Thứ Ba , 5 Tháng Mười Hai 2023

Đưa trẻ sơ sinh về nhà

Bài viết thứ 4 trong 23 bài thuộc chủ đề Chăm sóc trẻ sơ sinh
 

Nhóm nhi khoa

Nhi khoa Y học cộng đồng

Dù con bạn được xuất viện ngay sau sanh hay xuất viện trễ hơn sau đó (có thể do bé phải điều trị tại đơn vị chăm sóc sơ sinh tích cực), hoặc thông qua một cơ quan nhận nuôi, việc đưa bé  về nhà là một sự kiện lớn mà bạn thường tưởng tượng đến. Dưới đây là những cách thức để chuẩn bị.

Đưa trẻ sơ sinh về nhà_1

Khi đưa trẻ sơ sinh rời khỏi bệnh viện

Các bà mẹ tương lai thường chuẩn bị hành lý, áo quần để đưa trẻ về nhà thậm chí trước cả khi họ đến bệnh viện (để sanh) hoặc họ có thể chờ xem thời tiết thế nào rồi nhờ chồng mang quần áo cho cả nhà (cho bố mẹ và em bé). Các bạn nên chuẩn bị quần áo rộng hơn so với kích cỡ bình thường của bạn, có thắt lưng dây rút hoặc bằng thun bởi vì cơ thể bạn vẫn chưa thu gọn lại đủ để mặc các trang phục như trước khi có thai.

Các bé thường xuyên được mặc quá nhiều áo quần cho hành trình đầu tiên, từ bệnh viện về nhà. Khi thời tiết ấm áp, bạn nên mặc cho bé một áo thun ngắn tay kèm theo tã và quấn trẻ trong một tấm chăn dành cho trẻ em. Mũ thật sự không cần thiết, nhưng có thể mang lại cảm xúc thật dễ thương, nhất là khi để chụp những tấm ảnh đầu tiên cho con bạn tại bệnh viện.

Nếu trời lạnh, bạn hãy mặc cho bé thêm một chiếc áo ấm và tấm chăn đắp thêm bên ngoài. Sẽ tốt hơn nhiều khi bạn mang trẻ về nhà một cách nhẹ nhàng và khiến trẻ hài lòng nếu bạn không dành nhiều thời gian ở bệnh viện để “nhồi nhét” cho trẻ sơ sinh những trang phục phức tạp đòi hỏi phải đẩy, kéo cánh tay và chân của bé.

Nếu bạn chưa sắp xếp được lịch tái khám cho bé trước đó, hãy đảm bảo rằng, trước khi rời khỏi bệnh viện, bạn đã đặt được ngày kiểm tra sức khỏe đầu tiên cho bé. Tùy theo tình huống, một số trẻ sinh non cũng được cho về nhà với một màn hình đặc biệt để kiểm tra hơi thở và nhịp tim, và bạn có thể sẽ được dạy cách thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) cho trẻ sơ sinh.

Cho dù em bé của bạn là đủ tháng hoặc non tháng, bạn không nên vội vã ra khỏi cửa bệnh viện – hãy hỏi những câu hỏi mà bạn thắc mắc trước khi bạn rời khỏi bệnh viện nhé ! Và nếu bạn tự cảm thấy còn điều gì chưa rõ  – từ tắm rửa đến cho con bú sữa mẹ đến việc nôn trớ của trẻ, hãy hỏi y tá, chuyên gia tư vấn cho con bú, hoặc bác sĩ của con bạn.

Hành trình đưa em bé về nhà bằng xe hơi

Phần quan trọng nhất cho chuyến đi về nhà chính là một ghế ngồi xe hơi an toàn thích hợp cho trẻ. Tất cả các tiểu bang (tại Mỹ) đều bắt buộc các bậc cha mẹ phải chuẩn bị sẵn ghế ngồi ôtô dành cho trẻ trước khi rời khỏi bệnh viện bởi vì nó là một trong những cách tốt nhất để bảo vệ em bé của bạn.

