trữ sắt 100-500 mg và 40% hầu như không có dự trữ sắt (Milman, 1999). Có tới 5% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị thiếu máu thiếu sắt do chảy máu nhiều khi hành kinh (OWH, 2017).

Các biến chứng thai nhi tiềm ẩn thứ phát sau thiếu máu bao gồm sinh non và thai chậm tăng trưởng trong tử cung (Dhavliker, 2017Gardiner et al., 2008). Hiện nay cơ chế của thiếu máu thiếu sắt gây ảnh hưởng lên thai nhi vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà sản khoa đề nghị trước khi thụ thai và trong khi mang thai, phụ nữ nên ăn thực phẩm giàu chất sắt (như thịt đỏ, hải sản, đậu, rau lá xanh đậm, trái cây sấy khô, đậu Hà Lan và ngũ cốc tăng cường chất sắt, bánh mì và mì ống) (Dhavliker, 2017Gardiner et al., 2008). Thực phẩm ức chế hấp thu sắt, chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì ngũ cốc nguyên hạt không men, các loại đậu, trà và cà phê, nên được tiêu thụ riêng biệt với thực phẩm tăng cường chất sắt. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khuyến nghị bổ sung sắt ở liều lượng 18 mg/ngày đối với phụ nữ và 27 mg/ngày đối với tất cả phụ nữ mang thai (Gardiner et al., 2008)Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và thanh thiếu niên cũng cần được bổ sung vì nhóm này có nguy cơ cao bị thiếu máu do thiếu sắt (OWH, 2017).

Thiếu máu thiếu sắt thường phát triển chậm, và các triệu chứng ban đầu có thể nhẹ. Khi tình trạng trở nên tồi tệ hơn các triệu chứng bao gồm (OWH, 2017):

  • Mệt mỏi (rất phổ biến)
  • Mất năng lượng (rất phổ biến)
  • Chóng mặt
  • Nhức đầu
  • Nhiệt độ cơ thể thấp
  • Da xanh hoặc màu vàng nhạt
  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều
  • Khó thở hoặc đau ngực, đặc biệt là khi hoạt động thể chất
  • Móng tay dễ gãy
  • “Ăn gở” (thèm đá bất thường, đồ uống rất lạnh hoặc các mặt hàng không phải là thực phẩm như bụi bẩn hoặc giấy)

Các bước tiếp cận sau đây có thể giúp ngăn ngừa thiếu máu do thiếu sắt (OWH, 2017):

  • Điều trị nguyên nhân mất máu. Phụ nữ nên đi khám và tư vấn với bác sĩ nếu có kinh nguyệt số lượng nhiều, hoặc nếu có vấn đề về hệ thống tiêu hóa, chẳng hạn như tiêu chảy thường xuyên hoặc có máu trong phân.
  • Ăn thức ăn có chất sắt. Các nguồn chất sắt tốt bao gồm thịt nạc và thịt gà, rau màu xanh sậm, và các loại đậu.
  • Ăn và uống thực phẩm giúp cơ thể hấp thụ chất sắt, như nước cam, dâu tây, bông cải xanh, hoặc các loại trái cây và rau quả khác có vitamin C.
  • Lựa chọn thực phẩm lành mạnh. Hầu hết những người thực hiện các lựa chọn thực phẩm cân bằng, lành mạnh đều nhận đầy đủ sắt và vitamin mà cơ thể cần từ thực phẩm.
  • Tránh uống cà phê hoặc trà trong bữa ăn. Những thức uống này khiến cơ thể khó hấp thụ chất sắt hơn.
  • Cần phải tư vấn với bác sĩ nếu đang uống thuốc canxi vì canxi có thể khiến cơ thể khó hấp thụ chất sắt hơn.

Hiệp hội Sản Phụ khoa Mỹ khuyến cáo tất cả phụ nữ mang thai nên được tầm soát thiếu máu và những người thiếu máu thiếu sắt nên uống bổ sung viên sắt, cùng với các vitamin trước sinh. Các hướng dẫn về thực phẩm của bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ khuyến nghị phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có khả năng mang thai nên ăn thực phẩm giàu sắt heme và / hoặc tiêu thụ thực phẩm giàu chất sắt hoặc thực phẩm nhiều chất sắt cùng thực phẩm chứa chất tăng cường hấp thu sắt, như thực phẩm giàu vitamin C (Gardiner et al., 2008).

Canxi 

Canxi rất cần thiết cho sự phát triển xương, duy trì sức khỏe người phụ nữ trong thai kỳ và suốt cuộc đời của họ. Tuy nhiên nhiều phụ nữ không tiêu thụ lượng canxi hàng ngày theo liều lượng được đề nghị trước và trong khi mang thai. Trong thai kỳ, sự phát triển thai nhi dựa hoàn toàn vào các nguồn nuôi dưỡng từ mẹ. Sự cân bằng động giữa dự trữ canxi trong xương và nhu cầu dinh dưỡng của thai nhi có thể ảnh hưởng xấu đến sự cân bằng canxi của mẹ. Do đó, nếu trước khi mang thai hệ xương của mẹ chưa được xây dựng phù hợp và chế độ ăn uống của mẹ không cung cấp đủ canxi, xương của người mẹ có thể bị thoái hóa vì canxi cung cấp cho thai khi ấy được lấy từ xương của mẹ (Gardiner et al., 2008).

