Đang đạp xe trên đường, tôi nhận ra là lốp đã bị thủng. Lật đật dắt xe vào vìa hè, may quá tôi tìm thấy một tiệm sửa xe đạp vừa mở cửa. Tuy nhiên trên biển lại ghi: “Vá 1 lỗ 20 nghìn”! Chặc lưỡi vì tiền vá ngang ngửa một tô phở, tôi đành nhờ anh thợ vá nhanh để còn đi học cho kịp lớp. Sau một hồi rà soát chỗ thủng, anh thợ nói:
- Bị thủng 1 lỗ, anh vá 20 nghìn nhé.
Tôi vui vẻ vâng dạ, ngồi chờ rồi dắt xe tiếp tục hành trình…
Cũng là như vậy, nhưng nếu anh thợ nói:
- Bị thủng 2 lỗ vì cây đinh dài quá xuyên sang phía bên kia lốp, anh vá 40 nghìn nhé.
Bạn nghĩ tôi sẽ phản ứng thế nào?
Cũng là như vậy, nhưng nếu anh thợ nói:
- Bị thủng 3 lỗ vì em vừa cán qua một cái nỉa, anh tính em 50 nghìn cũng được.
Tôi sẽ phản ứng như thế nào?
Và tôi sẽ như thế nào nếu tận mắt rà soát trên thau nước và phát hiện ra 3 lỗ thủng hoàn toàn cách xa nhau?
Nói như vậy để thấy rằng chúng ta vui vẻ, đau khổ chấp nhận hay bất mãn hoàn toàn phụ thuộc vào việc kết quả có nằm trong suy đoán hay kỳ vọng của chúng ta hay không. Nói cách khác, nó phụ thuộc vào tính logic của chuỗi sự kiện!
Tương tự…
- Nếu bác sĩ nói với tôi rằng thận TRÁI bị hỏng, phải cắt bỏ để chữa: tôi đồng ý.
- Nếu bác sĩ nói với tôi rằng cả thận TRÁI và PHẢI đều bị hỏng, phải cắt hết và chạy thận suốt đời: tôi đau khổ nhưng vẫn chấp nhận vì không còn cách nào khác.
- Nhưng nếu bác sĩ nói với tôi rằng thận TRÁI bị hỏng, và cuối cùng cắt bỏ CẢ thận PHẢI: tôi nên phản ứng thế nào?
Nếu SAU ĐÓ (sau ca mổ) bác sĩ bổ sung/ bào chữa:
- thực ra thận PHẢI cũng đã hỏng từ trước…
- thực ra thận PHẢI đã xuất huyết bất ngờ không cầm được…
- trong khi mổ chúng tôi làm hỏng thận PHẢI…
- thực ra thận PHẢI có vấn đề từ trước mà chúng tôi không phát hiện ra được…
…thì bạn sẽ phản ứng như thế nào?
Chúng ta KHÔNG THỂ dự đoán hết tất cả các nguy cơ, nhưng chúng ta CÓ THỂ hiểu được việc gì DỄ xảy ra và việc gì gần như KHÔNG THỂ xảy ra!
Như chuyện lốp xe thủng 1 lỗ hay một lúc 4 lỗ.
Như chuyện bạn nói “ai cũng có thể chết” nhưng không bao giờ tin là ngày mai mình “đi họp”.
Phản ứng của tôi còn bị ảnh hưởng bởi một yếu tố khác: “SAU ĐÓ”…
Chúng ta thất vọng và bất mãn (giận dữ) vì đã không chuẩn bị tâm lý để đón nhận tin xấu.
Như tôi đã học thi rất chăm, làm bài rất tốt mà lại bị rớt đại học.
Như một người đã sống rất điều độ mà lại bị ung thư và chết lúc 40 tuổi.
Những kết luận trên nhắc đến một sự thật đáng buồn khác.
Informed Consent_Đồng ý sau khi được Giải thích_ là một khái niệm và quá trình quan trọng trong việc làm bệnh nhân hài lòng. Thế nhưng nó lại đang tồn tại và phổ biến ở Việt Nam dưới dạng Giấy Cam Đoan Điều Trị, trong đó KHÔNG HỀ ghi thông tin liên quan đến phương pháp điều trị, tỉ lệ thành công, biến chứng có thể xảy ra và cách xử lý tương ứng! Thông thường, các bác sĩ chỉ nói với bệnh nhân các thông tin đó BẰNG MIỆNG để bệnh nhân ký vào giấy với dòng chữ in sẵn “Bệnh nhân hiểu rõ những biến chứng có thể xảy ra (bao gồm có thể chết) và chấp nhận thực hiện” hoặc đại loại giống như vậy.
Có thể nói, không còn thiệt thòi nào hơn cho bệnh nhân.
