Thứ Sáu , 29 Tháng Ba 2024
Trang chủ Chuyên ngành Nhi khoa Cấp cứu nhi khoa Hồi sức tim phổi ở trẻ em (CPR)

Hồi sức tim phổi ở trẻ em (CPR)

Bài viết thứ 13 trong 14 bài thuộc chủ đề Cấp cứu Nhi khoa
 

Mỗi phụ huynh nên biết làm thế nào và khi nào thì cần tiến hành CPR (hồi sức tim phổi hay hô hấp nhân tạo). Khi thực hiện một cách chính xác, hồi sức tim phổi có thể cứu sống trẻ bằng cách khôi phục lượng máu đến tim, não, và các cơ quan khác và khôi phục lại hơi thở cho đến khi các nhân viên y tế đến, hỗ trợ, hồi sức tiếp tục cho trẻ.

CPR (Hồi sức tim phổi) là gì

CPR là sự kết hợp của ấn ngực và hô hấp (hô hấp nhân tạo bằng miệng). Hồi sức tim phổi có thể phục hồi lượng máu giàu oxy đến não. Không có oxy, tổn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong có thể xảy ra trong vòng chưa đầy 8 phút.

Hồi sức tim phổi cần thiết trong các trường hợp cấp cứu, bao gồm tai nạn, ngạt nước, ngạt thở, ngộ độc, hít phải khói thuốc, điện giật, hoặc đột tử ở trẻ nhũ nhi.

Tham khảo tài liệu về hồi sức tim phổi và thời điểm nào cần thực hiện kỹ thuật này sẽ giúp bạn có hiểu biết cơ bản về các bước tiến hành, nhưng tốt nhất là bạn nên tham gia một khóa học. Bởi vì, nếu thực hiện hồi sức tim phổi chính xác, bạn sẽ giúp cứu sống trẻ.

CPR thành công nhất khi bắt đầu càng sớm càng tốt, nhưng trước tiên bạn phải xác định xem khi nào thì tiến hành. CPR chỉ nên được thực hiện khi trẻ không thở hoặc máu lưu thông không đầy đủ.

Đầu tiên, phải đảm bảo an toàn khi tiến hành hồi sức. Ví dụ, nếu trẻ bị thương trong một tai nạn trên đường cao tốc đông xe, bạn phải rất cẩn thận quan sát xe cộ đang lưu thông. Hoặc nếu trẻ bị điện giật, bạn phải chắc chắn rằng trẻ không còn tiếp xúc với điện, tắt nguồn điện, ngắt cầu chì… để mình không bị điện giật khi tiến hành hồi sức cho trẻ.

Sau đó, nhanh chóng đánh giá xem trẻ có đáp ứng không. Quan sát xem trẻ có mở mắt không, nghe có âm thanh từ miệng không, lồng ngực có nhấp nhô, di động không, hoặc các dấu hiệu khác như quơ tay, quơ chân.

Ở sơ sinh và trẻ nhỏ, xoa ngực (trên xương ức) có thể giúp xác định xem có bất kỳ mức độ đáp ứng nào không. Ở trẻ lớn và người lớn, bạn có thể chạm nhẹ vào vai và hỏi xem có bị sao không.

Bất cứ khi nào cần hồi sức tim phổi, nhớ gọi cấp cứu 115. Các khóa học hồi sức tim phổi hiện nay sẽ dạy cho bạn rằng trong trường hợp bạn chỉ có một mình với một trẻ không đáp ứng, bạn nên thực hiện hồi sức tim phổi khoảng 2 phút trước khi gọi người khác giúp đỡ.

Ba phần của CPR

Ba phần cơ bản của CPR là “CAB”: C (Compression) là ấn ngực, A (Airway) là đường thở, và B (Breathing) là thở.

1/ C là ấn ngực.

