Chủ Nhật , 14 Tháng Tư 2024
Trang chủ Chuyên mục Ung thư Dinh dưỡng trong ung thư Lợi ích của dinh dưỡng tốt trong điều trị ung thư

Lợi ích của dinh dưỡng tốt trong điều trị ung thư

Bài viết thứ 1 trong 23 bài thuộc chủ đề Dinh dưỡng trong ung thư người lớn
 

Một chế độ dinh dưỡng tốt là đặc biệt quan trọng nếu bạn bị ung thư bởi vì căn bệnh này và cả phương pháp điều trị của nó có thể thay đổi cách bạn ăn uống. Ung thư và các phương pháp điều trị ung thư cũng có thể ảnh hưởng đến cách thức mà cơ thể bạn phản ứng lại đối với một số thực phẩm cũng như hấp thụ các chất dinh dưỡng.

Nhu cầu dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư là khác nhau tùy theo từng trường hợp. Bác sĩ, y tá, và/hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn xác định mục tiêu dinh dưỡng của bạn và lên kế hoạch giúp bạn đạt được mục tiêu đó. Ăn uống tốt trong khi điều trị ung thư có thể giúp bạn:

  • Cảm thấy tốt hơn.
  • Giữ cơ thể ở trạng thái khỏe mạnh và sung sức.
  • Duy trì trọng lượng và dự trữ đủ chất dinh dưỡng.
  • Chịu đựng tốt hơn các tác dụng phụ do điều trị.
  • Giảm nguy cơ bị nhiễm trùng.
  • Chữa lành và phục hồi nhanh hơn.

Ăn uống tốt có nghĩa là ăn nhiều loại thức ăn giúp cung cấp cho cơ thể của bạn các chất dinh dưỡng cần thiết để giúp chống lại ung thư. Các chất dinh dưỡng này bao gồm chất đạm (protein), đường (carbohydrates), chất béo, nước, vitamin và khoáng chất.

Lợi ích của dinh dưỡng tốt trong quá trình điều trị ung thư

Các chất dinh dưỡng

Chất đạm

Chúng ta cần chất đạm để tăng trưởng, sửa chữa các mô cơ thể, và để giữ cho hệ miễn dịch khỏe mạnh. Khi cơ thể không có đủ chất đạm, nó có thể phân hủy mô và tế bào cơ bắp để tạo ra năng lượng cần thiết. Điều này làm cho cơ thể mất nhiều thời gian hơn để phục hồi bệnh tật và có thể làm giảm khả năng chống nhiễm trùng. Người bị ung thư thường cần nhiều chất đạm hơn bình thường. Sau khi phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị, bệnh nhân cần ăn thêm chất đạm để chữa lành các mô và giúp chống nhiễm trùng.

Nguồn cung cấp chất đạm bao gồm cá, thịt gia cầm, thịt nạc đỏ, trứng, các sản phẩm từ sữa ít chất béo, các loại hạt và bơ đậu phụng, đậu khô, đậu Hà Lan và đậu lăng, và các loại thực phẩm đậu nành.

Chất béo

Chất béo đóng một vai trò quan trọng trong dinh dưỡng. Chất béo và các loại dầu được cấu thành từ các axit béo và được cơ thể sử dụng như là một nguồn năng lượng dồi dào. Cơ thể phân hủy các chất béo cũng như sử dụng chúng để tích trữ năng lượng, cách ly các mô cơ thể và vận chuyển một số loại vitamin qua máu.

Bạn có thể đã được tư vấn rằng có một số chất béo tốt cho bạn hơn là những chất béo khác. Khi xem xét các tác động của chất béo tới tim và nồng độ cholesterol của cơ thể bạn, hãy lựa chọn chất béo không bão hòa đơn chức và đa chức thường xuyên hơn là chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa.

Chất béo không bão hòa đơn chức được tìm thấy chủ yếu trong các loại dầu thực vật như dầu olive, canola, đậu phộng.

Chất béo không bão hòa đa chức được tìm thấy chủ yếu trong các loại dầu thực vật như dầu cây rum, hướng dương, bắp, và hạt lanh. Chúng cũng là thành phần chất béo chính được tìm thấy trong hải sản.

Chất béo bão hòa chủ yếu được tìm thấy trong các nguồn động vật như thịt, gia cầm, sữa có chứa chất béo, phô mai và bơ. Một số loại dầu thực vật như dầu dừa, dầu hạt cọ, dầu cọ có chứa chất béo bão hòa. Chất béo bão hòa có thể làm tăng cholesterol và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim. Cơ thể bạn chỉ nên nhận ít hơn 10% lượng calo từ chất béo bão hòa.

