Thứ Hai , 15 Tháng Tư 2024
Trang chủ Chuyên mục Ung thư Các thông tin khác về ung thư Martin Inderbitzin – Những gì học được khi bị ung thư

Martin Inderbitzin – Những gì học được khi bị ung thư

Bài viết thứ 14 trong 19 bài thuộc chủ đề Các thông tin khác về ung thư
 

Về sự sống sót của tôi – Những gì tôi học được khi mắc ung thư

Diễn giả: Martin Inderbitzin @ TEDx Zurich
Dịch giả: Bác sĩ Đặng Trần Khiêm_Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh

(Xin cảm ơn bác sĩ đã chuyển ngữ giúp!)

Hai năm trước tôi đã nghĩ rằng cuộc đời tôi sẽ không thể tốt hơn được nữa. Tôi là một nhà khoa học thần kinh và trong khoa học thần kinh chúng tôi luôn cố gắng giải thích mọi thứ bằng công thức và phương trình. Vậy nên tôi cũng hiểu bài nói chuyện của tôi không phải được sắp xếp cho một buổi thảo luận khoa học. Tôi sẽ cố để diễn đạt đơn giản một chút tại sao tôi lại trải qua một thời gian tuyệt vời như vậy. Lúc ấy tôi chỉ mới hoàn thành nghiên cứu sinh, tôi chuyển về quê nhà, sống gần gia đình và tôi đã kiếm được một công việc thú vị nơi tôi có thể mang những ý tưởng của mình sau quãng thời gian ở học viện. Một giấc mơ đã đến thật bất ngờ. Giấc mơ đã bị hủy hoại bởi chỉ 4 từ: Bạn bị ung thư.

Tôi thực sự đã suy nghĩ rất lâu rằng tôi nên giải thích như thế nào về cảm giác của tôi. Nhưng tôi nghĩ là ngôn từ sẽ không đủ để diễn đạt nên tôi sẽ làm cái video này. Nó có cảm giác như bạn va vào tường nhưng một cách chầm chậm để tôi có thể nhận thấy nó đang đến. Giờ đây tôi có thể cảm nhận nó đang đến và đây là bức hình tôi đã chụp vài năm trước. Bạn chỉ thấy chỗ cái nêm mà không thấy máu. Tôi cảm thấy nỗi đau trong cơ thể mình mặc dù tôi vẫn ngồi trên một cái ghế tiện nghi ngay trước mặt bác sĩ của mình.

Vậy bạn sẽ làm gì nếu nhận được chẩn đoán mình mắc ung thư? Bạn có thể rất sốc và sau đó có thể khóc rất nhiều. Chí ít đây là những gì tôi đã làm. Nhưng sau khi đợt sóng đầu tiên đó đi qua, bạn muốn làm gì, bạn sẽ làm gì. À, bạn có thể sẽ làm những gì mà gần như mọi bệnh nhân mới đều làm. Bạn lên mạng/internet. Bạn biết đó, internet rất tuyệt, nó cho bạn những thông tin truyền thông, những video về mèo. Nó cũng rất tuyệt khi bạn muốn tìm vài thông tin về bệnh cúm của mình. Nhưng về ung thư thì sao? Chỉ cần không tới 5 phút, tôi có thể nhận ra với ung thư tụy, tôi có thời gian sống thêm trung bình là 3 năm. Ồ, internet là tuyệt nhất phải không? Tôi nghĩ rằng ung thư không chỉ là một trong những mối thách thức y tế lớn nhất mà xã hội chúng ta phải đối mặt hôm nay. Tôi cho nó cũng là một trong những thử thách về tinh thần không được coi trọng nhiều nhất. Tại sao như thế? Nó không phải bởi vì ta không biết gì và cũng không phải vì ta bị bỏ quên. Không, nó do chúng ta bị bịt mắt bởi một cái đầu rụng tóc và một cơ thể yếu đuối, bởi phần có thể thấy được của căn bệnh kinh khủng này.

