Thứ Sáu , 17 Tháng Ba 2023
Trang chủ Góc nhìn Những người mẹ chung

Những người mẹ chung

Bài viết thứ 52 trong 94 bài thuộc chủ đề Góc nhìn
 

Kể chuyện: BS. Phạm Lương Giang

Trình bày: BS.TS. Phạm Nguyên Quý

Tôi ngồi thở sau khi nội soi bao tử cho hơn chục bệnh nhân. Chợt cô điều dưỡng vào báo với vẻ mặt đầy lo lắng: “Bác sĩ ơi, ngoài kia có mấy người muốn vào gặp bác sĩ. Em thấy họ chờ từ hồi sớm, vẻ mặt căng thẳng lắm. Bác sĩ có đồng ý cho họ vào gặp không?” Là bác sĩ ung thư, tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng có lẽ thân nhân của bệnh nặng nào đó lo lắng cho người nhà của mình. Tôi cho mời mọi người vô ngay.

Đoàn người cử người đại diện vào gặp tôi. Nhìn vẻ mặt vị ấy, tôi linh cảm có chuyện lớn rồi cho nên hai bên giáp mặt mà…bối rối một hồi chẳng nói năng chi. Rồi tôi rụt rè cất tiếng lên trước. “Xin lỗi, chú gặp cháu có chuyện gì không?”

Ông trưởng đoàn giọng đầy căng thẳng, ngập ngừng: “Có…ờ ờ, thưa bác sĩ…ừ ờ… Có chuyện hệ trọng như thế này, nếu có gì không đúng thì xin bác sĩ bỏ qua…Tôi có người chị tên là …mà gia đình tôi ai cũng rất thương chị ấy. Trước khi chị mất, chị có tâm sự lại rằng chị đã tìm lại được đứa con của mối tình đầu (cũng là tình cuối, vì từ đó chị ở độc thân chăm sóc cha mẹ và chăm lo đàn em). Đứa con chị đã để theo cha giờ trở thành bác sĩ, và đó …chính là… bác sĩ đó”. Nói đến đây ông ngưng và nhìn tôi với ánh mắt dò xét.

Trong đầu tôi rối bời vì cảm động và bối rối, nhưng không hiểu nét mặt mình lúc đó như thế nào. Còn gì cảm động hơn khi có bệnh nhân đã âm thầm thương mình như con đẻ và thương cho đến lúc lìa đời vẫn còn thương. Thật bối rối vì không biết dùng từ gì, bắt đầu thế nào để giải thích cho những người trước mặt tôi, cả một gia đình lớn còn ở ngoài kia không hụt hẫng thất vọng. Ông đại diện tiếp lời: “Bác sĩ ơi, chúng tôi không phải là những kẻ thấy người sang bắt quàng làm họ. Hiện tại gia đình tôi rất thành đạt, chúng tôi muốn đưa con chị của mình về chia cho một phần gia tài để tỏ lòng biết ơn và thương yêu chị mình”.

Tôi biết họ rất thực lòng qua nét mặt, dáng người và giọng miền tây. Có lẽ vì cảm động mà mắt tôi ngấn lệ. Tôi loay hoay bày tỏ sự cảm động và biết ơn bệnh nhân và gia đình đã dành cho mình tình cảm quý báu. Tôi giải thích có thể bệnh nhân rất yêu quý bác sĩ của mình cộng thêm bị ảo giác do dùng thuốc giảm đau nên mới có lời như vậy. Mọi người không tin vì thấy tôi cũng có nét của chị và tình cảm ngọt ngào y chang. Hơn nữa, bà tỉnh táo hoàn toàn, sắp đặt mọi chuyện rất sáng suốt cho đến lúc mất. Mặc tôi dùng đủ lý lẽ giải thích, họ vẫn năn nỉ tôi về hỏi kỹ lại ông già xem có gì uẩn khúc giữ kín chi không. Cuối cùng, sau một loạt lý lẽ của tôi, mọi người đứng lên chào ra về với dáng vẻ tần ngần, chưa thông cho lắm.

