Thứ Sáu , 31 Tháng Ba 2023
Trang chủ Chuyên ngành Nhi khoa Con em không biết đói – hay – em có bao giờ để con em đói không?

Con em không biết đói – hay – em có bao giờ để con em đói không?

Bài viết thứ 79 trong 97 bài thuộc chủ đề Các bài viết của Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo
 

Câu dân gian xưa có nói: “Có đói đầu gối mới bò”

Đối với trẻ em, cô phăng-ta-zi ra thành câu này nhé:

“Có đói thì mới đòi ăn
Đòi ăn cho được, thì hàm mới nhai
Nhai rồi, mới biết là ngon
Ngon thì mới nghĩ đến lần thứ hai!
Ai ơi, nhớ lấy điều này
Đói là điều tốt, no hoài không nên!”

Vì sao trẻ biếng ăn?

Trẻ nhỏ, dạ dày nhỏ xíu, nhu cầu năng lượng lại không cao (bằng người lớn). Sau 1 tuổi, tốc độ tăng trưởng của trẻ chững lại, trẻ lại bắt đầu có được nhiều kỹ năng mới: đi, đứng, chạy, nói, giao tiếp, “hiểu biết” cũng có vẻ nhiều hơn. Vì vậy, giai đoạn này, trẻ không tập trung vào việc ăn uống nhiều nữa, vì không cần nhiều mấy, mà lại tập trung vào việc phát triển kỹ năng, nhận biết khám phá bản thân, con người, và thế giới, chơi đùa, và “học tập” qua những hoạt động thường ngày của trẻ và của người lớn nữa. Tuy nhiên, trẻ và người lớn lại bị lệch pha nhất, trong thời điểm này. Vì đối với trẻ, việc ăn uống đã trở thành thứ yếu, nhưng đối với người lớn, việc ăn uống vẫn được đặt lên hàng quan trọng tối ưu. Khi hai người yêu nhau mà không hiểu nhau, dĩ nhiên là dẫn đến tranh cãi, dằn vặt và ép buộc! Giai đoạn này, trẻ lại bắt đầu phát triển cái “tôi” của mình, nên càng ép, càng phản kháng và đối đầu. Tuy nhiên, tình yêu này lại không có chuyện “chia tay”, nên tốt nhất, là người lớn chúng ta phải hiểu, thông cảm, và tôn trọng những ưu tiên của trẻ.

Dạ dày của trẻ, vì nhỏ, nên dễ đầy, vì vậy cho nên mới có khuyến cáo cho trẻ ăn 3 bữa chính và 2 bữa phụ, để dạ dày có thể từ tốn, tiếp nhận và hấp thụ thức ăn. Tuy nhiên, điển hình của việc trẻ nhỏ được cho ăn, là trẻ rất dễ bị chi phối bởi các hoạt động khác xảy ra xung quanh, và ít khi nào tập trung được vào việc ăn nghiêm chỉnh như người lớn. Việc yêu cầu trẻ ngồi một chỗ hơn 15 – 30 phút để ăn, là một việc không tưởng, nhất là nếu trẻ bị cho ăn một mình, chứ không được ngồi chung bàn ăn vào giờ ăn gia đình. Vì vậy, người lớn thường bị chi phối bởi điều này, và cảm thấy, để đạt được việc cho ăn hoặc là ép con ăn, hoặc tìm các hoạt động vui vẻ để đánh lừa miệng bé (Cái này cô nói rồi nhé! NO NO nhé!).

Nhưng một việc có nhiều ba mẹ không để ý, mà cô thấy rất quan trọng, là việc con có thực sự đói hay không, để có thể có thèm ăn, và kích thích ăn hiệu quả! Đúng giờ ăn, không phải là một dấu hiệu đói của trẻ! Trẻ ĐÓI THẬT, sẽ tự đòi ăn, và khi đó, sẽ thực sự tự ăn, và thích ăn. Nhiều gia đình, thấy con ăn ít trong cữ ăn, “xót” quá, tăng cữ sữa lên cho con, hoặc “bù” bằng cách cho trẻ ăn những gì giàu năng lượng, như phô mai, sinh tố, váng sữa, và cảm thấy “ổn” với bản thân, vì đã “bù đủ” cho trẻ rồi. Đây là một thực hành cực kì không nên làm. Nếu tưởng tượng, nhu cầu năng lượng và thức ăn trong ngày của trẻ chỉ như một cái bình thủy tinh, khi bạn làm đầy cái bình này bằng bất kì cách nào, não của trẻ sẽ ghi nhận và khi thấy đủ, hoặc dư, sẽ không kích thích đói, cũng như không kích thích thèm ăn. Trẻ, vì vậy, sẽ tiếp tục không đói, không thèm ăn, và lại “biếng ăn” theo chuẩn của ba mẹ. Thế là công cuộc cho ăn bù bằng các sản phẩm khác không phải thức ăn chính thống lại tiếp tục. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là, chỉ khi được cho ăn đủ loại, và đủ các loại thức ăn trong 5 nhóm (protein – thịt, rau củ, trái cây, tinh bột, và sữa và các sản phẩm của sữa), trẻ mới có thể được cung cấp đầy đủ các chất sắt và các vitamin, khoáng chất cần thiết để cơ thể và trí não khỏe mạnh. Uống nhiều sữa hoặc ăn nhiều các sản phẩm của sữa, có thể làm mất cân bằng này, và nhất là làm tăng nguy cơ thiếu máu thiếu sắt ở trẻ lười ăn, đồng thời, càng làm cho trẻ không có nhu cầu ăn, nhai, và tập nhai.