Trong khoa học thần kinh chúng tôi gọi hiện tượng này là tình trạng mù do mất tập trung và một trong những ví dụ tốt nhất để giải thích là thí nghiệm của Daniel Simons khi các bạn được hướng dẫn để xem một đoạn video như thế này về những người chơi bóng rổ và đếm số lần họ chuyền cho nhau. Vào đoạn giữa của video, một con khỉ đột xuất hiện và làm vài động tác vui nhộn trước khi đi ra khỏi cảnh này. 50% số người xem tuân theo hướng dẫn ở trên sẽ không thấy con khỉ đột. Vậy nên trong trường hợp của chúng ta, cái đầu rụng tóc hay quả bóng và con khỉ đột, con khỉ đột là nỗi sợ của bạn. Bạn không thấy nó tới khi bạn có nó nhưng khi bạn có nó rồi bạn không thể bỏ qua nó vì con khỉ đột bắt đầu ngủ kế bên bạn mỗi đêm, nó ngáy làm bạn thức giấc. Khi bác sĩ chẩn đoán cho tôi, ông ấy nói với tôi một chút về một ca bệnh tương tự và ông ấy nói: nhìn này, ông bệnh nhân (trong ảnh) này vẫn khỏe, đang trượt tuyết trên núi kìa. Với ông bác sĩ có thể chỉ làm một lời bình luận bên lề, nhưng với tôi, nó trở thành mục tiêu để giúp tôi vượt qua khoảng thời gian kinh khủng này. Nó giúp tôi đi đến quyết định: Tôi muốn đối mặt với số phận của mình. Dĩ nhiên tôi biết tôi không thể làm thời gian quay ngược trở lại. Có những thứ chúng ta không thể thay đổi. Nhưng chúng ta có thể thay đổi cách chúng ta nhìn nhận chúng. Tôi biết sẽ có một cuộc trị liệu dài trong bệnh viện đang chờ tôi phía trước. Và tôi đóng hành lý, thông báo với bạn bè và gia đình. Tôi nói với đứa con nuôi rằng tôi sẽ lỡ mất ngày sinh nhật của nó vì tôi phải nhập viện. Bé rất tò mò. Cô bé hỏi tôi tại sao ba phải vô bệnh viện. Thật không thể nói với con bé sự thật. Tôi đã nói với bé, ba bị nổi bóng nước. Cô bé trả lời lại là bác sĩ sẽ bôi bột lên đó. Khi bạn vào liệu trình hóa trị bạn sẽ nhận ra cơ thể mình thay đổi nhanh thế nào. Nó giống như bạn bị một cơn chếnh choáng mạnh nhưng hơi khác một chút vì bạn chẳng bị say rượu chút nào. Và nó sẽ không hết với một viên aspirin. Không, nó kéo dài hàng tháng. Bạn không muốn đi lại, bạn không thể ngủ, bạn không muốn ăn. Thực tế thì một điều duy nhất bạn muốn làm và có thể làm là nằm trên giường và nhìn lên trần nhà. Tôi đã từng nghĩ là cuộc sống bên ngoài viện nghiên cứu sẽ vui vẻ hơn trong đó. Mỗi tuần tôi truyền thuốc một lần. Một trải nghiệm kì cục vì để thực hiện bạn phải ở chung phòng với tất cả bệnh nhân. Bạn không biết họ nhưng bạn biết tại sao họ đến đây. Họ có thể đi một mình, đôi khi có họ hàng, đôi lúc họ nói như khi một người ở trước mặt tôi hỏi tôi: anh có biết mong ước sâu kín nhất của tôi là gì không? Không, tôi trả lời. Sao tôi có thể biết chứ. Anh ta trả lời tôi rằng tôi có thể chết trong yên ả. Vậy, tôi đây 32 tuổi được truyền thuốc trên cái ghế này, trong căn phòng này, tình huống tôi không bao giờ chọn nhưng bị chọn cho tôi và tôi nghĩ về những gì anh ta vừa nói rằng tôi có thể chết đi trong bình lặng. Đây có phải là một ước mơ chung cho tất cả chúng ta rằng vào lúc cuối đời chúng ta nhìn lại và nói rằng “đúng” tôi đã sống chính xác cuộc đời mà tôi muốn sống.

