Thứ Tư , 13 Tháng Ba 2024
Trang chủ Chuyên mục Góc nhìn Quá trình hình thành ung thư

Quá trình hình thành ung thư

Bài viết thứ 10 trong 94 bài thuộc chủ đề Góc nhìn
 

Ung thư là gì?

Ung thư là tình trạng rối loạn ở một vùng hay toàn cơ thể gây nên bởi sự tăng sinh bất thường, không kiểm soát và vô tổ chức của một số tế bào “biến chất”. Đi kèm quá trình xâm lấn (di căn), ung thư ảnh hưởng gián tiếp lẫn trực tiếp lên hoạt động sống của các tế bào và cơ quan khác.

Sự tăng sinh không kiểm soát này bắt đầu từ một hay một vài sự kiện bất thường xảy ra trên con đường truyền tải tín hiệu điều hòa và kiểm soát tăng trưởng tế bào. Cụ thể hơn, một tế bào trở nên “ung thư” khi có sự kích hoạt gene tiền ung thư (pro-oncogene) và/hoặc bất hoạt gene ức chế ung thư (anti-oncogene) dẫn đến việc kéo dài tín hiệu tăng sinh, phá vỡ cơ chế kìm hãm sinh trưởng, cũng như mất kiểm soát chu kỳ tế bào. Trong lúc tăng sinh liên tục, tế bào tích tụ thêm nhiều đột biến gene và đạt được khả năng xâm lấn (di căn), khả năng kích thích tạo mạch máu cũng như kháng lại các cơ chế làm chết tế bào để trở thành bất tử.

Sự tăng sinh “vô đối” của nhóm tế bào “biến chất” này phải được hỗ trợ bởi lượng tài nguyên dồi dào từ…toàn cơ thể. Chúng cần glucose để sinh năng lượng, lipid để tạo ra màng tế bào và màng của các bào quan, amino acids để tạo ra protein mới cũng như các nucleotides để tạo ra bộ gene mới.

Những nghiên cứu xoay quanh “Hiệu ứng Warburg” đã chỉ ra rằng tế bào ung thư đã có chiến lược tái cấu trúc hệ thống chuyển hóa từ mức độ tế bào để “ăn cắp” tài nguyên một cách khôn ngoan. Cụ thể hơn, glucose đã được tiêu thụ rất “phung phí” ngay cả trong điều kiện giàu oxy. Nó không còn được “chạy” hết vòng TCA (tricarboxylic acid cycle) để sinh ra năng lượng (ATP) mà bị dừng ở vài điểm trên đường đi. Các chất trung gian này sẽ được chuyển hóa theo các “đường dây” khác và cùng với glutamine, alanine sản xuất ra những vật liệu cần thiết nói trên.

Hiện tại các nhà khoa học đang tranh luận về vai trò của hiệu ứng Warburg này. Sự tái cấu trúc quá trình chuyển hóa là hệ quả của việc kích hoạt/ bất hoạt gene liên quan đến ung thư, hay nó là tiền thân của sự phát sinh ung thư? Nói cách khác, sự dư thừa/ rối loạn dinh dưỡng có thể gây ra ung thư hay không?

Cho dù như thế nào, phải công nhận rằng mấu chốt của vấn đề nằm ở sự rối loạn các con đường tín hiệu và phá vỡ cân bằng nội môi (homeostasis) của tế bào và tổ chức.

Con đường tín hiệu là gì?

Nói đơn giản, đó là hệ thống các nhân tố tương tác với nhau để tiếp nhận, truyền tải và khuếch đại một tín hiệu. Tín hiệu ấy có thể là tín hiệu sinh trưởng (growth), tín hiệu nhân đôi (proliferation), tín hiệu tiết xuất (exocytosis) hoặc tín hiệu tự chết (apoptosis)…

Trong hệ thống đó, một vài nhân tố đóng vai trò là check-point, có khả năng làm lan tỏa hay ngăn chặn ảnh hưởng của tín hiệu nhiều hơn những nhân tố khác. Cũng như amplifier là bộ phận quan trọng nhất để gửi giọng hát hay và ngăn giọng hát dở đến với khán giả vậy.

