Nội dung chính
TỔNG QUAN
Glaucoma (cườm nước) là gì?
Glaucoma, trong dân gian còn gọi là cườm nước (miền Nam) hoặc thiên đầu thống (miền Bắc), là một bệnh ở mắt có thể gây giảm và mất thị lực. Hãy tưởng tượng con mắt chúng ta giống như một quả cầu chứa phần lớn là chất lỏng và chia thành 2 ngăn, trong đó chất lỏng chứa trong khoang phía trước được gọi là thủy dịch, giúp nuôi dưỡng mắt và giữ cho mắt bạn khỏe mạnh. Bình thường, thủy dịch lưu thông liên tục và chảy ra ngoài qua một đường dẫn ở phần trước mắt. Glaucoma xảy ra khi có sự tắc nghẽn đường thoát thủy dịch ra ngoài nhãn cầu, làm thủy dịch ứ lại và gây tăng áp lực trong mắt. Mắt căng cứng quá mức và kéo dài sẽ dẫn đến hủy hoại thần kinh thị giác và đưa đến mù lòa.
TRIỆU CHỨNG
Glaucoma có những triệu chứng gì?
Glaucoma theo cách dễ hiểu có thể chia thành 2 dạng:
1. Dạng cấp tính: thường xảy ra ở châu Á. Bệnh xuất hiện đột ngột và trong thời gian ngắn, với mắt đỏ, mờ, nhìn vào nguồn sáng thấy quầng hào quang, đau nhức dữ dội kèm nhức đầu cùng bên, buồn nôn, nôn.
2. Dạng mạn tính: rất nguy hiểm vì tiến triển âm thầm, thường không có triệu chứng đau nhức mắt rõ ràng, do đó một nửa số bệnh nhận bị dạng này không hề hay biết mình có bệnh. Triệu chứng chính là giảm và mất thị lực dần dần, đặc biệt là thị lực vùng chu biên. Khi bệnh nhân bắt đầu nhận thấy mắt mình mờ đi là lúc tổn thương ở mắt đã nặng.
YẾU TỐ NGUY CƠ
Ai có nguy cơ bị glaucoma?
Những yếu tố nguy cơ của glaucoma bao gồm:
- Người từ 60 tuổi trở lên
- 1 vài dân tộc thiểu số, bao gồm cả người da đen và Latinh
- Gia đình có người bị glaucoma
- Áp lực cao trong mắt
- Đái tháo đường
- Tăng huyết áp
- Bệnh tim mạch
- Cận thị (nhìn xa mờ)
CHẨN ĐOÁN và XÉT NGHIỆM
Làm thế nào để biết mình bị glaucoma?
Phát hiện sớm glaucoma rất quan trọng vì những tổn thương glaucoma gây ra cho thần kinh mắt là không thể hồi phục.
Ngoại trừ trường hợp glaucoma cấp tính với mắt đỏ, đau, mờ phải đến bệnh viện chuyên khoa mắt ngay lập tức, còn lại bạn thường không biết mình bị glaucoma cho tới khi để ý thấy mắt bị mờ. Glaucoma có thể không gây ra những triệu chứng nào khác ngoài triệu chứng mờ mắt khi bệnh đã nặng, do đó việc kiểm tra mắt định kỳ đầy đủ bởi bác sĩ chuyên khoa mắt là rất quan trọng. Bác sĩ chuyên khoa mắt là bác sĩ được đào tạo để chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt, trong đó có glaucoma. Khi khám tầm soát glaucoma, bác sĩ sẽ đo áp lực trong mắt bạn (gọi là đo nhãn áp), đánh giá thần kinh mắt, kiểm tra thị lực trung tâm và chu biên (gọi là thị trường). Chẩn đoán và điều trị sớm glaucoma có thể giúp ngăn chặn tổn thương tế bào thần kinh mắt và giảm thị lực không hồi phục.
Tôi nên kiểm tra mắt bao lâu 1 lần?
Người từ 18 tới 60 tuổi nên kiểm tra mắt 2 năm 1 lần. Sau 60 tuổi, bạn nên kiểm tra 1 năm 1 lần.
Xem thêm bài Mười bí quyết để bảo vệ đôi mắt của bạn của BS. Trịnh Ngọc Thuỳ An và BS.TS. Phạm Nguyên Quý
ĐIỀU TRỊ
Điều trị glaucoma như thế nào?
Mục đích trong điều trị glaucoma là phải làm giảm áp lực trong mắt để ngăn ngừa tổn thương thần kinh và giảm thị lực nặng hơn, những tổn thương nếu đã có thì hầu như không phục hồi được. Glaucoma thường được điều trị khởi đầu bằng cách dùng thuốc nhỏ mắt. Khi thuốc nhỏ mắt không làm giảm được áp lực trong mắt, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật hoặc bắn laser ở mắt. Thuốc uống (dạng viên) hoặc truyền dịch hạ nhãn áp thỉnh thoảng cũng được sử dụng trong những trường hợp cần thiết. Khi đã bị glaucoma bạn sẽ phải điều trị và theo dõi suốt đời.
BIẾN CHỨNG
Áp lực tăng sẽ làm tổn thương mắt bạn như thế nào?
Áp lực tăng sẽ phá hủy những tế bào thần kinh thị giác trong mắt, dẫn tới giảm và mất thị lực. Đầu tiên, có thể có những ám điểm ở thị trường chu biên. Nếu bệnh glaucoma của bạn không được điều trị, thị lực trung tâm cũng sẽ bị ảnh hưởng. Mất thị lực trong glaucoma là mất thị lực vĩnh viễn.