Nội dung chính
- 1 Tiêu chảy là gì?
- 2 Đánh giá tiêu chảy ở trẻ ung thư
- 3 Các vấn đề sức khỏe do tiêu chảy
- 4 Nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ em ung thư
- 5 Điều trị tiêu chảy trong ung thư trẻ em
- 6 Các thuốc điều trị tiêu chảy
- 7 Ăn gì khi bị tiêu chảy
- 8 Tiêu chảy ở trẻ em ung thư: Lời khuyên cho các gia đình
- 9 Thêm các nguồn tài nguyên về tiêu chảy ở trẻ ung thư
- 10 Tài liệu tham khảo
Biên dịch: BS. Đặng Thị Tâm
Hiệu đính: ThS. BS. Nguyễn Văn Tuy
Tiêu chảy là gì?
Tiêu chảy là một tình trạng phổ biến khi phân trở nên lỏng hoặc nước và nhiều lần hơn so với bình thường. Một người có thể có co thắt hoặc mất kiểm soát nhu động ruột. Thường thường, tiêu chảy có thể được định nghĩa khi đi cầu hơn 3 lần phân lỏng trong vòng 24 giờ.
Tiêu chảy là một tác dụng phụ phổ biến trong ung thư trẻ em. Nó có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm hóa trị, kháng sinh, và nhiễm trùng. Trong vài trường hợp, tiêu chảy có thể dẫn tới những vấn đề nghiêm trọng như mất nước, suy dinh dưỡng, và mất cân bằng chuyển hóa.
Cách để điều trị tiêu chảy bao gồm thuốc chống tiêu chảy và thay đổi khẩu phần ăn. Điều quan trọng nữa là chắc chắn bệnh nhân không bị mất nước bằng cách cho uống thêm dịch hoặc truyền dịch tĩnh mạch. Nếu tiêu chảy do virus hoặc vi khuẩn thì cần phải điều trị nhiễm trùng. Nếu tiêu chảy do hóa trị, bác sĩ có thể điều chỉnh liệu trình điều trị cho tới khi triệu chứng cải thiện.
Những nguyên nhân gây tiêu chảy trong quá trình điều trị ung thư
- Hóa trị
- Xạ trị
- Kháng sinh hoặc thuốc khác
- Nhiễm trùng
- Ghép tủy xương
- Phẫu thuật
- Stress và lo âu
- Ảnh hưởng của ung thư hoặc các bệnh lý khác
Đánh giá tiêu chảy ở trẻ ung thư
Đánh giá tiêu chảy:
- Tần suất đi cầu (số lần mỗi ngày)
- Biểu hiện của phân (lỏng, dịch, nước)
- Ỉa đùn (mất khả năng kiểm soát đi cầu)
- Thức giấc ban đêm hoặc ảnh hưởng đến công việc hàng ngày
Nhóm chăm sóc sẽ đánh giá các dấu hiệu và triệu chứng khác như:
- Sốt
- Đau và co thắt
- Yếu hoặc chóng mặt
- Chảy máu trực tràng hoặc có máu trong phân
- Buồn nôn và nôn
- Giảm cân và mất nước
Các xét nghiệm máu được thực hiện để kiểm tra công thức máu, điện giải đồ và chức năng thận.
Phân có thể được xét nghiệm để tìm virus hoặc vi khuẩn. Các nguồn lây nhiễm tiêu chảy phổ biến là rotavirus, adenovirus, norovirus, Salmonella, Campylobacter, Shigella và Clostridioides difficile. Tiêu chảy do nhiễm trùng có thể cần được điều trị khác nhau.
Đội ngũ chăm sóc cũng sẽ đánh giá các lý do khác có thể gây ra tiêu chảy như thuốc, chế độ ăn và các yếu tố kích thích.
Ít gặp hơn, đánh giá tiêu chảy có thể bao gồm các xét nghiệm về hình ảnh các cơ quan của đường tiêu hóa.
Tiêu chảy và táo bón là những vấn đề phổ biến trong quá trình điều trị ung thư. Đội ngũ chăm sóc cần phải yêu cầu các gia đình sử dụng biểu đồ để mô tả phân.
