Thứ Bảy , 25 Tháng Ba 2023
Trang chủ Chuyên mục Góc nhìn Khi bạn phải lựa chọn

Khi bạn phải lựa chọn

Bài viết thứ 62 trong 94 bài thuộc chủ đề Góc nhìn
 

Bài viết của: BS. Võ Xuân Quang

Tôi viết bài này trong một tâm trạng trĩu nặng, nhớ về những chuyện không vui trong đời bác sĩ và bệnh nhân. Nếu có thể được, chúc bạn không bao giờ phải lựa chọn, nhưng thật đáng tiếc, điều đó là không tưởng. Bởi vì, một lúc nào đó, một nơi nào đó, bạn sẽ bị buộc phải làm điều ấy, khi chính mình hay người nhà đang đối diện với cơn bệnh nặng.

Cái nghề làm bệnh nhân không đơn giản như bạn nghĩ, chỉ việc nằm trên giường để các cậu sinh viên sờ soạng, các cô y tá mò mẫm hay để cho bác sĩ thử thuốc, thử dao. Là bệnh nhân, là dấn thân vào một cuộc phiêu lưu với một điểm khởi đầu nhưng có trăm ngàn điểm kết thúc. Có những ngã đường trả lại bạn một cơ thể và tinh thần khỏe mạnh, nhưng những ngõ hẹp đưa đến nỗi đau và sự hối hận cũng không ít.

Lựa chọn, vốn không phải là chuyện gì phức tạp. Mỗi ngày, bạn lựa một bộ quần áo, lựa một quán ăn, hay một bộ phim…như là một phần tất yếu của cuộc sống. Chọn sai, chẳng sao cả, chỉ nhăn mặt một cái rồi thôi. Khi bạn là bệnh nhân, mỗi một lựa chọn đơn giản đều có thể dẫn đến một kết quả phức tạp không ngờ. Chọn khoa để nằm? Ai mà ngờ nó đông như vậy. Chọn người để gửi, biết họ có tận tâm? Chọn một bác sĩ giỏi? Hóa ra anh ấy không giỏi như người ta nói! Chọn một bệnh viện tốt? Hóa ra nó chẳng tốt gì hơn cái bệnh viện quận kế bên nhà. Trong vô vàn những câu hỏi đó, có những khoảnh khắc đặc biệt, những lựa chọn sinh tử mà bệnh nhân/người nhà buộc/được tham gia vào quyết định điều trị.

  • Bệnh nhân bị choáng nhiễm trùng, hồi sức không hiệu quả. Mổ giải quyết ổ nhiễm trùng, nguy cơ tử vong trên bàn mổ là rất cao. Có mổ hay không?
  • Ung thư giai đoạn cuối, thuốc hết tác dụng cả rồi. Có thuốc đang nghiên cứu, hiệu quả chưa biết sao, tiền thì nhiều, tác dụng phụ cũng lắm. Có thử hay không?
  • Bệnh mạch vành phải đặt 4 stent, chi phí trên trăm triệu, nhà thì bữa đói bữa no, con thì đứa lớn đứa nhỏ . Bạn quyết định thế nào?

Nếu như người bác sĩ có thể chọn dùm bạn, để bạn có thể tránh được sự hoảng sợ, sự lo lắng, ngại ngần này thì tốt biết bao. Thế nhưng, ngành y thật sự rất phức tạp. Giá mà mỗi xét nghiệm ra một căn bệnh. Giá mà mỗi căn bệnh chỉ có một đơn thuốc. Giá mà bệnh ấy thuốc ấy thì chắc chắn khỏi…. Một ngàn thứ giá mà…Trong cái mớ bòng bong ấy, người thầy thuốc tìm ra giải pháp tốt nhất cho bệnh nhân của mình như thế nào? Đơn giản lắm, họ cân ! Mỗi một thủ thuật chẩn đoán hay một phương thức điều trị, luôn có mặt lợi và mặt hại. Công việc của bác sĩ là liên tục làm phép cân – cân giữa lợi và hại. Khi cái lợi quá rõ ràng so với cái hại( giúp ra chẩn đoán, giúp điều trị bệnh) thì bác sĩ sẽ tự quyết định. Khi cái hại quá chắc chắn, giải pháp đó bị loại trừ. Khi cái lợi không rõ ràng, khi cái hại tiềm ẩn quá cao, cái cân của bác sĩ trở nên lơ lửng – và đó là lúc bạn phải chọn.

