Nội dung chính
Cứ tưởng tượng thế này nhé! Bạn có một anh người iu, iu ơi là iu bạn, chiều ơi là chiều bạn, thề sống thề chết với bạn. Bạn yên tâm lắm lắm, bạn cảm thấy bạn và chàng như hai nửa trái tim ghép vừa với nhau, duy nhất trên đời. Bạn ngủ cũng mơ thấy chàng, làm gì cũng muốn có chàng làm cùng, đi đâu cũng muốn có chàng trong tầm mắt thì bạn mới thấy yên dạ vì có chàng bảo bọc thương yêu. Nói túm lại, là thế giới con người mà thiếu chàng thì bạn không thiết sống í!
Đột nhiên trong một hôm tình đang nồng thắm hương hoa, chàng bỗng nói với bạn rằng: “Cục cưng của anh, honey của anh ơi. Anh với em thật là duyên trời định, từ lúc gặp được em, anh mới thấy cuộc đời đáng sống, hạnh phúc mà anh có được cũng từ em mà ra! Anh thật sự thấy anh quá hạnh phúc vì có em trên đời! Vì vậy cho nên, anh quyết định kiếm thêm một cô nữa giống em, để đời chúng ta thêm hạnh phúc đủ đầy trọn vẹn! Em đừng lo nhé, em lúc nào cũng là số 1 của lòng anh!”.
Rồi mấy tháng sau, anh í dắt về một cô tươi trẻ, mơn mởn, ngây thơ hơn bạn, da láng mượt hơn bạn! Bạn nhìn cũng thấy thinh thích đấy, nhưng cảm thấy hơi lung lay, nhưng vì anh người iu, bạn bỏ qua tất cả! Nhưng mà, rõ ràng là, chàng bớt thời gian ở với bạn hơn, ít quan tâm với bạn hơn, ít kiên nhẫn với bạn, hay cáu với bạn nữa! Một điều khác biệt lớn nữa, là, hồi trước cái gì bạn sai chàng làm, chàng cắm đầu cắm cổ mà làm, tươi cười vui vẻ, vậy mà bi giờ, bạn nhờ có một cái, là chàng, trong lúc ôm nựng cô người iu mới, quay lại gắt gỏng với bạn liền! “Em lớn rồi, tập mà làm một mình đi chứ! Để anh còn có thời gian chăm sóc bạn gái mới, vì bạn í còn non dại lắm!”. Lúc đó, bạn có sôi máu lên không? Chưa kể, mỗi lần anh dắt bạn và con nhỏ mới đi chơi, ai cũng xúm lại khen nựng con nhỏ mới, khen nó đẹp nè, khen nó dễ thương nè, còn coi bạn như người tàng hình vậy! Cả những người mới cách đây mấy ngày, lúc chưa có con nhỏ mắc dịch này, còn ôm ấp bạn, gọi bạn là kim cương, cục vàng, hôm nay đã coi kim cương như đất sét, còn úp úp mở mở nói kim cương xuống giá rồi, coi chừng bị chủ quẳng vô sọt rác hay thí cho người dưng! Lúc đó mà bạn kìm lòng được, không cào cấu cái con nhỏ bồ mới của chàng, không la gào ghét bỏ thế giới, là bạn hay lắm đấy! Lúc đó mà bạn không buồn bã, biếng ăn, biếng ngủ, là thế giới này phải biết ơn bạn rồi đó nhỉ.
Những điều có thể thay đổi ở trẻ khi gia đình có thêm thành viên mới
Tình thế, suy nghĩ, hành vi, tình cảm của một đứa trẻ được ra đời trước, khi đón nhận một đứa em mới vào gia đình nhỏ, cũng lên bờ xuống ruộng, giằng xé nội tâm, thất vọng, buồn bã, giận dữ, oán trách… giống như bạn trong hoàn cảnh trên vậy đó! Chỉ khác một điều rằng, bạn có thể vì thất vọng, quyết định chia tay với chàng, độc lập sống riêng, và tìm kiếm cho mình tình yêu mới, thì trẻ lại không có lựa chọn này, mà chỉ biết cố gắng thu vén nội tâm, cố gắng thích nghi một cách loay hoay, mơ hồ, hơi hoảng loạn, mong một ngày kia trời lại sáng, và tìm cách lấy lại được sự yêu thương gắn bó hôm nào, vì đối với trẻ, trẻ không thể, và không bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ bạn để ra đi.