Ngay cả đối với một đoạn đường ngắn, việc một người, hoặc bố hoặc mẹ, ôm bé trong lòng, còn người kia lái xe, không bao giờ là an toàn cả. Em bé của bạn có thể tuột khỏi cánh tay bạn, và văng vào bảng điều khiển trong xe khi xe dừng đột ngột.

Bạn nên cân nhắc việc mua, thuê, hoặc mượn một ghế ngồi xe hơi dành cho trẻ em trước khi em bé được sinh ra, khi mà bạn có thời gian để suy tính, lựa chọn cẩn thận. Có hai loại ghế xe hơi dành cho em bé: ghế chỉ dành cho trẻ sơ sinh (phải được thay thế khi em bé cân nặng từ 22 đến 35 pounds tức khoảng 10-16kg , tùy loại ghế) và loại ghế đa dụng có thể dành cho  cả trẻ sơ sinh (hướng về đuôi xe cho trẻ nhỏ) và trẻ lớn (hướng về đầu xe cho trẻ lớn.

Ghế chỉ dành cho trẻ sơ sinh được thiết kế chỉ dùng duy nhất loại ghế hướng mặt ngược ra phía đuôi xe và vừa vặn với trẻ sơ sinh hơn so với loại ghế ngồi đa dụng. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy ò Pediatrics – AAP) khuyến cáo rằng trẻ sơ sinh và trẻ mới tập đi phải ngồi ở ghế hướng mặt ra sau xe đến khi chúng được 2 tuổi hoặc cho đến khi chúng đạt được trọng lượng và chiều cao giới hạn cho phép theo khuyến cáo của nhà sản xuất. (Nếu em bé của bạn vượt quá trọng lượng khuyến cáo của nhà sản xuất trước ngày sinh nhật lần thứ hai, bạn sẽ cần phải sử dụng loại ghế đa dụng được thiết kế cho trẻ lớn hơn).

Một số bậc phụ huynh của trẻ sơ sinh thấy rằng một “hệ thống du lịch” (trong đó bao gồm một xe đẩy và ghế ngồi trẻ sơ sinh có thể gắn được vào xe đẩy) làm cho việc di chuyển trẻ sơ sinh trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều, nhất là khi bé đang ngủ, từ xe hơi đến xe đẩy.

Loại ghế đa dụng hướng mặt bé về phía đuôi xe được dùng cho đến khi bé được ít nhất 2 năm tuổi hoặc đã đạt trọng lượng tối đa và giới hạn chiều cao theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Một đứa trẻ đạt đến chiều cao và giới hạn trọng lượng trước khi được 2 tuổi sẽ an toàn hơn nếu ngồi trên ghế đa dụng loại lớn hơn và vẫn hướng mặt về phía đuôi xe. Những bé nhỏ con có thể vẫn còn tiếp tục ngồi trên ghế hướng ra sau ngay cả khi đã qua 2 tuổi. (Thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất khi chuyển hướng chỗ ngồi).

Không bao giờ được đặt ghế chỉ dành cho trẻ sơ sinh hoặc ghế đa dụng ở hàng ghế phía trước của xe bạn – luôn luôn đặt ở hàng ghế ngồi phía sau. Túi khí hành khách ở phía cabin của ghế ngồi trước rất nguy hiểm cho cả hai loại ghế (hướng về phía đầu hoặc hướng về phía đuôi xe), và hầu hết các tai nạn xảy ra đều ở tại hàng ghế phía trước của xe. Khi trời lạnh, hãy khít dây đeo cho em bé của bạn trước tiên, sau đó mới đặt chăn phủ lên cho bé.

