Thứ Tư , 13 Tháng Ba 2024

Đối mặt với ung thư di căn

Bài viết thứ 4 trong 19 bài thuộc chủ đề Đối mặt với thay đổi cảm xúc
 

Tổng quan

Khi ung thư lan tới các vùng khác của cơ thể cách xa vùng xuất hiện ban đầu, các bác sĩ gọi đó là ung thư di căn hay ung thư giai đoạn 4. Đôi khi, từ “ung thư tiến triển” được dùng để chỉ ung thư di căn. Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn ung thư di căn với “ung thư tiến triển tại chỗ”, tức tình trạng các tế bào ung thư phát triển lan tới các mô/vùng gần đó hoặc hạch bạch huyết chứ chưa di căn toàn thân.

Cách gọi di căn ung thư dễ gây hiểu lầm. Thuật ngữ di căn được dùng cho khối u nguyên phát (primary cancer, khối u gây nên căn bệnh). Cách dễ hình dung là nghĩ về ví dụ một khu vườn hoa hồng: nếu hạt bồ công anh từ cánh đồng bay vào, nảy mầm rồi mọc lên ở đây, không ai gọi cây bồ công anh đó là cây hoa hồng. Họ gọi là cây bồ công anh lan tới vườn hoa hồng. Tương tự như thế, ung thư vú lan tới xương thì không gọi là ung thư xương, mà gọi là ung thư vú di căn.

Ung thư di căn

Ung thư di căn nghĩa là gì?

Trước đây, nhiều người không thể kéo dài thời gian sống khi khối u đã di căn. Ngày nay, dù y học đã phát triển và có nhiều liệu pháp điều trị tốt hơn, khả năng chữa khỏi hay hồi phục của các bệnh nhân vẫn chưa cao. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn thường điều trị ung thư di căn dù không thể chữa khỏi chúng. Một cuộc sống có chất lượng tốt trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm cho các bệnh nhân này là điều có thể đạt tới.

Điều trị ung thư di căn bằng cách nào?

Cách điều trị tùy thuộc vào loại ung thư, các lựa chọn điều trị hiện có và mong muốn của từng bệnh nhân. Bên cạnh đó, cách điều trị cũng phụ thuộc vào tuổi tác, tình trạng sức khỏe, liệu pháp bệnh nhân đã dùng trước đó và nhiều yếu tố khác. Phương thức điều trị cho bệnh nhân giai đoạn di căn bao gồm: phẫu thuật, hóa trị, liệu pháp hormone, liệu pháp sinh học, liệu pháp miễn dịchxạ trị.

Xem thêm bài viết Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp

Mục tiêu điều trị

Đối với nhiều bệnh nhân bị chẩn đoán ung thư, mục tiêu điều trị là cố gắng chữa khỏi bệnh, tức tiêu diệt hoàn toàn khối u và không bị tái phát. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân ung thư đã di căn, việc chữa khỏi hoàn toàn thường không còn khả thi và không là một mục tiêu thực tế. Vì vậy, bạn nên hỏi bác sĩ xem mục tiêu điều trị có phải là để chữa khỏi bệnh hay không.

Nếu việc chữa khỏi hoàn toàn không phải là mục tiêu, thì mục tiêu khả thi hiện tại là gì? Mục tiêu điều trị ở giai đoạn ung thư di căn thường là để giúp bệnh nhân sống tốt nhất có thể trong thời gian dài nhất có thể. Nên nhớ rằng vẫn có thể hi vọng vào những phép màu, và đừng bao giờ nói “không bao giờ” hoặc “luôn luôn thế”.

Cụ thể hơn, mục tiêu này có thể được chia làm bốn phần:

  • Hạn chế tối đa ảnh hưởng do khối u/ung thư gây ra
  • Hạn chế tối đa tác dụng ngoại ý do điều trị ung thư gây ra
  • Giúp bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể
  • Giúp bệnh nhân có thời gian sống dài nhất có thể

Mỗi bệnh nhân có thể xem trọng một số mục tiêu khác nhau và vì thế sẽ có lựa chọn khác nhau. Việc bệnh nhân trao đổi với bác sĩ và nhóm chăm sóc về mong muốn, nguyện vọng của mình là rất quan trọng.

Việc điều trị ung thư di căn có thể giúp bệnh nhân sống lâu hơn và cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, vì người chịu khổ trực tiếp và nhiều nhất là chính bệnh nhân, lựa chọn có điều trị hay không và theo cách nào thường ưu tiên để bệnh nhân quyết định.

