Thứ Tư , 17 Tháng Tư 2024
Trang chủ Thuốc Thảo mộc và Thực phẩm chức năng Tỏi – Thông tinh dành cho cán bộ y tế

Tỏi – Thông tinh dành cho cán bộ y tế

Bài viết thứ 29 trong 48 bài thuộc chủ đề Thảo mộc
 

Biên dịch: Trần Thị Diễm Thanh

Hiệu đính: DS. Đặng Hoài Thu – Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Brand name

Garlique®, Kwai®, Kyolic®, One-a-day Garlic®

Tên khoa học

Allium sativum (tỏi)

Tóm tắt lâm sàng

Củ hoặc nhánh tỏi được sử dụng như một loại gia vị và trong điều trị tăng lipid máu, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, ung thư và các bệnh nhiễm trùng. Quá trình chế biến có thể ảnh hưởng đáng kể đến hàm lượng các hoạt chất trong tỏi vì các thành phần dầu dễ bay hơi nhạy cảm với nhiệt và một số enzym không bền với axit. Cách tốt nhất để đánh giá hoạt tính của tỏi là khả năng sản xuất allicin, từ đó dẫn đến việc hình thành các chất có hoạt tính khác. Hiện tại trên thị trường có một số chế phẩm đường uống chứa tỏi, các thử nghiệm lâm sàng cũng đang tiến hành đánh giá các tác dụng được đề xuất.

Các thử nghiệm khác nhau có đối chứng với giả dược về tác dụng giảm cholesterol của tỏi cho nhiều kết quả. Dữ liệu về việc các chế phẩm tỏi có thể làm giảm huyết áp cũng không rõ ràng, tuy nhiên, các phân tích tổng hợp khác cho thấy tỏi giúp giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch thông qua tác dụng hạ lipid máu, giảm chỉ dấu sinh học viêm và cải thiện mức đường huyết. Trong các nghiên cứu khác, chiết xuất tỏi già không cải thiện các thông số chuyển hóa ở bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ tim mạch cao, nhưng làm giảm thể tích mảng bám thành mạch. Chiết xuất tỏi cũng cải thiện các dấu ấn sinh học nội mô liên quan đến nguy cơ tim mạch ở những người béo phì. Dữ liệu cũng gợi ý tác dụng kích thích miễn dịch và lợi ích ở bệnh nhân hội chứng gan phổi, nhưng cần thêm dữ liệu để xác định xem tỏi có hiệu quả chống lại cảm lạnh thông thường và bệnh nấm Candida âm đạo hay không.

Một số nghiên cứu đã đánh giá liệu các sản phẩm tỏi có thể có tác dụng bảo vệ chống lại các bệnh ung thư khác nhau hay không. Trong một thử nghiệm can thiệp ngẫu nhiên lớn, việc bổ sung tỏi trong thời gian dài có liên quan đến việc giảm nguy cơ tử vong do ung thư dạ dày nhưng không giảm tỷ lệ mắc, mặc dù các dữ liệu khác không tìm thấy bằng chứng cho cả hai kết cục trên. Hiệu quả của tỏi trong điều trị nhiễm khuẩn Helicobacter pylori cũng không rõ ràng. Các phân tích tổng hợp về tác dụng của tỏi đối với giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng cũng còn mâu thuẫn. Các nghiên cứu bước đầu cho thấy chiết xuất tỏi già có thể làm giảm số lượng và kích thước của các u tuyến đại trực tràng ở những bệnh nhân có tiền sử u tuyến, đồng thời cải thiện số lượng và hoạt động của tế bào tiêu diệt tự nhiên nhưng không cải thiện chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn. Các nghiên cứu cũng ghi nhận việc tiêu thụ tỏi có thể liên quan đến giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung, tuyến tiền liệt và các bệnh ung thư khác. Bổ sung tỏi cũng có thể liên quan đến làm giảm nguy cơ các bệnh ung thư máu.

Bởi vì tỏi làm giảm kết tập tiểu cầu và có khả năng làm tăng INR, không nên sử dụng tỏi với thuốc chống đông máu hoặc trên các bệnh nhân bị rối loạn chức năng tiểu cầu.

Tỏi - Thông tinh dành cho cán bộ y tế
Tỏi – Thông tinh dành cho cán bộ y tế

Các mục đích sử dụng

  • Bệnh tim mạch
  • Tăng cholesterol
  • Tăng huyết áp
  • Nhiễm trùng
  • Ung thư

Cơ chế hoạt động

Các tế bào nguyên vẹn của tỏi chứa một dẫn xuất axit amin không mùi, chứa lưu huỳnh được gọi là alliin. Khi các tế bào bị vỡ, alliin tiếp xúc với enzyme alliinase nằm trong các tế bào lân cận và được chuyển thành allicin. Allicin có hoạt tính kháng khuẩn và kháng vi trùng, nhưng rất dễ tạo mùi và không ổn định. Hoạt chất cũng có tác dụng chống kết tập tiểu cầu và hạ lipid máu. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng thước đo tốt nhất cho hoạt tính của tỏi là khả năng sản xuất allicin. Từ đó, dẫn đến việc hình thành các thành phần có hoạt tính khác.