Tôi đã lựa chọn cuộc đời một cách khôn ngoan. Khi bị gắn vào dây truyền hóa trị để chiến đấu cho sự sống, tôi không biết mình có khả năng chọn được thời điểm tối ưu để hỏi mình những câu đại loại như vậy hay không. Nhưng tôi đã làm, tôi nói đúng rồi. Tôi nghĩ anh ta nói đúng khi nói về ước mơ nhưng sai thời điểm. Vậy là tôi nhặt điện thoại lên và đưa ra một trong những quyết định quan trọng nhất trong đời mình rằng: nếu tôi có thể sống và ra khỏi đây tôi sẽ hoàn thành một cuộc đấu 3 môn phối hợp. Ngay cả trước khi những độc chất đi vào cơ thể tôi, tôi đã có cái email xác nhận trong hộp thư đến của mình. Và trong đêm đó tôi gọi về nhà, cha mẹ tôi muốn biết tôi có khỏe không. Tôi nói, tuyệt vời, ba mẹ biết không con đã quyết định làm một cuộc đấu 3 môn phối hợp. Tôi tự hỏi lúc đó trông họ thế nào nhưng chắc rằng trông rất buồn cười. Tôi phải bổ sung thêm chi tiết một chút. Tôi chưa bao giờ chơi một môn thể thao cường độ cao nào trước đây. Thêm một chi tiết như vậy. Nhưng nó không làm tôi thoái chí khi bắt đầu tập luyện vào một ngày rất gần. Tập luyện tôi muốn nói đó là đi lên và xuống trong hành lang bệnh viện trong 5 phút. Tôi rất xác quyết kết hoạch của mình là rèn luyện thể lực và đã mang cả giày chạy bộ vào rồi. Tôi không được phép bơi nên tôi chạy xe đạp. Và thường thì những người tập Gym gắn 2 tai nghe vào, còn tôi có 3. Cậu quản lý phòng gym rất ngạc nhiên khi thấy tôi đi vào với cái túi truyền hóa chất nguy hại lủng lẳng. Anh ta có lẽ hay gặp những trường hợp gãy chân hay đứt sụn bánh chè hơn. Cậu ta giúp tôi tập luyện và tôi rất vui. Dĩ nhiên kiểu tập luyện này chẳng giống với việc tập luyện cho môn triathlon tí nào. Chúng tôi ở đây nói về bơi 1,5 km, đạp xe 40km và chạy 10km.