Dịch vụ y tế, mua và bán, cũng không đơn giản như bạn nghĩ. Bác sĩ/ bệnh viện không bán kết quả, mà chỉ bán năng lực. Dịch vụ y tế không có bảo hành, lại càng không có chuyện trả hàng đòi tiền lại. Bởi vậy, khi kết quả điều trị có thể không như mong muốn, bệnh nhân cần biết và quyết định. Bác sĩ không thể quyết định vì những thiệt hại nếu có sẽ là của chính bạn. Tai biến, tử vong, đau đớn, chi phí, nợ nần… tất cả, tự bạn phải gánh chịu, không ai giúp được. Do đó, việc lựa chọn của bạn, trong những trường hợp này là cần thiết, vì khi hiểu rõ các dự hậu, bạn sẽ có chọn lựa phù hợp theo tình hình sức khoẻ, các điều kiện kinh tế , xã hội, văn hoá, tôn giáo v.v..

Vấn đề của bạn, là rất sợ mình sẽ chọn sai. Thế nhưng, một lựa chọn y khoa rất nhiều khi không có câu trả lời thế nào là sai hay đúng. Giả sử có 2 chọn lựa, A và B. Khi bạn chọn A, đưa đến một kết quả không tốt. Những hối hận, cắn rứt có thể sẽ dằn vặt bạn nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm sau …Thế nhưng, ai có thể bảo đảm là lựa chọn B chắc chắn đưa đến một dự hậu tốt hơn? Vì vậy, nếu đã chọn, hãy cố gắng sống với lựa chọn đó và cố đừng nghĩ đến cái ý tưởng “Giá mà…”.

Ở những nước phát triển, sự lựa chọn đơn giản hơn vì cả bác sĩ lẫn bệnh nhân thường chú trọng vào vấn đề chuyên môn, và thường rất rõ ràng, bệnh nhân có những hướng dẫn cụ thể về các ý muốn của mình trong di chúc y khoa (advanced directives) và thường có xác lập chính xác về người sẽ chịu trách nhiệm khi cần có các quyết định về y khoa (POA=Power of Attorney). Những trường hợp tương tự ở Việt Nam phải chịu ảnh hưởng của rất nhiều các tác nhân “không chuyên môn” và “không pháp lý” .
Ví dụ, khi cần có một quyết định hệ trọng, họ hàng nhìn nhau chẳng ai dám lên tiếng. Bà vợ kế bảo chờ ông trai trưởng. Con gái đầu thì bảo chờ con trai út. Đặc biệt, khi việc lựa chọn dính đến tiền, dính đến tôn giáo, dính đến chính trị thì sự phức tạp gia tăng gấp đôi và đã có rất nhiều sự cố đáng tiếc xảy ra vì mớ quan hệ lằng nhằng ngoài chuyên môn như thế!

Một vấn đề nữa, là sự khác biệt khi việc lựa chọn là cho bản thân hay cho người nhà. Việc từ chối một phương pháp điều trị, không phải bao giờ cũng là tàn nhẫn hay xấu xa. Nhiều khi đó là một sự giải thoát cho người thân của mình. Việc kéo dài cuộc sống với vô số test, kim, ống, vết cắt…đôi khi có thể là sự đau đớn và hành hạ đối với người bệnh. Đâu là câu trả lời, sự lựa chọn phù hợp…Chỉ có bạn biết mà thôi. Giữa sự sống và cái chết, bạn hẳn là nhớ truyện Anh phải sống của Nhất Linh. Cũng có một phiên bản khác ngược lại ở đâu đó, mà việc phải sống của người chồng lại là khó khăn hơn là cái chết của người vợ. Những chuyện như vậy, thật ra có thể thấy hàng ngày ở các bệnh viện. Một người mẹ từ chối điều trị ung thư để đứa con được sinh ra lành lặn. Một người cha thà chết đi để những đứa con của mình không bỏ lỡ việc học hành. Họ đã chọn lựa như thế nào, và điều đó có công bằng cho những đứa con hay không ?

