Thứ Bảy , 23 Tháng Ba 2024

Những lưu ý khi mang thai ở độ tuổi thiếu niên

Bài viết thứ 13 trong 22 bài thuộc chủ đề Những hướng dẫn dành cho thanh thiếu niên
 

Chăm sóc trước sinh là gì?

Chăm sóc trước sinh là chăm sóc sức khỏe của bạn khi bạn đang mang thai. Chăm sóc trước sinh bao gồm chăm sóc y tế, giáo dục, và tư vấn. Bạn càng có chế độ chăm sóc trước sinh càng sớm thì bạn sẽ có nhiều cơ hội có một thai kỳ và em bé khỏe mạnh.

Điều gì có thể xảy ra ở lần khám thai đầu tiên của tôi?

Ở lần khám thai đầu tiên của bạn, nhân viên y tế sẽ hỏi bạn nhiều câu hỏi. Bạn sẽ được hỏi về ngày đầu tiên và ngày cuối cùng của kỳ kinh nguyệt. Nhân viên y tế sẽ sử dụng ngày này để xác định tuổi thai của bạn và ước tính ngày chào đời của con bạn (ngày dự sinh). Bạn sẽ được khám sức khỏe, trong đó có thể bao gồm khám vùng chậu. Bạn cũng có thể được xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu. Bạn có thể được xét nghiệm một số bệnh lý lây truyền qua đường tình dục.

Lớp dạy sinh con là gì?

Trong lớp dạy sinh con, bạn sẽ được học về việc mang thai, sinh con, cho con bú và làm mẹ. Có thể có các lớp học đặc biệt dành cho thiếu niên mang thai. Ngoài ra còn có các lớp học dạy cho bạn cách chăm sóc em bé của bạn. Các lớp học này bao gồm cách cho con ăn, thay tã, tắm em bé của bạn và làm thế nào để giữ cho em bé của bạn khỏe mạnh và an toàn. Bạn cũng có thể yêu cầu các bà mẹ khác, các thành viên trong gia đình, hoặc nhân viên chăm sóc sức khỏe dạy cho bạn.

Cần làm gì để giúp đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh?

Điều quan trọng là ăn các loại thực phẩm lành mạnh, tập thể dục đều đặn, và nghỉ ngơi nhiều. Bạn nên tránh những thứ có thể gây hại cho em bé của bạn, chẳng hạn như rượu, thuốc lá và các loại thuốc bất hợp pháp. Bạn cũng cần nói với nhân viên y tế của bạn về bất kỳ loại thuốc kê toa mà bạn đang dùng cũng như các thuốc bạn mua không cần toa, như vitamin và thuốc giảm đau.

Tại sao chế độ ăn uống khỏe mạnh lại quan trọng khi mang thai?

Ăn các thực phẩm tốt thì tốt cho sức khỏe của bạn và giúp em bé của bạn phát triển. Đây là thời gian mà bạn cần học và đưa ra các lựa chọn tốt cho sức khỏe của mình. Một chương trình trực tuyến gọi là MyPlate (www.choosemyplate.gov) có thể giúp bạn hoạch định một chế độ ăn uống cân bằng. MyPlate giúp bạn dễ dàng ghi nhớ những gì nên ăn trong mỗi bữa ăn. Một nửa đĩa của bạn nên là các loại trái cây và rau quả. Nửa kia nên là ngũ cốc và thực phẩm giàu đạm. Bạn cũng cần một số lượng nhỏ các thực phẩm từ sữa vào mỗi bữa ăn.

Những loại thực phẩm nào tôi nên tránh?