Muốn chữa ung thư thì phải chấm dứt sự lan truyền tín hiệu “xấu” trong tế bào.

Chính vì thế, các nghiên cứu điều trị ung thư đang chú trọng vào việc tạo ra thuốc điều biến các nhân tố quan trọng trong con đường tín hiệu. Không cắt đứt tín hiệu tăng sinh được thì cũng phải kích thích tín hiệu tự chết hoặc ngăn chặn khả năng tạo mạch và xâm lấn của những tế bào quái thai đó.

Nhìn về xã hội, chúng ta cũng có những con đường/hệ thống tín hiệu tương tự.

Một ý tưởng hay có thể được giới thiệu đến đông đảo bạn đọc bằng báo chí.

Một hành động xấu có thể được phản ánh, lên án và nghiêm cấm trên truyền hình.

Khi những check-points này bị thao túng hay bất hoạt, những check-points kế tiếp phải được huy động để thay thế. Một xã hội cũng bị “ung thư” khi nhiều thành viên trong đó bị “biến chất” và hợp thành một khối u ác tính.

Giống nhau là vậy, nhưng việc điều trị ung thư ở người có giống việc điều trị ung thư của xã hội không?

Câu trả lời nằm ở sự khác nhau về thành phần cấu thành nên con đường tín hiệu.

Vì phân tử tạo nên con đường tín hiệu trong tế bào là những check-points vô tri, nên khi có thuốc hay, chúng sẽ “hăm hở” đáp ứng một cách “chân thật” để thay đổi.

Ngược lại, con người chúng ta là những check-points với nhiều thiên kiến, hoài nghi, toan tính và cả thái độ…bàng quan nên thuốc có hay cũng chưa chắc đã được nhận, uống, và chia sẻ cho người khác.

Việc một bài viết chứa nhiều thông tin sai về cách sơ cứu tai biến mạch máu não (nghe nói của một lương y bên Tàu!) nhưng vẫn được “like” hơn 5000 lần, share hơn 4000 lần trên facebook ám chỉ rằng những check-points ở xã hội ta nhiều khi còn mù mờ và vô tình tiếp tay phát tán cả những điều vô bổ và vớ vẩn.

Nhiều người sẽ phản biện rằng check-point quan trọng nhất ở một xã hội là lực lượng truyền thông. Và khi không có thuốc đặc trị cho check-point này, chúng ta không thể chữa hẳn bệnh!

Quả thực, TV và báo đài là cái amplifier khủng khiếp nhất.

Nhưng không vì hỏng amplifier mà chúng ta không thể giao tiếp được với nhau!

Nhiều con đường phụ trợ có thể được kích hoạt để chuyền tay nhau những viên thuốc bổ.

Và ngay cả khi chưa có thuốc đặc trị, đừng thất vọng!

Hãy nhìn vào những tế bào trong cơ thể người bệnh. Chúng vẫn ngày đêm cố gắng cầm cự với khối ung thư đến giây phút cuối, mặc cho thuốc có đặc trị hay không.

Hãy nghĩ về những người bác sĩ tận tâm bên giường bệnh. Họ vẫn đang làm mọi thứ để cùng bệnh nhân tin tưởng và hi vọng vào ngày mai, cho dù có thể chẳng có phương pháp nào hữu hiệu hơn.

Ung thư ác tính giống nhau là vậy, nhưng cách đối mặt sẽ làm nên sự khác biệt cuối cùng.

Đừng mất niềm tin và cố gắng đến cùng nhé các bạn!

Tài liệu tham khảo

  1. http://www.cell.com/cancer-cell/abstract/S1535-6108%2812%2900078-5
  2. http://www.sciencemag.org/content/324/5930/1029.long
  3. http://www.cell.com/abstract/S0092-8674%2811%2900127-9