Nội dung chính
Giấc ngủ đối với con người, là cực kì quan trọng, mặc dù chúng ta chẳng hiểu gì nhiều về nó. Tuổi vị thành niên, là giai đoạn con trẻ lớn nhanh, lớn mạnh, và giấc ngủ như một nguồn phân bón tốt tươi cho những cái cây nhảy vọt này, cho cả thể chất, lẫn phát triển tinh thần, tình cảm, và khả năng học tập vui chơi của trẻ.
Trẻ độ tuổi dậy thì, từ khoảng 10 tuổi trở đi, sẽ có nhiều thay đổi về hình thể, hormone, và đồng thời, đồng hồ sinh học của trẻ cho giấc ngủ sẽ bị chuyển muộn đi khoảng 2 tiếng so với bình thường. Điều này làm trẻ bỗng dưng cảm thấy khó ngủ hơn, dễ có khả năng thức khuya hơn, và thường nếu không được hỗ trợ tốt, có thể bị thiếu ngủ lâu dài, khi càng ngủ trễ, nhưng vẫn phải thức sớm cho các hoạt động ở trường và ngoài xã hội.
Dấu hiệu trẻ thiếu ngủ
Từ 10 – 18 tuổi, trung bình trẻ cần 9 – 10 giờ ngủ mỗi ngày. Nếu thiếu ngủ lâu dài không nhận biết và can thiệp kịp thời, sẽ làm cho trẻ
- Dễ buồn chán, cáu gắt, nổi loạn, và dễ bị trầm cảm
- Giảm khả năng tập trung, giảm trí nhớ ngắn hạn và dài hạn, làm ảnh hưởng nhiều đến khả năng học tập của trẻ.
- Cảm thấy mệt mỏi thường xuyên, cảm thấy buồn ngủ thường xuyên, làm cho ngày của trẻ bị tẻ nhạt, và không vui vẻ, không hiệu quả.
- Trẻ bị thiếu ngủ cũng dễ có những hành vi nguy hiểm ít kiểm soát tốt, như thử uống rượu, hút thuốc, hoặc lái xe tốc độ cao…gây nguy hiểm đến sức khỏe bản thân và người khác.
Vì vậy, nếu bạn thấy con bạn lúc nào cũng mệt mỏi, buồn ngủ, buổi sáng tỉnh giấc không tươi tỉnh, không tập trung tốt, hay ngủ gật trong ngày, hoặc cáu gắt, buồn bã, khả năng cao, là trẻ bị thiếu ngủ lâu dài cần can thiệp.
Một số ba mẹ thấy con buồn ngủ trong những ngày đi học, lại cho con ngủ bù vật vã hai ngày cuối tuần, và nghĩ là tốt cho con. Điều này không đúng, vì khi trẻ ngủ quá nhiều vào ngày cuối tuần, sẽ gây rối loạn đồng hồ sinh học giấc ngủ của trẻ, và làm cho trẻ càng khó ngủ hơn ở những ngày trong tuần sau đó. Việc ngủ trưa hoặc ngủ chiều kéo dài, cũng có tác dụng tiêu cực, thay vì “bù” ngủ đơn thuần. Vì vậy, giấc ngủ trưa, hoặc chiều, nên rất ngắn, chỉ khoảng 20 – 30 phút, tối đa 1 giờ đồng hồ mà thôi.
Giải pháp
Để giúp cho trẻ duy trì giấc ngủ hiệu quả mỗi ngày, chúng ta nên
- Giữ một lịch ngủ nhất quán cho trẻ, đi ngủ đúng giờ, và thức dậy đúng giờ. Nếu cuối tuần muốn ngủ nướng, cũng chỉ nên thêm khoảng 2 tiếng so với bình thường mà thôi.
- Khi trẻ đi ngủ, nên cho trẻ ăn nhẹ một xíu, đi ngủ trong phòng ngủ của trẻ, và tuyệt đối không xem tivi, không ipad, internet…ngay trước giờ đi ngủ.
- Không uống các thức uống có caffeine như trà, cà phê…sau 4 giờ chiều.
- Nên cho trẻ tham gia các hoạt động thể dục thể thao thường xuyên, nhưng không nên thể thao quá mức trước giờ đi ngủ.
Độ tuổi này, một cái khó cho phụ huynh, là chương trình học có thể nặng hơn, nhiều bài tập, nhiều yêu cầu hoạt động cho trẻ. Tuy nhiên, nên cố gắng đưa giấc ngủ làm một ưu tiên hàng đầu cho con. Vì khi trẻ ngủ đủ, hiệu quả học tập và làm việc của trẻ tốt hơn nhiều, và quan trọng nhất, là trẻ sẽ thưởng thức được giai đoạn này một cách hạnh phúc và chừng mực hơn. Vả lại, nếu chúng ta cố gắng vú ép cây con trong thời kì nhảy vọt này, có thể đưa đến những hệ lụy tiêu cực lâu dài, dẫn đến trầm cảm, và những hành vi nổi loạn về sau, vì cây non không đủ dưỡng chất giấc ngủ, nên có thể giòn và gãy sớm. Lúc đó rất khó để sữa chữa, gắn lại cành đã gãy. Và điểm số và sự hài lòng nhất thời của ba mẹ, sẽ chỉ là vô nghĩa mà thôi…
Tài liệu tham khảo
- Teens and sleep: Why you need it and how to get enough; Caring for kids; Canadian Paediatric Society, Canada.
- Sleep in Adolescents (13-18 years); Nationwide Children’s HOspital; USA.
- Sleep and Teens; UCLA sleep disorders center; USA.
- https://www.facebook.com/huyenthao.bacsi/posts/335020773551651