Thứ Sáu , 29 Tháng Ba 2024

Những điều nên biết về hoạt động ngoại khóa

Bài viết thứ 2 trong 5 bài thuộc chủ đề An toàn và phòng tránh ở thanh thiếu niên
 

Buồn chán? Muốn tìm kiếm một thử thách mới?

Bạn có thể xem bóng rổ, bóng chày, thể dục, quần vợt, thể dục nhịp điệu, bóng chuyền, và cử tạ trên tivi, hoặc bạn có thể ra ngoài và tham gia vào các câu lạc bộ của trường. Nếu không tham gia vào các câu lạc bộ thể thao thì các bạn có thể tham gia các câu lạc bộ ngoại ngữ, câu lạc bộ cờ, câu lạc bộ sinh viên, đài, báo, sách, câu lạc bộ môi trường, đội ca kịch, chụp ảnh, ban nhạc jazz, kinh tế, câu lạc bộ máy tính, và nhiều hoạt động khác.

Quá nhiều sự lựa chọn có vẻ sẽ áp đảo bạn, nhưng làm quen với những hoạt động mới với những con người mới sẽ là một thử thách thú vị cho bản thân. Sau đây là một vài điều cơ bản và lợi ích liên quan đến các hoạt động ngoại khoá.

Những lợi ích của hoạt động ngoại khóa

Bạn nhận được gì từ những hoạt động này? Bạn có thể khám phá bản thân, khám phá tính sáng tạo, xã hội, chính trị, và chia sẻ về nghề nghiệp mà bạn quan tâm với những người bạn cởi mở. Bạn sẽ gặp gỡ nhiều bạn bè mới. Thử làm những điều khác biệt có thể mang đến cho bạn mối quan hệ với những người mà bạn chưa từng quen biết, và họ sẽ chia sẻ sở thích cũng như tinh thần ham học hỏi với bạn.

Bạn có thể liên hệ với các hội nhóm để nhận được sự giúp đỡ từ những sinh viên khác. Một câu lạc bộ hoặc một nhóm cũng có thể là cách tốt nhất để gặp được những người khác biệt với bạn. Nhiều chương trình thanh thiếu niên đã giúp mang mọi người đến với nhau và cùng khắc phục khó khăn. Mark, một sinh viên tốt nghiệp ở Washington DC, đã kết luận như vậy khi anh tham gia một nhóm tình nguyện hỗ trợ cho một chương trình giáo dục đặc biệt, sử dụng môn bóng chày như một cách tạo mối liên kết giữa những đứa trẻ bình thường và trẻ khuyết tật.

Việc tham gia vào các hoạt động ngoại khóa còn hỗ trợ bạn theo nhiều cách khác. Việc có tham gia hoạt động ngoại khoá rất thuận lợi cho việc nộp hồ sơ xin việc và hồ sơ xin học bổng. Nó có thể chứng tỏ cho các nhà tuyển dụng và người lãnh đạo rằng bạn là người có trách nhiệm. Ngoài ra, từng hoạt động cụ thể còn giúp bạn đạt được những mục tiêu cụ thể. Nếu bạn muốn dạy ngoại ngữ hoặc nhận một công việc sử dụng hai thứ tiếng, trước hết hãy thử trở thành người quản lý của câu lạc bộ tiếng Tây Ban Nha chẳng hạn, điều này sẽ chỉ ra với nhà tuyển dụng rằng bạn là người có trách nhiệm.

Lý do đơn giản nhất cho việc tham gia vào một câu lạc bộ là nó đem đến cho bạn một việc tốt hơn để làm thay vì những thứ như trang trí tường nhà, đi lang thang quanh hội trường hoặc ngủ qua tất cả các buổi trưa. Những người bận rộn với hoạt động ngoại khoá sẽ ít có khả năng trở thành kẻ nghiện ngập hay sa vào các thói quen xấu như hút thuốc và uống rượu.

Tìm ra hoạt động ngoại khóa phù hợp với bạn

Trước hết bạn nên xem xét những hoạt động mà trường của bạn có hoặc lắng nghe trải nghiệm của các sinh viên khác để tìm ra những hoạt động mà đáp ứng được nhu cầu của bạn. Tiếp theo hãy nghĩ về sở thích, khả năng và thời gian của bạn – có phải chị gái của bạn mệt mỏi khi phải chơi cờ với bạn? Có phải bạn ước mình có nhiều thời gian dùng máy vi tính hơn? Bạn có cảm thấy chán nản khi phải chơi ném vòng một mình? Hay bạn đang muốn làm quen với một vài người bạn mới hoặc đang cần tìm kiếm sự hỗ trợ? Bạn cần gây sự chú ý trong hồ sơ xin vào đại học? Đừng giới hạn bản thân với những thứ quen thuộc, hãy thử sức với những điều mới mẻ.

Hãy nghĩ về những vai trò khác nhau trong nhóm mà bạn muốn thử – chủ tịch, thuyền trưởng, người tham gia, lãnh đạo hoặc là người hỗ trợ. Mỗi vai trò đều quan trọng. Là một chủ tịch thì sẽ rèn luyện cho bạn những kỹ năng lãnh đạo và quản lý, nhưng nó liên quan đến trách nhiệm nhiều hơn, còn làm một thành viên bình thường thì sẽ giúp đưa bạn vào khuôn khổ và ít căng thẳng. Bạn cũng có thể đóng góp những kỹ năng của bạn vào những nơi cần thiết, chẳng hạn như kỹ năng tài chính mà bạn có.