Nghề bác sĩ ung thư thật đẹp và ý nghĩa. Ngoài những ca bệnh hiểm nghèo được chữa khỏi, có nhiều tình huống người bác sĩ chỉ giúp được chút ít cho bệnh nhân về mặt bệnh lý: giảm đau, đỡ mệt mỏi, chống ho, chống chảy máu và kéo dài đời sống thêm vài tháng hoặc vài tuần. Nhưng lợi ích về mặt tinh thần, tâm linh lại có thể là vô cùng to lớn. Như trường hợp tôi vừa kể, chỉ có người bác sĩ chứ không ai khác, mới có thể tác động đến tâm linh, mới có thể giúp bệnh nhân cảm thấy được tình cảm thiêng liêng – tình mẫu tử. Tôi đã giúp cho bệnh nhân của tôi được ấm áp tâm hồn và sống một kiếp người được thêm trọn vẹn.

*******

Mẹ anh cùng quê với tôi. Bà bác có nét mặt, dáng người phúc hậu, giọng nói hiền hòa êm dịu. Anh mời tôi đến điều trị cho mẹ. Anh kể tôi nghe ngày chiến tranh bố anh công tác nơi xa, mẹ là người che chở duy nhất của đàn con. Khi có báo động máy bay ném bom, Bà kéo các con xuống hầm rồi dang tay ôm các con vào ngực, lấy thân che lên trên như gà mẹ che chở cho đàn gà con. Tôi nhận lời vì gặp một người đồng cảm, là những thằng con trai vô cùng thương mẹ. Sau ba lần thăm khám, Bà nhìn tôi với ánh mắt thân thương “Sao Anh lại quen biết được bác sĩ hay quá vậy! Thôi, hai anh em kết nghĩa anh em đi.”

Tôi cảm động nhận lời “Vâng, chúng con là hai anh em, mẹ là mẹ của con”. Bà quay sang Anh và nói “Em của con đấy, con phải chăm sóc cho em trai nhé”. Khi tôi chào ra về, Mẹ dịu dàng nói với tôi một câu in sâu trong miền nhớ, rất nhiều khi vọng về trên bước đời của mình: “Ừ thôi anh về, khi nào rảnh anh đến ngay nhé. Mẹ trông!”.

Người bác sĩ ung thư tác động tích cực đến tình cảm và tâm hồn sâu thẳm của bệnh nhân, bằng tác phong tình cảm và sự tận tuỵ của mình. Người bác sĩ ung thư có thể nghèo về vật chất, nhưng rất giàu về tình nghĩa cho nên có thể mang đến cho người khác và mang về cho chính bản thân mình những đoạn đời rất đẹp, rất đáng sống.

*******

Hai mẹ con em đến thăm tôi trong khoa. Nói đúng ra là Dì lên tái khám định kỳ. Nhưng bệnh nhân và bác sĩ đã như người nhà. Dì đã trị khỏi bệnh ung thư rồi nên việc tái khám từ lâu đã trở thành dịp Dì lên thăm tôi mà thôi. Có khi thăm tôi vào cuối tuần, hai dì cháu lại đi ăn nhà hàng hoặc uống cà phê; đương nhiên vai con cháu nên tôi thường là người trả.

Dì quý tôi và tin tôi ngay từ lần đầu gặp mặt. Trong thâm tâm, Dì và tôi luôn nghĩ mình thực sự là hai mẹ con. Dì ngang tuổi mẹ tôi, là nhà giáo, rất tế nhị, nên vẫn luôn gọi tôi là bác sĩ và xưng dì. Nhưng Dì gọi “Bác sĩ ơi” bằng một giọng miền Nam rất ngọt ngào, trìu mến.

“Mẹ em thương anh lắm đấy, từ lâu rồi mẹ thường kể về anh và nhắc đến anh. Hôm nay em lên thăm và cám ơn anh”. “Ừ, anh biết, và anh cũng rất thương Dì!”. Lúc chia tay, tôi và dì lại làm động tác như mọi khi, làm con gái Dì hơi sững người và ngỡ ngàng. Tôi hôn lên hai má dì và dì hôn lên trán tôi thay cho lời chào tạm biệt.

Sự yêu thương, lòng nhân ái có một vai trò quan trọng trong việc giúp bệnh nhân ung thư chiến thắng căn bệnh quái ác này.