Nhưng điều đó không quan trọng. Vậy cái gì quan trọng? Đó là tôi tin vào bản thân trong khi tất cả mọi người quanh tôi tất cả mọi hoàn cảnh đều nói không. Trong chương trình nghiên cứu sinh tôi nghiên cứu về các hành vi cảm xúc. Tôi biết rằng tinh thần ảnh hưởng đến cách chúng ta thở, cách chúng ta cư xử, cách chúng ta trở thành người thế nào. Nó tác động đến sự điều hòa các hormone hoặc ngay cả những marker miễn dịch. Tôi biết rằng có người còn đi qua cả lửa mà không hề bị thương hay bị bệnh chỉ với bột làm bánh giấu trong những lá thư nặc danh. Thật vậy, có một liên kết rất mạnh mẽ giữa tâm hồn và thể chất. Một mối liên kết mà chúng ta vẫn chưa và có thể là không bao giờ hiểu hết toàn bộ nếu chúng ta chưa tự trải nghiệm nó. Tôi có thể nó với các bạn rằng 5 năm nghiên cứu lý thuyết cũng không đạt được sự thấu hiểu như 5 ngày đầu tiên sau khi tôi thực hiện quyết định của mình. Tôi cảm nhận được sự đổi thay. Điều gì đã xảy ra. Tôi không biết. Tôi có thể giải thích cho bạn bằng một phương trình sắp xếp chính quy coi điều gì đã xảy ra? Không, tôi không thể. Và tôi nghĩ là không ai có thể cả vì đây là điểm mà khoa học dừng lại và điều huyền bí, kì diệu ta gọi là sự sống bắt đầu. Giờ tôi đã có mục tiêu, một đích đến. Và tôi ngừng đếm xem còn bao nhiêu tuần sẽ dứt đợt hóa trị mà đếm xem còn bao nhiêu tuần cuộc đua của tôi bắt đầu. Tôi nhớ rất rõ đã đọc những quyển sách về tập môn triathlon rằng tôi nên bắt đầu với một chế độ tập luyện dễ hơn với chạy 5 km để tạo thích ứng dần. Tôi đã tập đi bộ 5 m vô toilet để tạo cảm hứng và nhận ra cơ thể không thể hoàn thành phần thứ hai của bài tập càng làm tôi tâm trạng hơn. Thật sự rất vất vả nhưng tôi tiếp tục đọc và quan trọng hơn tôi tiếp tục mơ ước. Khi tôi xuất viện, tình trạng có khá hơn nên tôi tập đi bộ rồi chạy bộ một ít đến mức tất cả khớp xương đau nhức vì tôi chẳng còn chút cơ nào. Nhận ra cơ thể mình đang hồi phục lại là một trong những trải nghiệm mạnh nhất tôi từng có. Tôi không không nói đến triathlon, tôi muốn nói đến việc đi lại, ngủ, hay ăn uống. Nó cứ như thể được tái sinh nhưng với một sự giác ngộ hoàn toàn vậy. Cứ thế thời gian trôi đi tôi tiếp tục tập luyện để đến gần việc thi đấu. 3 tháng sau khi rời bệnh viện, ngày quan trọng cũng tới. Và tôi đã sẵn sàng, chí ít là tôi nghĩ vậy. Mọi thứ đều ổn lúc khởi đầu, rồi sau đó trên đường chạy xe đạp vấn đề xuất hiện. Bạn biết không lúc mà bạn đầy tham vọng rằng bạn có thể đạt được một cái gì đó nhưng rồi nhận ra chỉ là nó hơi quá. Lúc đó là một khoảnh khắc như vậy. Vào giữa chừng khi đang đạp xe tôi nhận ra chân tôi bắt đầu đau, rất đau và tôi biết sau khi hoàn thành tôi phải chạy 10km nữa. Nó giống như đâm đầu vào tường một lần nữa nhưng theo một cách khác. Trong lúc đó một xe cấp cứu xuất hiện cạnh tôi. Tôi cảm thấy, chà, chân tôi đau nhưng chúng ta sẽ không phải phản ứng thái quá chứ. Trong khi chúng tôi chạy song song, tôi có thể thấy chiếc xe chạy theo chiều đến BV tôi điều trị. Trong lúc đó tôi chợt nghĩ đến tất cả những bệnh nhân tôi từng gặp như anh bạn muốn chết trong bình lặng, một cặp vợ chồng già luôn đến viện cùng nhau hay bà mẹ trẻ mà tôi chỉ thấy có một lần. Tôi nhân ra họ có câu chuyện của họ và tôi cũng có cái của tôi. Câu chuyện của tôi là tôi đang ở đây, ngồi trên xe đạp cố gắng hoàn thành bài thi. Ngay khoảnh khắc đó chân tôi hết đau, và 1 giờ rưỡi sau tôi băng qua vạch đích của cuộc thi triathlon đầu tiên của mình.

Cảm ơn.

Vài tuần sau cuộc đua đó tôi có một buổi nói chuyện ở bệnh viện mình điều trị để chia sẻ câu chuyện của mình, câu chuyện rất đẹp về một phía nhưng cũng làm tôi rất buồn cho phía kia vì tôi không phải đơn độc trong câu chuyện định mệnh này, thật không may hiện nay có khoảng 30% trong chúng ta sẽ phải đối mặt với những chẩn đoán tương tự một lần trong đời. Có nghĩa là chúng ta cần nhiều ghế hơn cho những con khỉ đột trong phòng, nỗi sợ hãi đi kèm theo chúng hay là chúng ta tìm ra cách để đẩy chúng ra ngoài. Sau buổi nói chuyện một cậu trai trẻ đến gặp tôi và nói cảm ơn, cảm ơn đã chia sẻ câu chuyện của anh, mẹ tôi vừa mới được chẩn đoán ung thư tụy và thật may mắn khi được nghe anh nói chuyện. Lời nói của anh ta làm tôi như bị choáng. Khi tôi là bệnh nhân tôi rất háo hức để tìm những câu chuyện như người bệnh nhân trượt tuyết dạo nọ, câu thần chú của tôi. Và thật bất ngờ, câu chuyện của tôi lại trở thành câu thần chú cho những bệnh nhân khác. Câu chuyên cho ta thấy đôi khi thống kê học cũng có sai số. Câu chuyên chứng tỏ các bạn không chỉ là một con số vì cơ thể bạn không phải là một con số. Cơ thể bạn được cấu thành từ hàng triệu triệu tế bào với những mối tương tác rất có trách nhiệm mà không nhà khoa học nào có thể định lượng. Vậy nên cơ thể bạn, và cả tương lai của bạn không phải ở trên mạng Internet. Những gì trên Internet nói, thật không may, có rất nhiều tin tiêu cực. Và tôi hiểu nó làm bạn cảm thấy trầm trọng ra sao để tìm đọc những con số ấy. Nếu bạn may mắn, bạn sẽ tìm được một câu chuyện đẹp trên Internet như là câu chuyện của Harriet Thompson. Harriet đã hoàng thành cuộc đua Marathon ở San Diego năm nay trong 7 giờ 7 phút. Nó không phải là thành tích tốt phải không. Nhưng bạn cần biết rằng Harriet chỉ mới trải qua đợt xạ trị một khối u ở chân bà ấy 7 tuần trước khi bắt đầu cuộc thi và rằng Harriet 91 tuổi. Vấn đề không phải là chúng ta không có chuyện để nói, vấn đề là chúng không được nhìn thấy.

