Nội dung chính
Tổng quan
Cô đã thực hiện 1 cuộc khảo sát về việc cho trẻ ăn chung hay ăn riêng với gia đình. Khảo sát này đã rất thành công, cô có 295 câu trả lời, và điều cô vui hơn cả, là kết quả sau:
• 155 trẻ được cho ăn cùng với gia đình thường xuyên: 52,5%
• 123 trẻ được cho ăn riêng, bởi người nhà, tại nhà thường xuyên: 41,6%
• 14 trẻ được vú nuôi cho ăn riêng, trong nhà: 4,7%
• 3 trẻ được người nhà bồng ra ngoài để ăn: 1%
Có nghĩa là, hơn 50% các bé được thường xuyên tham dự bữa cơm gia đình cùng người nhà của bé. Cô chưa kháo sát độ tuổi của trẻ, nên không biết chi tiết, nhưng có thể thấy qua cách trả lời của các bạn, là có nhiều bạn có xu hướng cho trẻ nhỏ ăn vào thời gian riêng, và khi lớn hơn, sẽ bắt đầu cho ăn chung bàn – khi trẻ tự ăn được hiệu quả. Một số câu trả lời cũng cho thấy rằng, một số trẻ chỉ được bắt đầu ngồi ăn chung với gia đình ở khoảng tuổi 3 – 4 tuổi mà thôi.
Ngồi ăn với nhau rất quan trọng
Tại sao vấn đề ngồi ăn với nhau quan trọng đến thế nhỉ? Đây không phải là chuyện tiết kiệm thời gian hay không, việc ăn uống, phải là nên thưởng thức cùng nhau, chia sẻ vui vẻ cùng nhau. Đối với trẻ nhỏ, chuyện này còn quan trọng hơn nhu cầu không phải ăn một mình nữa, mà đây còn là thời gian để trẻ học hỏi về cách ăn, và cách thưởng thức thức ăn!
Đối với một người lớn như cô mà nói, việc phải ăn một mình thật là buồn tẻ, cô đơn, giảm thèm ăn vì không được vui cho lắm!
Đối với một trẻ nhỏ, đang bắt đầu tự tập ăn và tự đút ăn, việc ăn một mình, cũng là một khoảng thời gian khá trống vắng và đơn điệu, vì cơ hội “xã giao” trong một bữa ăn bị mất đi. Chưa kể đến khả năng, là người ngồi bên cạnh, thay vì cười tươi, vui vẻ, khuyến khích, động viên, thì lại nhăn nhó, căng thẳng, sốt ruột, cằn nhằn, làm tuột luôn cái hứng nho nhã là thưởng thức hương vị thức ăn của người ta! Nếu không tin, bạn cứ nhớ lại bữa ăn nào, mà hai vợ chồng cãi nhau, cằn nhằn nhau, thử xem, lúc đó bạn thấy thức ăn ngon không nhé! Mà đó là chỉ cằn nhằn chuyện ngoài, không liên quan đến cái thứ bạn đưa vào miệng đó nha! Cằn nhằn liên quan đến cái thứ bạn đưa vô miệng, thì bạn nghĩ bạn còn bao nhiêu phần hào hứng?!!!
Monkey see, Monkey do!
Thường, ở lứa tuổi trẻ nhỏ, người ta thường dùng cụm từ “MONKEY SEE, MONKEY DO”, có nghĩa là, trong suốt giai đoạn này, trẻ sẽ bắt chước làm theo những gì trẻ thấy, trẻ sẽ học những gì bày ra trước mắt trẻ, mà ba mẹ, ông bà, gia đình, là những thành phần chủ chốt làm gương cho hành vi, tình cảm, và phản ứng của trẻ với con người.
Tuy nhiên, người lớn, lại có một cái tật hời hợt, hay quên, luôn nghĩ những hoạt động hàng ngày của mình, được xây dựng qua mấy chục năm “kinh nghiệm”, là một chuyện bình thường như hơi thở, và nghĩ con mình cũng chắc chắn phải biết từ A đến Z rồi, không phải dạy thêm! Đây là một suy nghĩ hoàn toàn ích kỉ và đầy thiên vị!