Nếu bạn mượn ghế ngồi xe hơi dành cho trẻ em, hãy chắc chắn rằng nó đã được sử dụng không quá 6 năm và chưa bao giờ bị tai nạn (ngay cả khi nó nhìn có vẻ như không bị gì, nó có thể không hoàn chỉnh về mặt cấu trúc). Tránh chọn những ghế bị thiếu những bộ phận hoặc không được dán nhãn có ghi ngày sản xuất và số mẫu mã (bạn sẽ không biết cách nào để biết mẫu mã này có bị thu hồi lại hay không).

Ngoài ra, bạn hãy kiểm tra phần ghi “ngày hết hạn” được khuyến cáo bởi nhà sản xuất. Nếu bạn có bất kỳ nghi ngờ nào về lịch sử của chiếc ghế, hoặc nếu nó bị nứt hoặc có dấu hiệu hao mòn, thì đừng sử dụng nó.

Bạn hãy hỏi về các chương trình cho thuê hoặc vay ghế ngồi xe hơi dành cho trẻ em tại các lớp học tiền sản , văn phòng chăm sóc sức khỏe, bệnh viện, và công ty bảo hiểm – các chương trình này cũng khá phổ biến.

Khi mua mới, điều quan trọng là bạn phải nhớ rằng không có một loại ghế nào là an toàn nhất hoặc tốt nhất, hãy chọn chiếc ghế vừa vặn và có thể lắp đặt được trong xe của bạn. Và giá cao hơn không có nghĩa là chất lượng tốt hơn – nó chỉ đơn giản có nghĩa là ghế ngồi đã được thêm vào các tính năng mà bạn có thể muốn hoặc không. Ngoài ra, hãy nhớ đăng ký bảo hành cho ghế mới để bạn có thể được thông báo về bất kỳ vấn đề nào nếu có hoặc thu hồi.

Vấn đề phổ biến nhất liên quan đến ghế ngồi xe hơi trẻ em là cài đặt không đúng (theo Cục Quản lý An toàn Xa lộ Quốc Gia, phần lớn vấn để của ghế ngồi xe hơi trẻ em là không được cài đặt đúng). Gần đây, ghế ngồi trên xe hiệu LATCH (Lower Anchors and Tethers for Children) đã trở thành ghế tiêu chuẩn ở Hoa Kỳ, nhưng một tỷ lệ lớn các ghế ngồi này vẫn được cài đặt không đúng cách.

Đừng nên tin vào minh họa hoặc trưng bày ở cửa hàng. Thực hiện đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất (và giữ sổ tay hướng dẫn bên mình). Hãy hỏi bác sĩ hoặc y tá của bạn về những nơi có người được đào tạo chuyên biệt về kiểm tra cách lắp đặt ghế ngồi xe hơi dành cho trẻ em ở gần nơi bạn sống để kiểm tra dùm bạn. Nhiều bệnh viện, cảnh sát và trạm cứu hỏa, và thậm chí cả đại lý xe hơi cung cấp loại dịch vụ này miễn phí. Hãy chắc chắn rằng việc đánh giá cách lắp đặt ghế được thực hiện bởi người được đào tạo và có kinh nghiệm.

Nếu bạn đưa con bạn về nhà từ đơn vị chăm sóc tích cực, hãy mang ghế ngồi xe hơi đến bệnh viện trước đó, để các nhân viên y tế có thể kiểm tra xem nó có dùng được cho em bé của bạn không. Nếu bé có vấn đề sức khỏe đặc biệt và có nhu cầu vượt ngoài giới hạn tiêu chuẩn của ghế, hãy yêu cầu bác sĩ của con bạn khuyến cáo loại ghế ngồi trên xe phù hợp tình trạng đặc biệt của bé.

Để biết thêm thông tin về việc sử dụng đúng ghế an toàn cho trẻ em, bạn hãy đọc thêm bài viết về an toàn trên xe hơi.