Chất béo chuyển hóa được hình thành khi dầu thực vật được chế biến thành bơ thực vật hoặc mỡ. Nguồn chất béo chuyển hóa bao gồm các loại thực phẩm ăn nhẹ và bánh nướng làm từ dầu thực vật thủy phân một phần hoặc mỡ thực vật. Chất béo chuyển hóa cũng được tìm thấy tự nhiên trong một số sản phẩm động vật, như các sản phẩm sữa. Chất béo chuyển hóa có thể làm tăng lượng cholesterol xấu và giảm lượng cholesterol tốt, vậy nên cần cố gắng loại bỏ chúng khỏi chế độ ăn uống của bạn.

Chất đường

Đường là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Đường cung cấp cho cơ thể năng lượng cần thiết cho hoạt động thể chất và chức năng của các cơ quan tương ứng. Nguồn cung cấp đường tốt nhất – trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt – cũng cung cấp cho tế bào của cơ thể các vitamin và khoáng chất, chất xơ, và dinh dưỡng thực vật cần thiết.

Các loại ngũ cốc nguyên hạt hay các thực phẩm làm từ ngũ cốc chứa tất cả các thành phần thiết yếu và các chất dinh dưỡng tự nhiên của toàn bộ hạt giống ngũ cốc. Ngũ cốc nguyên hạt được tìm thấy trong bột ngũ cốc, bánh mì, bột mì, và bánh quy giòn. Một số ngũ cốc nguyên hạt, ví dụ như quinoa, gạo nâu, lúa mạch, có thể được sử dụng như món ăn phụ hoặc một phần của bữa ăn chính. Khi lựa chọn một sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt, hãy tìm các thuật ngữ như “ngũ cốc nguyên hạt”, “bột mì”, “bột yến mạch”, hay “bột lúa mạch đen nguyên hạt”.

Chất xơ là một phần của thức phẩm thực vật mà cơ thể không tiêu hóa. Có 2 loại chất xơ. Chất xơ không tan giúp đào thải thức ăn thừa ra khỏi cơ thể một cách nhanh chóng, và chất xơ hòa tan liên kết với nước trong phân để giúp giữ cho phân mềm.

Các nguồn thực phẩm khác cung cấp đường bao gồm bánh mì, khoai tây, gạo, mì ống, mì, ngũ cốc, ngô, đậu Hà Lan, và các loại đậu. Kẹo (món tráng miệng, bánh kẹo, thức uống có đường) có thể cung cấp đường, nhưng cung cấp rất ít so với vitamin, khoáng chất, hoặc dinh dưỡng thực vật.

Nước

Nước và các chất dạng lỏng có tầm quan trọng đối với sức khỏe. Tất cả các tế bào cơ thể đều cần nước để hoạt động. Nếu bạn không uống đủ nước hoặc bị mất nước do nôn mửa hoặc tiêu chảy, bạn có thể bị thiếu nước (cơ thể bạn không có đủ nước ở mức cần thiết). Nếu điều này xảy ra, nước và khoáng chất giúp cơ thể của bạn hoạt động có thể mất cân bằng tới mức nguy hiểm. Đúng là cơ thể bạn hấp thu được một ít nước từ các loại thực phẩm khi ăn, nhưng một người thường nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày để đảm bảo rằng tất cả các tế bào cơ thể nhận đủ lượng cần thiết. Bạn có thể cần uống thêm nước nếu bạn đang bị nôn mửa hoặc tiêu chảy. Hãy luôn nhớ rằng tất cả các chất dạng lỏng (súp, sữa, ngay cả kem và gelatin) là nguồn cung cấp nước cho cơ thể bạn.

Vitamin và khoáng chất

Cơ thể cần một lượng nhỏ vitamin và khoáng chất để hoạt động hiệu quả. Phần lớn vitamin và khoáng chất có sẵn trong thực phẩm. Các chất này cũng có thể tìm thấy từ các chất bổ sung thương phẩm dạng thuốc viên và dạng lỏng. Chúng giúp cơ thể tiêu thụ năng lượng (calo) được tìm thấy trong thực phẩm.

Một người có một chế độ ăn uống cân bằng với đủ lượng calo và protein thường hấp thu nhiều vitamin và khoáng chất. Nhưng thật khó để có một chế độ dinh dưỡng cân bằng khi bạn đang trong quá trình điều trị ung thư, đặc biệt là khi bạn bị tác dụng phụ do  quá trình điều trị và chúng diễn ra trong một thời gian dài. Trong trường hợp này, bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể khuyên bạn nên dùng một chất bổ sung vitamin tổng hợp và khoáng chất hàng ngày.

Nếu bạn định dùng vitamin hoặc chất bổ sung dinh dưỡng, trước tiên hãy hỏi ý kiến bác sĩ của bạn. Một số bệnh nhân ung thư dùng số lượng lớn vitamin, khoáng chất, chất bổ sung dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch hoặc thậm chí phá hủy các tế bào ung thư của cơ thể. Nhưng một số trong các chất này có thể gây hại, đặc biệt là khi dùng với liều cao. Thực tế, liều lượng lớn của một số vitamin và khoáng chất có thể làm cho hóa trị liệu và xạ trị giảm hiệu quả.

