Nội dung chính
- 1 Tên chung quốc tế Kali iodid
- 2 Dạng thuốc và hàm lượng Kali iodid
- 3 Chỉ định Kali iodid
- 4 Chống chỉ định Kali iodid
- 5 Thận trọng Kali iodid
- 6 Liều lượng và cách dùng Kali iodid
- 7 Tác dụng không mong muốn Kali iodid
- 8 Xử trí ADR Kali iodid
- 9 Quá liều và xử trí Kali iodid
- 10 Độ ổn định và bảo quản Kali iodid
Tên chung quốc tế Kali iodid
Potassium iodide.
Dạng thuốc và hàm lượng Kali iodid
Hình
Dung dịch để uống 1 g/ml.
Siro 325 mg/5 ml.
Viên nén 60 mg, 130 mg.
Viên bao tan ở ruột 300 mg.
Chỉ định Kali iodid
Điều trị cường giáp trước phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp (kết hợp với thuốc kháng giáp); điều trị cơn nhiễm độc giáp; bảo vệ tuyến giáp chống nhiễm xạ; điều trị thiếu hụt iod; nấm da do Sporotrichum (Mục 6.5).
Chống chỉ định Kali iodid
Mẫn cảm với kali iodid; đang bị viêm phế quản cấp; mang thai (Phụ lục 2); cho con bú (Phụ lục 3).
Thận trọng Kali iodid
Có tiền sử mẫn cảm với iod; kali huyết cao; tăng trương lực cơ bẩm sinh; suy thận (Phụ lục 4); bệnh lao; dùng dài ngày ở người cường giáp; trẻ em; người cao tuổi (phải giảm liều và không dùng iod dạng dầu); viên bao tan có thể làm tắc ruột, xuất huyết, thủng ruột và có thể gây tử vong; dùng đồng thời với các thuốc có tương tác với kali iodid (Phụ lục 1).
Liều lượng và cách dùng Kali iodid
Điều trị cường giáp trước khi cắt bỏ tuyến giáp : Phối hợp với 1 thuốc kháng giáp. Uống dung dịch kali iodid 130 mg/ml; liều 0,1 – 0,3 ml cho vào sữa hoặc nước; uống ngày 3 lần trong 7 – 14 ngày.
Điều trị cơn nhiễm độc giáp : Dùng 1 thuốc kháng giáp 1 giờ trước khi dùng kali iodid. Liều 50 – 100 mg, ngày 2 lần.
Bảo vệ tuyến giáp khỏi nhiễm xạ: Người lớn uống 100 – 150 mg, 24 giờ trước khi dùng hoặc tiếp xúc với iod phóng xạ, sau đó uống 1 lần/ngày trong 3 – 10 ngày. Trẻ dưới 1 tuổi: Uống 65 mg 1 lần/ngày trong 10 ngày sau khi dùng hoặc tiếp xúc với iod phóng xạ. Trẻ trên 1 tuổi: 130 mg/ngày, uống làm một lần trong 10 ngày sau khi dùng hoặc tiếp xúc với iod phóng xạ.
Chống nấm : Xem mục 6.5.
Bổ sung iod : Người lớn uống 5 – 10 mg/ngày; trẻ em: 1 mg/ngày. Uống sau bữa ăn hoặc cùng với thức ăn hoặc với sữa.
Tác dụng không mong muốn Kali iodid
Phản ứng quá mẫn; sổ mũi; nhức đầu; chảy nước mắt; viêm kết mạc; đau tuyến nước bọt; viêm thanh quản; viêm phế quản; nổi mẩn; nếu dùng lâu ngày có thể bị trầm cảm; mất ngủ; liệt dương; bướu cổ ở trẻ có mẹ dùng kali iodid.
Xử trí ADR Kali iodid
Ngừng thuốc.
Quá liều và xử trí Kali iodid
Triệu chứng : Có vị kim loại, nóng bỏng ở miệng, đau răng, loét lợi, viêm tuyến nước bọt, thương tổn da do iod. Tiết nhiều nước bọt, sổ mũi, đau đầu vùng trán và ho có đờm, tất cả giống như bị viêm xoang và cảm lạnh. Khi nặng, tiết nhiều dịch phế quản có thể gây phù phổi. Các biểu hiện quá mẫn khác gồm ban xuất huyết, huyết khối giảm tiểu cầu, viêm quanh động mạch có nốt, nguy hiểm chết người.
Xử trí : Ngừng thuốc, iod cạnh tranh với clorid trong tái hấp thu ở ống lượn gần nên sự bài niệu muối làm tăng đào thải iod qua thận và thích hợp với những ca nhiễm độc iod nặng. Khi bị viêm tuyến nước bọt và thương tổn da do iod có thể điều trị bằng corticosteroid.
Độ ổn định và bảo quản Kali iodid
Bảo quản trong lọ màu hoặc hộp kín, tránh ánh sáng, ở nhiệt độ 15 – 30 o C. Nếu dung dịch bị kết tinh: Làm ấm và lắc sẽ làm tan các tinh thể. Không dùng dung dịch đã bị chuyển sang màu vàng nâu.
http://nidqc.org.vn/duocthu/593/