Thứ Bảy , 20 Tháng Tư 2024
Trang chủ Chuyên ngành Nhi khoa Các bệnh Nhi Khoa Hội chứng đột tử ở trẻ em

Hội chứng đột tử ở trẻ em

Bài viết thứ 44 trong 57 bài thuộc chủ đề Các bệnh Nhi khoa
 

Làm thế nào để giảm nguy cơ bị hội chứng này?

Hội chứng đột tử ở trẻ em

Việc thiếu những câu trả lời xác đáng cho vấn đề này khiến cho hội chứng đột tử ở trẻ em (SIDS) đáng sợ. Hội chứng đột tử ở trẻ em là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ từ 1 tháng tuổi đến 1 năm tuổi và đe dọa cuộc sống của khoảng 2.500 trẻ mỗi năm ở Hoa Kỳ. Mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu về vấn đề này, nhưng sự xuất hiện hội chứng này ở trẻ vẫn không thể biết trước.

Mặc dù vậy, nguy cơ đột tử ở trẻ vẫn có thể giảm xuống đáng kể. Đầu tiên và quan trọng nhất là phải cho trẻ nằm ngửa khi ngủ, không bao giờ cho trẻ nằm sấp khi ngủ.

Đi tìm câu trả lời cho vấn đề này.

Đúng như cái tên của nó, hội chứng đột tử ở trẻ em (SIDS) là những cái chết đột ngột và không giải thích được ở trẻ dưới 1 tuổi. Đó là một viễn cảnh đáng sợ, nó tấn công trẻ mà không hề có dấu hiệu cảnh báo trước, và thường ở trẻ mà trước đó dường như rất khỏe mạnh. Hầu hết, những trường hợp tử vong do hội chứng này gây ra đều liên quan đến giấc ngủ (nên nhiều tác giả còn gọi là những cái chết trong nôi (crib death)), những trẻ mà tử vong do hội chứng này hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy trẻ phải chịu đựng sự đau đớn nào trước đó.

Trong khi hầu hết các tình trạng hoặc các bệnh lý khác được chẩn đoán nhờ vào những triệu chứng đặc biệt, thì hội chứng đột tử ở trẻ em chỉ được chẩn đoán sau khi loại trừ hết các nguyên nhân gây tử vong khác sau khi xem xét tiền sử y khoa, môi trường ngủ của trẻ, và mổ tử thi. Những đánh giá này giúp phân biệt hội chứng đột tử ở trẻ em với các nguyên nhân khác như tai nạn, tình trạng lạm dụng, và những nguyên nhân khác mà không được chẩn đoán trước đó như: các bệnh lý về tim mạch, rối loạn chuyển hóa.

Khi xem xét những nguy cơ ở trẻ cho thấy, không có một yếu tố nguy cơ đơn độc nào có thể gây ra hội chứng đột tử ở trẻ em. Tuy nhiên, sự kết hợp của một số yếu tố nguy cơ làm cho trẻ bị đột tử.

Hầu hết những trường hợp đột tử xảy ra ở trẻ từ 2 đến 4 tháng tuổi, và tỷ lệ bị hội chứng này sẽ ra tăng trong những tháng mùa đông. Trẻ là người Mỹ gốc Phi có nguy cơ cao hơn 2 lần và trẻ em là người Mỹ bản địa có nguy cơ cao hơn 3 lần so với trẻ em làm người Mỹ da trắng. Trẻ trai thì có nguy cơ cao hơn trẻ gái.

Những yếu tố nguy cơ khác bao gồm:

  • Mẹ hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng ma túy trong khi mang thai
  • Chăm sóc trước sinh kém
  • Sinh non hoặc sinh nhẹ cân
  • Mẹ trẻ hơn 20 tuổi
  • Trẻ tiếp tục tiếp xúc với khói thuốc lá sau sinh
  • Nhiệt độ quá nóng khi ngủ
  • Nằm sấp khi ngủ

Vấn đề cho trẻ nằm sấp khi ngủ

Đây là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất trong tất cả các yếu tố nguy cơ. Một số lượng lớn nghiên cứu cho thấy nguy cơ bị hội chứng đột tử sẽ cao hơn khi trẻ nằm sấp so với khi trẻ nằm ngửa hoặc nằm nghiêng.  Một số nhà nghiên cứu cũng đưa ra giả thuyết rằng khi trẻ nằm sấp ngủ sẽ đè ép lên xương hàm và sẽ làm thu hẹp đường thở và gây cản trở hô hấp.