Nếu bác sĩ chuyên khoa của bạn đồng ý cho bạn dùng vitamin trong quá trình điều trị, tốt nhất là chọn một chất bổ sung không quá 100% liều lượng hàng ngày (DV) của vitamin và khoáng chất và một chất khác không chứa sắt (trừ khi bác sĩ của bạn nghĩ rằng bạn cần sắt).

Chất chống oxy hóa

Chất chống oxy hóa bao gồm vitamin A, C, và E; selen và kẽm; và một số enzyme hấp thụ và gắn vào các gốc tự do, ngăn ngừa các gốc tự do này tấn công các tế bào bình thường.

Nếu bạn muốn dùng thêm chất chống oxy hóa, các chuyên gia sức khỏe khuyên bạn nên ăn nhiều loại trái cây và rau quả, đó là những nguồn chất chống oxy hóa. Dùng liều lớn các chất bổ sung chất chống oxy hóa hoặc các loại thực phẩm tăng cường vitamin thường không được khuyến cáo khi khi đang hóa trị hoặc xạ trị. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về thời điểm tốt nhất để uống chất bổ sung chất chống oxy hóa.

Dưỡng chất thực vật

Dưỡng chất thực vật là những hợp chất có nguồn gốc từ thực vật như carotenoid, lycopene, resveratrol, và phytosterol được cho là có tác dụng bảo vệ sức khỏe. Chúng được tìm thấy trong các sản phẩm thực vật như trái cây, rau, và các loại trà. Dưỡng chất thực vật dạng thuốc viên hoặc chất bổ sung không cho thấy hiệu quả bằng việc ăn các loại thực phẩm có chứa chúng.

Thảo mộc

Thảo mộc đã được sử dụng để điều trị bệnh hàng trăm năm nay với những kết quả khác nhau. Ngày nay, các loại thảo mộc được tìm thấy trong nhiều sản phẩm như thuốc viên, chiết xuất chất lỏng, trà, và thuốc mỡ. Nhiều trong số các sản phẩm này là vô hại và an toàn để sử dụng, nhưng những sản phẩm khác có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng và nguy hiểm. Một số khác thậm chí có thể ảnh hưởng tới điều trị ung thư đã được chứng minh, bao gồm hóa trị, xạ trị, và phục hồi sau phẫu thuật. Nếu bạn quan tâm trong việc sử dụng sản phẩm có chứa các loại thảo mộc, hãy trao đổi về các loại thảo mộc với bác sĩ chuyên khoa hoặc y tá của bạn đầu tiên.

Cân nhắc an toàn

Nhiều người tin rằng nếu họ tìm thấy một viên thuốc hay chất bổ sung trong các hiệu thuốc, nó an toàn và sử dụng tốt. Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm (FDA) có quy tắc để giúp đảm bảo rằng các chất bổ sung có chứa những thành phần được ghi ở nhãn hiệu, nhưng không nêu ra được mức độ an toàn và các ảnh hưởng của các sản phẩm đối với cơ thể người dùng. FDA không quy định các hãng sản xuất phải in các tác dụng phụ trên nhãn của các sản phẩm. Và FDA không thể thu hồi một sản phẩm bổ sung hoặc thảo dược từ thị trường trừ khi họ có bằng chứng cho thấy sản phẩm không an toàn.

Điều này có nghĩa là không có cách nào chắc chắn để biết một chất bổ sung là an toàn hay sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của bạn. Hãy cho nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn biết về bất kỳ sản phẩm bổ sung nào được mua ở các cửa hiệu mà bạn đang hoặc dự định sử dụng. Và hãy mang bao bì chứa sản phẩm đó tới cho bác sĩ để hỏi về liều lượng và đảm bảo rằng các thành phần không ảnh hưởng tới sức khỏe hay phương pháp điều trị bệnh ung thư của bạn. Một số lời khuyên an toàn khác:

  • Hãy hỏi bác sĩ hoặc y tá để có thông tin đáng tin cậy về các chất bổ sung dinh dưỡng.
  • Kiểm tra nhãn sản phẩm cả về số lượng và nồng độ của các thành phần hoạt hóa trong từng sản phẩm.
  • Ngưng dùng sản phẩm và gọi cho bác sĩ ngay nếu bạn có tác dụng phụ, như thở khò khè, ngứa, tê hoặc ngứa ran ở tay chân của bạn.
Xem thêm bài Chế độ dinh dưỡng sau khi kết thúc điều trị ung thư

Tài liệu tham khảo

http://www.cancer.org/treatment/survivorshipduringandaftertreatment/nutritionforpeoplewithcancer/nutritionforthepersonwithcancer/nutrition-during-treatment-benefits