Nội dung chính
Hội chứng lo lắng vì bị cách xa
Trong những tháng đầu đời, bạn có cảm giác bù đầu bù cổ vì chăm con mọn, bú, ọc, ngủ, cọ quậy, vặn mình, khóc lóc, rên rỉ, tè, ị – chỉ những vấn đề lặt vặt thôi, mà sao 24 giờ một ngày không thấy đủ, ngủ thì ít, lăn quăn với con heo nhỏ thì nhiều. Mệt ơi là mệt! Nhưng mà, lúc nào mà bạn nhờ được anh xã, hoặc hai vợ chồng nhờ được ông bà nội, ngoại ở nhà chăm con dùm bạn, để bạn ra ngoài vui chơi một xíu xả stress, lấy lại tinh thần, thì dễ như ơ! Người nhỏ bị để lại ở nhà cũng chẳng cằn nhằn chi, miễn được cho bú, được cho ngủ, được chùi đít, thay tã ướt, là OK hết. Cái gì khó, chứ vụ này thì dễ, thoải mái mà làm!
Đến gần 6 tháng tuổi trở đi, việc “ra đi” dần trở thành cực hình, người bị ở nhà biết có sự “ra đi” không mong muốn, nên biểu lộ tâm cang thấy rõ! Khóc lóc, mè nheo, ỉ ôi, thống khổ! Lúc biết bò, biết đi, còn thê thảm hơn, lê lết cùng nước mắt, ôm cổ, ôm tay, níu chân, níu cẳng, bịn rịn thương tâm như bạn là Kinh Kha một đi không trở lại không bằng. Nhiều khi mức độ cuồng dại thê lương bùng nổ chỉ vì bạn vắng mặt vài phút để vào toilet mà thôi! Tóm lại là rất vô lý, rất buồn cười, và rất ư không thực tế! Tuy nhiên, nói gì thì nói, không cha mẹ nào lại không thấy bị ảnh hưởng lây, con tim cũng thổn thức đớn đau, xót con xót cái, cảm thấy mình tự dưng có lỗi vì gây ra nỗi đau “to lớn” này, và thật sự lúng túng không biết giải quyết làm sao để đôi đường trọn vẹn. Vì vậy, chúng ta nên tìm hiểu bản chất và nguyên nhân của hiện tượng này, để quyết định phương án tiếp cận tối ưu, cho cả ta và trẻ!
Hội chứng trên thường gặp ở lứa tuổi nào?
Hiện tượng kể trên, được gọi là “Seperation Anxiety” – “Hội chứng lo lắng vì bị cách xa”, có thể xảy ra sớm lúc trẻ 5 – 6 tháng tuổi, nhưng đa số xảy ra ở trẻ trong giai đoạn 8 – 12 tháng tuổi, và xảy ra thường xuyên nhất ở lứa tuổi 10 tháng đến 18 tháng. Nguyên nhân của phản ứng này, trong độ tuổi này, vì trẻ đã bước qua 6 tháng đầu ngờ nghệch, và trở thành một người thông minh hơi lơ lửng. Trẻ bắt đầu nhận biết và gắn kết tình cảm, cảm giác an toàn, thoải mái đặc biệt với người thân quen, đặc biệt là ba mẹ, và người chăm sóc trẻ nhiều. Trẻ cũng bắt đậu nhận thức được sự tồn tại của vật thể dù ở ngoài tầm mắt trẻ, nhưng cũng vì vậy, có thể cảm thấy sợ hãi khi bạn “biến mất” mà trẻ tìm quanh không thấy được, vì bạn rất quan trọng với trẻ, trẻ sợ bạn sẽ “biến mất” luôn! Vì vậy, đây có thể xem là một trong những diễn tiến tâm sinh lý – nhận thức bình thường trong quá trình phát triển của trẻ, mà chúng ta phải chấp nhận và linh động thích nghi cùng con, đồng thời tập luyện cho mình và con trẻ một cách hợp lý để cả hai bên tránh được những tổn thương, dằn vặt không đáng có.
