Thứ Sáu , 2 Tháng Sáu 2023

Đau tai và viêm tai giữa

Bài viết thứ 4 trong 20 bài thuộc chủ đề Các bệnh Tai Mũi Họng
 

Tổng quan

Viêm tai giữa thường là hậu quả của nhiễm trùng tai, có thể xảy ra ở 1 hoặc 2 tai. Viêm tai giữa là chẩn đoán hay gặp nhất ở trẻ em khi đến khám bác sĩ. Và cũng là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên mất thính lực ở trẻ em. Mặc dù viêm tai giữa phổ biến nhất ở trẻ em nhưng đôi khi cũng xảy ra ở người lớn.

Tai hoạt động như thế nào

Tai ngoài thu nhận âm thanh, tai giữa có kích cỡ bằng hạt đậu là một khoang chứa khí được ngăn cách với tai ngoài bằng một màng nhĩ mỏng như giấy. Bên trong tai giữa là 3 xương tai nhỏ. Khi sóng âm dội vào màng nhĩ, nó sẽ rung lên và làm cho các xương nhỏ chuyển động dẫn truyền âm thanh vào tai trong. Tai trong có nhiệm vụ chuyển đổi sự rung động thành những tín hiệu điện và gửi những tín hiệu này đến não bộ. Một tai giữa khỏe mạnh có cùng áp suất với không khí bên ngoài tai, cho phép sự rung động tự do di chuyển. Không khí vào tai giữa qua một vòi nhỏ hẹp nối liền lỗ mũi sau với tai – vòi Eustache

Nguyên nhân nào gây viêm tai giữa

Sự tắc vòi Eustache khi cảm lạnh, dị ứng, hoặc nhiễm trùng hô hấp trên, sự hiện diện của vi khuẩn hay vi rút sẽ thành lập mủ và chất nhầy ở phía sau màng nhĩ. Sự nhiễm trùng này được gọi là viêm tai giữa cấp. Mủ sẽ gây tăng áp lực ở tai giữa gây đau, sưng, và đỏ. Vì màng nhĩ không thể rung động một cách bình thường nên những vấn đề về nghe sẽ xảy ra. Đôi khi màng nhĩ thủng, mủ sẽ chảy ra ngoài tai. Tuy nhiên, thông thường là mủ và chất nhầy sẽ tồn đọng ở tai giữa dẫn đến sưng và viêm vòi Eustache. Tình trạng này được gọi là chảy dịch tai giữa hay viêm tai giữa thanh dịch. Thường sau một nhiễm trùng cấp thì sự chảy dịch sẽ tiếp tục kéo dài vài tuần, vài tháng hay thậm chí vài năm. Tình trạng này cho phép nhiễm trùng tái diễn và có thể gây khó khăn trong việc nghe.

Những triệu chứng viêm tai giữa

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi, nên tìm kiếm dấu hiệu vết kéo hay gãi ở tai; đặc biệt khi nó xuất hiện cùng lúc với những triệu chứng khác như: vấn đề về nghe, khóc quấy, kích thích, sốt, chảy dịch tai.

Ở trẻ nhỏ, vị thành niên, và người lớn thì tìm dấu hiệu:

  • Đau tai.
  • Cảm giác đầy tai hoặc nặng tai.
  • Vấn đề về nghe.
  • Chóng mặt, mất thăng bằng, buồn nôn, nôn.
  • Chảy dịch tai.
  • Có hoặc không sốt.

Nhớ rằng, nếu không chữa trị kịp thời, tổn thương từ một nhiễm trùng tai có thể gây nên giảm/mất thính lực mạn tính hoặc vĩnh viễn.

Người bệnh sẽ được thăm khám như thế nào

Khám tai

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ sử dụng một đèn soi tai để nhìn và khám tai. Bác sĩ kiểm tra tai có đỏ không và có dịch sau màng nhĩ không, xem màng nhĩ chuyển động. Những điều này là dấu hiệu của nhiễm trùng tai. Hai cận lâm sàng khác nên được tiến hành:

Thính lực đồ: Đây là một test để kiểm tra có mất thính lực không bằng sử dụng nhiều âm thanh cao độ khác nhau.
Nhĩ lượng đồ: Đo áp suất không khí ở tai giữa để xem vòi Eustache hoạt động như thế nào và màng nhĩ chuyển động như thế nào.

Điều trị viêm tai giữa bằng thuốc

Việc dùng thuốc khi phát hiện bệnh là quan trọng và bạn nên tái khám tiếp theo. Thông thường, kháng sinh sẽ làm triệu chứng đau tai khỏi một cách nhanh chóng, nhưng sự nhiễm trùng cần thêm thời gian để làm sạch. Những loại thuốc khác mà bác sĩ có thể sẽ kê đơn cho bạn bao gồm kháng Histamin (cho dị ứng), thuốc làm thông mũi (đặc biệt với cảm lạnh), hoặc cả hai. Thỉnh thoảng bác sĩ sẽ khuyến cáo một loại thuốc hạ sốt và/hoặc giảm đau. Thuốc nhỏ tai đặc trị có thể làm giảm đau. Hãy gọi cho bác sĩ nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về thuốc của bạn hoặc con của bạn hoặc nếu triệu chứng không rõ ràng.

Những phương pháp điều trị cần thiết khác

Nếu con của bạn từng trải qua nhiều đợt của viêm tai giữa cấp trong một thời gian ngắn, hoặc mất thính lực, hoặc viêm tai giữa mạn kéo dài hơn 3 tháng thì bác sĩ của bạn nên giới thiệu bạn đến bác sĩ tai mũi họng để đặt ống thông khí, được gọi là ống cân bằng áp suất. Đây là một thủ thuật ngắn với một đường cắt nhỏ ở màng nhĩ, hút hết dịch ra, và một ống được đặt ở màng nhĩ. Ống này cuối cùng sẽ tự nó rơi ra ngoài và màng nhĩ lành lại. Sau khi làm thủ thuật này, luôn mang đến sự tiến triển về thính lực và giảm nhiễm trùng lâu dài.

Viêm tai giữa có thể tái diễn như là hậu quả của viêm Amidan vòm và viêm Amidan khẩu cái mạn. Nếu đây là vấn đề của bạn thì bác sĩ khuyên bạn nên cắt bỏ một hoặc cả hai Amidan đó. Việc này có thể tiến hành cùng lúc với đặt ống thông khí.

Viêm tai giữa có nghiêm trọng

Có, bởi vì nó có thể gây đau tai nặng nề và mất thính lực. Mất thính lực có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập và thậm chí làm chậm quá trình phát triển ngôn ngữ, đặc biệt ở trẻ em. Tuy nhiên, nếu viêm tai giữa được chữa trị kịp thời và triệt để thì thính lực gần như có thể phục hồi lại bình thường. Viêm tai giữa cũng nghiêm trọng vì nhiễm trùng có thể lan rộng đến những cấu trúc lân cận ở vùng đầu, đặc biệt là xương chũm (xem bảng triệu chứng). Sự phát hiện bệnh kịp thời của bác sĩ là tốt nhất.

Tài liệu tham khảo

http://www.entnet.org/content/earaches-and-otitis-media