Các nghiên cứu cho thấy rằng việc tăng lượng canxi trong thai kỳ giúp cải thiện sức khỏe xương của mẹ và trẻ sơ sinh. Các kết cục tốt cho thai kỳ bao gồm trẻ sơ sinh đủ cân nặng lúc sinh, sinh ra đủ tháng và huyết áp trẻ sơ sinh thấp hơn đều có liên quan đến lượng tiêu thụ canxi cao trong thai kỳ. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơnnhằm đưa ra kết luận về liều lượng canxi tối ưu sử dụng trước và trong khi mang thai (Gardiner et al., 2008). Việc sử dụng bổ sung canxi khi mang thai không chỉ giúp giảm nguy cơ tiền sản giật và sinh non mà còn làm giảm tỷ lệ tử vong hay bệnh tật nghiêm trọng của mẹ (Mackillop, 2015).

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và chuẩn bị mang thai nên được tư vấn về tầm quan trọng của việc tiêu thụ đạt mức canxi khuyến nghị thông qua chế độ ăn uống hoặc thực phẩm bổ sung. Nếu phụ nữ có thực hiện theo một chế độ ăn kiêng trước mang thai, họ cần được hỏi về lượng canxi tiêu thụ trong chế độ ăn (sữa, pho mai, v.v.), về việc họ bổ sung canxi và sử dụng thuốc kháng axit để đánh giá chung về lượng canxi tiêu thụ hiện tại của họ. Đồng thời, nhân viên y tế cũng nên chú ý hỏi về lượng vitamin D tiêu thụ vì vitamin này cần thiết cho sự hấp thụ canxi (Gardiner et al., 2008).

Các nguồn thực phẩm giàu canxi bao gồm (NHS, 2017):

  • Sữa, phô mai và các thực phẩm từ sữa khác
  • Rau lá xanh – như bông cải xanh, bắp cải và đậu bắp
  • Đậu nành
  • Đậu hũ
  • Đồ uống đậu nành có thêm canxi
  • Bánh mì và bất cứ thực phẩm làm làm giàu canxi
  • Cá có thể ăn cả xương

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo (WHO, 2020):

  • Tư vấn chế độ ăn uống cho phụ nữ mang thai nên cungcấp đủ liều lượng canxi đầy đủ thông qua các thực phẩm giàu canxi có sẵn tại địa phương.
  • Chia liều canxi có thể cải thiện khả năng hấpthu ở từng phụ nữ. Lượng bổ sung canxi được đề xuất là 1,5-2 g / ngày, được chia thành ba liều, tốt nhất là dùng trong bữa ăn.
  • Tương tác thuốc có thể xảy ra giữa sắt và canxi. Do đó, hai chất này tốt nhất nên được uống cách nhau vài giờ thay vì dùng đồng thời.
  • Có thể bắt đầu bổ sungcanxi khi khám thai lần đầu tiên.

Các loại khoáng chất khác

I-ốt

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có 2 tỷ người, 35% dân số thế giới bị thiếu iốt (Gardiner et al., 2008) và 77% phụ nữ trong độ tuổi 18-25 có chế độ ăn dưới lượng dùng khuyến cáo hằng ngày đối với iốt (Stephenson et al., 2018) theo thống kê năm 2005.

Iốt cần thiết cho việc sản xuất hormone tuyến giáp, thyroxine và triiodothyronine, và có thể được cung cấp trong chế độ ăn. Chế độ ăn không đủ iốt dẫn đến việc sản xuất không đầy đủ các hormone từ tuyến giáp, do đó gây nên các rối loạn do thiếu iốt, bao gồm sẩy thai, thai chết lưu, chậm phát triển tâm thần, đần độn, tăng tỷ lệ tử vong chu sinh và sơ sinh, bướu cổ và suy giáp.

Trong thai kỳ, Iốt dễ dàng qua nhau và di chuyển đến tuyến giáp của thai nhi. Nhờ đó tuyến giáp thai nhi tập trung iốt và tổng hợp các hormon tuyến giáp từ 10-12 tuần tuổi thai. Thiếu iốt trong thai kỳ ảnh hưởng xấu đến sự trưởng thành bình thường của hệ thần kinh trung ương của thai, đặc biệt là sự myelin hóa. Thiếu i-ốt cũng là nguyên nhân quan trọng của suy giảm nhận thức, chậm phát triển tâm thần và gây ra bệnh đần độn (Gardiner et al., 2008).