Chung sống với ung thư di căn

Trong quá trình điều trị ung thư di căn, tình trạng của bệnh nhân có thể giống như những người đang chữa bệnh mạn tính. Ví dụ điển hình của bệnh mạn tính là bệnh tiểu đường, bệnh suy tim, và bệnh đa xơ cứng. Các bác sĩ có thể điều trị các bệnh này nhưng không thể chữa khỏi.

Những thử thách khi chung sống với ung thư

Việc chung sống với ung thư thực sự rất khó khăn. Các thử thách cũng khác nhau tùy vào hoàn cảnh mỗi người, nhưng thường là:

  • Cảm thấy đau khổ vì ung thư tái phát: bạn có thể cảm thấy tuyệt vọng, tức giận, buồn bã, hoặc cảm thấy như không ai trên đời này có thể hiểu tình trạng của mình kể cả người thân.
  • Lo lắng rằng điều trị có thể không có kết quả và ung thư sẽ tồi tệ hơn.
  • Phải làm nhiều xét nghiệm, đi khám bệnh thường xuyên và ra những quyết định khó khăn.
  • Khó nói chuyện với gia đình và bạn bè về ung thư.
  • Khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày , nhất là khi cảm thấy kiệt sức hoặc gặp tác dụng ngoại ý do điều trị cần hỗ trợ.
  • Khó tìm ra những hỗ trợ về mặt tâm linh hay tinh thần
  • Phải chịu chi phí điều trị cao: Ngay cả khi bệnh nhân có bảo hiểm, nhiều thứ không được chi trả hết.
Xem thêm bài viết Giải tỏa stress (căng thẳng) cho bệnh nhân ung thư

Đối mặt với ung thư di căn

Để hiểu hơn về tình trạng sức khỏe của mình, bệnh nhân có thể tìm hỏi thêm ý kiến của một bác sĩ chuyên khoa ung thư khác, được gọi là ý kiến thứ hai. Nhiều bệnh nhân mong muốn và cảm thấy việc hỏi thêm ý kiến như vậy là hữu ích và các bác sĩ cũng khuyến khích điều này. Các bác sĩ điều trị có thể giúp bạn xử trí các triệu chứng của ung thư hoặc tác dụng phụ/ngoại ý của điều trị. Ví dụ nếu bạn đau, cách điều trị có thể là xạ trị làm giảm đau hoặc phẫu thuật để cắt bỏ khối u ở vùng gây đau. Bác sĩ cũng có thể kê thuốc giảm đau hoặc thuốc chống nôn.

Đối phó với những thay đổi cảm xúc và sinh hoạt.

Đối phó với những thay đổi cảm xúc và thách thức trong sinh hoạt hằng ngày là một phần quan trọng khi chung sống với ung thu di căn. Có một số cách có thể giúp ích:

  • Tìm hiểu về ung thư di căn: Bạn có thể muốn tìm hiểu càng nhiều càng tốt, hoặc chỉ muốn biết những thông tin cơ bản.
  • Trao đổi với nhân viên tư vấn về tình trạng của bạn: Ví dụ, nhà tâm lý học, chuyên gia tâm thần, nhân viên xã hội.
  • Giảm bớt căng thẳng: Có nhiều cách có thể giúp làm giảm sự căng thẳng, ví dụ như thiền định hoặc yoga.
  • Tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống: Bạn có thể trò chuyện với các thầy tu, giáo sĩ, nhân viên tư vấn tâm lý hoặc là nhà truyền đạo về ý nghĩa của cuộc sống.

Hiểu cảm xúc và những mối quan tâm của mình

Nói về nỗi sợ hoặc những điều làm bạn bận tâm là rất cần thiết, kể cả khi quá trình điều trị đang tiến triển tốt. Hãy trao đổi với các bác sĩ và nhóm chăm sóc về những gì bạn cảm nhận. Có rất nhiều người đã chung sống nhiều năm với ung thư di căn. Bác sĩ có thể giúp bạn có chất lượng cuộc sống tốt nhất trong suốt thời gian đó. Bệnh viện và các trung tâm y tế có thể hỗ trợ bạn và gia đình.

Đối mặt với ung thư di căn

Các thành viên trong gia đình cũng cần được giúp đỡ.

Các thành viên yêu quý trong gia đình bạn cũng cần giúp đỡ để thích nghi. Có người thân hoặc bạn bè mắc ung thư di căn là một thử thách lớn, đặc biệt là đối với những người thường xuyên chăm sóc bệnh nhân. Người chăm bệnh có thể tìm kiếm hỗ trợ và các bác sĩ và nhóm chăm sóc có thể đề xướng cách giúp đỡ. Ví dụ, các nhóm hỗ trợ có thể trao đổi gặp mặt trực tiếp hoặc online.

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.net/coping-with-cancer/managing-emotions/coping-with-metastatic-cancer