Các vấn đề sức khỏe do tiêu chảy
Tiêu chảy có thể đe dọa tính mạng. Các vấn đề sức khỏe có thể do tiêu chảy bao gồm:
- Mất nước
- Suy dinh dưỡng
- Mất cân bằng điện giải
- Suy thận
Trong một số trường hợp, hóa trị và các phương pháp điều trị ung thư khác có thể bị trì hoãn cho đến khi các triệu chứng được cải thiện
Nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ em ung thư
Chất dinh dưỡng và nước được hấp thụ khi thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa. Chất thải được tống ra khỏi cơ thể dưới dạng phân. Ruột tiết ra dịch tiêu hóa và chất nhầy để giúp phá vỡ và di chuyển chúng. Vi khuẩn cũng được tìm thấy trong đường tiêu hóa và giúp phá vỡ thức ăn. Đôi khi, phân trở nên quá nhiều nước nếu chất lỏng không được hấp thu hoặc nếu dịch tiết tăng.
Thuốc cũng có thể thay đổi sự cân bằng của vi khuẩn trong ruột. Sự gia tăng nhu động ruột cũng có thể làm phân đi qua nhanh hơn. Một sự thay đổi hoặc mất cân bằng trong một hoặc nhiều quá trình tiêu hóa này có thể gây ra tiêu chảy ..
Các yếu tố có thể dẫn đến tiêu chảy trong điều trị ung thư bao gồm:
- Hóa trị
- Xạ trị đến bụng hoặc xương chậu
- Các thuốc như kháng sinh, thuốc nhuận tràng và thuốc kháng axit
- Nhiễm virus hoặc vi khuẩn
- Căng thẳng hoặc lo âu
- Các bệnh lý khác như tiểu đường hoặc bệnh viêm ruột
- Nuôi ăn qua đường ruột
Tiêu chảy do hóa trị
Tiêu chảy là một tác dụng phụ phổ biến của hóa trị. Điều này đôi khi được gọi là tiêu chảy do hóa trị. Hóa trị có thể gây tiêu chảy theo những cách khác nhau. Hóa trị có thể gây tổn thương màng nhầy. Một số loại thuốc cũng có thể thay đổi sự cân bằng chất lỏng trong ruột. Chất lỏng có thể không được hấp thụ đúng cách, chất lỏng hoặc chất nhầy có thể được tiết ra thêm. Hóa trị cũng có thể cản trở sự hấp thụ các chất dinh dưỡng hoặc thay đổi cách thức hoạt động của các enzyme tiêu hóa trong ruột.
Đối với trẻ em bị ung thư, các loại thuốc điều trị ung thư thường gây tiêu chảy bao gồm irinotecan, docetaxel, fluorouracil, dasatinib, imatinib, pazopanib, sorafenib và sunitinib.
Các thuốc điều trị ung thư nào gây tiêu chảy?
Thuốc điều trị ung thư có nguy cơ cao gây tiêu chảy | Thuốc điều trị ung thư có nguy cơ trung bình gây tiêu chảy |
Busulfan | Cyclophosphamide |
Capecitabine | Daunorubicin |
Dasatinib | Etoposide |
Docetaxel | Interferon |
Fluorouracil (5-FU) | Melphalan |
Idarubicin | Methotrexate |
Imatinib | Nivolumab |
Irinotecan | Paclitaxel |
Mycophenolate | Topotecan |
Pazopanib | Vincristine |
Sorafenib | |
Sunitinib |
Đọc thêm về hóa trị và niêm mạc.
Tiêu chảy có thể là tác dụng phụ của các loại thuốc phổ biến khác được sử dụng ở bệnh nhân ung thư trẻ em. Điều này có thể xảy ra vì những lý do khác nhau. Một số loại thuốc gây ra sự mất cân bằng của vi khuẩn “tốt” và “xấu” trong dạ dày và ruột. Các loại thuốc khác có thể ảnh hưởng đến sự phân hủy thức ăn hoặc lượng chất lỏng được hấp thụ hoặc sản xuất.
Các loại thuốc có thể gây tiêu chảy bao gồm kháng sinh như ampicillin, amoxicillin, amoxicillin-clavulanate, cefixime, cefpodoxime, clindamycin và erythromycin. Chất làm mềm phân, thuốc nhuận tràng, thuốc kháng axit với magiê, kali clorua và thuốc ức chế bơm proton cũng có thể gây tiêu chảy.