Nguồn thực phẩm chứa nhiều iốt bao gồm cá biển, động vật có vỏ. Bên cạnh đó Iốt cũng có thể được tìm thấy trong thực phẩm thực vật, chẳng hạn như ngũ cốc và hạt nguyên cám, nhưng ở mức độ khác nhau tùy thuộc vào lượng iốt trong đất nơi cây được trồng (NHS, 2017). Cung cấp đầy đủ iốt trong chế độ ăn, đặc biệt là trong giai đoạn trước mang thai, có thể giảm thiểu nguy cơ thiếu iốt trong giai đoạn phát triển sớm của thai nhi. Các nghiên cứu về tác động của việc bổ sung iốt cụ thể trước khi mang thai chưa được thực hiện nhiều nhưng xác định và điều trị rối loạn thiếu iốt trước khi mang thai là một chiến lược y tế công cộng phòng ngừa hiệu quả các biến chứng gây ra do thiếu iốt (Gardiner et al., 2008).

Ủy ban Thực phẩm và Dinh dưỡng của Viện Y học Mỹ (The Institute of Medicine’s Food and Nutrition Board) khuyến cáo nên bổ sung iốt tối thiểu hàng ngày là 150 µg i-ốt cho người lớn không mang thai, 220 µg i-ốt cho phụ nữ mang thai và 290 µg i-ốt cho phụ nữ cho con bú (Gardiner et al., 2008). Bổ sung i-ốt hàng ngày được khuyến nghị cho tất cả phụ nữ ở Úc vào ba tháng trước khi thụ thai, cũng như cho tất cả phụ nữ mang thai và cho con bú để giảm nguy cơ thiếu iốt và tác động tiêu cực liên quan đến sự phát triển não và hệ thần kinh sớm của thai nhi (McKenna, Hure, Perkins, & Gresham, 2017). Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc và Hội đồng Quốc tế về Kiểm soát rối loạn thiếu iốt khuyến nghị lượng iốt hàng ngày là 150 µg i-ốt cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (15-49 tuổi) và 250 µg i-ốt cho phụ nữ có thai và cho con bú (WHO, 2007) (Bảng 1). Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị thiếu iốt nên được tư vấn về những rủi ro của tình trạng này đối với kết quả mang thai và tầm quan trọng của việc duy trì lượng iốt trong chế độ ăn uống hàng ngày. Những nỗ lực y tế công cộng để thực hiện các chương trình i-ốt muối nên được khuyến khích cho tất cả phụ nữ cư trú ở những vùng dịch tễ thiếu iốt (Gardiner et al., 2008).

 

Nhóm dân số Liều cung cấp i-ốt hàng ngày (µg/ngày) Liều cung cấp i-ốt dạng dầu hàng năm (mg/năm)
Phụ nữ có thai 250 400
Phụ nữ cho con bú 250 400
Phụ nữ tuổi sinh sản (15-49 tuổi) 150 400
Trẻ em nhỏ hơn 2 tuổi 90 200

Bảng 1: Khuyến cáo của Tổ Chức Y tế thế giới về liều lượng cung cấp i-ốt hàng ngày và hàng năm

Kẽm 

Kẽm là một vi chất dinh dưỡng có nhiều trong thịt và hải sản. Kẽm đóng vai trò là đồng yếu tố (cofactor) cho hơn 80 men vi chất (metalloenzymes) liên quan đến việc giải mã DNA và tổng hợp protein của tế bào. Việc giải mã DNA là một quá trình chính của sự phát triển tế bào mầm của cơ thể nên kẽm là thành phần quan trọng trong quá trình sinh sản. Hơn nữa, các protein được xúc tác từ kẽm (zinc finger proteins ) có liên quan đến biểu hiện di truyền của các thụ thể thuộc hormone steroid, và kẽm cũng có khả năng ức chế sự lập trình của hiện tượng chết tế bào (apoptotic) và các đặc tính chống oxy hóa (Ebisch et al., 2006). Ở nam giới, kẽm có liên quan đến sự phát triển tinh hoàn, sự trưởng thành của tinh trùng và sự tổng hợp testosterone. Ở nữ giới, kẽm đóng vai trò trong sự phát triển tình dục, rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt. Cả folate và kẽm đều có đặc tính chống oxy hóa chống lại các loại phản ứng oxy (reactive oxygen species -ROS) (Ebisch et al., 2006),

Mặc dù kẽm giữ vai trò quan trọng trong sinh sản ở nữ giới, tuy nhiên, có rất ít các nghiên cứu về ảnh hưởng của thiếu kẽm ở phụ nữ (Ebisch et al., 2006). Từ năm 1975, Ronaghy và Halsted mô tả hai phụ nữ ở độ tuổi 19 và 20, mắc chứng thấp lùn do dinh dưỡng kém với chậm trưởng thành về sinh dục. Những phụ nữ này không có mô vú hoặc không có lông mu, còn bộ phận sinh dục ngoài thì ở hình dạng của trẻ sơ sinh. Họ có nồng độ kẽm trong huyết tương và hồng cầu cực thấp. Sau khi bổ sung kẽm, những phụ nữ này đã trải qua thời kỳ kinh nguyệt đầu tiên và phát triển mô vú cũng như sự phát triển của lông mu. Đến năm 1976, Jameson đã báo cáo tình trạng vô sinh kéo dài ở bảy phụ nữ phát triển có đời sống tình dục bình thường, nhưng họ mắc bệnh celiac (không dung nạp gluten), và họ có nồng độ kẽm trong huyết thanh thấp. Tuy nhiên, đến năm 1983, Soltan và Jenkins tiến hành đo nồng độ kẽm trong huyết tương ở 48 phụ nữ vô sinh và 35 đối chứng và không tìm thấy sự khác biệt giữa hai nhóm này (Ebisch et al., 2006).