Bệnh nhân là người “ngoại đạo”, làm sao hiểu bệnh tình phức tạp trong vòng mấy phút? Khi bác sĩ chỉ nhấn mạnh “Ca này nặng lắm, không ký, không mổ được thì không qua đâu”, làm sao bệnh nhân dám không ký? Ký mà không hiểu (hoặc chỉ vì “không ký thì chết”) thì chỉ là đồng ý giả tạo. Thiệt thòi vì thiếu thông tin, thiếu dẫn dắt logic dẫn đến bất mãn với điều trị và sau đó là kiện tụng. Cũng bởi vì có mấy ai tin là biến chứng lại xảy đến với mình, nhất là những thứ xảy ra không logic, ngoài sự suy đoán và sức tưởng tượng CỦA HỌ. Xin nhấn mạnh: CỦA BỆNH NHÂN.
Tình trạng này còn thiệt thòi cho cả bác sĩ…
Chúng ta đều biết rằng cơ chế hiện tại đang làm bác sĩ rất vất vả vì quả tải và ức chế trong bệnh viện. “3 phút khám cho 1 bệnh nhân” còn không có, làm sao ngồi nói hết các nguy cơ? Và chuyện gì xảy ra khi có sự cố và bị kiện? Đâu là bằng chứng cho việc “bác sĩ đã giải thích tường tận” với bệnh nhân?
Đáng tiếc hay đáng mừng, hệ thống y tế và xã hội hiện đại không còn xem điều trị là sự “ban ơn” mà bác sĩ dành cho bệnh nhân nữa. Ngược lại, quan hệ bệnh nhân-bác sĩ đã chuyển sang “mặc định” trong một “hợp đồng y tế” mà bệnh nhân là người mua dịch vụ! Khi đó bác sĩ không thể thô lỗ và xem thường bệnh nhân vì họ “gà mờ”, thiếu thông tin. Vì bệnh nhân mới chính là Thượng Đế !!
Chúng ta có thể cải thiện tình hình này như thế nào?
Song song với những cố gắng giảm tải cho bệnh viện, việc thay đổi nhận thức của bác sĩ và bệnh nhân là tối quan trọng.
Về phía bác sĩ, hành nghề y như Hippocrates và Louis Pasteur, theo đó bác sĩ quyết định và điều trị theo cách mà họ nghĩ là tốt nhất, không còn được chấp nhận trong xã hội ngày nay. Ngược lại, tôn trọng quyền được biết (và cả quyền không muốn biết) của bệnh nhân, hiểu rõ tâm lý người bệnh là những yêu cầu tối thiểu để “hợp đồng y tế” kết thúc mỹ mãn.
Về phía bệnh nhân, có lẽ không ai muốn làm một ông hoàng ngu muội. Đừng chỉ biết trách các bác sĩ không có lấy 1 phút để giải thích bệnh tình trong khi bản thân có tới 1 giờ (có khi là 1 ngày!) ngồi không chờ đợi. Nhận thức tốt quyền lợi của mình (được biết sẽ được điều trị như thế nào và vì sao), với kiến thức cơ sở về bệnh tình của mình, bệnh nhân có thể giúp bác sĩ hoàn thành tốt “hợp đồng y tế” mà thiết nghĩ cuối cùng cũng là tốt cho chính bản thân mình.
Còn những người không phải là bác sĩ lẫn bệnh nhân, chúng ta nên làm gì?
Nhiều biện pháp cần đầu tư để làm tăng sự thấu hiểu giữa bệnh nhân và bác sĩ, từ đó giảm bớt những bất mãn và kiện cáo đáng tiếc. Hiện tại bệnh nhân vẫn chưa được tiếp cận với tư liệu tốt thuyết minh các kiến thức cơ bản về y khoa trong lúc ngồi chờ khám. Các bác sĩ ngoài thiếu thời gian vẫn còn thiếu các công cụ hình ảnh để giải thích kiến thức y học cho bệnh nhân nhanh gọn, gần gũi, và dễ hiểu. Giấy Cam Đoan Điều Trị cũng cần được thiết kế chi tiết hơn, cụ thể hơn nhưng cũng phải dễ sử dụng hơn với sự giúp đỡ của công nghệ thông tin…
Chúng ta, ngoài việc rèn luyện thân thể khỏe mạnh, tích cực nâng cao kiến thức về y học đời sống,cho bản thân và mọi người xung quanh, sao không cùng nhau khởi động những dự án tình nguyện để phần nào giúp khắc phục những khó khăn hiện tại?
Hãy cùng đầu tư cho tương lai
vì xét cho cùng,
Không ai đi ngoài “đường Bệnh-Tử”…
Mời các bạn đón đọc bài tiếp theo vào ngày 4/6/2016
Informed consent: Kỳ 3 – Đồng ý sau khi được giải thích: Chúng ta đang ở đâu trên tiến trình lịch sử ?