Hiện nay có nhiều người vô tư share thông tin về lời khuyên “Đừng điều trị ung thư” của một BS Nhật. Y học cộng đồng xin share lại ý kiến phản biện nhằm giúp bệnh nhân và người thân có cái nhìn đúng hơn về vấn đề này.
Thật ra thì ở Nhật không còn nhiều người biết Bác sĩ Kondo.
Ông đã phát biểu những ý kiến như vậy vào năm 1996, tức hơn 20 năm trước, khi các phương pháp điều trị ung thư còn ít ỏi, thô sơ và các phương pháp chăm sóc hỗ trợ chưa tiến bộ như bây giờ. Ví dụ, nhiều phác đồ hóa trị ngày nay không còn gây buồn nôn nhiều như hồi xưa.
Ngoài ra, nhiều loại ung thư được phát hiện và điều trị từ giai đoạn sớm nên kết quả điều trị tốt hơn thậm chí có nhiều ca chữa lành hẳn. Cũng gọi là ung thư nhưng tỉ lệ bệnh ở giai đoạn muộn ở Nhật đã ít hơn so với ngày xưa, nên việc nói “ung thư không chữa được” hoặc “không nên chữa ung thư” một cách chung chung là rất ngây ngô, cần cẩn trọng vì nguy cơ bỏ lỡ thời điểm/cơ hội điều trị tối ưu. Để minh họa, xin đính kèm hình dưới đây là kết quả điều trị một số loại ung thư tại Nhật Bản công bố vào khoảng năm 2005-2007. Theo đó giai đoạn 1 và 2 đã có tiên lượng tốt hơn rất nhiều và ý kiến của bác sĩ Kondo này, vì thế, không còn đúng nữa.
Tuy nhiên, một vài điểm trong bài viết của ông ấy không sai hoàn toàn, nếu nhìn nhận tình trạng đa số ca bệnh ở Việt Nam đang chỉ được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn, giống ở Nhật cách đây 20-30 năm. Việc chữa trị khi bệnh đã quá nặng thường tốn kém nhưng ít khi cải thiện thời gian sống và chất lượng cuộc sống. Vì vậy, bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ điều trị về các lựa chọn thích hợp bao gồm cả chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng.
Cuối cùng, xin giới thiệu một bài viết khác liên quan tới vấn đề điều trị bằng hóa trị ở giai đoạn muộn trên website Y học cộng đồng.