Kẽm có liên quan đến rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt (Schaefer & Nock, 2019). Việc tổng hợp DNA là nền tảng cho sự phát triển của noãn bào, phụ thuộc vào kẽm và một số vitamin B (Schaefer & Nock, 2019).  Tuy nhiên, theo Tổ chức y tế thế giới, việc bổ sung kẽm cho phụ nữ mang thai chỉ được khuyến cáo trong bối cảnh tại địa phương có các nghiên cứu chứng minh về tình trạng sụt giảm bổ sung kẽm rõ rệt (WHO, 2018b)

Các vitamin

Các vi chất dinh dưỡng gồm các vitamin và khoáng chất thiết yếu là thành phần cần thiết với số lượng nhỏ các khẩu phần ăn. Mặc dù các vi chất dinh dưỡng này không cung cấp năng lượng cho cơ thể con người, nhưng chúng rất cần thiết cho quá trình dị hóa và đồng hóa xảy ra tại tê bào trong cơ thể. Sự đảm bảo tốt về dinh dưỡng trong thai kỳ ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi thai và thai nhi, do đó, ảnh hưởng đến kết cục mang thai. Sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai có thể dẫn đến tiền sản giật, sinh non, dị tật ống thần kinh hoặc tủy sống (tật nứt đốt sống) và các bất thường bẩm sinh khác (liên quan đến tim mạch hoặc hệ tiết niệu), cũng như những đứa trẻ được sinh ra nhẹ cân. Việc cung cấp không đầy đủ các vi chất dinh dưỡng trong thai kỳ cũng có thể có tác động lâu dài đến tuổi trưởng thành như làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm (non-communicable diseases) như tăng huyết áp, tiểu đường (Schaefer & Nock, 2019). Sử dụng vitamin tổng hợp quanh thời điểm thụ thai (6 tuần trước và 6 tuần sau khi thụ thai) có liên quan đến giảm tỷ lệ của tiền sản giật, hạn chế thai chậm phát triển và sinh non; tuy nhiên, có một vài bằng chứng cho thấy nguy cơ tử vong thai nhi tăng nhẹ sau khi sử dụng vitamin tổng hợp trong giai đoạn chu sinh (Nohr et al., 2014).

Vitamin A

Vitamin A là một vitamin tan trong chất béo được tìm thấy ở nhiều dạng, có trong thực phẩm nguồn gốc từ động vật (gan, sữa nguyên chất) và các nguồn thực vật (rau lá, cà rốt) nên được đưa vào trong danh sách các vi chất cần thiết cho một chế độ ăn uống lành mạnh.

Vitamin A được hấp thụ dưới dạng retinol, sau đó hình thành retinal và acid retinoic (các dạng hoạt động khác của vitamin A) trong cơ thể. Vitamin A có trong trái cây và rau quả được gọi là carotene, được sử dụng để tạo retinol trong cơ thể (Gardiner et al., 2008). Cung cấp đầy đủ vitamin A tạo điều kiện để nâng cao chất lượng tế bào trứng và sự hình thành phôi dâu (blastogenesis) (Schaefer & Nock, 2019). Thêm vào đó, vitamin A được cần thiết cho hoạt động thị giác, sự phát triển tế bào, tăng khả năng miễn dịch và tính toàn vẹn của mô biểu mô của thai nhi. Vì vitamin A hòa tan trong lipid, nó dễ dàng đi qua nhau thai và có thời gian bán hủy dài (Gardiner et al., 2008).

Mặc dù vitamin A rất cần thiết cho sức khỏe tốt và cần thiết cho sự phát triển của thai nhi, nhưng nếu cung cấp một lượng lớn vitamin A trong thai kỳ có lại liên quan đến nguy cơ sẩy thai và dị tật bẩm sinh về thần kinh, bất thường về sự phát triển của hệ thần kinh trung ương, sọ và tuyến ức ở thai (BNFGardiner et al., 2008). Trong giai đoạn mang thai, nếu phụ nữ tiêu thụ hơn 10.000 IU vitamin A mỗi ngày có thể gây quái thai, dẫn đến khuyết tật sọ/thần kinh. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại cho thấy nếu dung nạp vitamin A quanh thời điểm thụ thai lớn hơn 10.000 IU/ngày không liên quan tăng nguy cơ dị tật mào thần kinh sọ hoặc làm tăng dị tật ống thần kinh. Mặc dù dữ liệu từ nghiên cứu thử nghiệm ở động vật cho thấy rõ ràng là vitamin A liều cao gây quái thai, những dữ liệu này rất khó thu được ở người vì không thể thực hiện các nghiên cứu do liên quan đến vấn đề về y đức.

