Thứ Bảy , 13 Tháng Tư 2024

Dụng cụ tử cung tránh thai

Bài viết thứ 4 trong 9 bài thuộc chủ đề Sức khỏe tình dục
 

Dụng cụ tử cung là gì?

Dụng cụ tử cung (DCTC), là một dụng cụ nhỏ, hình chữ T, phía cuối của dụng cụ được nối với một sợi dây (sợi dây này sẽ được kéo ra ngoài cổ tử cung để có thể kiểm tra định kỳ xem dụng cụ vẫn ở đúng chỗ hay không). Dụng cụ tử cung được đặt vào trong buồng tử cung để ngừa thai. Có thể đặt DCTC trong những lần đến khám. Dụng cụ tử cung sẽ ở nguyên vị trí được đặt trong tử cung cho đến khi được lấy ra.

Dụng cụ tử cung còn được gọi là vòng tránh thai trong quá khứ. Gọi là “vòng” vì những năm 80-90 nước ta thường dùng loại dụng cụ tử cung có hình tròn như cái nhẫn. Thực ra, có nhiều loại khác như hình chữ S, chữ T và hiện nay loại hình chữ T thông dụng nhất. Tên gọi “tránh thai” cũng không còn được dùng vì dụng cụ tử cung còn có nhiều chức năng khác ngoài việc tránh thai.

Dụng cụ tử cung tránh thai

Cơ chế hoạt động của dụng cụ tử cung?

Cơ chế ngừa thai của dụng cụ tử cung là ngăn chặn tinh trùng tiếp xúc với trứng. Dụng cụ tử cung làm cho tinh trùng không thể gặp trứng và làm thay đổi nội mạc tử cung. Có 2 loại dụng cụ tử cung: một loại dụng cụ tử cung chứa đồng và một loại dụng cụ tử cung chứa nội tiết. Loại chứa đồng sẽ phóng thích đồng để ngừa thai, trong khi đó dụng cụ tử cung chứa nội tiết sẽ hoạt động bằng cách phóng thích nội tiết progestin.

Ưu điểm của dụng cụ tử cung?

Dụng cụ tử cung có rất nhiều ưu điểm:

  • Có hiệu quả ngừa thai cao (một lần đặt, hiệu quả ngừa thai cho tới khi lấy vòng ra).
  • Thời gian ngừa thai từ 5 đến 10 năm.
  • Không quá đắt.
  • Rất thuận lợi (không cần thiết phải nhớ như uống thuốc hàng ngày trong biện pháp ngừa thai bằng uống thuốc ngừa thai).
  • Bác sỹ có thể tháo dụng cụ tử cung bất cứ khi nào.
  • Hiệu quả ngay lập tức.
  • Tác dụng phụ ít.
  • Có thể sử dụng an toàn cho phụ nữ đang cho con bú.
  • Ngay cả bạn và bạn tình của bạn cũng không cảm nhận được.

Nhược điểm của dụng cụ tử cung?

Có thể bị co thắt và đau lưng nhẹ trong một vài giờ đầu tiên sau khi dụng cụ được đặt vào buồng tử cung. Một vài trường hợp có thể bị ra máu và đau bụng trong một hai tuần sau đặt dụng cụ tử cung. Kinh nguyệt có thể nhiều hơn bình thường nếu bạn sử dụng loại dụng cụ tử cung chứa đồng. Hiếm hơn, tử cung có thể bị tổn thương trong khi đặt dụng cụ tử cung.

Một loại dụng cụ tử cung cũ (đã lâu không còn sử dụng) có một số tác dụng phụ trầm trọng: nhiễm trùng vùng chậu và vô sinh (khó có thai sau khi tháo dụng cụ tử cung). Tuy nhiên, những tác dụng phụ đó rất hiếm xảy ra đối với các dụng cụ tử cung thế hệ mới sau này.

Dụng cụ tử cung không thể bảo vệ bạn tránh khỏi những bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs). Càng quan hệ tình dục với nhiều người, nguy cơ nhiễm STIs càng cao. Chỉ sử dụng duy nhất dụng cụ tử cung là cách tốt nhất cho những phụ nữ chỉ quan hệ lâu dài với một bạn tình. Ngoài ra, không được sử dụng dụng cụ tử cung trong những trường hợp đang mang thai, đang ra máu âm đạo bất thường hay ung thư cổ tử cung hoặc tử cung. Bạn cũng không nên sử dụng loại dụng cụ tử cung chứa đồng nếu bạn dị ứng với đồng.

Hiệu quả của dụng cụ tử cung kéo dài trong bao lâu?

Điều đó phụ thuộc vào mỗi loại dụng cụ tử cung. Đối với dụng cụ tử cung chứa đồng, hiệu quả có thể kéo dài trong 12 năm. Còn đối với loại dụng cụ tử cung chứa nội tiết, cần phải được thay mỗi 5 năm. Bác sỹ có thể lấy dụng cụ tử cung ra bất cứ thời điểm nào nếu bạn quyết định có thai hay khi không muốn sử dụng nữa.

Theo dõi dụng cụ tử cung như thế nào?

Sau khi đặt dụng cụ tử cung, có thể bơi, tập thể dục, sử dụng tampon và quan hệ tình dục ngay. Vào bất kỳ thời điểm nào của chu kỳ kinh nguyệt, có thể kiểm tra dây dụng cụ tử cung trong âm đạo bằng cách đưa một ngón tay sạch vào âm đạo. Hãy gọi cho bác sỹ của bạn nếu bạn không sờ thấy dây của dụng cụ tử cung hoặc cảm giác dụng cụ tử cung ở trong âm đạo. Những trường hợp này cho thấy dụng cụ tử cung đã không ở đúng vị trí và cần phải được đặt lại. Hãy liên hệ với bác sỹ nếu có biểu hiện chậm kinh hay có dịch bất thường từ trong âm đạo. Cần thường xuyên kiểm tra định kỳ hàng năm.

Xem thêm bài Lợi ích và nguy cơ các dụng cụ tránh thai của Bác sĩ ThS.BS. Nguyễn Khánh Linh và BS. Lê Thanh Nhã Uyên

Tài liệu tham khảo

http://familydoctor.org/familydoctor/en/prevention-wellness/sex-birth-control/birth-control/intrauterine-device-iud.html