Đối với việc ăn uống, cũng vậy! Một câu đơn giản bạn kêu trẻ “con ăn đi” – đối với trẻ, sẽ cực kì phức tạp. Trẻ sẽ phải mày mò, tự tìm hiểu “ăn là gì”, “ăn như thế nào”, “ăn có cần không”, “ăn có vui thích không”, “mình có thích ăn không”, “mình có cần ăn không”, “mình có nên tiếp tục ăn không”. Việc nhai cũng vậy, một câu nói “Nhai đi con” – cũng sẽ chẳng có tác dụng gì, mặc cho bạn có lập lại bao nhiêu lần, với bao nhiêu cung bậc tình cảm hỉ nộ ái ố với ba từ này bao nhiêu bậc, thì cũng là vô nghĩa nếu người nhận đang tự hỏi bản thân “Nhai là cái quái gì thế nhỉ?”. Lệch pha nhau quá, thì đừng trách người ta không biết nghe lời nhé, không hiểu cái mô tê, thì làm gì nghe lời với chẳng nghe lời! Vì vậy, phải luôn đứng ở vị trí bỡ ngỡ, ngây ngô của con, để mà nhận thức được rằng, chúng ta phải thật sự “cầm tay chỉ việc”. Mà cũng thật sự cũng chẳng cần cầm tay chỉ việc làm gì, chỉ cần chúng ta “làm mẫu” cho người ta, để người ta tiếp thu và bắt chước, vậy thôi à!
Trong hai tháng đầu ăn dặm, trẻ có thể ngồi riêng, không quan trọng, vì thời gian này trẻ tự khám phá vị giác của riêng trẻ, trẻ tự chơi với thức ăn, tự thử nghiệm với thức ăn, với hỗ trợ đút của ba mẹ, khi cần. Tuy nhiên, từ 8 – 9 tháng tuổi trở đi, trẻ nên được tham gia bữa ăn gia đình, bất kể trẻ có ăn được cơm hay không, có nuốt được tốt hay không, có bầy hầy hay không! Mục tiêu chính của việc ngồi ăn chung, không phải để tiện, mà là để trẻ bắt chước ba mẹ việc lấy thức ăn, cầm nắm thức ăn, bỏ thức ăn vào miệng, nhai nhai, và nuốt! Để trẻ thấy ba mẹ anh chị trẻ đang ăn thế nào, vui vẻ ra sao, tương tác với nhau ra sao, để trẻ “ngộ” ra rằng, à, ăn là như thế này, nhai là như thế kia, nuốt thức ăn là như thế nọ, và rằng đây là một hoạt động mang tính tương tác vui vẻ ngộ nghĩnh ra sao, để mà tham gia, để mà bắt chước tự nguyện! Bạn không cần cho bé ngồi chung bàn, bạn chỉ cần cho bé ngồi ghế ăn riêng của bé, nhưng ngồi chung với cả nhà, trong giờ ăn uống. Và đề nghị, không cằn nhằn, la hét, khi người ta bầy hầy ra nhé! Đó là chuyện của người ta, ai mà hoàn hảo lúc ban đầu được bao giờ!
Nhiều bạn nói về “giờ ăn của con” khác với “giờ ăn của gia đình”. Bạn có thể linh động điều chỉnh thời gian bú – ăn của con, để có thể vừa với giờ của gia đình, bạn nhé, vì hai cái giờ này, đều do người lớn quyết định phần lớn mà thôi! Còn trước khi điều chỉnh được, bạn có thể cho con tham gia giờ ăn cho vui, cũng được bạn nha!
Nhiều ba mẹ, khi cho con ăn riêng, thì con không biết ăn hiệu quả, không biết nhai tốt, lúc nào cũng cho ăn đồ nghiền nhuyễn, ợ ợ ói ói thấy ghê! Tới chừng cho con đi nhà trẻ, có mấy tuần mà vô thăm nó giờ ăn, nhìn nó tưởng không phải con mình, gì mà tự đút nè, tự nhai nè, trời ơi là trời, choáng váng thần kì, sao trường hay quá vậy! Thật sự chẳng phải trường hay ho gì, mà là khi ra “xã hội”, con được gặp các bạn cùng trang lứa, được ngồi cùng các bạn, được thấy, và học, việc ăn, việc nhai từ các bạn của mình, bắt chước các bạn của mình, vì vậy mà “thành công”. Có nhiều trẻ, ở trường ăn vẫn tốt, về nhà lại thấy ghê, vì khi về nhà, trẻ lại liên hệ với than vãn, với được đút cho ăn, và với việc ăn một mình – không vui vẻ, và vì vậy, cất luôn cái kĩ năng ăn uống đạt được ở trường! Chỉ là do cách cho ăn và môi trường và con người cho ăn mà thôi, bạn ạ!
Cũng cực kì hy vọng rằng, với hơn 50% trường hợp được tham gia bữa ăn gia đình thường xuyên, sẽ là bao nhiêu đó trường hợp được tham gia vui vẻ, tự ăn, tự quyết định thức ăn, lượng thức ăn, chứ không bị cằn nhằn, dọa nạt!
Để mỗi bữa ăn con trẻ, thật sự là một niềm vui!
Tài liệu tham khảo
https://www.facebook.com/huyenthao.bacsi/posts/194016220985441