Vitamin A cũng có tác dụng bảo vệ ở phụ nữ mang thai bị HIV/hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải. Ngày càng có nhiều bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng ở các nước đang phát triển rằng vitamin A có thể bảo vệ chống lại bệnh tật của mẹ, mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn (Gardiner et al., 2008).

Quan điểm bổ sung về vitamin A trong thai kỳ khác nhau theo từng hướng dẫn của mỗi quốc gia. Theo Quỹ dinh dưỡng Anh, phụ nữ mang thai được khuyến cáo không nên bổ sung vitamin A, và không bổ sung dầu gan cá hoặc bổ sung vitamin tổng hợp có chứa vitamin A. Các sản phẩm cho gan và gan cũng có thể chứa nhiều vitamin A cũng được đề nghị tránh trong thai kỳ (BNF) Theo WHO, bổ sung vitamin A không được khuyến cáo trong các lần khám thai định kỳ để phòng ngừa bệnh tật và tử vong cho mẹ và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, ở những vùng có vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng liên quan đến thiếu vitamin A, nên bổ sung vitamin A để phòng ngừa bệnh quáng gà. Cụ thể, phụ nữ mang thai nên bổ sung 10.000 IU vitamin A mỗi ngày hoặc lên tới 25.000 IU vitamin A mỗi tuần dưới dạng chất lỏng uống, chế phẩm từ dầu của retinyl palmitate hoặc retinyl acetate. Bổ sung nên được tiếp tục trong tối thiểu 12 tuần trong khi mang thai cho đến khi sinh (McGuire, 2012).

Thời gian bán hủy của chất chuyển hóa chính của axit retinoic là 50 giờ, vì vậy hầu hết các sản phẩm thuốc và chế phẩm sinh học sẽ hết trong vòng 10 ngày kể từ liều cuối cùng. Etretinate và isotretinoin (Accutane), dẫn xuất tổng hợp của retinol, được biết là gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng và không nên dùng trong khi mang thai hoặc nếu có khả năng mang thai. Khuyến cáo hiện tại là ngừng sử dụng các loại thuốc như vậy ít nhất một tháng trước khi mang thai (Gardiner et al., 2008).

Vitamin D

Vitamin D là một vitamin tan trong lipid, quan trọng trong quá trình chuyển hóa canxi và phốt pho. Vitamin D thúc đẩy sự hấp thụ canxi và khoáng hóa xương (bone mineralization) (Gardiner et al., 2008). Các thụ thể vitamin D được phân bố khắp các mô sinh sản và vitamin D có vai trò quan trọng trong chức năng sinh sản. Vitamin D cùng với folate, vitamin B6, B12 và sắt đều có vai trò trong các cơ chế có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, bao gồm chuyển hóa cân bằng nội mô (homocysteine), phản ứng viêm, sự mất cân bằng oxy hóa (oxidative stress) và sự hình thành phôi (embryogenesis) (Schaefer & Nock, 2019).

Vitamin D có thể được cơ thể tự sản xuất bằng sự hấp thu ánh nắng mặt trời hoặc từ các nguồn thực phẩm bên ngoài cung cấp. Các nguồn thực phẩm chính làm tăng cường vitamin D bao gồm sữa, nước cam và một số ngũ cốc ăn sáng. Ngoài ra, có các thực phẩm khác giàu vitamin D bao gồm các loại cá béo (cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi), lòng đỏ trứng, gan bò và phô mai. Vitamin D rất cần thiết cho sức khỏe của phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Thiếu vitamin D trong thai kỳ làm cho bà mẹ tăng cân ít, tiền sản giật, gây ra rối loạn cân bằng nội môi ở xương của trẻ sơ sinh, và có thể dẫn đến các tình trạng nặng như giảm khoáng hóa xương, còi xương rõ rệt và gãy xương (Dhavliker, 2017Gardiner et al., 2008).

Phụ nữ có nguy cơ bị thiếu vitamin D bao gồm những phụ nữ không tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời, có lượng vitamin D cung cấp trong chế độ ăn uống thấp như không sử dụng sữa hoặc không dung nạp Lactose, phụ nữ mang  khăn trùm đầu (như Hồi giáo) (Gardiner et al., 2008). Béo phì trước khi mang thai có liên quan đến mức vitamin D thấp hơn ở cả phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh; 61% phụ nữ béo phì (BMI≥30) trước khi mang thai bị phát hiện thiếu vitamin D, so với 36% phụ nữ có BMI trước khi mang thai dưới 25 (Dhavliker, 2017).

Các nghiên cứu quan sát và thử nghiệm cho thấy nếu phụ nữ mang thai có nguy cơ thiếu vitamin D cao và họ được bổ sung đầy đủ lượng vitamin D, kết quả cho thấy tình trạng trẻ sơ sinh được cải thiện tốt hơn (Gardiner et al., 2008). Bổ sung vitamin D được khuyến nghị trong thai kỳ giúp phát triển tối ưu xương thai nhi và tránh còi xương ở trẻ em (BNF). Liều tối ưu của vitamin D trong giai đoạn trước thụ thai và trong khi mang thai là không rõ. Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng lượng tiêu thụ khuyến nghị hằng ngày 200-400 IU là quá thấp và dựa trên bằng chứng hiện tại, nhu cầu hàng ngày có thể gần hơn 1000 IU hoặc cao hơn (Gardiner et al., 2008).

