Thứ Năm , 28 Tháng Ba 2024
Trang chủ Chuyên ngành Nhi khoa Các câu hỏi thường gặp về Nhi Khoa Vấn đề tiểu tiện ở trẻ – Câu hỏi thường gặp

Vấn đề tiểu tiện ở trẻ – Câu hỏi thường gặp

Bài viết thứ 39 trong 44 bài thuộc chủ đề Các câu hỏi thường gặp về nhi khoa
 

Các bác sĩ tham gia tư vấn

BS. Nguyễn Thanh Hưng https://yhoccongdong.com/profile/nguyen-thanh-hung/
BS. Nguyễn An Nghĩa https://yhoccongdong.com/profile/nguyen-an-nghia/
BS. Trần Thị Kim Vân https://yhoccongdong.com/profile/tran-thi-kim-van/
BS. Nguyễn Hữu Châu Đức https://yhoccongdong.com/profile/nguyen-huu-chau-duc/

Bài viết giải đáp các thắc mắc liên quan đến:

  • Nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ nhỏ.
  • Bé tiểu giắt.
  • Các hạt nhỏ trong vắt như thạch xuất hiện trong tả bé là gì?.
  • Màu sắc nước tiểu của bé.
  • Cách chăm sóc “cậu nhỏ” cho trẻ đúng cách.
  • Vết đỏ màu hồng ở tã bé khi bé đi tiểu.

Câu hỏi 1

Người hỏi: Nhóc Love – Ngày hỏi: 27/3/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Thanh Hưng

Câu hỏi

Chào bác sĩ. Bác sĩ giúp em với ạ. Bé em được 20 tháng tuổi. Không biết bé bị gì mà cứ đi tiểu nhiều lần (giống như người lớn mình bị đái lẫy vậy). Mà hình như còn đau hay rát ở chỗ vùng kín. Bé cứ khóc và chỉ vào chỗ đó, không chịu mặc tả khi ngủ nữa. Bé có phải bị viêm đường tiểu không bác sĩ? Bác sĩ cho em hỏi cách chữa trị như thế nào ạ.

Trả lời

Thường bé có 2 khả năng:

hoặc

  • Tật tiểu láu.

Chị đi khám ở cơ sở y tế gần nhất, xét nghiệm nước tiểu để có chẩn đoán điều trị.

Sau khi đã có chẩn đoán nếu bé bị nhiễm trùng đường tiểu chị có thể tham khảo thêm bài viết “Nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ nhỏ” tại Y học cộng đồng để có thêm thông tin chăm sóc bé.

Câu hỏi 2

Người hỏi: Minh Nhật – Ngày hỏi: 18/4/2015

Tham gia tư vấn: BS. Trần Thị Kim Vân

Câu hỏi

Giúp em với bé nhà em 9 tháng. Từ 18h tối qua đến giờ bé chưa đi giải lần nào? Có sao không ạ. Làm sao giờ ạ?

Trả lời

Bạn có thể xoa nhẹ vùng dưới rốn bé, hoặc cho bé đi tiêu, tự nhiên hoặc dùng thuốc bơm hậu môn đều được. Nếu bình thường bé cũng tiểu khó khăn thì bạn nên đưa đi khám bác sĩ tìm nguyên nhân, ví dụ hẹp bao qui đầu chẳng hạn.

Câu hỏi 3

Người hỏi: Đoàn Thị Hoàn – Ngày hỏi: 28/4/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn An Nghĩa

Câu hỏi

Chào bác sĩ. Em xin hỏi: Bé trai nhà em nay được 3 tháng 3 ngày.

Bé ăn sữa mẹ hoàn toàn. Mấy ngày hôm nay em thấy thỉnh thoảng bé đi tiểu ra hạt nhỏ nhỏ trong vắt giống như thạch vậy?

