Thứ Sáu , 17 Tháng Ba 2023

Hăm tã

Bài viết thứ 24 trong 97 bài thuộc chủ đề Các bài viết của Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo
 

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây hăm tã thường gặp nhất ở trẻ nhỏ là do sự kích thích gây tổn thương da. Da bị ẩm ướt và bị cọ sát liên tục với tã có thể bị tổn thương. Vi trùng, nấm, các loại xà bông giặt, nước tiểu và phân càng làm tệ hơn tình trạng này

Những nhân tố làm hăm tã tệ hơn là:

  • Phân lỏng nước (khi bé bị tiêu chảy )
  • Không thay tã đủ thường xuyên
  • Cho trẻ mặc quần nilon.

Đa số trẻ hết bị hăm tã khi bắt đầu tập ngồi bô

Dấu hiệu và triệu chứng

  • Da vùng tã thường nhìn đỏ, và có thể có những hạt đỏ đi kèm, đặc biệt ở vùng biên của sẩn
  • Có thể bị đau hoặc ngứa khi lau vùng tã hăm
  • Trẻ có thể bị khó chịu, quấy khóc

Chăm sóc tại nhà

  • Tốt nhất là nên dùng tã dùng một lần loại tốt cho trẻ. Tã dùng một lần hút ẩm nhanh, giữ cho da được khô. Tã vải tốt cho môi trường, nhưng lại không hút ẩm tốt bằng.
  • Nên thay tã thường xuyên (khoảng 5 – 7 lần một ngày ở trẻ dưới 12 tháng tuổi), để giảm thời gian da trẻ phải tiếp xúc với nước tiểu và phân.
  • Mỗi lần thay tã, nên lau vùng mông trẻ nhẹ nhàng bằng khăn bông thấm nước ấm, hoặc các loại khăn lau loại “chux”. Các loại khăn ướt mua tại siêu thị có thể gây kích thích da và không nên dùng.
  • Kem chống hăm nên được thoa ở mỗi lần thay tã. Việc bôi kem này sẽ bảo vệ da khỏi bị ẩm và tránh cho da khỏi tiếp xúc với các chất làm tổn thương da. Kem kẽm là tốt nhất, hoặc các loại kem nến trắng mềm cũng tốt. Nếu kem bạn dùng rất dễ lau sạch, nên thay bằng một loại kem khác, bởi chúng ta cần tạo một lớp chắn tốt cho da bé.
  • Cố gắng cho trẻ có thời gian không dùng tã càng nhiều càng tốt
  • Không nên dùng các loại phấn trẻ em cho hăm tã

Có nhiều loại sẩn da khác nhau có thể hiện diện ở vùng tã và có thể không gây ra do tã. Một số tình trạng, như viêm da dị ứng hoặc nhiễm trùng da có thể xảy ra ở vùng cơ thể bất kỳ. Những sẩn này sẽ không cái thiện khi điều trị hăm tã. Nên cho trẻ đi khám bác sĩ nếu vùng sẩn không cải thiện

Điều trị

  • Hăm tã kéo dài,không đáp ứng với các loại kem trị hăm tã, có thể phải cần điều trị bằng những loại kem thuốc đặc hiệu. Nên cho trẻ đi khám bác sĩ để có quyết định điều trị đúng.
  • Không nên dùng các dung dịch sát khuẩn cho hăm tã
  • Nên cho trẻ đi tác khám nếu sẩn không cải thiện trong 1 – 2 tuần.

Những thông tin cần ghi nhớ

  • Hăm tã làm cho da trẻ đỏ và đau. Bé có thể khó chịu và quấy khóc.
  • Phòng ngừa hăm tã là việc quan trọng nhất. Nên giữ da trẻ sạch và khô bằng cách thay tã thường xuyên.
  • Dùng kem phủ để tránh nước tiểu và phân tiếp xúc với da
  • Tã mặc một lần loại tốt là tốt nhất. Nên cho trẻ có thời gian không mặc tã để giúp giảm hăm tã.
Xem thêm bài Hăm tã của BS. Trương Hữu Khanh

Tài liệu tham khảo

  1. Parent’s Information – Nappy Rash – Royal Children’s Hospital, Melbourne, Australia
  2. https://www.facebook.com/huyenthao.bacsi/posts/122454314808299