Quỹ Dinh dưỡng Anh khuyến cáo tất cả phụ nữ mang thai nên bổ sung 10 μg vitamin D mỗi ngày trong suốt thai kỳ (BNF). Theo Hiệp hội sản phụ khoa Hoàng gia Anh (RCOG), nên cung cấp dự phòng 400 IU vitamin D cho tất cả phụ nữ trước và trong khi mang thai, 1.000 IU cho phụ nữ béo phì (BMI> 30) và 20.000 IU mỗi tuần trong bốn đến sáu tuần cho phụ nữ thiếu vitamin D (Dhavliker, 2017). Trong khi đó, Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến cáo mức tiêu thụ hàng ngày là 400-800 IU. Hướng dẫn của Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ nhấn mạnh những người da đen hoặc không tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời nên bổ sung thêm vitamin D từ thực phẩm và/hoặc thực phẩm chức năng chứa vitamin D (Gardiner et al., 2008).

Không đủ bằng chứng để đề nghị nên hay không nên sàng lọc thường xuyên hoặc bổ sung vitamin D trong quá trình tư vấn trước mang thai. Tuy nhiên, dựa trên dữ liệu gần đây về tầm quan trọng của vitamin D đối với phụ nữ và trẻ sơ sinh, các nhà lâm sàng nên chú ý đến các đổi tượng có nguy cơ cao thiếu vitamin D. Ngoài ra, đối với những người phụ nữ bị thiếu vitamin D, họ cần được hướng dẫn về tăng cường vitamin D trong chế độ ăn và bổ sung vitamin D vì đây là một phần quan trọng của chăm sóc trước mang thai (Gardiner et al., 2008).

Vitamin C và E

Vitamin C, còn được gọi là axit ascobic, có một số chức năng quan trọng như bảo vệ tế bào và giữ cho tế bào khỏe mạnh, duy trì sự săn chắc của làn da, mạch máu, xương và sụn và giúp chữa lành vết thương. Vitamin C được tìm thấy trong nhiều loại trái cây và rau quả như ổi, cam, ớt, ớt chuông, kiwi, dâu tây, bông cải xanh, khoai tây,… Người lớn từ 19 đến 64 tuổi cần bổ sung 40mg vitamin C mỗi ngày (NHS, 2017).

Vitamin E giúp duy trì làn da và đôi mắt khỏe mạnh, tăng cường khả năng đề kháng tự nhiên của cơ thể chống lại bệnh tật và nhiễm trùng. Vitamin E được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như dầu thực vật – như đậu nành, ngô và dầu ô liu, các loại hạt và hạt giống, ngũ cốc và các sản phẩm ngũ cốc. Lượng vitamin E cho người lớn hằng ngày là 4mg cho nam giới, 3mg cho phụ nữ (NHS, 2017).

Bổ sung vitamin C khi mang thai, đơn độc hoặc kết hợp với các chất bổ sung khác (chủ yếu là vitamin E) không cho thấy sự cải thiện kết cục tốt cho thai kỳ dực trên kết quả tổng quan từ Cochrane gồm dữ liệu từ 29 thử nghiệm với hơn 24.000 phụ nữ mang thai từ 17 quốc gia. Có sự giảm tương đối (36%) nhau bong non ở những phụ nữ được bổ sung vitamin C (8 nghiên cứu, trên 15.700 phụ nữ), tuy nhiên, kết quả ghi nhận này không chứng minh rõ liệu vitamin C hay tác nhân khác làm cải thiện tỷ lệ nhau bong non, vì hầu hết các thử nghiệm đã cung cấp cho phụ nữ vitamin C kết hợp với vitamin E. Trong các nghiên cứu  với phụ nữ chỉ được bổ sung vitamin C đơn thuần cho thấy có sự giảm vỡ ối khi thai đủ hoặc thiếu tháng. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để xem xét vai trò của vitamin C trong việc giảm nhau bong non và sự phát triển của ối vỡ sớm. Theo tác giả Rumbold, 2015, việc bổ sung vitamin C không có tác dụng nào lên kết quả sinh non, vỡ ối non hay vỡ ối sớm, tiền sản giật, thai chết lưu, tử vong sơ sinh, tử vong chu sinh hoặc chậm tăng trưởng trong tử cung (Rumbold, 2015).

Bổ sung vitamin E và C không được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai để cải thiện kết quả của mẹ và chu sinh (WHO, 2016b). Phụ nữ mang thai nên được khuyến khích ăn đủ dinh dưỡng, đạt được tốt nhất thông qua chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh và tham khảo các hướng dẫn về ăn uống lành mạnh (WHO, 2016b).