Những cảm giác đầu tiên khi đưa trẻ về nhà

Đừng ngạc nhiên nếu bạn có những cảm xúc lẫn lộn khi mang em bé về nhà, đặc biệt khi đây là đứa con đầu tiên của bạn. Bạn có thể sẽ lo lắng. Trong thực tế, bạn có thể thực sự cảm thấy sợ hãi khi bạn nhận ra rằng bạn đã mất kiểm soát một phần nhất định nào đó trong cuộc sống của bạn.

Nếu lúc ở bệnh viện, em bé không ở cạnh bạn nhiều, có lẽ bạn sẽ không biết rõ lịch trình sinh hoạt của bé là thế nào. Nhưng bạn sẽ biết sớm thôi – mặc dù lịch trình của em bé thay đổi rất nhiều trong những tháng đầu tiên. Bạn sẽ ít bị căng thẳng hơn nếu bạn đừng sắp xếp trước quá nhiều lịch trình của chính mình mà để tự thích nghi dần với quy trình của bé.

Tùy thuộc vào cuộc chuyển dạ và kinh nghiệm sanh, bạn có thể cảm thấy cơ thể kiệt quệ và đau. Các nội tiết tố trong cơ thể bạn cũng đang đấu tranh để bắt kịp về bình thường. Trong khi đó, người bạn đời của bạn có thể sẽ có cảm giác bị lãng quên nếu bạn hoàn toàn mê mải với em bé.

Bạn có thể có một đứa trẻ khác đang chờ sự xuất hiện của thành viên mới trong gia đình . Hoặc bạn có thể phải đối thoại với một thú nuôi đang tự hỏi những gì đột nhiên thu hút sự chú ý của mọi người trong nhà đến vậy. Thường xuyên, sự mong đợi của ông bà, anh, chị, sự cạnh tranh của anh em ruột mới, hoặc bạn bè cũng có thể khiến cho cuộc trở về nhà trở nên căng thẳng.

Giai đoạn khóc kéo dài đầu tiên của con bạn ở nhà cũng sẽ gây cho bạn khó khăn. Ghi nhớ: trẻ sơ sinh thường khóc từ 1 đến 5 giờ trong vòng 24-giờ, và bạn không thể cứ giúp trẻ nín khóc liên tục được. Khóc thường giảm dần sau vài tuần đầu tiên. Mặc dù nó ngay thời điểm hiện tại, giữ cho trẻ im lặng là điều không thể, nhưng trong một vài tháng tới, bạn sẽ không nhớ nổi về chuyện khóc dường như là vô tận của trẻ.

Giới thiệu trẻ với gia đình

Việc giới thiệu em bé của bạn với những thành viên khác ở nhà có thể là một thử thách. Nếu bạn còn có những đứa trẻ khác, hãy chắc chắn dành đủ thời gian cho mỗi bé trong số đó. Một số phụ huynh mang quà từ em bé mới sinh về nhà cho các anh chị em lớn. Lúc đầu, có thể xuất hiện sự ghen tị, đặc biệt là nếu trọng tâm chính của sự chú ý của bạn trong nhiều năm nay đột nhiên lại có sự cạnh tranh mới. Bạn hãy khuyến khích anh chị em của bé “giúp đỡ” bạn chăm sóc thành viên mới nhất trong gia đình.

Nếu bạn có nuôi thú cưng, hãy nhờ chồng bạn mang về nhà một tấm chăn có mùi hương của em bé và đặt nó ở gần các con vật cưng – thậm chí trước khi rời khỏi bệnh viện. Sau đó, khi bạn về nhà, những con vật cưng đã phần nào quen thuộc với em bé. Nhưng hãy nhớ rằng đừng bao giờ để vật nuôi một mình với trẻ sơ sinh.

Vấn đề gia đình và bạn bè

Hãy yêu cầu chồng bạn làm “người gác cổng” để giới hạn số lượng khách đến thăm lúc đầu. Bạn sẽ vui và hăng hái đón tiếp bạn bè hơn nếu bạn có thời gian để nghỉ ngơi và trở nên thoải mái với tình trạng mới của bạn. Mặc dù trẻ sơ sinh thường không cảm thấy e ngại xung quanh và những người lạ trong 3 tháng đầu tiên, và như vậy, chúng có thể bị kích thích quá độ và mệt mỏi nếu có quá nhiều người xung quanh.