Xạ trị và tiêu chảy
Xạ trị vào bụng, lưng hoặc xương chậu có thể gây tiêu chảy. Xạ trị kích hoạt sự chết tế bào của các tế bào phát triển nhanh, giống như các tế bào nếp gấp thành ruột. Điều này được gọi là viêm ruột phóng xạ. Các triệu chứng bao gồm buồn nôn, nôn, chuột rút, mệt mỏi và tiêu chảy. Phân có thể có nước hoặc máu hoặc chất nhầy. Viêm ruột phóng xạ thường cải thiện 2-3 tuần sau khi kết thúc điều trị, nhưng các triệu chứng có thể kéo dài 12 tuần hoặc lâu hơn. Một số bệnh nhân có thể bị tiêu chảy kéo dài hơn hoặc gặp vấn đề với tiêu chảy sau này trong cuộc sống
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy khi xạ trị bao gồm:
- Liều cao hơn và tần suất điều trị bức xạ
- Khu vực điều trị lớn hơn liên quan đến ruột
- Xạ trị kết hợp hóa trị
Điều trị tiêu chảy do xạ trị bao gồm sử dụng các loại thuốc như loperamid và octreotide.
Các nguyên nhân khác gây tiêu chảy
Nhiễm Clostridium difficile (C. dificile)
Diff là gì?
Clostridioides difficile (Clostridium difficile, C. difficile hoặc C. diff) là một loại vi khuẩn có thể gây tiêu chảy nghiêm trọng. Nhiễm C. diff thường xảy ra do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh có thể làm thay đổi sự cân bằng của vi khuẩn “tốt” và “xấu” của đường ruột. Khi C. diff nhân lên, độc tố được giải phóng làm tổn thương niêm mạc ruột. Các triệu chứng của nhiễm C. diff bao gồm tiêu chảy, sốt, buồn nôn, chán ăn và đau bụng. Các xét nghiệm phân được sử dụng để chẩn đoán nhiễm trùng. Phương pháp điều trị bao gồm ngừng kháng sinh liên quan đến nhiễm trùng và sử dụng một loại kháng sinh như vancomycin hoặc metronidazole để điều trị nhiễm trùng.
Làm thế nào để ngăn ngừa nhiễm C. diff?
C. diff có thể lây lan qua tiếp xúc. Đảm bảo rửa tay và làm sạch các khu vực bề mặt kỹ lưỡng để giúp ngăn ngừa sự lây lan của C. diff. Bệnh nhân ở lại lâu dài trong bệnh viện, hệ thống miễn dịch yếu hoặc nhiễm C. diff trước đó có nguy cơ cao nhất.
Phòng ngừa tiếp xúc là gì?
Bệnh nhân nhập viện với nhiễm C. diff sẽ có biện pháp phòng ngừa tiếp xúc. Tất cả mọi người (gia đình, thành viên đội ngũ chăm sóc và người thăm bệnh) phải rửa tay khi vào và ra khỏi phòng, và các thành viên của đội chăm sóc sẽ mặc áo choàng và găng tay khi ở trong phòng. Điều này giúp ngăn ngừa sự lây lan của nhiễm trùng cho các bệnh nhân khác.
Bệnh mảnh ghép chống vật chủ
Tiêu chảy là một triệu chứng thường thấy ở bệnh nhân bệnh mảnh ghép chống vật chủ (Graft Versus Host Disease – GVHD). GVHD là một biến chứng đôi khi xảy ra sau khi ghép tế bào gốc dị ghép (ghép tế bào tạo máu). Phản ứng miễn dịch cơ thể sau khi ghép có thể làm tổn thương đường tiêu hóa (GI). Các triệu chứng thường gặp bao gồm tiêu chảy và đau bụng. Phân có thể xuất hiện màu xanh lá cây, có nước và máu, chất nhầy hoặc mô. Điều trị tiêu chảy liên quan đến GVHD bao gồm sử dụng các loại thuốc corticosteroid như budesonide hoặc beclomethasone được thiết kế để chỉ hoạt động trong đường tiêu hóa.