Các thực phẩm nên tránh khi mang thai

Trong khi bạn đang mang thai, có một số loại thực phẩm bạn không nên ăn hoặc chỉ nên ăn một lượng nhỏ:

    • Một số loại cá nấu chín – Trong khi bạn đang mang thai, tránh ăn cá mập, cá kình, cá thu, và cá kiếm. Bạn nên giới hạn cá ngừ hoặc với một lượng nhỏ một tuần. Những loại cá này có thể có nồng độ thủy ngân cao, có thể có hại trong quá trình mang thai.
    • Caffeine – Caffeine được tìm thấy trong cà phê, trà, sô cô la, nước tăng lực, nước giải khát. Bạn nên hạn chế lượng caffeine sử dụng hàng ngày dưới 200 mg, tương ứng với khoảng hai tách nhỏ cà phê pha.
    • Sushi – cá sống có thể có hại trong quá trình mang thai.
  • Sữa và pho mát không tiệt trùng: Những thực phẩm này có thể làm bạn bị nhiễm vi khuẩn Listeria. Tránh các loại pho mát được làm từ sữa tươi chưa tiệt trùng.

Tôi nên tăng bao nhiêu cân trong thai kỳ?

Trọng lượng tăng cân trong thời kỳ mang thai phụ thuộc vào trọng lượng của bạn trước khi bạn mang thai. Nếu bạn thiếu cân, bạn cần phải tăng 18 kg. Nếu bạn có trọng lượng bình thường, bạn nên tăng 11-16 kg. Nếu bạn bị thừa cân hoặc béo phì, bạn cần tăng cân ít thôi, khoảng 5kg.

Những vitamin cần thiết trong quá trình mang thai?

Vitamin cần thiết cho bà bầu

Một vitamin quan trọng đối với phụ nữ mang thai là vitamin B, được gọi là acid folic. Cung cấp đủ axit folic trước và trong khi mang thai có thể giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh của não bộ và cột sống của bé. Trong thời gian mang thai, bạn cần tiêu thụ 600 microgram axit folic hàng ngày. Sắt cũng quan trọng. Cần cung cấp nhiều sắt hơn trong thai kỳ để tạo nhiều hồng cầu hơn để đưa oxy đến em bé của bạn.

Làm thế nào tôi có thể chắc chắn rằng tôi đã được cung cấp đủ các loại vitamin cần thiết trong quá trình mang thai?

Một cách để có được tất cả các vitamin và khoáng chất cần thiết trong thời kỳ mang thai là uống viên đa sinh tố. Có loại đặc biệt dành cho phụ nữ mang thai. Ở lần khám thai đầu tiên của bạn, hãy nói với nhân viên y tế của bạn về bất kỳ loại vitamin khác mà bạn đang sử dụng. Bạn có thể mang theo lọ vitamin cho nhân viên y tế xem. Lượng dư thừa của một số vitamin có thể gây hại. Nhân viên y tế của bạn sẽ giúp bạn quyết định dạng thuốc vitamin cần dùng.

Tại sao tập thể dục lại quan trọng trong quá trình mang thai?

Tập thể dục có thể giúp cung cấp cho bạn nhiều năng lượng hơn, làm giảm một số khó chịu của thời kỳ mang thai và làm cho bạn mạnh mẽ hơn lúc sinh con. Hầu hết thanh thiếu niên nên tập thể dục 30 phút hoặc nhiều hơn trong một ngày. Không nhất thiết phải tập một lần 30 phút, có thể chia thành nhiều lần. Ví dụ, bạn có thể tập làm ba lần mỗi lần 10 phút.

Tôi sẽ cảm thấy mệt mỏi khi mang thai?

Trong giai đoạn đầu và cuối thai kỳ, người ta thường cảm thấy rất mệt mỏi. Điều quan trọng là nghỉ ngơi nhiều trong khi bạn đang mang thai. Cơ thể của bạn cần 8,5-9,5 giờ ngủ mỗi đêm. Lắng nghe cơ thể của bạn. Trong ngày, hãy nghỉ ngơi khi bạn cảm thấy mệt mỏi. Tập thể dục và ăn uống lành mạnh có thể giúp tăng cường năng lượng của bạn.

Tôi có nên dùng thuốc trong khi mang thai?

Một số thanh thiếu niên cần phải dùng thuốc trong thai kỳ để tốt cho sức khỏe của họ hoặc cho sức khỏe của em bé. Hãy cho nhân viên y tế của bạn biết các loại thuốc kê toa bạn đang dùng hoặc mang thuốc theo trong lần khám thai đầu tiên của bạn. Bạn phải nói với nhân viên y tế của bạn trước khi dùng bất cứ loại thuốc, thuốc thảo dược, vitamin, và khoáng chất nào.

