Thứ Năm , 16 Tháng Ba 2023
Trang chủ Chuyên ngành Nhi khoa Thức đêm ở con trẻ (trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi)

Thức đêm ở con trẻ (trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi)

Bài viết thứ 15 trong 97 bài thuộc chủ đề Các bài viết của Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo
 

Thức đêm là gì?

Trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ rất thường hay thức dậy vào đêm, có khi nhiều lần trong một đêm. Điều này lại có thể làm cho ba mẹ và người chăm sóc trẻ trở nên mệt mỏi và stress. Ở độ tuổi này (thường từ 6 tháng đến 18 tháng tuổi), giấc ngủ của bé gồm nhiều chu kỳ ngủ, mỗi chu kỳ chỉ khoảng 1 giờ. Một chu kỳ ngủ bao gồm giấc ngủ nông và giấc ngủ sâu. Vì vậy, việc trẻ thức dậy vào đêm khi hết một chu kỳ ngủ là một sinh lý bình thường của trẻ. Nhiều trẻ có thể ngủ lại một mình dễ dàng, trong khi những trẻ khác lại gọi ba mẹ dậy, và cần ba mẹ giúp đỡ để có thể ngủ lại được.

“Liên kết giấc ngủ” (sleep association) là gì?

Đây là tên gọi những thói quen được hình thành trong quá trình cố gắng dỗ bé vào giấc ngủ lại.

Ví dụ như: cho bé bú để ngủ, hoặc vỗ lưng, đung đưa bé trong tay, hoặc ôm bé trong lòng cho đến khi bé ngủ trong tay ba mẹ. Việc “đeo” theo một ba/mẹ, thường là mẹ, cũng có thể là một liên kết giấc ngủ.

Liên kết giấc ngủ không phải là một vấn đề ở tất cả các trẻ, nhưng những trẻ không dễ dàng ngủ lại hoặc thức nhiều lần trong một đêm dễ trở nên phụ thuộc vào những liên kết giấc ngủ này. Điều này làm cho mối quan hệ giữa trẻ và người chăm sóc trẻ có thể trở nên căng thẳng, gây mệt mỏi cho cả hai bên.

Các cách giúp các bé có thói quen giấc ngủ tốt hơn

Có nhiều cách giúp các bé có thói quen giấc ngủ tốt hơn, bao gồm:

  • Cố gắng giữ một thói quen cố định, dễ đoán mỗi đêm để trẻ có thể nhận ra và dự đoán đó là thời gian đi ngủ (ví dụ: nhạc êm dịu, bài hát vui, đọc sách,…)
  • 1 – 2 tiếng trước khi đi ngủ, nếu trẻ chơi nhiều, kích thích nhiều, sẽ khó dỗ ngủ hơn. Vì vậy, cố gắng có thời gian yên tĩnh trước khi đặt trẻ ngủ.
  • Cho trẻ ăn/bú ngay trước khi đi ngủ có thể trở thành một liên kết giấc ngủ. Vì vậy, nên cho trẻ ăn/bú cữ tối ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ.
  • Nếu trẻ phải ngậm núm vú giả để ngủ, nên giúp trẻ bỏ núm vú giả. Có thể thử cho trẻ ôm một con búp bê hoặc một cái mền nhỏ một chút sau khi bỏ núm vú ra, để trẻ dễ dàng bỏ núm vú để ngủ hơn.
  • Thói quen vỗ lưng, đung đưa bé trong tay để bé ngủ chỉ nên duy trì trước khi trẻ 5 – 6 tháng tuổi. Sau thời gian này, các thói quen này sẽ trở thành những liên kết giấc ngủ mà trẻ dễ dàng phụ thuộc. Vì vậy, khoảng 5 – 6 tháng tuổi là khoảng thời gian ba mẹ nên giảm dần và ngưng hẳn những thói quen này.
  • Nên thống nhất đáp ứng của ba mẹ, ông bà, và đưa ra những giới hạn rõ ràng. Điều này tùy thuộc vào từng gia đình một.
  • Nên chia sẻ những hoạt động trước khi đi ngủ với bạn đời của bạn – không nên lúc nào cũng một mình cho trẻ đi ngủ, vì trẻ có thể trở nên phụ thuộc vào bạn hơn.
  • Nếu bạn gặp khó khăn, hãy tư vấn bác sĩ.

Theo dõi

Một khi trẻ đã học được cách đi ngủ và duy trì ngủ suốt đêm, thói quen này có thể bị thay đổi. Nếu trẻ bị bệnh, ho, sổ mũi, hoặc nếu cả nhà đi chơi ở một nơi khác, đều có thể phá vỡ thói quen đã được hình thành của trẻ, và việc thức đêm của trẻ có thể bị tái phát.

Vì vậy, nên cố gắng giữ những thói quen đi ngủ càng nhiều càng tốt ở những thời điểm này. Nếu việc đi chơi xa làm trẻ trở lại thức đêm, nên cố gắng thiết lập lại thói quen đi ngủ ngay khi bạn về đến nhà.

Những thông tin cần ghi nhớ

  • Thức đêm ở trẻ xảy ra khi trẻ không tự dỗ mình ngủ lại vào đêm. Đây là một sinh lý bình thường của trẻ.
  • Thức đêm có thể làm cho trẻ và ba mẹ mệt mỏi và kiệt sức
  • Những liên kết giấc ngủ có thể khuyến khích việc thức đêm nhiều hơn, lâu hơn. Những liên kết này nên được nhân ra để giảm thiểu hoặc ngưng nếu bắt đầu gây ra vấn đề cho trẻ và ba mẹ.
  • Những thói quen đi ngủ tốt, được duy trì thống nhất, và trấn an trẻ có thể giúp giải quyết vấn đề thức đêm này.

Tài liệu tham khảo

  1. Kids Health Info: Night waking (6-18 months) – Royal Children’s Hospital, Melbourne, Australia.
  2. https://www.facebook.com/huyenthao.bacsi/posts/481712165549177