Ấn ngực đôi khi có thể khôi phục lại lượng máu đến tim, não, và các cơ quan khác. CPR bắt đầu với 30 lần ấn ngực, tiếp theo là hai lần hà hơi cấp cứu. Chu kỳ này được lặp đi lặp lại và tiếp tục cho đến khi trẻ hồi phục hoặc có nhân viên y tế đến. Không cần thiết phải kiểm tra các dấu hiệu lưu thông máu trước khi thực hiện kỹ thuật này.

Theo Hội Tim mạch Mỹ (AHA), lực lượng cứu hộ nên ấn ngực “mạnh, nhanh, ngay giữa ngực”. Một khóa học hồi sức tim phổi sẽ dạy bạn làm thế nào để thực hiện ấn ngực ở sơ sinh, trẻ em và người lớn, và làm thế nào để phối hợp ấn ngực với thổi ngạt.

CPR Hồi sức tim phổi - Ấn ngực

Ấn ngực – CPR – Hồi sức tim phổi (Nguồn ảnh: A.D.A.M)

2/ A là đường thở.

Sau khi ấn ngực 30 lần, đường thở của nạn nhân phải được lưu thông. Đường thở có thể bị chặn bởi lưỡi khi trẻ bất tỉnh, hoặc bị tắc nghẽn bởi đồ ăn hay dị vật đường thở do trẻ hít sặc.

Trong một khóa học CPR, học viên sẽ được học cách mở đường thở và đặt nạn nhân đúng tư thế để thổi ngạt. Khóa học sẽ bao gồm cách làm thông đường thở khi nghi ngờ trẻ hít sặc và đường thở bị tắc nghẽn.

CPR Hồi sức tim phổi - Làm thông đường thở

Làm thông đường thở – CPR – Hồi sức tim phổi (Nguồn ảnh: A.D.A.M)

3/ B là thổi ngạt.

Thổi ngạt bắt đầu sau khi đã hoàn thành 30 lần ấn ngực và đã làm thông đường thở. Khi cấp cứu đường thở, bạn phải thổi hơi qua miệng của nạn nhân, và khí sẽ đi vào buồng phổi.

Một khóa học hồi sức tim phổi sẽ nhắc lại kỹ thuật và các bước tiến hành chính xác để người cứu hộ biết cách hồi sức miệng-miệng cho sơ sinh, trẻ em và người lớn.

CPR Hồi sức tim phổi - Thổi ngạt

Thổi ngạt – CPR – Hồi sức tim phổi (Nguồn ảnh: A.D.A.M)

Tham gia một khóa học CPR

Tại Việt Nam, hiện tại vẫn chưa có nhiều khóa học CPR dành cho cộng đồng. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có những lớp huấn luyện CPR được tổ chức. Nếu muốn tham gia, bạn có thể liên lạc với bệnh viện địa phương hoặc Hội chữ thập đỏ để có thêm thông tin.

Bởi vì CPR là một kỹ năng phải được thực hành, nên tốt nhất nên lặp lại khóa học ít nhất 2 năm một lần để duy trì kỹ năng của bạn. Làm như vậy cũng giúp bạn cập nhật những thay đổi tiến bộ trong hồi sức tim phổi.

Hãy nhớ rằng, tham gia khóa học hô hấp nhân tạo có thể giúp bạn cứu sống con của bạn – hoặc cứu sống một mạng người nào đó!

Trong lúc chờ đợi tham gia một khóa huấn luyện kỹ thuật CPR, bạn có thể tham khảo thêm theo các đường link sau:

  • Video huấn luyện kỹ thuật CPR cho trẻ sơ sinh – Làm thế nào để hồi sức tim phổi cho một trẻ sơ sinh (có phụ đề Tiếng Việt)

Xem hướng dẫn: Bật phụ đề tiếng việt trên youtube tại đây

Xem thêm bài Hồi sức tim phổi (Cardiopulmonary Resuscitation - CPR) - BS.Đan Thanh & BS.Nguyên Quý

Tài liệu tham khảo

CPR (Cardiopulmonary Resuscitation) – Kidshealth.org