Xem thêm bài viết Một số cách giúp trẻ bớt biếng ăn

Khuyến cáo

Hiện nay, khuyến cáo y khoa về dinh dưỡng là:

  • Ở trẻ trên 1 tuổi: cho uống sữa tối đa 500ml đến 700ml sữa một ngày – uống nhiều hơn có thể gây giảm thèm ăn và giảm nhu cầu ăn của trẻ.
  • Cho ăn ở bữa chính trong vòng 20 – 30 phút – sau đó ngưng, thu dọn thức ăn, không dây dưa thêm
  • Cho ăn ở bữa phụ trong vòng 10 – 20 phút – sau đó thu dọn thức ăn, không kéo dài thêm
  • Ở cữ sữa, chỉ cho trẻ uống sữa đúng khoảng 150 – 200ml/lần uống, 3 lần một ngày, không cho thêm khi trẻ đòi thêm, để trẻ có bụng cho thức ăn ở cữ sau. Nếu có cho ăn thêm các sản phẩm của sữa, phải trừ thêm các phần này ra, và giảm lại phần sữa uống nhé!
  • Nếu trẻ tăng được khoảng 2kg/năm, là đủ tiêu chuẩn rồi, không đòi hỏi thêm.

Một số ba mẹ, khi cho con ăn được nhiều, mập lên, đòi ăn nhiều hơn, thì thấy rất sung sướng. Tuy nhiên, hiện tượng đòi ăn, và thèm ăn, và ăn nhiều ở trẻ thừa cân và béo phì, không phải là một điều hay. Đó chỉ cho thấy cơ thể đã bị rối loạn trong việc kiểm soát ăn uống, và não bộ đã ghi nhận lệch lạc nhu cầu năng lượng cao bất thường cho cơ thể. Vì vậy, ba mẹ có thể mừng, nhưng bác sĩ có thể rất lo, vì kéo theo sau béo phì, thừa cân, là biết bao nhiêu hệ lụy sức khỏe mãn tính tiềm tàng, như suyễn, tiểu đường, cao huyết áp, và các rối loạn về nội tiết khác.

Một số ba mẹ, khi được khuyên để con đói, cứ sợ con đói sẽ “xỉu”, mệt, nên không ráng để, cứ để mà lo nơm nớp, lúc nào cũng thủ sẵn bình sữa, hộp sữa để lúc nào lo, cho vô liền! Như vậy là không được! Trẻ không bao giờ xỉu vì đói cả, vì đói chắc chắn sẽ đòi ăn!

Một số ba mẹ, khi để con đói được vài ngày, mà không thấy xi nhê, vội vàng chạy về thực hành cũ, và nói rằng “bác thấy chưa, con em không biết đói đó bác ơi”. Nhưng cái này cũng sai! Vì ba mẹ chưa đợi “đủ lâu”! Phải biết rằng, khi con đã không có trải nghiệm tích cực với việc cho ăn và với thức ăn, sẽ cần nhiều thời gian hơn để chấp nhận với việc mình cần ăn và đòi thức ăn. Có những trẻ, cứ được ba mẹ cho ăn liên tục, không có thời gian để đói, sẽ cần có thời gian để nhận ra mình thật sự cần đòi ăn, chứ không nhân nha được. Cũng giống như việc bạn có một cái đuôi, suốt ngày theo bạn, tặng quà cho bạn, cưng chiều bạn, mà bạn chưa thấy ưng, nên rất ư là chán ghét. Đột ngột khi người đó biến đi đâu mất, vài ngày đầu bạn không để ý, một tuần sau bạn tự hỏi người đó ở đâu, và thấy nhơ nhớ. Mấy tuần sau nữa, thì đột nhiên cồn cào, cảm thấy người đó quan trọng quá, sợ mất người đó luôn! Khi người đó quay lại, thì trở thành tình iu, vì bạn biết được bạn THẬT SỰ CẦN người đó! Thức ăn và con trẻ, cũng giống như vậy đó! Nhưng, khác với người lớn ở chỗ, nhiều khi cái đuôi biến mất bạn thấy vui quá, vì thật sự không iu, thì ở trẻ, khả năng biến thành tình iu thật sự đối với thức ăn, là chắn chắn 100%, vì trẻ luôn cần thức ăn để sống, và khi đói, sẽ thấy thức ăn thật sự tuyệt vời!

Việc để đói con, không phải là việc “bỏ đói con”, mà là “để cho con được đói”, để bản năng của con có thể được đánh thức và con thật sự thưởng thức thức ăn, và thật sự vận dụng những kỹ năng nhai, nuốt của mình!

Tài liệu tham khảo

https://www.facebook.com/huyenthao.bacsi/posts/192611944459202