Thứ Tư , 10 Tháng Tư 2024

Những phương pháp điều trị ngủ ngáy

Bài viết thứ 14 trong 20 bài thuộc chủ đề Các bệnh Tai Mũi Họng
 

Tổng quan

Ngủ ngáy là một âm thanh được tạo ra bởi rung động của các mô mềm của đường hô hấp trên trong khi ngủ, là biểu hiện của tăng sức cản đường hô hấp trên.

Nghiên cứu ước tính rằng 45% nam giới và 30% phụ nữ ngủ ngáy thường xuyên. Nó không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ của người ngủ ngáy mà còn ảnh hưởng đến giấc ngủ của vợ/chồng hoặc các thành viên khác trong gia đình. Trong thực tế, tình trạng ngủ ngáy xuất hiện ở nhiều cặp đôi và làm căng thẳng cho cuộc hôn nhân/mối quan hệ của họ. Bằng chứng gần đây cho thấy ngủ ngáy thậm chí có thể gây dày thành động mạch cảnh theo thời gian và có khả năng làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Ngủ ngáy cũng có thể là một dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn được gọi là ngưng thở khi ngủ (OSA), đặc trưng bởi sự ngừng lặp đi lặp lại hoặc làm chậm hơi thở có thể xảy ra hàng trăm lần trong đêm. Hầu hết các bệnh nhân ngủ ngáy nên được đánh giá toàn diện giấc ngủ, bởi một bác sĩ có kinh nghiệm về vấn đền này, bao gồm việc đánh giá giấc ngủ thực hiện trong phòng khám hoặc tại nhà.

Xem thêm bài Ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ

Tình trạng ngủ ngáy

Chỉnh hình vòm miệng (khẩu cái mềm)

Cấy ghép khẩu cái mềm (cấy ghép vòm miệng): Còn được gọi là thủ thuật Pillar có thể thực hiện tại phòng khám. Sau khi gây tê, bác sĩ sẽ đặt mảnh ghép bằng chất tổng hợp vào khẩu cái mềm. Những miếng ghép cùng với phản ứng tạo sẹo của cơ thể sẽ làm cứng vòm khẩu cái, làm giảm sự rung động (sự rung động của vòm khẩu cái là nguyên nhân gây ra ngáy). Lợi ích của phương pháp này là thực hiện dễ dàng, không gây khó chịu, phục hồi nhanh chóng, lâu dài. Các biến chứng hiếm gặp như sự thải ghép và cần được thay thế. Hạn chế chủ yếu đối với nhiều bệnh nhân là chi phí điều trị khá cao.

Tiêm Snoreplasty: Phương pháp này cũng thực hiện dưới gây tê tại chỗ trong phòng khám, một hóa chất được tiêm vào vòm khẩu cái. Phản ứng viêm và sự tạo sẹo sẽ làm dày cứng khẩu cái mềm. Do đó giảm độ rung và ngủ ngáy. Các chất thường được sử dụng nhất là Sodium Sulfate Tetradecyl (được sử dụng trong điều trị giãn tĩnh mạch). Tiêm Snoreplasty có lợi thế là chi phí thấp hơn so với các phương pháp khác nhưng có sự hạn chế về thời gian hồi phục và gây đau nhiều. Một số bệnh nhân cũng có thể yêu cầu điều trị tiêm bổ sung để đạt được kết quả tối ưu.

Sóng cao tần: Phương pháp này cũng là thủ thuật được thực hiện ở phòng khám, bằng gây tê tại chỗ. Sau đó sử dụng sức nóng để làm cứng từng phần của vòm khẩu cái. Điều trị nhiều lần mới có thể đạt được kết quả mong muốn. Sự khó chịu và độ hồi phục thường không bằng phương pháp tiêm Snoreplasty nhưng tốt hơn phương pháp cấy ghép vòm miệng. Chi phí cho phương pháp này thường nằm trong khoảng giữa chi phí của 2 phương pháp được nhắc đến trước đó.

Cắt amidan/Nạo V.A.

Amidan khẩu cái quá phát và viêm V.A là nguyên nhân phổ biến của chứng ngủ ngáy và làm gián đoạn giấc ngủ ở trẻ em. Amidan là mô bạch huyết ở thành sau họng, còn V.A. là tổ chức mô bạch huyết ở phía sau mũi. Mặc dù không phải là nguyên nhân thường gặp ở người lớn nhưng cũng là là một vấn đề. Một số người lớn có thể giảm tình trạng ngáy hoặc hết hẳn sau khi cắt amidan quá phát/nạo V.A.

Không như những thủ thuật có thể làm tại phòng khám, cắt amidan khẩu cái, nạo V.A là một phẫu thuật được thực hiện trong phòng mổ sau khi được gây mê. Tất cả bệnh nhân cần phải nghỉ ở nhà một tuần để hồi phục sau mổ, nhưng tình trạng đau có thể kéo thêm 2 tuần sau đó. Biến chứng thường gặp nhất là chảy máu, thường xảy ra hơn một tuần sau khi phẫu thuật. Chảy máu nghiêm trọng là rất hiếm.

Phẫu thuật mũi

Sung huyết mũi được cho là nguyên nhân gây ra hoặc ảnh hưởng đến tình trạng ngủ ngáy. Tắc nghẽn mũi có thể là kết quả của nhiều nguyên nhân bao gồm: dị ứng, polyp, lệch vách ngăn và phì đại cuốn mũi. Nhiều phương pháp điều trị, chẳng hạn như thuốc xịt mũi Steroid hoặc kiểm soát dị ứng có thể hữu ích đối với một số bệnh nhân. Nếu vấn đề là do bất thường cấu trúc, như vẹo vách ngăn thì phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả.

Một phương pháp phẫu thuật được gọi là điện đông lưỡng cực cao tần (RFTR) thường có thể được thực hiện trong phòng khám. Sau khi gây tê tại chỗ, RFTR sử dụng nhiệt của sóng cao tần để thu nhỏ các mô bị sưng ở mỗi bên mũi. Các phẫu thuật mũi khác, bao gồm chỉnh hình vách ngăn và cắt polyp thường được thực hiện trong phòng mổ dưới gây mê toàn thân. Ở một số bệnh nhân, điều trị nghẹt mũi có thể giúp cải thiện hoặc giảm ngủ ngáy.

Những phương pháp điều trị khác

Ngoài ra còn có phương pháp điều trị khác có sẵn như dụng cụ hỗ trợ miệng – mũi, tư thế nằm và thuốc không kê toa. Cẩn thận chọn lựa những phương pháp điều trị phù hợp sẽ điều trị ngủ ngáy thành công. Nói chuyện với bác sĩ Tai mũi họng, bác sĩ sẽ đánh giá đầy đủ tình trạng của bạn và tìm điều trị tốt nhất cho bạn.

Tài liệu tham khảo

http://www.entnet.org/content/treatment-options-adults-snoring