Trên bệnh nhân tăng lipid máu, tỏi có thể làm giảm mức cholesterol bằng cách hoạt động như một chất ức chế HMG-CoA reductase. Đối với chứng xơ vữa động mạch, tỏi được cho là làm giảm các phản ứng stress oxy hóa và và oxy hóa lipoprotein mật độ thấp và có tác dụng chống huyết khối. Tỏi cũng được cho có khả năng giảm huyết áp bằng cách gây giãn cơ trơn và giãn mạch thông qua kích hoạt sản xuất yếu tố thư giãn có nguồn gốc từ nội mô.

Tỏi có thể kích thích cả miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào, gây tăng sinh tế bào T, khôi phục các phản ứng kháng thể bị ức chế và kích thích gây độc tế bào của đại thực bào trên các tế bào khối u. Nó có thể làm tăng sự hấp thụ selen, theo đó dẫn tới tăng khả năng bảo vệ chống lại sự hình thành khối u. Ngoài ra, tỏi có thể bảo vệ chống lại một số bệnh ung thư bằng cách ngăn chặn sự tiến triển của chu kỳ tế bào và bao gồm cảm ứng quá trình tế bào ung thư chết theo chương trình và giảm sự hình thành mạch máu, đồng thời ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa tác nhân gây ung thư.

Cảnh báo

  • Không sử dụng tỏi ít nhất 7 ngày trước phẫu thuật.
  • Bỏng hóa học khi bôi tỏi ngoài da để điều trị nhiều tình trạng khác nhau đã được báo cáo.

Phản ứng phụ

Đau đầu, mệt mỏi, thay đổi chức năng tiểu cầu với nguy cơ chảy máu, mùi khó chịu, tiêu chảy, đổ mồ hôi, thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột, hạ đường huyết

Các báo cáo ca dùng tỏi đường uống

  • Sốc phản vệ
  • Chảy máu trong quá trình phẫu thuật: Sau khi ăn quá nhiều tỏi.
  • Chảy máu kéo dài, tụ máu ngoài màng cứng tủy sống, rối loạn chức năng tiểu cầu: Sau khi sử dụng quá nhiều tỏi.
  • Tụ máu ở thận sau khi tán sỏi: Ở một người đàn ông 51 tuổi, do ăn phải tỏi không mùi quá nhiều. Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng sinh và dịch truyền, bệnh thuyên giảm sau 5 tháng.
  • Sự tái hoạt động của virus ở bệnh nhân HIV: Hai trường hợp xảy ra do tương tác giữa tỏi và darunavir dẫn đến nồng độ thuốc DRV trong huyết tương dưới ngưỡng điều trị.
  • Độc tính với gan: xảy ra trên một bệnh nhân ghép gan được bổ sung tỏi liều cao vì có biểu hiện giảm oxy máu và hội chứng gan phổi.
  • Bỏng niêm mạc miệng: Sau khi ăn tỏi nghiền.

Các báo cáo ca dùng tỏi tại chỗ

  • Bỏng hóa học: Trong trường hợp các chế phẩm tỏi bôi tại chỗ được sử dụng để điều trị mụn cóc, phát ban/ ngứa, đau răng, mụn trứng cá và đau họng.
  • Viêm da tiếp xúc ở trẻ sơ sinh: Do “vòng cổ tỏi” trên cổ trẻ sơ sinh để điều trị nghẹt mũi.

Tương tác thuốc dược liệu

Warfarin

Hoạt động chống đông máu có thể được tăng cường do tăng hoạt động tiêu sợi huyết và giảm kết tập tiểu cầu ở người.

Thuốc ức chế protease (darunavir, saquinavir)

Trong 2 trường hợp bệnh nhân nhiễm HIV, tương tác có ý nghĩa lâm sàng giữa tỏi và darunavir dẫn đến nồng độ thuốc DRV trong huyết tương dưới ngưỡng điều trị dẫn đến virus tái hoạt động. Trong đó, một trường hợp bệnh nhân ăn 15 tép tỏi mỗi tuần, trong khi bệnh nhân còn lại không thể xác định được số lượng, chỉ cho biết là số lượng đáng kể. Ở cả hai bệnh nhân, hiệu quả của thuốc đã trở lại khi ngừng sử dụng tỏi. Ở những người tình nguyện khỏe mạnh, việc bổ sung tỏi với lượng tương đương với hai tép tỏi 4g mỗi ngày làm giảm đáng kể nồng độ thuốc trung bình trong huyết thanh, mức đỉnh 54% và mức đáy là 49%. Việc giảm mức độ này có thể gây ra thất bại trong điều trị.

Insulin

Có thể cần điều chỉnh liều lượng insulin do tác dụng hạ đường huyết của tỏi ghi nhận trong các nghiên cứu trên động vật.

Chất nền cytochrome (CYP) P450

Các nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy rằng các sản phẩm tỏi có thể ức chế CYP 2C9 và 2C19, và có thể ảnh hưởng đến nồng độ các thuốc được chuyển hóa bởi các enzym này. Các nghiên cứu về ảnh hưởng của tỏi đối với 3A4 còn mâu thuẫn.

Chất nền P-Glycoprotein

Ở những người tình nguyện khỏe mạnh, chiết xuất tỏi cảm ứng P-glycoprotein và có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa của một số loại thuốc

Tương tác của tỏi đối với các chỉ số

  • Insulin
  • Tăng PT và INR
  • Giảm cholesterol
  • Thay đổi huyết áp

Tài liệu tham khảo

https://www.mskcc.org/cancer-care/integrative-medicine/herbs/garlic