Thứ Sáu , 15 Tháng Ba 2024
Trang chủ Góc nhìn Miễn dịch khối u và liệu pháp miễn dịch

Miễn dịch khối u và liệu pháp miễn dịch

Bài viết thứ 59 trong 94 bài thuộc chủ đề Góc nhìn
 

Nguyên nhân khiến các khối u hình thành

ung thư phổi

Nhiều nhân tố di truyền và nhân tố từ môi trường sống có thể là nguyên nhân khiến các khối u hình thành. Ví dụ tia UV từ bức xạ mặt trời có thể phá hủy ADN và các cấu trúc khác của tế bào sản sinh sắc tố ở da (còn gọi là tế bào hắc tố hay melanocytes). Những tổn thương mãn tính do bức xạ tia UV ở tế bào da có thể là nguyên nhân gây ra đa số trường hợp ung thư hắc tố tiến triển (melanoma) – một dạng ung thư da.

Cơ chế miễn dịch tự nhiên trong ung thư

Liệu pháp miễn dịch CAR-T trong điều trị ung thư

Khối u hắc tố sẽ phát triển và cuối cùng di căn tới các cơ quan khác của cơ thể như phổi và gan. Các tế bào của hệ miễn dịch liên tục kiểm soát các mô của cơ thể. Các tế bào giết tự nhiên (còn gọi là tế bào NK) đánh hơi các phân tử liên quan đến stress từ các tế bào ung thư và các tế bào bị tổn thương.

Tế bào đuôi gai (tế bào DC) kích hoạt các tế bào T độc, sau đó thông qua thụ thể tế bào T (TCR) và các thụ thể đồng thụ thể (co-receptors) của mình, các tế bào T này có thể đánh hơi các kháng nguyên có liên quan đến khối u. Sau khi được kích hoạt các tế bào NK và tế bào T độc giải phóng perforin và granzyme. Các phân tử này châm các lỗ trên bề mặt các tế bào ung thư và khiến tế bào ung thư chết theo chương trình (apoptosis). Các tế bào T hỗ trợ (T helper cell) làm nhiệm vụ trợ giúp các đáp ứng này. Chúng giúp tế bào tua gai (DC) hoạt hóa các tế bào T độc để các tế bào T độc này sản sinh các cytokine như interferon gamma. Các cytokine do tế bào T độc sản sinh ra giúp thu hút và kích hoạt nhiều tế bào NK hơn nữa.

Biến đổi di truyền có thể khiến các tế bào ung thư tồn tại thuận lợi hơn

nguyên lý chung của liệu pháp miễn dịch

Khi khối u phát triển, những biến đổi di truyền có thể khiến các tế bào ung thư tồn tại thuận lợi hơn. Điều đó có nghĩa là các khối u thường không đồng nhất. Ví dụ, các tế bào ung thư có thể không còn biểu hiện các phân tử mà tế bào miễn dịch dùng để nhận diện ra chúng. Hệ quả là  hiệu chỉnh miễn dịch (immuno-editing) hình thành: tế bào miễn dịch tiếp tục tiêu diệt tế bào ung thư mà chúng có thể nhận diện nhưng các tế ung thư bào hệ miễn dịch không thể nhận diện sẽ không bị tiêu diệt và trở nên chiếm ưu thế. Cuối cùng dẫn tới sự hình thành khối u mà hệ miễn dịch không thể nhận diện được.

Tế bào ung thư tạo ra hệ thống miễn dịch giúp đỡ nó

Một số tế bào ung thư biểu hiện các phân tử ức chế (ví dụ PD-L1) để tích cực ức chế tế bào T. PD-L1 bám vào thụ thể PD1 trên tế bào T và bất hoạt thụ thể này. Đó là một điểm kiểm soát miễn dịch. Ngoài ra, các tế bào ung thư cũng có khả năng thu hút các tế bào miễn dịch có khả năng ức chế hoạt động của các tế bào miễn dịch khác, nhờ đó khối u có điều kiện phát triển. Các tế bào miễn dịch có khả năng ức chế miễn dịch có thể kể đến là tế bào T điều hòa (Treg) và một số dạng tế bào dạng tủy khác. Vì vậy, môi trường khối u giống như là một trận chiến giữa hai đáp ứng miễn dịch đối lập: một bên là hệ miễn dịch tấn công tế bào ung thư và một bên là các tế bào miễn dịch giúp tế bào ung thư phát triển. Các nhà khoa học đang phát triển các liệu pháp miễn dịch giúp tăng cường khả năng tấn công tế bào ung thư của hệ miễn dịch. Một trong những phương pháp được biết đến là truyền tế bào T (adoptive T cell transfer). Các tế bào T độc từ bệnh nhân mắc ung thư da sẽ được phân lập và tuyển chọn dựa trên khả năng tấn công tế bào ung thư. Các tế bào miễn dịch có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư tốt nhất sẽ được truyền trở lại cho bệnh nhân. Điều trị bằng cytokine ví dụ IL2 và IFNα cũng giúp tăng cường khả năng kháng tế bào ung thư của hệ miễn dịch. Một phương pháp khác là hướng tới các điểm kiểm soát miễn dịch bằng cách dùng kháng thể bám vào thụ thể PD1 để ngăn cản nguy cơ tế bào T độc bị bất hoạt. Một điểm kiểm soát miễn dịch khác đang được hướng tới là CTLA-4. Khi điểm kiểm soát CTLA-4 bị vô hiệu hóa, tế bào đuôi gai DC sẽ có thể phát huy khả năng tiêu diệt tế bào ung thư.

Kết quả nào cho liệu pháp miễn dịch?

Không phải tất cả mọi bệnh nhân đều đáp ứng tốt với các liệu pháp miễn dịch này. Một số trường hợp sẽ đáp ứng chậm. Kết hợp liệu pháp miễn dịch với hóa trị và xạ trị có thể làm tăng khả năng đáp ứng với điều trị ung thư ở một số bệnh nhân. Cũng có thể kết hợp các liệu pháp miễn dịch ví dụ kết hợp hai kháng thể ngăn chặn PL1 và CTLA-4 có thể giúp cải thiện đáp ứng thuốc. Sử dụng kết hợp cũng làm tăng nguy cơ bị các tác dụng phụ có hại ví dụ như các tế bào của hệ miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh. Tuy nhiên, hiện nay, sử dụng liệu pháp miễn dịch ở dạng kết hợp hiện vẫn đem lại một số kết quả hứa hẹn từ thử nghiệm lâm sàng.

Ví dụ trên tập trung vào ung thư hắc tố tiến triển (một dạng ung thư da) nhưng liệu pháp miễn dịch cũng có thể được sử dụng để điều trị nhiều bệnh ung thư khác.

Tài liệu tham khảo

https://www.technologynetworks.com/drug-discovery/videos/tumour-immunology-and-immunotherapy-308806?fbclid=IwAR08ghF5StlVvDUPduOOk5FbfJ7GGWAaNEXXMxT8dBe4Q_wu9OlQ3r-WMkE