Em băn khoăn không biết bé bị như là là bệnh gì nữa? Xin bác sĩ tư vấn giúp. Em xin chân thành cảm ơn

Trả lời

Chào chị Đoàn Thị Hoàn. Nhờ chị trả lời thêm một số câu hỏi sau:

  • Quá trình chị mang thai và sinh bé có gì lạ không?
  • Cân nặng của bé trong ba tháng qua? (1 tháng? 2 tháng? 3 tháng?).
  • Chị quan sát thấy bất thường trong nước tiểu bé cụ thể là khoảng mấy ngày? Trước đó thì nước tiểu thế nào? Nước tiểu chị mô tả ở đây là chị thấy trên tã của bé và nước tiểu đã đọng ở đó một khoảng thời gian hay là chị thấy hiện tượng này ngay sau khi bé vừa đi tiểu? (Nếu không chắc chắn chị có thể cố gắng hứng nước tiểu của bé để quan sát thử). Bất thường theo chị mô tả là “thỉnh thoảng”, chị có thể mô tả cụ thể hơn về những lúc chị thấy tình trạng này không? Thường vào buổi nào trong ngày? Mấy lần một ngày? Mấy ngày trong tuần? Nước tiểu có mùi gì lạ không?
  • Ngoài chuyện nước tiểu này, bé còn biểu hiện gì lạ mà chị nhận thấy nữa không?

Trao đổi thêm

Dạ, quá trình mang thai bình thường và cân nặng của bé: lúc sinh 3kg, tháng đầu tiên là 3.8kg, tháng thứ 2 là 4.8kg, con 20 ngày tiếp theo thì 5.3kg. Hôm tròn 3 tháng thì em chưa cho bé đi cân đo. Em quan sát hiện tượng này cách đây khoảng gần 2 tuần nay. Thỉnh thoảng 4 hoặc 7 ngày thì thấy 1 lần.

Nước tiểu của bé bình thường, cái này là em thấy nó đọng lại ở đó.

Còn gần 1 tuần này bé nhà em đi đại tiện cứ 2 ngày 1 lần mà phân thì hơi mịn (trước đây đi thì còn nhìn thấy cặn sữa nay ít thấy hơn).

Bác sĩ trả lời

Cám ơn chị đã cung cấp thêm thông tin. Với tính chất nước tiểu của bé như chị mô tả: chỉ thấy 1 lần/4-7 ngày, dòng nước tiểu bình thường, chỉ thấy hiện tượng này ở nước tiểu đọng trên tã sau 1 thời gian thì khả năng cao nhất có liên quan đến tã, một số trường hợp nước tiểu còn có thể đổi sang màu cam, hồng khi đọng trong tã.

Bé của chị tăng trưởng rất tốt, và chị cũng đã làm rất tốt khi cho trẻ bú mẹ hoàn toàn. Hiện tại chị không cần phải xử trí gì thêm, chỉ cần để ý thay tã cho bé đừng để nước tiểu đọng thời gian lâu có thể đưa đến kích ứng da, hăm tã. Chúc chị và bé luôn khỏe!

Câu hỏi 4

Người hỏi: Minh Nhật – Ngày hỏi: 7/5/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Em thắc mắc chút là bé nhà em gần 10 tháng mà đi tiểu nước màu vàng là sao ạ? Ngày đi tiểu khoảng 7 đến 9 lần.

Trả lời

Chào chị. Chị tham khảo thông tin chung về màu sắc nước tiểu của bé như sau:

Nước tiểu của bé có thể nói lên hiện trạng sức khỏe. Lượng nước tiểu trong ngày phụ thuộc nhiều vào lượng nước bé uống và lượng mồ hôi bé tiết ra. Trung bình mỗi ngày bé đi tiểu khoảng 5 – 6 lần là bình thường. Chúng ta thường thấy nước tiểu của bé có sự thay đổi về màu sắc và đó chính là những dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe.