Điều trị tiêu chảy trong ung thư trẻ em
Tiêu chảy có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là trong ung thư. Điều quan trọng là các gia đình phải hợp tác chặt chẽ với đội ngũ chăm sóc để đảm bảo rằng các triệu chứng của trẻ được kiểm soát. Các chiến lược giúp điều trị tiêu chảy bao gồm thuốc chống tiêu chảy và thay đổi chế độ ăn uống. Bổ sung dịch đầy đủ là cần thiết để tránh mất nước. Nếu tiêu chảy nghiêm trọng hoặc bệnh nhân không thể bổ sung dịch bằng đường uống, có thể cần truyền dịch tĩnh mạch (IV).
Các thuốc điều trị tiêu chảy
Thuốc trị tiêu chảy được kê đơn dựa trên mức độ nghiêm trọng của tiêu chảy và nguyên nhân nghi ngờ hoặc đã biết. Các loại thuốc có thể điều trị tiêu chảy ở trẻ em bị ung thư bao gồm loperamid (Imodium®) và kháng sinh. Trong trường hợp đặc biệt, atropine và octreotide có thể được sử dụng để điều trị một số loại tiêu chảy.
Men vi sinh có thể được khuyến cáo trong một số trường hợp. Tuy nhiên, trẻ em ung thư chỉ nên sử dụng bổ sung men vi sinh dưới sự giám sát của bác sĩ.
Điều trị tiêu chảy dựa trên nhu cầu của từng bệnh nhân và đội ngũ chăm sóc sẽ quyết định phương pháp tốt nhất cho từng bệnh nhân
Ăn gì khi bị tiêu chảy
Để giúp tiêu chảy, đội ngũ chăm sóc có thể đề nghị thay đổi chế độ ăn uống bao gồm chia nhỏ bữa ăn, thức ăn lỏng và chất lỏng không chứa caffeine. Chế độ ăn BRAT (chuối, cơm, táo và bánh mì nướng) đôi khi được khuyến nghị cho bệnh nhân bị tiêu chảy. Tuy nhiên, chế độ ăn kiêng này có ít chất dinh dưỡng quan trọng, vì vậy chỉ nên thực hiện trong vài ngày hoặc theo khuyến nghị của đội ngũ chăm sóc. Các loại thực phẩm khác có thể được khuyến nghị bao gồm yến mạch, ngũ cốc ít đường, bánh quy giòn, mì ống không có nước sốt và trái cây mềm, bóc vỏ như đào hoặc lê. Súp dựa trên nước dùng với rau nấu chín và thịt nạc có thể là một cách tốt để khởi động lại thức ăn rắn và tăng lượng chất lỏng.
Một số thực phẩm có thể làm cho tiêu chảy nặng hơn. Chúng bao gồm thực phẩm cay hoặc dầu mỡ, sữa và các sản phẩm từ sữa, trái cây và rau sống, trái cây sấy khô, một số loại nước ép trái cây, thực phẩm giàu chất béo hoặc đường, và caffeine.
Nếu tiêu chảy là do bệnh thải ghép tế bào gốc, chế độ ăn uống đặc biệt có thể bị giới hạn hơn.
Lời khuyên dinh dưỡng khi bị tiêu chảy bao gồm
- Uống nhiều nước để tránh mất nước. Chọn nước hoặc đồ uống không có caffeine và ít đường như Pedialyte® và đồ uống thể thao có lượng đường thấp hơn.
- Chia nhỏ các bữa ăn, ăn chậm và nhai kỹ.
- Chọn thực phẩm dễ tiêu hóa.
- Tránh uống rượu và cafein.
- Hạn chế thực phẩm có nhiều chất xơ không hòa tan như trái cây và rau quả có vỏ hoặc hạt. Chất xơ hòa tan có trong bột yến mạch, táo, chuối và một số chất bổ sung chất xơ có thể giúp phân lỏng.
- Tránh các thực phẩm có thể làm cho khí và chuột rút tồi tệ hơn. Chúng bao gồm đậu, bông cải xanh, súp lơ, bắp cải và đồ uống có ga.
- Cung cấp thực phẩm chứa nhiều kali như chuối, khoai tây, mơ và đào.
