Trước hết, cần hiểu quá trình tạo máu nôm na là như chúng ta sản xuất lúa gạo. Máu thường được tạo ra ở tủy xương, như là lúa trên những cánh đồng mà chúng ta thường thấy. Nguyên nhân thiếu máu, vì thế có thể chia ra 3 nhóm chính:
- Do thiếu nguyên liệu: Đồng ruộng thiếu nước, thiếu phân bón thì không thể cho lúa tốt. Cơ thể thiếu dinh dưỡng thì cũng không thể sản xuất máu dồi dào. Trường hợp này, chúng ta cần cung cấp nguyên liệu tức là các chất dinh dưỡng như đường, đạm, mỡ, các vitamin (như B12, acid folic), các chất khoáng (như sắt) theo nguyên tắc thiếu gì bù nấy. Vì thế, vai trò của ăn uống là khá quan trọng vì hoá trị, xạ trị hay làm chán ăn, buồn nôn và ói, thay đổi vị giác ảnh hưởng tới đường ăn uống. Ăn uống ít và/hoặc không cân bằng dinh dưỡng thì sẽ làm giảm các chất vào cơ thể, góp phần gây thiếu máu. Trường hợp này bệnh nhân cần được tăng cường dinh dưỡng theo nguyên tắc “thiếu gì bù nấy”; tốt nhất là thảo luận với bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để xác định đúng thiếu cái gì rồi hẵng bù. Việc đọc các bài viết về cách nấu nướng, chuẩn bị thức ăn phù hợp cho từng triệu chứng đã có trên website, mục Chăm sóc giảm nhẹ cũng giúp ích.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thiếu chất vì hoá trị hiếm khi gây thiếu máu nặng nề đến mức nguy hiểm tính mạng và phải ngưng hoá trị.
- Do tủy xương bị ức chế tạm thời: Đồng ruộng bị chiến tranh tàn phá thì không thể sản xuất tiếp. Tủy xương bị ức chế do hóa trị thì cũng không thể tiếp tục tạo máu. Khi đó, cho thêm chất dinh dưỡng không giúp cải thiện tình hình, thậm chí gây mệt nếu “bón phân dư thừa” làm cơ thể không chịu nổi. Thiếu “ruộng đồng sản xuất” có thể làm thiếu máu trầm trọng bắt buộc nghỉ hoặc giảm liều hóa trị.
Chiến đấu với ung thư là cuộc chiến trường kỳ với chính mình. Vì thế, nếu chiến tranh quá ác liệt thì phải “đình chiến” một thời gian để phục hồi sức lực mới chiến tiếp được.
Cần lưu ý thêm là có một số tình huống việc duy trì lịch/liều hóa trị (chiến tranh gay gắt) là có ích hơn trên tổng thể; khi đó bác sĩ sẽ đề nghị truyền máu và/hoặc chích thuốc kích thích tạo máu phù hợp. Đó có thể là những tình huống hóa trị trước mổ (để đảm bảo triệt phá khối u bằng phác đồ mạnh trước khi cắt bỏ giúp chữa lành) hoặc trong ung thư máu (vì thiếu máu ở đây là do tế bào “dòng” ung thư gây ra nên hóa trị là cách hiệu quả để cải thiện thiếu máu)
Ngoài ra, nhiễm trùng đi kèm, các bệnh viêm mạn tính, suy gan, suy thận, bệnh tuyến giáp, hoặc các thuốc dùng kèm khác (không phải hóa trị),…cũng có thể góp phần gây thiếu máu và rất cần các bác sĩ đánh giá cụ thể nguyên do để điều trị thích hợp.
Như vậy, không có thực phẩm nào có tác dụng đủ mạnh để hồi phục tủy xương trong những tình huống này mà phải phối hợp điều trị bằng các phương thức đặc hiệu và/hoặc truyền máu, chữa suy giảm chức năng cơ quan (nếu có). Việc khuyên bệnh nhân đại trà “Ăn thịt bò đi!”, “Uống thực phẩm chức năng đi!” sẽ vô tình làm mất cơ hội gặp bác sĩ cùng đánh giá tìm nguyên nhân, gián tiếp dẫn tới việc thiếu máu trường kỳ. Thực phẩm chức năng được quảng cáo nhiều và đại trà, nhưng thực tế không có giá trị gì giúp cải thiện thiếu máu.
- Do mất máu: Đồng ruộng cung cấp lúa gạo bình thường nhưng thị trường vẫn có thể thiếu gạo vì tăng nhu cầu dùng gạo. Trong y khoa, nhiều tình huống gây mất máu liên tục (chảy máu tiêu hóa, chảy máu từ khối u…) có thể gây thiếu máu. Khi đó, bác sĩ sẽ cân nhắc truyền máu nếu mất máu nặng, đồng thời xác định nguyên nhân để cầm máu bằng các thủ thuật hoặc thuốc thích hợp. Việc tăng cường dinh dưỡng qua đường ăn uống gián tiếp giúp quá trình hồi phục.
Tóm lại, việc thiếu máu cũng như việc thiếu gạo trên thị trường. Bệnh nhân cần phối hợp với bác sĩ của mình để tìm đúng nguyên nhân để điều trị thích hợp. Phải có sự phối hợp tốt thì việc ăn uống mới thực sự giúp ích cho việc cải thiện thiếu máu. Việc ngưng/giảm liều hoá trị và các điều trị đặc hiệu phụ thuộc vào bác sĩ chuyên khoa và bệnh nhân/người thân KHÔNG NÊN tự đi tìm hiểu lung tung từ những người không chuyên môn, dễ bị sa vào các hầm bẫy bán sản phẩm vớ vẩn.
Xem thêm bài: https://yhoccongdong.com/thongtin/thieu-mau-o-tre-em/