Một giả thuyết khác là khi trẻ nằm sấp ngủ có thể làm tăng nguy cơ trẻ thở lại khí thở ra, đặc biệt nếu trẻ ngủ trên nệm mềm hoặc có đồ chơi nhồi bông, hoặc một cái gối gần mặt. Trong tình huống đó, bề mặt mềm của các vật này có thể tạo ra một cái bẫy giữ lại khí thở ra của trẻ. Vì vậy em bé sẽ thở lại khí thở ra của mình, do đó mức độ oxy trong cơ thể sẽ giảm xuống và lượng khí carbon dioxide sẽ tích tụ lại. Cuối cùng, sự thiếu oxy có thể góp phần gây ra hội chứng đột tử ở trẻ (SIDS).

Ngoài ra, trẻ sơ sinh bị tử vong do hội chứng đột tử có thể có nhân cung bất thường, đó là một phần của não bộ giúp kiểm soát hơi thở và tỉnh thức trong khi ngủ. Nếu một em bé được hít lại khí thở ra của mình và không nhận được đủ oxy, thì nhân cung của não bộ sẽ kích thích làm cho trẻ thức dậy và khóc. Những thay đổi trong hoạt động hô hấp và nhịp tim làm thiếu oxy. Nhưng ở trẻ có nhân cung bất thường trẻ không có phản xạ vô thức này (phản xạ thức dậy và khóc) làm cho trẻ có nguy cơ bị hội chứng đột tử (SIDS).

Cho trẻ nằm ngửa khi ngủ

Có nhiều bằng chứng xác đáng cho thấy là nằm ngửa khi ngủ làm giảm tỷ lệ bị hội chứng đột tử (SIDS). Theo khuyến cáo của Viện hàn lâm nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đưa ra vào năm 1992 tất cả trẻ sơ sinh khỏe mạnh dưới 1 tuổi cần được nằm ngửa khi ngủ .

Kể từ khi khuyến cáo của AAP được ban hành thì tỷ lệ hội chứng đột tử ở trẻ (SIDS) đã giảm hơn 50%. Tuy nhiên, hội chứng đột tử (SIDS) vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ nhỏ, vì vậy điều quan trọng là luôn luôn nhắc nhở các bậc cha mẹ cho trẻ nằm ngửa khi ngủ.

Nhiều bậc cha mẹ lo ngại rằng trẻ nằm ngửa khi ngủ sẽ làm cho trẻ có thể bị nghẹt thở do bị trào ngược hoặc do chất nôn. Tuy nhiên theo Viện hàn lâm nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) thì ở trẻ khỏe mạnh việc nằm ngửa khi ngủ không làm tăng nguy cơ bị nghẹt thở. (đối với trẻ sơ sinh bị bệnh trào ngược dạ dày mãn tính [GERD] hoặc một số dị tật đường hô hấp trên, thì nằm sấp khi ngủ sẽ tốt hơn. Viện hàn lâm nhi khoa Hoa Kỳ cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trong những trường hợp này để xác định được tư thế ngủ tốt nhất cho em bé).

Đặt trẻ nằm nghiêng khi ngủ cũng không phải là ý kiến tốt vì khi ngủ trẻ có thể lăn người và trở thành nằm sấp.

Một số phụ huynh cũng có thể quan tâm đến vấn đề đầu của trẻ bị méo khi mà trẻ nhỏ nằm ngửa quá lâu làm hộp sọ phía sau đầu bị dẹt. Mối quan tâm này khá phổ biến nhưng có thể khắc phục bằng cách thay đổi thường xuyên tư thế của bé và cho bé nằm ngửa nhiều hơn khi thức.

Tất nhiên, khi trẻ được khoảng 4-7 tháng tuổi thì trẻ có thể lật, lẫy do đó khó có thể bắt trẻ nằm ngửa để ngủ cả đêm. Khi đó tốt nhất là để trẻ tự tìm cho mình tư thế ngủ thích hợp.