  • Nước tiểu thường có màu vàng trong. Đây là một trong những biểu hiện cho biết cơ thể trẻ hoàn toàn khỏe mạnh.
  • Nước tiểu màu trắng trong. Đây là dấu hiệu cho thấy trẻ bị thừa nước, nên cần giảm lượng nước uống trong ngày cho bé.
  • Nước tiểu màu vàng sẫm là biểu hiện của cơ thể bị thiếu nước. Màu nước tiểu càng đậm thì tỉ lệ thiếu nước càng cao. Nước tiểu vàng sẫm còn có thể do ảnh hưởng bởi các loại thuốc bé uống trực tiếp hay mẹ dùng thức ăn có quá nhiều chất phụ gia màu vàng. Ngoài ra, nó cũng cảnh báo là trẻ đang bị viêm đường tiết niệu, nhất là khi trẻ bị sốt theo cơn và kéo dài. Lúc này cần cho trẻ đi khám bác sỹ.
  • Nước tiểu có màu như trà đặc: Đây là dấu hiệu không bình thường về sức khỏe của bé. Bé có thể bị thiếu rất nhiều nước, bị viêm nhiễm hoặc đang mắc một số bệnh như: viêm gan, viêm túi mật, sỏi thận… Nếu hiện tượng này diễn ra trong thời gian dài, mẹ cần cho bé đi khám để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.
  • Nước tiểu có màu đỏ: Trước tiên, nên kiểm tra lại xem có cho trẻ ăn những thực phẩm màu đỏ, hồng hoặc những thứ có phẩm màu nhân tạo hay không. Nếu không phải nguyên nhân này, cần cho bé đi khám ngay. Bởi có thể có máu trong nước tiểu, do thận có vấn đề (viêm thận, ngoại khoa thận … ), bị nhiễm trùng bọng đái hoặc bị ảnh hưởng các loại thuốc.
  • Nước tiểu đục giống nước vo gạo: Có thể, trẻ bị vi khuẩn hoặc virus xâm nhập và gây tổn thương, gây bệnh bên trong đường tiết niệu, khiến nước tiểu chuyển sang màu đục, hoặc cũng có nhiều khả năng trẻ bị tiêu dưỡng chấp. Cần cho con đi khám và làm xét nghiệm nước tiểu để tìm hiểu nguyên nhân và tình trạng sức khỏe của bé.

Hy vọng những thông tin trên đã giải đáp thắc mắc của chị. Trường hợp chị vẫn còn băng khoăn hay cháu có điều gì khác lạ thì nên đi khám bác sỹ để được tư vấn cụ thể cho trường hợp của cháu. Chúc cháu luôn khỏe!

Câu hỏi 5

Người hỏi: Phương Thảo – Ngày hỏi: 24/5/2015

Tham gia tư vấn: BS.Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Chào các bác sĩ, nhờ các bác tư vấn giúp trường hợp con em với ạ. Bé trai được 4 tháng 24 ngày, bú mẹ hoàn toàn, gần 8kg. Bé hay rùng mình rất mạnh khi đi tiểu, rặn và tiểu nhiều lần gần nhau có phải bị đái dắt không? Bé ngủ thở hơi khò khè như ngáy, hắt hơi nhiều (từ lúc còn trong tháng tới giờ) nhưng bé không ho. Bé như vậy có làm sao không và có cần can thiệp gì không ạ. Cám ơn bác sĩ.

Trả lời

Chào chị. Trước tiên bé trai 4 tháng 24 ngày, bú mẹ hoàn toàn, cân nặng gần 8kg chứng tỏ bé đang được nuôi dưỡng tốt.

Bé giai đoạn này đi tiểu ngày 10-15 lần là bình thường. Tuy nhiên, theo mô tả trẻ tiểu nhiều lần, gần nhau, có biểu hiện như rặn và rùng mình là biểu hiện bất thường có thể do nhiễm trùng niệu… Ngoài ra, cháu có tình trạng khò khè từ lúc giai đoạn sơ sinh đến nay cũng là dấu hiệu cần kiểm tra!

Lời khuyên của chúng tôi là chị cần cho cháu đi khám chuyên khoa Nhi để được đánh giá cụ thể!

Chúc cháu chóng khoẻ!

Trao đổi thêm

Cảm ơn bác. Trước giờ em tắm cho bé chỉ làm vệ sinh “chim” bé ở bên ngoài, em sinh ở Từ Dũ và không được hướng dẫn là tuột bao quy đầu để vệ sinh bên trong (1 số người em quen được hướng dẫn làm như vậy), không biết đây có phải nguyên nhân làm bé đi tiểu như vậy không bác?