Tôi có những năm tháng, ngày nào cũng bày ra bài toán sống chết cho người ta chọn. Cũng có những đoạn đời chính mình phải liên tục đối diện với những câu hỏi khó khăn. Có lúc thật dễ dàng, vì nó đã là phác đồ nhưng cũng có khi trong lòng đầy hoang mang. Phần nhiều, là thuận theo những gợi ý của bác sĩ điều trị nhưng cũng có lúc mình không đồng ý, phải đi tìm ý kiến thứ 2. Nhìn lại những gì đã làm, mỗi lựa chọn đã đi qua, tôi không biết chúng là sai hay là đúng, chỉ biết là đã làm hết sức mình. Nói như vậy để bạn biết, những chia sẽ này là từ trong đời thực, không phải từ sách vở.

  1. Để dễ dàng cho chính mình, cũng như cho người thân của mình, nếu bị bệnh hiểm nghèo, nếu qua tuổi heo may…Hãy chuẩn bị di chúc y khoa. Nêu lên những ý muốn của mình và chọn người sẽ đưa ra các quyết định khi cần, hoặc chỉ cần thông báo trong gia đình để có một tiếng nói chung.
  2. Bất cứ quyết định hệ trọng nào, việc có ý kiến thứ 2 (second opinion) luôn luôn hữu ích. Bạn có thể tham khảo người quen, bạn bè trong ngành Y. Nếu có thời gian và điều kiện cho phép, khám ở một bác sĩ chuyên khoa khác là điều nên làm. Tuy nhiên, đừng làm ảnh hưởng đến sự khách quan của ý kiến thứ 2 bằng việc tường trình hay phê phán các đề nghị ban đầu của bs điều trị. Mặt khác, cung cấp đủ thông tin là điều kiện tiên quyết đảm bảo giá trị tham khảo của ý kiến thứ 2. Các mục trả lời sức khỏe, tư vấn online v.v. không đủ tiêu chuẩn là ý kiến thứ 2, vì thường thiếu thông tin cần thiết.
  3. Mỗi quyết định đưa ra cần phải dựa trên lập trường lợi ích của bệnh nhân. Đứng trước một phương pháp điều trị dù mới hay cũ, đừng chỉ nghĩ về cái lợi mà hãy bỏ chút thời giờ cân nhắc cái hại. Tự trả lời câu hỏi, có đáng hay không?
  4. Dùng internet một cách hợp lý. Hãy tìm hiểu tỷ lệ thành công bao nhiêu? Tỷ lệ tái phát 5 năm bao nhiêu? Tỷ lệ biến chứng bao nhiêu? Mỗi phương pháp điều trị có dự hậu khác nhau thế nào? Điều này có thể hơi khó với những bạn không có kiến thức y khoa khi chỉ tìm được các bài báo chuyên ngành khô khan, khó hiểu. Đối với căn bệnh ung thư, các diễn đàn, các nhóm bệnh nhân là nguồn thông tin hữu ích. Trong nước có thể rất ít nhưng các diễn đàn ở nước ngoài là rất nhiều và internet thì không có biên giới.
  5. Đừng để tiềm thức bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tôn giáo, chính trị và tục lệ cổ truyền. Một trong những nỗi sợ cố hữu của người việt là sợ chết trên bàn mổ, chết trong bệnh viện, sợ thành oan hồn vất vưởng không biết về đâu. Chính nỗi sợ đó góp phần hình thành một hiện tượng rất đặc biệt là xin về, và đã dẫn đến không ít cái chết oan uổng. Mặt khác, chi phí luôn là một tham số trong mỗi lựa chọn. Thật may mắn nếu bạn không phải lo lắng vì chi phí quá thấp hay bạn quá giàu, hay bảo hiểm đã lo hết. Nếu ngược lại, bạn chỉ có thể dựa vào chính mình.
  6. Cuối cùng và quan trọng nhất: Cuộc nói chuyện nghiêm túc với bác sĩ điều trị, người đưa ra các tham số để bạn chọn lựa. Nên nhớ thế này, bạn càng quan tâm, càng đào sâu về chi tiết thì bác sĩ sẽ càng cẩn thận và cân nhắc chặt chẽ hơn. Không phải họ sợ bạn kiện cáo, khiếu nại nhưng việc bạn tìm hiểu cho thấy mức bạn quan tâm, cũng như bạn sẽ biết trân trọng công việc của người thầy thuốc.

Tài liệu tham khảo

https://www.facebook.com/quang.vo.9461/posts/2195290647190724