Sai lầm mà ba mẹ, ông bà hay mắc phải
Một điều khá sai lầm mà nhiều ba mẹ, ông bà mắc phải, là vì thương con xót cháu, là vì mủi lòng với những khóc lóc rên rỉ kia, mà làm cho cuộc chia tay dây dưa, nói chia tay một lần, chia tay hai lần, chia tay ba lần….mà vẫn chưa chịu xách đít mà đi. Điều này làm cho con trẻ lại thấy rằng, việc khóc lóc rõ ràng có thể giữ chân người ở lại, nhưng người lại vẫn có thể ra đi, nên càng hoảng hốt, càng ráng vận 200% nội công cho cái sự mè nheo bịn rịn, hòng người ở lại. Vì vậy, lại làm cho tình thế thê thảm hơn bao nhiêu lần, đến khi ba mẹ dứt áo đi được, thì lòng ba mẹ thê thảm, con trẻ thì đuối sức và cảm thấy hình như lần sau mình lại càng phải biểu hiện nhiều hơn gấp 10 lần để ba mẹ đừng đi, lần này có lẽ chưa “đủ đô” nên không hiệu quả! Một số ba mẹ, vì sợ sự chia tay đầy nước mắt này, lại rón rén trốn hẳn đi lúc trẻ không để ý. Điều này lại có thể làm cho trẻ hoảng sợ hơn, vì không được thông báo, và không được chuẩn bị tinh thần. Vì vậy, ở những lần sau, trẻ lúc nào cũng có cảm giác bất an, rằng bạn có thể biến mất bất cứ lúc nào, nên trở thành một con Koala suốt ngày ôm chân, níu tay níu chân ba mẹ, không dám xa rời, sợ chỉ cần lơ là một phút, là ba mẹ hô biến ngay và luôn!
Những điều nên làm
Vì vậy, cái khó của người lớn chúng ta, là làm sao có thể chấp nhận rằng, việc khóc lóc của con là một chuyện bình thường cần có, và làm sao việc nói goodbye trở nên cool và hiệu quả. Việc chúng ta nên làm, là dứt khoát, “minh bạch”, và có “lời hứa” rõ ràng. Khi chia tay, nên bye bye trẻ đàng hoàng, nhanh chóng, hun hít, ôm ấm tình cảm nhưng không lề mề, nói với trẻ là bạn đi xong sẽ về, và sau đó cắp đít, xoay lưng mà đi một mạch, không ngoảnh lại. Trẻ chắc chắn sẽ khóc lóc, nhưng khi chia tay ngắn gọn như thế, trẻ sẽ không bị cố gắng nhiều, và sẽ mau chóng ngưng nước mắt mà thôi. Khi chia tay nhiều lần ngắn gọn, hiệu quả, và trẻ thấy lần nào bạn cũng về lại như đã hứa, trẻ sẽ bắt đầu cảm thấy an toàn, dễ chịu hơn, vì biết bạn không biến đi luôn, và trẻ có thể có mong đợi chắc chắn bạn sẽ trở về. Trẻ cũng sẽ bớt dần việc mè nheo, và dần ngưng hẳn, vì cũng học được rằng, hành vi này không mang lại hiệu quả mà mình mong muốn.
Bạn cũng nên nhớ, tránh chia tay chia chân khi trẻ đang đói bụng, đang buồn ngủ, hoặc đang bị mệt, vì trong hoàn cảnh này, trẻ sẽ dễ dàng mất kiểm soát cảm xúc, hành vi, và khó chấp nhận sự chia tay hơn.
Nếu bạn đang chuẩn bị đi làm lại, hoặc chuẩn bị cho trẻ đi mẫu giáo sớm, bạn có thể tập cho trẻ có thời gian “không có bạn”, bằng cách thỉnh thoảng gửi trẻ qua nhà người thân, ông bà, một khoảng thời gian ngắn 30 phút – 1 giờ, để trẻ từ từ làm quen với việc hoạt động, vui chơi khi không có bạn, và dần “tự lập” hơn.
Nếu bạn vẫn còn mềm lòng, và vẫn không nỡ chia tay nhanh gọn với con, nên tưởng tượng bạn đang tập cầm dao mà chặt thịt gà. Dùng dao bén, chặt một lần gọn nhanh, dứt khoát, miếng thịt gà sẽ cắt ra sắc, đẹp. Dùng dao cùn, hoặc không dám làm mạnh tay, lây nhây, thì miếng thịt chặt ra cũng trở thành lầy nhầy, vụn xương tùm lum, xấu xí. Vì vậy, nên khi thực hiện việc gì, cũng nên hỏi mình trước hết, mình muốn mình và con được một cục thịt vuông vức, đẹp đẽ, hay một cục lầy nhầy đầy vụn xương đây?!
Cứng lòng lên, các bạn nhé, vì sự tốt đẹp cho cả hai bên!
Tài liệu tham khảo
- https://www.facebook.com/huyenthao.bacsi/posts/240344613019268
- How to ease your child’s seperation anxiety; HealthyChildren.org; The American Academy of Pediatrics; America.
- Seperation Anxiety; Mayo Clinic; America.