Đó cũng chính là lý do, mà nhiều ba mẹ khi có thành viên mới, lại thấy đứa con trước của mình bỗng dưng “thụt lùi” thảm hại! Tự nhiên, 2 – 3 – 4 tuổi rồi, đang ăn uống ngon lành, lại nằng nặc đòi nằm bú bình, không chịu uống ly, đòi được đút ăn, thay vì tự đút vui vẻ như trước đây, đòi ngủ chung cho bằng được trong khi trước đó đã ngủ riêng phòng đàng hoàng! Đó cũng chính là lý do tại sao, đang bỏ tã ngon lành, lại bắt đầu tè dầm, ị đùn, phải mặc tã lại, và là lý do tại sao bỗng dưng từ một đứa bé vui vẻ, tự tin, trở thành một cái bông gòn nhẹp nước bùi nhùi, đụng chút là sụt sùi, giận dỗi!
Một số sai lầm của người lớn trong gia đình
Một số ba mẹ khi có con nhỏ, ngay lập tức đòi hỏi sự độc lập từ đứa con nhỏ nhắc mới hôm trước còn nâng niu như trứng mỏng, vì tâm lý con đã lên level với cái chức “anh”, “chị” tượng trưng! Ba mẹ lại bận bịu xoay quanh thành viên mới, mệt mỏi hơn, mất ngủ nhiều hơn, xì trét hơn, nên không giữ kiên nhẫn, vui vẻ, tích cực như xưa, dễ la mắng, chê bai đứa con đầu đang cần nhiều hỗ trợ về tình cảm!
Người lớn khác trong gia đình, và cả ngoài gia đình, thì lại hay thích châm chọc, lấy nước mắt của con nít làm niềm vui thích vô cảm của mình. Từ trước khi bé nhỏ ra đời, đã bắt đầu nói xoáy nói nhịu với đứa trẻ con non nớt, rằng “Con sắp ra rìa rồi, con có biết không?”, “Mai mốt mẹ có em bé mới, con bị bỏ luôn đó nha!”, hay những câu nói tàn nhẫn khác, không biết để làm gì! Đứa trẻ, vì vậy, lại càng bị tổn thương, dè dặt, nhạy cảm, với tính huống mới, và ác cảm thêm với thành viên mới ra đời! Càng làm cho tình thế trở nên ngột ngạt, khó khăn, và khó thích ứng, đối với cả gia đình nhỏ.
Một số điều ba mẹ và người lớn trong gia đình cần lưu ý
Vì vậy, để có thể tránh và giảm thiểu tổn thương cho trẻ, cũng như giúp cuộc sống gia đình thuận buồm xuôi gió hơn, khi chuẩn bị có em bé mới, và sau khi có em bé mới, có một số điều ba mẹ và người lớn trong gia đình cần lưu ý:
- Bạn nên là người báo tin về việc sắp có em bé cho bé đầu tiên! Đừng để người ngoài là người cho trẻ biết chuyện!
- Nên cho trẻ tham dự những công việc chuẩn bị cho thành viên mới, như cho trẻ đi mua sắm đồ cho em, dự các lớp về chuẩn bị bầu bì của mẹ…, và cho trẻ có một số quyết định nhất định trong một số trường hợp, để trẻ cảm yên tâm, và thấy trẻ vẫn có quyền “kiểm soát” tình hình!
- Cho trẻ đọc sách tranh ảnh về chuyện em bé, cho trẻ chơi trò chơi búp bê giả làm em.
- Chuẩn bị những thay đổi mà bạn mong muốn ở trẻ TRƯỚC khi em bé nhỏ chào đời! Ví dụ như: nếu bạn nghĩ khi có em bé nhỏ, bạn sẽ ngủ với em bé nhỏ và trẻ lớn sẽ ngủ với ông bà, hoặc ngủ riêng phòng, nên tập vài tuần, vài tháng trước khi bạn sinh con. Nếu bạn muốn trẻ đi học mẫu giáo, nên làm điều đó trước khi sinh nở. Áp đặt những thay đổi thói quen hàng ngày đột ngột trong hoàn cảnh có em bé mới, chỉ làm cho trẻ cảm giác thêm tiêu cực, và trẻ càng khó khăn, phản kháng nhiều hơn.