Nếu bạn có hộp thư thoại hoặc máy trả lời điện thoại, hãy xem xét việc thay đổi thông tin của bạn để cung cấp các dữ kiện quan trọng cho thành viên mới của bạn. Bạn có thể nói một điều gì đó ví dụ như: “Thành viên mới nhất của gia đình chúng tôi đã đến. Tên cô ấy là Julia Marie, cô được sinh ra vào thứ Ba, và nặng 7 pounds, 10 ounces. Tất cả chúng tôi đều khỏe mạnh và đang điều chỉnh để phù hợp với cuộc sống mới của chúng tôi. Nếu bạn muốn chúng tôi gọi lại cho bạn khi thuận tiện, xin vui lòng để lại tên và số điện thoại của bạn”.

Đừng e ngại về việc chấp nhận khách thăm hỏi một cách từ từ. Yêu cầu bất cứ ai đang bệnh phải chờ đợi cho đến khi họ cảm thấy khỏe và không còn khả năng lây bệnh trước khi họ đến thăm. Bạn đừng nên ngần ngại hỏi khách đến thăm rửa tay trước khi chạm vào em bé của bạn bởi vì hệ thống miễn dịch của một em bé sơ sinh vẫn chưa phát triển đầy đủ.

Khi nào cần gọi bác sĩ ?

Nhân viên y tế của con bạn luôn chờ sẵn các cuộc gọi từ những người mới được làm cha mẹ để hỏi về nhiều chủ đề, bao gồm các mối quan tâm về việc nuôi con bằng sữa mẹ và sức khỏe (để biết thêm về chăm sóc trẻ sơ sinh, hãy truy cập phần “Mang thai & Trẻ sơ sinh”). Họ muốn bạn gọi để hỏi họ hơn là bạn phải lo lắng về một điều gì đó vô ích. Nếu bạn đang phân vân không biết có nên gọi cho văn phòng của bác sĩ không, hãy làm điều đó ngay, đặc biệt là nếu bạn nhìn thấy một điều gì đó bất thường hoặc khác biệt mà khiến bạn lo lắng. Hãy gọi điện nếu bạn thấy bất cứ dấu hiệu nào sau đây:

  • Nhiệt độ đo ở trực tràng 100,4 º F (38 º C) hoặc cao hơn (ở trẻ  dưới 2 tháng tuổi)
  • Dấu hiệu mất nước (trẻ khóc không có nước mắt, mắt trũng, hõm phần mềm trên đầu của em bé, không có tã ướt trong vòng 6 đến 8 giờ)
  • Các vị trí mềm trên đầu bé phình ra khi bé nín khóc và ngồi ở tư thế thẳng đứng
  • Khó khăn để kích thích bé
  • Thở nhanh hoặc thở dốc (gọi cấp cứu 115 nếu em bé của bạn có dấu hiệu khó thở và bắt đầu tím quanh môi hoặc miệng)
  • Nôn trớ nhiều lặp đi lặp lại hoặc không có khả năng để giữ lại chất dịch lỏng.
  • Nôn hoặc đi phân lẫn máu
  • Hơn tám lần tiêu chảy trong vòng 8 giờ.

Nếu mối quan tâm của bạn là khẩn cấp, hãy gọi cho bác sĩ của bạn và đưa cháu đến phòng cấp cứu ngay. Hãy nhớ rằng, đối với trẻ sơ sinh, các vấn đề nhỏ đôi khi cũng sẽ thay đổi nhanh chóng.

Tài liệu tham khảo

http://familydoctor.org/familydoctor/en/pregnancy-newborns/caring-for-newborns/infant-care/bringing-your-baby-home.html