Tôi có thể sử dụng rượu, thuốc lá, cần sa, hoặc các loại thuốc bất hợp pháp khác có hại cho cơ thể trong quá trình mang thai?

Rượu, thuốc lá, cần sa, và các loại thuốc khác có thể gây hại cho bạn và em bé của bạn. Nếu bạn có sử dụng bất kỳ loại nào trong các chất này, đây là thời điểm tốt nhất để từ bỏ. Nếu bạn muốn từ bỏ nhưng không thể làm được, hãy nhờ nhân viên y tế của bạn giúp đỡ. Họ có thể giúp bạn tìm ra cách để bỏ chúng.

Độ tuổi thiếu niên có nguy cơ đặc biệt gì khi mang thai không?

Thiếu niên mang thai có nguy cơ cao hơn về vấn đề sức khỏe nào đó (chẳng hạn như huyết áp cao hoặc thiếu máu) so với phụ nữ mang thai lớn tuổi. Thiếu niên mang thai có nhiều khả năng sinh em bé sớm, gọi là sinh non. Những nguy cơ này thậm chí còn cao hơn ở các thiếu niên dưới 15 tuổi hoặc ở những người không được chăm sóc trước sinh.

Thiếu niên cũng có thể bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bạn có thể bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và không biết điều đó. Nếu bạn có quan hệ tình dục trong khi mang thai, bạn có thể bị nhiễm. Sử dụng bao cao su có thể giúp phòng ngừa nhiễm hay lây truyền một số bệnh qua đường tình dục.

Tôi cần biết gì về việc cho con bú?

Cho con bú là cách tốt nhất để cho bé ăn. Sữa mẹ giúp bé chống lại bệnh tật và dị ứng. Cho con bú rẻ hơn so với bú bình và có thể giúp bạn trở về cân nặng của bạn một cách nhanh chóng hơn. Cho con bú được khuyến khích trong 6 tháng đầu đời của bé. Cho bú sữa mẹ hoàn toàn trong vài tuần hoặc vài tháng sẽ có lợi cho sức khỏe cho bé.

Khi bạn đi học hoặc đi làm lại, bạn vẫn có thể cho con bú sữa mẹ. Bạn sẽ cần một máy hút sữa để lấy sữa và lưu trữ sữa. Nơi làm việc hay trường học của bạn nên có một nơi mà bạn có thể làm điều này.

Khi nào tôi nên đi tái khám sau khi đã sinh con?

Bạn nên tái khám khoảng 4 – 6 tuần sau khi sinh bé. Trong lần khám này, nhân viên y tế sẽ kiểm tra để đảm bảo rằng bạn đang phục hồi và sức khỏe tốt. Đây là một thời điểm tốt để đặt câu hỏi về sức khỏe bạn trong tương lai, việc cho con bú, ngừa thai, giảm cân, quan hệ tình dục, hoặc những cảm xúc của bạn.

Giải thích thuật ngữ

Ngừa thai: Phương pháp để tránh mang thai ngoài ý muốn.

Listeriosis: Một loại bệnh truyền qua thực phẩm do vi khuẩn listeria gây ra được tìm thấy trong sữa chưa tiệt trùng, xúc xích, thịt nguội và hải sản xông khói.

Khám vùng chậu: khám cơ quan sinh sản của phụ nữ.

Chăm sóc trước sinh: Chương trình chăm sóc cho phụ nữ mang thai trước khi sinh em bé.

Sinh non: Sinh trước 37 tuần của thai kỳ.

Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs): Nhiễm trùng được lây lan qua tiếp xúc tình dục, bao gồm chlamydia, lậu, HPV, herpes, giang mai và HIV.

Nếu bạn có thắc mắc, hãy liên hệ với bác sĩ sản phụ khoa của bạn.

Tài liệu tham khảo

http://www.acog.org/~/media/For%20Patients/faq103.ashx