Thứ Hai , 18 Tháng Chín 2023
Trang chủ 2019-nCoV Vaccine COVID-19 và ung thư

Vaccine COVID-19 và ung thư

Bài viết thứ 9 trong 37 bài thuộc chủ đề Vaccine COVID-19
 

Vào ngày 17 tháng 12 năm 2020, Hiệp hội ung thư lâm sàng và Hiệp hội các bệnh truyền truyền nhiễm Hoa Kỳ đã tổ chức một hội thảo trực tuyến để thảo luận về tầm quan trọng của vaccine COVID-19 và tác dụng của nó trên bệnh nhân ung thư. Các chuyên gia đều đồng ý rằng, hiện nay, vaccine của Pfizer/ BioNTech và Moderna đều cho thấy sự an toàn và hiệu quả khi sử dụng trên dân số chung. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân ung thư, hiện vẫn chưa có dữ liệu rõ ràng vì các thử nghiệm lâm sàng về vaccine đã không bao gồm các bệnh nhân ung thư đã/ đang điều trị bằng các liệu pháp như hóa trị.

Người bị ung thư có nên tiêm vaccine COVID-19 không?

Theo hướng dẫn lâm sàng tạm thời của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), người mắc ung thư hoặc bị suy giảm miễn dịch vẫn có thể tiêm vaccine COVID-19 nếu không có chống chỉ định với các thành phần của vaccine.

Ví dụ, những người bị phản ứng quá mẫn/ dị ứng nặng hoặc xảy ra tức thì với một trong các thành phần của vaccine (được liệt kê trong phần 6 của tờ hướng dẫn sử dụng) như L-Histidine, L-Histidine hydrochloride monohydrate, Magnesium chloride hexahydrate, Polysorbate 80, Polyethylene glycol (PEG)… thì không nên tiêm vaccine.

Tuy nhiên, vì một số điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị, ghép tế bào gốc/ tủy xương, hoặc liệu pháp miễn dịch có thể làm cho hệ miễn dịch của cơ thể yếu hơn, ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine. Bệnh nhân nên được thông báo về sự hạn chế của thông tin về vaccine đối với nhóm đối tượng này ở thời điểm hiện tại, khả năng đáp ứng miễn dịch kém hơn và tầm quan trọng của việc tiếp tục tuân thủ các hướng dẫn hiện hành để phòng chống COVID-19.

Hội đồng chuyên gia lưu ý rằng mặc dù một số bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch có thể đáp ứng kém hơn với vaccine nhưng nó vẫn có thể mang lại một số lợi ích như giảm nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của COVID-19, đặc biệt là khi đã có báo cáo cho thấy các bệnh nhân ung thư chiếm tỷ lệ cao trong số các ca mắc COVID-19 nặng. Vì vậy, bệnh nhân ung thư hãy tham vấn với bác sĩ điều trị về nguy cơ và lợi ích trước khi tiêm vaccine COVID-19.

Những người đang điều trị ung thư tích cực có nên tiêm vaccine COVID-19 không?

Tại thời điểm này, bệnh nhân ung thư đang điều trị được khuyên rằng có thể tiêm vaccine COVID-19 miễn là không có chống chỉ định với bất kỳ thành phần nào trong sinh phẩm. Trước đây, việc tiêm những loại vaccine khác vẫn thường thực hiện an toàn cho các bệnh nhân đang điều trị ung thư, bao gồm hóa trị, liệu pháp miễn dịch, xạ trị hoặc ghép tế bào gốc. Để giảm rủi ro cũng như duy trì sự hiệu quả, bệnh nhân có thể được tiêm vaccine giữa các chu kỳ điều trị hoặc sau khi được ghép tế bào gốc. Việc thảo luận về thời điểm tiêm vaccine với bác sĩ điều trị là rất quan trọng.

Những người vượt qua ung thư có nên tiêm vaccine COVID-19 không?

Những người đã vượt qua ung thư, hay còn gọi là sống sót sau ung thư (cancer survivors) vẫn có thể tiêm vaccine COVID-19 miễn là không có chống chỉ định đối với bất kỳ thành phần nào trong sinh phẩm.

Có nhóm người nào không nên tiêm vaccine?

Hiện tại, chỉ những người có chống chỉ định với một hoặc một số thành phần của vaccine mới không được tiêm chủng. Những chống chỉ định này được mô tả chi tiết trong hướng dẫn lâm sàng tạm thời của CDC.

Bệnh nhân ung thư nên tiêm loại vaccine COVID-19 nào?

Hiện tại, không có khuyến cáo bệnh nhân ung thư nên tiêm loại vaccine nào vì chưa có dữ liệu so sánh mức độ hiệu quả của các loại vaccine. Các chuyên gia cho rằng, hãy tiêm bất kể loại vaccine nào thay vì chờ đợi một loại vaccine dành riêng cho bệnh nhân ung thư. Hãy tham vấn với bác sĩ điều trị về nguy cơ và lợi ích trước khi tiêm vaccine COVID-19.

Những bệnh nhân ung thư cần lưu ý điều gì sau khi tiêm vaccine COVID-19?

Do các nhà khoa học vẫn còn chưa chắc chắn về mức độ đáp ứng miễn dịch của bệnh nhân ung thư đối với vaccine, nên sau khi tiêm, bệnh nhân vẫn cần tuân theo các hướng dẫn hiện hành để bảo vệ bản thân khỏi COVID-19. Hội đồng chuyên gia nhấn mạnh rằng dù vaccine giúp giảm nguy cơ nhiễm COVID-19, mọi người vẫn cần tiếp tục đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội và rửa tay thường xuyên sau khi tiêm chủng.

Xem thêm bài: Những điều cần biết sau khi tiêm vaccine COVID-19

Bệnh nhân ung thư vú hoặc có tiền sử ung thư vú thì sao?

Một số người tiêm vaccine COVID-19 có thể bị sưng hạch bạch huyết dưới cánh tay. Vì triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu tiến triển của ung thư vú, các bác sĩ khuyến cáo rằng bệnh nhân ung thư vú hoặc có tiền sử ung thư vú nên tiêm vào cánh tay phía đối diện bên bị ung thư. Ví dụ, nếu ung thư vú/ phẫu thuật vú bên vú trái, hãy tiêm ở cánh tay phải. Các hạch bạch huyết bị sưng sau khi tiêm vaccine cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả chụp X-quang tuyến vú. Vì thế, việc trao đổi với bác sĩ điều trị là rất quan trọng.

Tài liệu tham khảo

  1. Hiệp hội ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) www.asco.org/asco-coronavirus-resources/covid-19-patient-care-information/covid-19-vaccine-patients-cancer  (11/02/2021).
  2. Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/physical-side-effects/low-blood-counts/infections/covid-19-vaccines-in-people-with-cancer.html  (27/02/2021).
  3. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ https://www.cdc.gov/vaccines/covid-19/info-by-product/clinical-considerations.html#Contraindications  (05/03/2021).