Những vấn đề liên quan đến việc tham gia các hoạt động ngoại khoá

Tại thời điểm bắt đầu năm học mới, các giáo viên và hiệu trưởng thường có một danh sách các hoạt động hoặc là những thông báo. Ví dụ như, giáo viên lịch sử của bạn có thể là người cố vấn đội tuyển thi đấu. Hãy nhìn vào bảng thông báo và các tạp chí của trường, hỏi bạn của bạn về những điều làm họ thích thú… Bạn có thể tham gia ngay hoặc đợi xem kế hoạch của mình như thế nào và tham gia sau

Hãy đặt vài câu hỏi với người cố vấn trước khi tham gia. Một vài câu hỏi có thể bao gồm:

  • Tuổi tác: Bạn phải đủ tuổi để tham gia vào hoạt động đó.
  • Lệ phí: Bạn có phải trả phí để tham gia không? Bao nhiêu? Có lệ phí cho đồng phục, các cuộc dã ngoại, y phục và những chi phí khác không? Bạn có thể được yêu cầu quyên góp tiền cho hoạt động.
  • Sức khỏe: Để tham gia vào một số đội nhóm, bạn phải cần có một sức khỏe tốt. Nói chuyện với bác sĩ gia đình sẽ giúp bạn quyết định liệu rằng đội đó có phải là sự lựa chọn tốt cho bạn hay không.
  • Xếp nhóm: Nhiều nhóm yêu cầu một mức điểm học tối thiểu để tham gia.
  • Thời gian: Nếu bạn tham gia các loại thể thao thi đấu, bạn cần có thời gian để luyện tập và thi đấu. Bạn cũng cần thời gian để chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho một trò chơi, và cả thời gian liên hoan với đội của bạn sau trận đấu. Những thành viên của đội thường chịu trách nhiệm trong việc tổ chức một trận đấu hoặc là giúp đỡ đội theo nhiều cách khác nhau. Họ có thể không thường xuyên gặp mặt nhau, chỉ một tuần một lần, nhưng có những thành viên của đội luyện tập mỗi ngày sau giờ tan học hoặc gặp nhau vào cuối tuần.

Mỗi trường đều có những yêu cầu riêng, nhưng nếu bạn không tìm thấy điều bạn muốn, thử với một trung tâm xã hội hoặc làm tình nguyện cho một tổ chức phi chính phủ tại địa phương hoặc là thử kinh doanh. Những tổ chức nên được cân nhắc có thể bao gồm các nhóm như nhóm hoạt động thanh thiếu niên, nhóm dành cho tuổi mới lớn tham gia vào những dự án dịch vụ v.v…

Quá nhiều điều tốt khi tham gia hoạt động ngoại khóa

Thật là dễ dàng để tham gia một hoặc nhiều hoạt động bổ ích, tuy nhiên hãy hỏi càng nhiều câu hỏi càng tốt trước khi bạn tham gia. Ngồi xuống suy nghĩ kế hoạch của bạn, thực hiện theo kế hoạch, sắp xếp những hoạt động khác và cố gắng hình dung ra thực tế. Chương trình học của bạn có yêu cầu nhiều thời gian học thêm không? Bạn có cần tập trung vào vị trí xếp hạng trong lớp không? Xe buýt của bạn có chỉ đến một lần một giờ thay vì cứ 15 phút một lần không? Bạn sẽ có thời gian để ăn, ngủ, hoặc thư giãn không? Mỗi người đều cần thời gian để thư giãn. Nếu một hoạt động làm cho bạn căng thẳng thì nó không phù hợp với bạn.

Một khi bạn đã tham gia vào một hoạt động nào đó nhưng rồi lại cảm thấy bị căng thẳng, hãy cân nhắc lại. Điều vô cùng quan trọng là phải tạo sự cân bằng giữa việc học, các hoạt động ngoại khóa, công việc, cuộc sống xã hội, và sức khỏe của bạn. Nếu bạn đang tham gia vào một câu lạc bộ mà với một lý do nào đó muốn rời bỏ nó, chỉ cần nói với người tư vấn hoặc người huấn luyện. Hãy thẳng thắng và từ tốn để giải thích tình huống và cảm giác của bạn. Đôi lúc chỉ đơn giản vì nó không phù hợp với bạn hoặc làm tốn nhiều thời gian của bạn. Có lẽ bạn phải chọn một hoạt động nào ít thời gian hơn hoặc tạm ngừng trước khi tham gia lại sau đó. Dù sao bạn cũng sẽ không thể giúp đỡ bản thân hoặc nhóm của mình nếu bạn bận rộn làm việc nhà trong suốt thời gian thi đấu hay luôn cảm thấy buồn ngủ trong thời gian tập luyện. Nói “không” có thể là cách suy nghĩ chính chắn và có trách nhiệm nhất.

Tài liệu tham khảo

http://familydoctor.org/familydoctor/en/teens/safety-prevention/extracurricular-activities.html