Em tìm hiểu trên mạng thì có 2 luồng thông tin, 1 là không nên tìm cách tuột bao quy đầu bé sớm chỉ cần vệ sinh bên ngoài, 2 là làm như trên. Theo bác sĩ thì như thế nào ạ? Thêm nữa, tay bé khi mình bồng ẵm lên thỉnh thoảng nghe tiếng kêu ở các khớp, vậy có sao không bác?

BS. Trả lời

Chào chị, tình trạng hẹp bao quy đầu là nguyên nhân gây nhiễm trùng niệu thường gặp ở trẻ. Trẻ đang còn nhỏ không cần tuột bao quy đầu, chỉ cần vệ sinh bên ngoài là đủ.

Chị tham khảo cách chăm sóc sau:

  • Vệ sinh bao quy đầu: Da quy đầu rất dễ chăm sóc. Hãy tắm rửa thường xuyên cho bé. Tất cả bộ phận của cơ thể, trong đó có cả cơ quan sinh dục, cần được rửa sạch sẽ, không đòi hỏi chăm sóc đặc biệt nào. Không được tìm cách rửa đầu dương vật bằng tăm bông, xối nước mạnh hoặc dùng thuốc diệt khuẩn. Chỉ cần dùng nước sạch và xà phòng để rửa bên ngoài là đủ.
  • Lộn bao quy đầu: Quá trình tách bao quy đầu và quy đầu đòi hỏi thời gian, không nên thúc ép. Khi nào thì bao quy đầu có thể lộn được? Điều này tùy thuộc mỗi bé. Có thể là từ khi bé mới sinh, nhưng điều này rất hiếm, có thể mất vài ngày, vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí là vài năm. Điều này là bình thường. Mặc dù rất nhiều bao quy đầu có thể lộn được khi trẻ lên 5, bạn không cần lo lắng nếu phải chờ lâu hơn. Một số bé trai chỉ có thể lộn bao quy đầu hoàn toàn khi tới tuổi trưởng thành.
  • Vệ sinh bao quy đầu đã lộn được hoàn toàn: Trong vài năm đầu, chỉ cần thỉnh thoảng lộn bao và rửa phía dưới là đủ. Vệ sinh dương vật sau này sẽ trở thành một phần thói quen vệ sinh thân thể của trẻ, giống như việc gội đầu, đánh răng. Khi đến tuổi dậy thì, các em trai phải hiểu được tầm quan trọng của việc lộn da quy đầu và vệ sinh bên dưới một cách sạch sẽ hằng ngày.

Chăm sóc “cậu nhỏ” cho trẻ đúng cách

  • Khi chưa lộn được bao quy đầu: Lúc tắm cho bé, hãy rửa “cậu nhỏ” như những phần còn lại của cơ thể rồi lau khô. Đừng tìm cách tuốt mạnh bao quy đầu về phía bụng. Trong 90% trường hợp, bao quy đầu sẽ tự lộn được khi bé lên 3.
  • Khi đã lộn được bao quy đầu: Nhẹ nhàng vuốt ngược da quy đầu về phía bụng và rửa phần ở dưới rồi lau khô. Nhẹ nhàng vuốt xuôi bao quy đầu để trả nó về vị trí cũ.

Bồng ẵm bé lên thỉnh thoảng nghe tiếng kêu ở các khớp?

Ở trẻ nhỏ, thường nghe thấy tiếng kêu này do các túi chứa dịch trong khớp bị kéo căng do sự thay đổi đột ngột của khớp. Và tiếng kêu này là vô hại, âm thanh phát ra đanh, gọn. Trường hợp bạn nghe tiếng kêu phát ra to và trầm ở khớp hông thì cần cho cháu đi khám bác sỹ ngay để loại trừ trường hợp trật khớp hông.

Chúc cháu chóng khỏe!

Câu hỏi 6

Người hỏi: Ngô Thanh Bình – Ngày hỏi: 12/6/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn An Nghĩa

Câu hỏi

Các bác sĩ ơi cho em hỏi, con gái em 29 tháng, tối Chúa nhật có biểu hiện tiểu rắt và kêu đau khi đi tiểu, gia đình nghi bé nóng trong, tiểu rắt nên đã cho uống bột sắn. Sau khi uống tối chủ nhật và uống thêm 3 lần ngày thứ 2 thì bé đi tiểu bình thường, không kêu đau nữa. Nhưng từ chiều tối thứ 2 con bắt đầu sốt nhẹ, liên tục đến tối thứ 4, ban ngày thì bình thường, chiều tối bắt đầu sốt. Con vẫn ăn, ngủ, chơi bình thường, hơi quấy lúc sốt thôi.