- Khi bé nhỏ ra đời, nên cho trẻ gặp em ngay khi có thể, và câu đầu tiên mà bạn nên nói với trẻ, là “Mẹ yêu con nhất! Con đến hôn em của con đi nè! Con chào đón em con vào gia đình mình đi nhé!”
- Nên kiềm chế cơn giận dữ, không tỏ vẻ tức giận, và xem chuyện con có những thụt lùi trong các kỹ năng là một điều bình thường. Đây không phải là một chuyện cố ý của con, mà chỉ là sự biểu hiện vô thức nhu cầu được quan tâm, được yêu thương, và đôi khi, là sự lúng túng, lo âu của con cho tình hình hiện tại! Bạn càng giận dữ, càng la mắng, bé sẽ càng thụt lùi nhiều hơn, và buồn bã nhiều hơn!
- Không nên mong đợi sự độc lập của trẻ hơn khi em nhỏ ra đời! Làm như vậy là không công bằng cho trẻ! Người ta còn thấy rằng, khi bạn càng mong đợi và đòi hỏi con tự lập, con lại có xu hướng dựa dẫm nhiều hơn. Và ngược lại, khi bạn càng không mong đợi sự độc lập từ con, con lại có thể cố gắng để tự lập một cách tự nguyện, hơn là bạn nghĩ.
- Nên nhớ dành “us-time” – “thời gian riêng của chúng ta” cho trẻ, càng nhiều, càng thường xuyên, càng tốt! Thật ra, “us-time” chỉ cần khoảng 10 phút/ngày, chơi riêng cùng nhau, đọc sách riêng cùng nhau, tâm tình thủ thỉ cùng nhau, là đã là một liều thuốc tích cực vô giá với trẻ rồi!
- Nên để ý đến suy nghĩ, tình cảm của trẻ, và nên giúp người lớn trong gia đình, cũng như những người khác xung quanh, tránh những câu nói làm tổn thương trẻ, và quan tâm đến trẻ hơn. Khi có những dịp mừng em nhỏ, ba mẹ cũng nên chuẩn bị những món quà riêng cho “anh lớn”, “chị lớn”, để trẻ không cảm thấy quá thiệt thòi và so sánh.
- Nên thu xếp cho trẻ có cơ hội có không gian và hoạt động riêng, không bị luôn gắn liền với em nhỏ.
- Nên chỉ ra cho trẻ thấy lợi thế của người “anh”, “chị” khi so với em mình. Như: trẻ có thể tự đi, tự ăn, có bạn để chơi… Chỉ cho trẻ biết những điều tích cực để trẻ tự tin hơn.
- Người ta thấy rằng, những trẻ gắn bó với ba nhiều hơn, sẽ ít bị ảnh hưởng tiêu cực và điều chỉnh linh hoạt với môi trường mới hơn so với những trẻ gắn bó quá với mẹ. Vì vậy, nếu được, nên điều chỉnh cân bằng mối quan hệ, và mẹ nên bớt bảo bọc con, và tạo cơ hội cho ba thiết lập mối quan hệ tốt với trẻ lớn, ngay từ lúc ban đầu.
- Cá tính của từng trẻ cũng sẽ ảnh hưởng đến việc đáp ứng của trẻ với môi trường mới. Chúng ta không thể thay đổi cá tính trẻ, và không muốn thay đổi cá tính trẻ, nhưng chúng ta nên nhận biết, lắng nghe những khó khăn của trẻ, để có thể phòng tránh, và giảm thiểu những tiêu cực cho con.
- Bạn có thể cho phép bé tham gia trong những hoạt động chăm sóc em, tùy hoàn cảnh cho phép, ví dụ như: chơi với em, hát cho em nghe, đọc sách cho em, thay đồ, tắm rửa, hoặc cho em bú, cùng ba mẹ đẩy xe em đi chơi… để bé phát triển mối quan hệ tốt với em, và không cảm thấy bị ra rìa.
Việc có thành viên mới trong nhà, luôn là một sự kiện quan trọng cho tất cả thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, chúng ta nên quan tâm và chuẩn bị tốt cho trẻ trước, để giảm thiểu những rắc rối, tiêu cực không đáng có cho những anh, chị tương lai.
Để gia đình thật sự trọn đầy!
Tài liệu tham khảo
- https://www.facebook.com/huyenthao.bacsi/posts/235840463469683
- New baby sibling; Helping your older child (or children) adjust; University of Michigan Health system, Michigan, USA.