Nội dung chính
Đây là một trong những tình trạng không thường gặp mấy ở trẻ độ tuổi 1 – 6 tuổi, nhưng khi gặp rồi, thì người nhà không thể nào quên được, vì tính chất bất ngờ và hơi có phần “ma mị” của nó. Có những người hơi cổ cổ, thời xưa, còn có thể đem từ “ma ám” ra để nói về người trải qua tình trạng này. Nhưng thật sự hoàn toàn không phải vậy.
Biểu hiện của cơm khiếp sợ trong đêm
Cơn khiếp sợ trong đêm, là một tình trạng khi trẻ đang ngủ vào ban đêm, ở những giờ đầu tiên của giấc ngủ, trẻ đột ngột trở nên rất khó chịu, ngồi dậy la hét, bấn loạn, và có biểu hiện cực kì hoảng sợ về một cái gì đó, thở nhanh, đổ mồ hôi nhiều. Có trẻ ngồi, nằm trong giường, lắc tay chân, thân người, lắc đầu dữ dội. Có trẻ còn đi ra luôn khỏi giường, đi, hoặc thậm chí chạy lòng vòng, như có cái gì đang đuổi theo sau lưng trẻ. Nhưng một đặc điểm nổi bật cho tình trạng này, là trẻ nhìn giống như “tỉnh ngủ” nhưng thật sự không “tỉnh ngủ” chút nào cả. Nhiều trẻ la hét, vung tay chân quá trời, mà mắt nhắm nghiền lại. Nhiều trẻ mở mắt to. Nhưng dù nhắm hay mở mắt, trẻ vẫn không nhận biết người xung quanh, và hoàn toàn không đáp ứng với lời nói, hoặc hành động gì của ba mẹ, ông bà đang cố gắng kiềm trẻ lại. Những “cơn” này thường xảy ra kéo dài trong khoảng 5 – 15 phút, và thường chỉ có 1 cơn trong 1 đêm, nhưng có thể lặp lại tương tự vào những đêm sau đó.
Vì sao lại có hiện tượng này
Hiện tượng này xảy ra vì não của trẻ lúc này đang trong tình trạng nửa tỉnh, nửa mê, và vì vậy, mặc dù trẻ có hành động, nhưng không có nhận thức gì cả. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này vẫn còn chưa được biết rõ, nhưng người ta nghĩ rằng, có thể giấc ngủ sâu của trẻ vẫn còn chưa được phát triển hoàn chỉnh.
Một số yếu tố có thể kích hoạt tình trạng này, như y
- Yếu tố gia đình (có người thân trong gia đình bị tình trạng này lúc nhỏ)
- Nếu trẻ mệt mỏi quá
- Nếu trẻ ngủ không đủ
- Nếu trẻ có những stress đặc biệt nào đó trong cuộc sống hành ngày của trẻ
- Nếu trẻ sốt, và bị bệnh.
Tuy nhiên, cơn khiếp sợ trong đêm thường không liên quan đến bệnh tâm lý, tâm thần, hoặc những bất thường phát triển tâm lý tình cảm của con trẻ. Các nghiên cứu cho thấy đây cũng chỉ là một tình trạng bình thường trong quá trình phát triển, trưởng thành của não bộ và hệ thống thần kinh của con trẻ mà thôi.
Hiện tượng này xảy ra thường xuyên như thế nào?
Thống kê cho thấy, cứ trong 100 trẻ bình thường, khỏe mạnh, có đến khoảng 5 trẻ sẽ bị tình trạng này, một hoặc nhiều lần, trong khoảng thời gian thơ ấu, đặc biệt trong khoảng thời gian 18 tháng đến 6 tuổi.
Một tin tốt lành đối với tình trạng này, mà các ba mẹ ông bà nên an tâm, và không nên đi tìm thầy bà cúng tế hoặc chích lễ cho con, là tình trạng này thường có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần, rồi tự hết. Trẻ khi bị cơn khiếp sợ trong đêm, vì não vẫn còn “ngủ nướng”, nên khi thức dậy, hoàn toàn bình thường và hoàn toàn không nhớ được mô tê gì việc mình làm loạn cả nhà đêm hôm trước. Tình trạng này, tuy có thể làm ba mẹ ông bà thót tim, lo lắng và hơi “ám ảnh”, nhưng thật sự hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến phát triển và trí thông minh của trẻ.
Có nên đánh thức trẻ khi trẻ đang trong cơn khiếp sợ trong đêm không?
Một số gia đình tìm cách đánh thức trẻ khi trẻ đang trong cơn khiếp sợ trong đêm, nhưng thật ra, làm vậy có thể tệ hơn vấn đề, vì khi trẻ bị đánh thức, trẻ có thể khó chịu, hoảng sợ vì phản ứng của người nhà, và khó đi vào giấc ngủ hơn. Điều đúng đắn mà chúng ta nên làm, là nên giữ bình tĩnh, không đụng chạm vào người trẻ, và để trẻ tự ngưng cơn khiếp sợ, trẻ sẽ nhanh chóng đi vào giấc ngủ lại, và ngày mai sẽ dậy khỏe mạnh và ngủ đủ. Nếu trẻ có những hành vi có thể gây nguy hiểm cho bản thân, như đi lòng vòng, chạy… có nguy cơ đụng đồ vật, hoặc nguy cơ gây chấn thương cho trẻ, bạn nên bình tĩnh nhẹ nhàng nắm tay trẻ, dắt trẻ vào giường trở lại, hoặc nếu không được, có thể đi theo trẻ để bảo vệ trẻ khỏi nguy hiểm, và từ từ tìm cách dắt trẻ vào lại trong giường để ngủ.
Bạn cũng không nên kể lại cho trẻ nghe những chuyện “kinh dị” mà bạn chứng kiến về trẻ, trừ khi trẻ hỏi bạn trực tiếp chuyện này. Lý do là vì, nhiều trẻ khi nghe ba mẹ kể với giọng điệu khiếp sợ, thậm chí có thể hơi cường điệu, sẽ cảm thấy sợ hãi, và rất lo lắng khi đến giờ ngủ, một cách không cần thiết.
Điều bạn nên làm gì ?
Điều bạn nên làm, là mặc dù bạn có sợ hay không, nên xem đây là một chuyện bình thường, và không đề cập về vấn đề này cho bất kì ai. Giữ không gian an toàn cho trẻ, nếu trong cơn khiếp sợ về đêm, trẻ di chuyển ra khỏi giường. Đồng thời kiên nhẫn phân tích và tìm cách khắc phục những nguyên nhân khách quan mà bạn nghĩ có thể gây ra cơn khiếp sợ trong đêm của trẻ, ví dụ như: hạn chế chạy nhảy, kích thích quá mức trước giờ đi ngủ; giúp trẻ ngủ đủ khỏe mạnh, bằng cách cai bú đêm, bú bình đêm cho con trẻ, và thiết lập những thói quen trước ngủ, như đọc sách, tắm…
Bạn nên cho trẻ đi khám bác sĩ nếu:
- Trong cơn khiếp sợ, trẻ trở nên rất bạo lực, và có thể gây nguy hiểm, chấn thương cho trẻ và bạn.
- Nếu cơn khiếp sợ trở nên quá thường xuyên, hoặc kéo dài quá lâu, ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ của gia đình.
- Nếu trẻ mệt mỏi, buồn ngủ nhiều vào ban ngày.
Nguồn tham khảo
- Night terrors; Raising children network; Australia.
- Night terrors (night-time wakings); Kids Health Info; The Royal Children’s Hospital; Australia; 2016.
- https://www.facebook.com/huyenthao.bacsi/posts/261106717609724