Vitamin B6 và B12

Vitamin B6, còn được gọi là pyridoxine, giúp cơ thể sử dụng và lưu trữ năng lượng từ protein và carbohydrate trong thực phẩm, tạo thành huyết sắc tố, chất trong các tế bào hồng cầu giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Vitamin B6 được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm thịt heo, gia cầm, cá, ngũ cốc nguyên hạt, trứng, rau, đậu nành, đậu phộng, sữa, khoai tây và một số loại ngũ cốc tăng cường vitamin B6. Lượng vitamin B6 cần cung cấp mỗi ngày cho người lớn (từ 19 đến 64 tuổi) là 1,4mg cho nam giới và 1,2mg cho phụ nữ (NHS, 2017). Tình trạng thiếu hụt vitamin B6 dường như làm giảm khả năng thụ thai và góp phần vào nguy cơ mất thai sớm theo một nghiên cứu thực hiện tại Trung Quốc (Alayne G. Ronnenberg et al., 2007).

Vitamin B12 có liên quan đến việc hình thành các tế bào hồng cầu và giữ cho hệ thống thần kinh khỏe mạnh, giải phóng năng lượng từ thực phẩm và chuyển hóa axit folic. Các loại thực phẩm giàu vitamin B12 là thịt, cá hồi, sữa, phô mai, trứng, một số loại ngũ cốc tăng cường vitamin B12. Người trưởng thành (từ 19 đến 64 tuổi) cần cung cấp khoảng 1,5µg vitamin B12 mỗi ngày (NHS, 2017).

Thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu vitamin B12.

Vitamin B12 hoạt động như một đồng yếu tố cho các phản ứng enzyme trong chuyển hóa một carbon và đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa folate. Sutton và cộng sự đã báo cáo, nồng độ vitamin B12 không thấp hơn ở những phụ nữ có thai bị dị tật ống thần kinh hoặc các loại khiếm khuyết khác. Tuy nhiên, Molloy và cộng sự cũng đã phát hiện nhưng thai kỳ có dị tật ống thần kinh có liên quan đến sụt giảm nồng độ vitamin B12 của mẹ và không phụ thuộc vào tình trạng folate. Một nghiên cứu đoàn hệ tại Trung Quốc không tìm thấy bất kỳ mối liên quan nào giữa nồng độ vitamin B12 của mẹ trong thai kỳ sớm và thai nhẹ cân, cũng như sinh non. Điều này có thể được giải thích rằng folate là chất nền và vitamin B12 đóng vai trò là đồng yếu tố trong quá trình chuyển hóa cân bằng nội mô (Yang et al., 2017).

Thiếu vitamin B12 nếu không được cung cấp kịp thời và đầy đủ cũng gây nên thiếu máu giống như thiếu folate, dẫn đến tổn thương không thể hồi phục cho hệ thần kinh trung ương và ngoại biên. Axit folic sẽ điều chỉnh tình trạng thiếu máu do thiếu vitamin B12 và do đó làm trì hoãn chẩn đoán, nhưng sự điều chỉnh từ axit folic này sẽ không ngăn ngừa tiến triển thành tổn thương thần kinh. Vì lý do này, các thử nghiệm bổ sung axit folic được tiến hành đồng thời với việc bổ sung vitamin B12 (Malouf, Grimley Evans, & Areosa Sastre, 2003). Các nghiên cứu khác cũng đã tìm thấy mối liên hệ giữa thiếu vitamin B12 và vô sinh nữ (Schaefer & Nock, 2019). Nồng độ folate và vitamin B12 trong huyết thanh cao hơn trước khi điều trị bằng công nghệ hỗ trợ sinh sản có liên quan đến tỷ lệ sinh sống cao hơn trong nhóm dân số tiếp xúc với việc tăng cường axit folic (Gaskins et al., 2015).

Lượng vitamin B12 và B6 dưới mức cần thiết của cơ thể và tăng chuyển hoá cân bằng nội mô và có thể làm tăng nguy cơ sinh non. Nghiên cứu tại Trung Quốc, tác giả tìm thấy mối liên quan đáng kể giữa sinh non và cả homocysteine huyết tương và vitamin B12 huyết tương thấp được đo trước khi thụ thai (Alayne G Ronnenberg et al., 2002).

Thực phẩm giàu dinh dưỡng và các axit béo

Mang thai là một giai đoạn đặc biệt trong cuộc sống vì việc xây dựng một chế độ ăn uống ảnh hưởng đến sức khỏe của không chỉ một mà hai cá nhân. Do đó, một chế độ ăn uống đa dạng lành mạnh là rất quan trọng đối với sức khỏe của cả thai phụ và thai nhi. Chế độ ăn uống của phụ nữ trước khi thụ thai cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé. Phụ nữ mang thai và phụ nữ chuẩn bị mang thai nên ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, đa dạng và cân bằng tương tự như khuyến nghị cho dân số nói chung. Trong thực tế, điều này có nghĩa là áp dụng mô hình chế độ ăn kiêng dựa trên các loại thực phẩm giàu tinh bột (chọn các loại nguyên hạt hoặc khoai tây có vỏ khi bạn có thể), và bao gồm nhiều trái cây và rau quả, một lượng vừa phải thịt, cá và / hoặc các nguồn protein khác (như trứng) và một lượng vừa phải các sản phẩm từ sữa (như sữa, sữa chua hoặc phô mai). Thực phẩm và đồ uống có nhiều chất béo và đường chỉ nên được tiêu thụ với số lượng hạn chế (NHS, 2017).