Lời khuyên giảm nguy cơ hội chứng đột tử (SIDS)

Ngoài cách biện pháp đặt trẻ sơ sinh khỏe mạnh nằm ngửa khi ngủ thì hội nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) còn đưa ra những biện pháp khác để giúp làm giảm nguy cơ bị hội chứng đột tử ở trẻ em (SIDS):

  • Đặt trẻ nằm trên những tấm đệm cứng, không bao giờ đặt trẻ trên một cái gối, một cái nệm nước, chăn làm từ da cừu, đi văng, ghế, hoặc bề mặt mềm khác. Để tránh hiện tượng thở lại thì không được để chăn, đồ chơi nhồi bông, hoặc gối gần em bé.
  • Không sử dụng miếng đệm phụ trong cũi. Miếng đệm phụ có thể làm trẻ bị nghẹt thở.
  • Hãy tiêm chủng đầy đủ cho bé. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chủng ngừa có thể giảm 50% nguy cơ bị hội chứng đột tử ở trẻ (SIDS).

  • Không để em bé ngủ trong môi trường quá nóng. Hãy giữ cho phòng ở nhiệt độ mà một người lớn mặc một chiếc áo sơ mi ngắn tay cảm thấy thoải mái. Một số nhà nghiên cứu cho rằng nếu trẻ ngủ trong môi trường quá nóng thì trẻ có thể ngủ sâu hơn, nên khó đánh thức.
  • Không hút thuốc lá, uống rượu hoặc sử dụng ma túy trong khi mang thai và không để em bé tiếp tục tiếp xúc với khói thuốc lá . Trẻ sơ sinh của những bà mẹ hút thuốc trong khi mang thai có nguy cơ tử vong vì hội chứng đột tử (sids) cao hơn các bà mẹ không hút thuốc lá gấp ba lần, việc tiếp xúc với khói thuốc lá làm tăng gấp đôi nguy cơ trẻ bị hội chứng đột tử (sids). Các nhà nghiên cứu cho rằng hút thuốc lá có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương trước khi sinh và tiếp tục ảnh hưởng sau khi sinh, làm tăng nguy cơ bị hội chứng đột tử ở trẻ.
  • Được chăm sóc thai nghén sớm và thường xuyên.

  • Hãy thường xuyên kiểm tra sức khỏe cho em bé.
  • Nên cho trẻ bú sữa mẹ. Có một số bằng chứng cho thấy bú sữa mẹ có thể giúp làm giảm tỷ lệ bị hội chứng đột tử (SIDS). Lý do giải thích cho điều này chưa rõ, nhưng các nhà nghiên cứu nghĩ rằng sữa mẹ có thể giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bị nhiễm trùng do đó làm giảm nguy cơ bị hội chứng đột tử (SIDS).
  • Nếu trẻ bị hội chứng trào ngược dạ dày thực quản mạn tính, hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ về vấn đề cho trẻ ăn và tư thế khi ngủ.
  • Cho trẻ ngậm núm vú giả khi ngủ cho đến khi trẻ được 1 tuổi. Nếu trẻ không muốn ngậm núm vú thì không ép trẻ. Núm vú giả làm giảm nguy cơ bị hội chứng đột tử (SIDS). Nếu bạn đang cho con bú, hãy cố gắng chờ đợi cho đến sau khi em bé được 1 tháng tuổi để việc bú sữa mẹ được hình thành.
  • Khi trẻ được mẹ bế cho bú hoặc dỗ dành trẻ thì cha mẹ nên cho trẻ trở lại cũi hoặc nôi sau khi bé đã ngủ say. Nên đặt cũi hoặc nôi của trẻ trong phòng ngủ của cha mẹ. Điều này góp phần làm giảm nguy cơ bị hội chứng đột tử ở trẻ (SIDS).

Đối với những cha mẹ và gia đình có trẻ bị hội chứng đột tử có thể tham gia vào những nhóm như Hiệp hội Sudden Death Syndrome, để có thể nhận được những tư vấn tâm lý, cũng như được hỗ trợ những vấn đề khác.

Tài liệu tham khảo

http://familydoctor.org/familydoctor/en/diseases-conditions/sudden-infant-death-syndrome-sids.html