Thứ Sáu , 12 Tháng Tư 2024

Vi khuẩn âm đạo

Bài viết thứ 45 trong 50 bài thuộc chủ đề Các vấn đề Phụ khoa
 

Biên dịch: Hoàng Ngọc Anh Nhi

Hiệu đính: BS Thiều Đình Hoàng

Tổng quan

Loạn khuẩn âm đạo là một loại viêm âm đạo gây ra bởi sự phát triển quá mức của vi khuẩn có trong âm đạo, làm mất sự cân bằng tự nhiên vốn có.

Loạn khuẩn âm đạo có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường gặp nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này vẫn chưa được hiểu rõ nhưng một số hành vi nhất định như quan hệ tình dục không an toàn hoặc thụt rửa âm đạo thường xuyên làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng của loạn khuẩn âm đạo bao gồm:

  • Tiết dịch âm đạo loãng, màu xám, trắng hoặc xanh lá cây
  • Dịch âm đạo có mùi hôi “tanh”
  • Ngứa âm đạo
  • Nóng rát mỗi lần đi tiểu

Nhiều phụ nữ bị viêm âm đạo nhiễm khuẩn có thể không có triệu chứng.

Khi nào cần đi khám?

Cần đi khám nếu:

  • Tiết dịch âm đạo bất thường và có mùi hôi hoặc sốt. Bác sĩ có thể xác định nguyên nhân, các dấu hiệu và triệu chứng.
  • Có tiền sử nhiễm trùng âm đạo trước đây, nhưng lần này màu sắc và độ đặc của dịch âm đạo khác so với những lần trước.
  • Có nhiều bạn tình hoặc gần đây có bạn tình mới. Đôi khi các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lây qua đường tình dục tương tự như viêm âm đạo nhiễm khuẩn.
  • Đã thử tự điều trị bằng thuốc trị nấm âm đạo nhưng không khỏi.

Nguyên nhân

Loạn khuẩn âm đạo là hậu quả của việc phát triển quá mức một số loại vi khuẩn có trong âm đạo. Thông thường, vi khuẩn “tốt” (lactobacilli) chiếm ưu thế hơn so với vi khuẩn “xấu” (vi khuẩn kỵ khí). Nhưng nếu có quá nhiều vi khuẩn kỵ khí sẽ làm đảo lộn sự cân bằng tự nhiên của hệ vi sinh vật trong âm đạo và gây ra tình trạng viêm nhiễm.

Yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ của viêm âm đạo nhiễm khuẩn bao gồm:

  • Có nhiều bạn tình hoặc có bạn tình mới. Bác sĩ không thể hiểu hết sự liên quan giữa hoạt động tình dục và loạn khuẩn âm đạo, nhưng tình trạng này xảy ra thường xuyên hơn ở phụ nữ có nhiều bạn tình hoặc có bạn tình mới. Loạn khuẩn âm đạo cũng xảy ra thường xuyên hơn ở phụ nữ quan hệ đồng giới.
  • Thụt rửa. Việc thụt rửa âm đạo bằng nước hoặc dung dịch vệ sinh có thể làm mất cân bằng môi trường tự nhiên trong âm đạo. Điều này có thể dẫn đến sự phát triển quá mức vi khuẩn kỵ khí và gây ra loạn khuẩn âm đạo. Vì âm đạo có khả năng tự làm sạch nên không nhất thiết phải thụt rửa.
  • Thiếu vi khuẩn Lactobacilli tự nhiên. Nếu môi trường âm đạo bình thường không sản xuất đủ vi khuẩn Lactobacilli thì tăng nguy cơ bị loạn khuẩn âm đạo.

Biến chứng

Loạn khuẩn âm đạo thường không gây ra biến chứng. Tuy nhiên đôi khi có thể dẫn đến:

  • Sinh non. Ở phụ nữ mang thai, loạn khuẩn âm đạo có liên quan đến sinh non và trẻ sơ sinh nhẹ cân.
  • Bệnh lây truyền qua đường tình dục. Loạn khuẩn âm đạo có thể khiến phụ nữ dễ bị bệnh lây qua đường tình dục như HIV, virus Herpes Simplex, Chlamydia, bệnh lậu. Ở bệnh nhân nhiễm HIV, loạn khuẩn âm đạo làm tăng khả năng bệnh nhân truyền virus cho bạn tình của mình.
  • Nguy cơ nhiễm trùng sau phẫu thuật phụ khoa. Loạn khuẩn âm đạo có thể làm tăng nguy cơ tiến triển nhiễm trùng hậu phẫu sau thực hiện các thủ thuật cắt tử cung, hoặc nong và nạo (D&C).
  • Bệnh viêm vùng chậu (PID). Loạn khuẩn âm đạo đôi khi có thể gây ra PID, nhiễm trùng tử cung và ống dẫn trứng có thể làm tăng nguy cơ vô sinh.

Phòng ngừa

Để giúp ngăn ngừa viêm âm đạo do nhiễm khuẩn cần:

  • Giảm thiểu kích ứng âm đạo. Sử dụng xà phòng nhẹ không có chất diệt khuẩn và băng vệ sinh hoặc tampon không mùi.
  • Không thụt rửa. Vùng âm đạo không cần thụt rửa ngoài việc tắm bình thường. Thụt rửa thường xuyên sẽ phá vỡ sự cân bằng âm đạo và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng âm đạo. Thụt rửa sẽ không làm sạch âm đạo bị nhiễm trùng.
  • Tránh lây truyền qua đường tình dục. Sử dụng bao cao su latex cho nam, hạn chế số lượng bạn tình hoặc kiêng giao hợp để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh qua đường tình dục