Theo Quỹ dinh dưỡng Anh, khẩu phần ăn của phụ nữ mang thai và người lớn nên có hai phần cá mỗi tuần, một trong số đó là cá béo / cá nhiều mỡ (oily fish). Cá béo / cá nhiều mỡ  có chứa nhiều axit béo chuỗi dài omega-3 có lợi. Những loại axit béo này cần thiết cho sự phát triển của hệ thống thần kinh trung ương, não và võng mạc của thai nhi. Tuy nhiên, có những giới hạn được khuyến nghị đối với việc tiêu thụ cá béo / cá nhiều mỡ và một số loại cá ít béo (cá da trơn, cá vược, cá tráp, cá bơn, cá bơn, cua) khi mang thai, do nguy cơ tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm như điôxin và biphenyl (PCB) đã được tìm thấy trong những loại cá này. Phụ nữ mang thai và phụ nữ mang thai nên tránh ăn cá mập, cá kiếm, cá marlin, cá ngừ do thủy ngân trong những loại cá này có thể gây hại cho hệ thần kinh của thai nhi (NHS, 2017).

Khi mang thai, phụ nữ dễ bị mắc các bệnh gây ra do sự sai lầm trong chọn lựa thực phẩm tiêu thụ. Lý giải nguyên nhân này là do sự thay đổi trong hệ thống miễn dịch của cơ thể người phụ nữ trong giai đoạn mang thai. Để giảm nguy cơ này, phụ nữ mang thai nên tránh một số loại thực phẩm và tuân theo các hướng dẫn an toàn thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm khi mang thai có thể tránh được bằng cách (NHS, 2017):

  • Tránh một số loại thực phẩm nguy cơ
  • Rửa tay trước khi xử lý thực phẩm
  • Rửa tất cả trái cây và rau trước khi ăn
  • Rửa tay, bề mặt và dụng cụ sau khi chuẩn bị thực phẩm sống
  • Nấu kỹ thịt
  • Hâm thực phẩm trước khi ăn
  • Tránh lây nhiễm chéo
  • Giữ thức ăn thừa được bảo quản trong tủ lạnh và sử dụng chúng trong vòng hai ngày
  • Thực hiện theo các hướng dẫn lưu trữ và ăn thực phẩm trước khi nó được sử dụng.

Listeriosis là một bệnh giống như bệnh cúm do vi khuẩn Listeria monocytogenes gây ra. Nếu xảy ra trong thai kỳ, listeriosis có thể gây sẩy thai, thai chết lưu hoặc bệnh nặng ở trẻ sơ sinh. Phụ nữ mang thai nên tránh những thực phẩm có thể tìm thấy nồng độ vi khuẩn này cao bao gồm:

  • Pâté
  • Các loại phô mai mềm đã chín khuôn, ví dụ: Brie, Camembert và phô mai mềm màu xanh
  • Sữa chưa tiệt trùng và các sản phẩm sữa, ví dụ: phô mai làm từ sữa chưa tiệt trùng, trừ khi được nấu chín kỹ để tiêu diệt bất kỳ vi khuẩn nào trong phô mai
  • Thực phẩm dễ hỏng ăn sẵn chưa nấu chín, đặc biệt nếu chúng có chứa gia cầm hoặc không được bảo quản đúng cách

Salmonella là một nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm, và có thể dẫn đến nôn mửa và tiêu chảy nghiêm trọng. Phụ nữ mang thai nên tránh các nguồn thực phẩm có thể nhiễm salmonella như liệt kê dưới đây:

  • Trứng sống hoặc nấu chín một phần và các sản phẩm có thể chứa vi khuẩn
  • Thịt sống hoặc nấu chưa chín
  • Thực phẩm được tiêu thụ sống hoặc ăn sẵn đã tiếp xúc với thịt sống

Toxoplasmosis là một tình trạng gây ra bởi ký sinh trùng Toxoplasma gongii, đôi khi có thể được tìm thấy trong thịt sống, sữa chưa tiệt trùng và phân mèo. Nhiễm Toxoplasma gongii trong thai kỳ có thể dẫn đến những bất thường nghiêm trọng ở thai nhi, bao gồm mù lòa và chậm phát triển trí tuệ.

Phụ nữ mang thai cần tránh các loại thực phẩm sau để phòng tránh bệnh toxoplasmosis

  • Thịt sống, nấu chưa chín hoặc tái
  • Sữa chưa tiệt trùng và các sản phẩm từ sữa (đặc biệt là sữa dê)
  • Tiếp xúc với đất hoặc mèo, nên mang găng tay khi làm vườn.