Đây là nơi tôi thấy một lời kêu gọi hành động. Tôi có một tầm nhìn, một ước mơ đó là tìm nhiều hơn những trường hợp sống còn có thể truyền cảm hứng, lưu lại chúng bằng cách làm những video ngắn trên internet. Chúng ta có thể làm cho những câu chuyện đến được với người cần nó nhất, những bệnh nhân đang điều trị. Tại sao tôi không viết sách về những câu chuyện này mà muốn làm video. À, rất đơn giản. Bạn sẽ xem phim Bố già hay đọc tiểu thuyết ấy khi bạn bị sốc nặng. Tôi muốn nói khi bạn đang buồn và sốc bạn muốn xem những video vui vẻ. Những người đang điều trị họ không có được sự tập trung tốt như người bình thường. Họ vui nếu có thể quyết định ăn gì cho bữa tối. Tôi tin một bệnh nhân ở Bangladesh có thể truyền cảm hứng cho một triệu phú ở Hollywood. Nghe thật sáo rỗng phải không. Nhưng bạn biết không khi tôi được chẩn đoán ung thư tôi nhận thấy một điều rất rất nhanh là bạn không thể mua mọi thứ bằng tiền. Dĩ nhiên bạn có thể trả cho một liệu pháp tốt hơn, nhưng bạn làm gì với nỗi sợ hãi của mình. Thật không may, con khỉ đột trong bạn sẽ không chấp nhận thẻ MasterCard của bạn đâu. Bạn phải xoay sở với nó. Nhưng nếu chúng tôi đưa cho bạn thứ gì đó, tỉ như một câu chuyện súc tích mà bạn có thể tóm lấy như một cái gậy để mà bạn giữ cho con khỉ tránh xa bạn ra hay một quả chuối để bạn nói: này hãy ăn đi và ngồi yên. Chúng ta đã bước một bước gần hơn đến nơi chúng ta muốn tới. Thật là câu chuyện hay nhỉ. Bạn muốn chạy marathon hay thi môn triathlon không? Không, tôi nghĩ thật vui nếu bạn có thể cử động thân thể nhưng tôi không tin cuộc đời như một cuộc đua. Vậy thì làm sao để có một câu chuyện hay? Có phải bạn phải sống sót, có nghĩa là khi nào bạn chết vì ung thư bạn là người yếu đuối? Không. Tôi được chẩn đoán bệnh 2 năm trước và theo những con số thì tôi còn sống một năm nữa. Nhưng nó không thể chỉ tôi phải sống như thế nào. Hôm nay, khi đứng đây tôi không có bất kì dấu vết nào của khối u trong cơ thể. Có phải nó có nghĩa là tôi đã khỏi bệnh? Có phải có nghĩa là tôi đã sống sót? À, dĩ nhiên tôi sống, tôi sống cho đến khi tôi sẽ chết. Và trong khoảng thời gian đó tôi sẽ chọn một cách khôn ngoan tôi sẽ dùng thời gian của mình thế nào. 2 năm trước tôi từng nghĩ cuộc đời tôi không thể tốt hơn.

Hiện nay khi đứng đây tôi biết tôi đã sai bởi hôm nay tôi sống rất tỉnh thức cuộc đời mà tôi muốn sống. Những gì tôi học được thì quan trọng hơn tôi sống thế nào và tôi sẽ sống được bao lâu. Đó chính là những gì tôi đã học khi mắc bệnh ung thư.

Cảm ơn.

Tài liệu tham khảo

https://www.youtube.com/watch?v=M5QBH3wDrQY