Sáng thứ 5, gia đình đã lấy mẫu nước tiểu của cháu đi xét nghiệm, kết quả có Nitrite dương tính, có cặn và tỷ trọng giảm (1.010), các chỉ số khác âm tính.

Chiều thứ 5 cháu vẫn tiếp tục sốt, nhưng đến tối thì đỡ hơn, chỉ hơi âm ấm chút, sáng thứ 6 cháu bình thường không sốt.

Các bác sĩ cho em hỏi là cháu có bị viêm đường tiết niệu không, và có cần dùng thuốc. Nếu đi khám thì bác sĩ sẽ khám những mục gì, có cần xét nghiệm máu không ạ?

Hiện tại gia đình chỉ tăng cường cho uống nước và bột sắn.

Cảm ơn các bác sĩ!

Trả lời

Chào chị. Hiện chưa thể loại trừ nhiễm trùng tiểu dưới ở bé, chị cho bé đến khám tại bác sĩ chuyên khoa Nhi nhé. Bác sĩ sẽ cần khám tổng quát cho con chị để tìm xem có nguyên nhân khác gây sốt hay không. Xét nghiệm hiện tại có thể cần thêm 1 tổng phân tích nước tiểu kiểm tra. Việc cho chỉ định thêm xét nghiệm khác và thuốc điều trị thì sẽ còn phải dựa trên kết quả khám lâm sàng cho bé nữa.

Chúc bé chóng khỏe.

Câu hỏi 7

Người hỏi: Minh Sa – Ngày hỏi: 1/7/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Thanh Hưng

Câu hỏi

Bác sĩ ơi cho em hỏi vết đỏ ở tả là như thế nào ạ? Vết đỏ này nguyên nhân là từ nước tiểu, bé em nay được 6 tháng rồi ạ. Đại tiện nhiều hơn 2,3 lần 1 ngày. Ngoài ra không có triệu chứng gì khác.

Tã hồng ở trẻ

Trả lời

Nếu từ nước tiểu, vậy khả năng lớn em bé con chị đang có “Hội chứng tã hồng” – “Pink diaper syndrome” do lắng đọng tinh thể Urate. ĐÂY LÀ TÌNH TRẠNG LÀNH TÍNH THƯỜNG BỊ HIỂU SAI LÀ TIỂU MÁU, KHÔNG CẦN ĐIỀU TRỊ.

Chị có thể kiểm tra bằng cách lấy nước tiểu em bé xét nghiệm “10 Thông số” đây là xét nghiệm đơn giản phổ biến, nếu đúng là “Pink diaper” thì xét nghiệm sẽ không có hồng cầu.

Chúc bé khỏe!!!!!

Câu hỏi 8

Người hỏi: Hat Tieu Nho – Ngày hỏi: 25/6/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Group Nhi Khoa ơi, cho em hỏi bé gái nhà em 5 tháng. Hai ngày nay bé bị tiểu dắt chỉ ướt 1 góc quần thôi. Khoảng 10-15 phút đi, có cách nào khắc phục không ạ? Xin chỉ giúp em với. Em cảm ơn.

Trả lời

Chào chị. Cháu đang có thể viêm nhiễm đường tiết niệu. Trẻ càng nhỏ thì dấu hiệu viêm càng kín đáo khó phát hiện!

Chị nên cho cháu đi khám bác sỹ chuyên khoa Nhi để có được sự tư vấn và điều trị hợp lý. Chị có thể tham khảo bài viết “Nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ nhỏ” tại Y học cộng đồng để có thêm thông tin chăm sóc bé.

Chúc cháu sớm bình phục.

Sau khi đọc tất cả các câu hỏi và tài liệu mà chúng tôi đã cung cấp, nếu bạn vẫn chưa giải đáp được thắc mắc của mình vui lòng đặt câu hỏi tại Group Nhi khoa Y học cộng đồng để được tư vấn.