Ăn
- Chuối
- Cơm
- Táo
- Bánh mì nướng, bánh mì trắng
- Cháo bột yến mạch
- Kem gạo hoặc lúa mì
- Mì
- Khoai tây nghiền
- Bánh quy giòn
- Bánh quy que
- Trái cây không vỏ
- Rau nấu chín
- Trứng chín
- Sữa chua ít đường
- Bỏng ngô hay nước giải khát
- Thạch hương vị trái cây
Tránh
- Thực phẩm nhiều dầu mỡ hoặc chiên
- Thức ăn cay
- Caffeine
- Các sản phẩm sữa (đặc biệt là trường hợp không dung nạp đường sữa)
- Trái cây và rau sống có vỏ
- Bắp rang bơ
- Các loại hạt và hạt giống
- Bỏng ngô rang nở
- Các loại ngũ cốc
- Rượu
Tìm kiếm nhiều hơn các lời khuyên về dinh dưỡng hạn chế các tác dụng phụ
Tiêu chảy ở trẻ em ung thư: Lời khuyên cho các gia đình
- Tiêu chảy có thể nghiêm trọng. Theo dõi và thảo luận về các triệu chứng với đội ngũ chăm sóc của bạn. Theo dõi các dấu hiệu mất nước như khát nước, khô miệng, nhức đầu, chóng mặt, chuột rút cơ bắp, tiểu ít, khó chịu và thiếu năng lượng.
- Chuẩn bị cho con bạn khả năng bị tiêu chảy và các tác dụng phụ khác. Trò chuyện trung thực và cởi mở. Điều này đặc biệt quan trọng đối với trẻ lớn và thanh thiếu niên có thể xấu hổ khi nói về thói quen đi vệ sinh hoặc muốn tự chăm sóc bản thân.
- Khuyến khích nghỉ ngơi để giúp giảm nhu động ruột. Nếu con bạn lo lắng hoặc sợ hãi, hãy thử cách để kiểm soát sự lo lắng. Hoạt động thể chất và căng thẳng có thể kích thích sự di chuyển của ruột.
- Đi cầu nhiều lần có thể gây kích ứng da. Hãy chắc chắn để làm sạch nhẹ nhàng nhưng kỹ lưỡng, và giữ cho khu vực này khô ráo. Sử dụng kem bôi hoặc thuốc mỡ theo khuyến nghị của đội chăm sóc. Viêm da do tã (hăm tã) có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, gây khó chịu và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên bị đau cũng có thể do vệ sinh không sạch sau khi đi vệ sinh, điều này sẽ làm cho các vấn đề về da trở nên tồi tệ hơn. Đối với trẻ em có hệ thống miễn dịch yếu, bất kỳ sự cố nào của da có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng. Theo dõi sự thay đổi của da và thảo luận về việc chăm sóc da với bác sĩ của bạn.
- Mang thêm một bộ quần áo và túi nhựa để đựng đồ bẩn. Giữ găng tay dùng một lần, khăn lau sạch và nước rửa tay để làm sạch. Một chất làm mát không khí hoặc khử mùi có thể giúp giảm bớt mùi hôi.
- Miếng lót và đồ lót có thể cần thiết cho các trường hợp không tự chủ. Các sản phẩm dành cho thanh thiếu niên và người lớn có sẵn bao gồm vải lót, quần lót kéo và vỏ tã. Nói chuyện với đội ngũ chăm sóc của bạn về các sản phẩm có sẵn từ bệnh viện hoặc công ty y tế tại nhà của bạn. Sản phẩm cũng có thể được đặt hàng trực tuyến từ các công ty như NorthShore Care Supply.
- Giúp con bạn lập kế hoạch sử dụng nhà vệ sinh ở trường hoặc những nơi công cộng. Hãy chắc chắn rằng giáo viên cho phép sử dụng nhà vệ sinh bất cứ lúc nào. Có một từ mã hoặc tín hiệu để sử dụng khi con bạn cần nhà vệ sinh ngay lập tức nhưng có thể quá xấu hổ để nói.
Thêm các nguồn tài nguyên về tiêu chảy ở trẻ ung thư
- Làm gì khi bị tiêu chảy
- Biến chứng đường tiêu hóa – Tiêu chảy
- Biến chứng đường tiêu hóa – Viêm ruột phóng xạ
- Ăn gì cho bệnh mảnh ghép chống vật chủ
Tài liệu tham khảo
https://together.stjude.org/en-us/diagnosis-treatment/side-effects/diarrhea.html