Đây không phải là vài chuyện hiếm hoi. Trong thời gian hành nghề y, tôi đã được rất nhiều người và nhiều gia đình yêu thương như vậy. Ngược lại, tôi cũng yêu và thương rất nhiều người, yêu mến cuộc sống quanh mình, yêu nghề của mình và yêu đất nước mình…đắm đuối mãnh liệt chẳng kém. Trái tim thì nhỏ bé, thời gian lại rất hữu hạn mà người yêu thì lắm. Do đó, việc thể hiện sự yêu người đôi khi chỉ mờ nhạt ở bề nổi. Thật ra, tình yêu mà bác sĩ dành cho bệnh nhân và người thân luôn rực cháy âm thầm trong thế giới nội tâm với tất cả niềm vui, nỗi buồn, hào hứng và day dứt. Tôi đã sống với mọi người bằng cả tấm lòng, mặc dù ít ai biết có một lý do quan trọng đã xảy ra trước đây, tự nhiên hướng tôi vào lối sống chân thành đó…

*******

MẸ TÔI

“Mẹ ơi!” Tôi bàng hoàng, đau xót thốt lên khi biết mẹ mình bị ung thư phổi di căn xương toàn thân và hạch cổ hai bên, không trị được gì cả nữa rồi. Dù là một bác sĩ trị ung thư, tôi chẳng khác gì mọi người, cũng tê tái và shock nặng khi nhận hung tin đó. Tôi không nói cho Mẹ tôi biết, chỉ nhiều khi chảy nước mắt ròng ròng và chạy loanh quanh bất lực, vô hồn trên những đường phố Sài Gòn.

Những kỷ niệm xưa cứ ùa về, càng thương Mẹ nhiều, càng đau khổ dữ. Ngày xưa, Mẹ ngâm Kiều và à ơi ru các em tôi. Những ngày mùa đông giá lạnh, Mẹ ngồi đan áo len cho chồng con. Buổi trưa nắng lên, mặt sông bốc mờ sương Mẹ lại gánh áo quần của cả nhà ra bờ sông giặt. Nước càng trong, càng giá lạnh, tôi biết bàn tay Mẹ lạnh buốt lắm… Tôi có những tháng ngày tích cực phụ Mẹ nuôi heo, nuôi gà vịt và trồng rau cải thiện bữa ăn gia đình. Chính những công việc đó đã cho tôi những phút giây lý thú, tình yêu thiên nhiên khi nhìn từng tàu lá cải xanh thẫm, nụ hoa bí, hoa mướp vàng xinh tươi và những chú heo háu ăn da căng lông mượt. Những ngày Chủ nhật tôi đã thường vào rừng kiếm củi để nấu bếp. Do nhiều người cùng kiếm như vậy, củi càng ngày càng khan hiếm. Có những hôm vào rừng từ sáng sớm, một hai giờ chiều tôi mới gánh củi ra. Bụng đói meo, hai chân run rẩy bước trên đường mòn ngoằn nghèo 5-7 km chạy ngang triền núi. Mẹ mang cơm vào rừng cho tôi ăn và gánh đỡ cho tôi. Tôi là thằng tham, cố mang thật nhiều củi về cho Mẹ, nên gánh củi của tôi lớn và nặng lắm. Nhìn xa tôi cứ như con kiến tha cái tàu lá lớn. Mẹ tôi chỉ cao 1m53, nhỏ nhắn vậy mà cứ giành gánh giúp cho con. Tôi thấy vậy, không chịu lại giành lấy gánh củi từ vai Mẹ. Đến khi tôi là bác sĩ, tuy hoàn cảnh còn rất khó khăn tôi vẫn có cơ hội chở Mẹ đi may áo dài ở nhà may có tiếng. Đó là khi tôi thấy ánh mắt Mẹ sáng ngời hạnh phúc. Hai mẹ con san sẻ nhiều kỷ niệm sâu sắc, tình mẫu tử thật là bền chặt.

Vậy mà bây giờ…!!!

Chỉ chích thuốc giảm đau và nói dối giấu Mẹ hoài thì không ổn. Phải làm cái gì chứ, mình là bác sĩ ung thư mà! Chả nhẽ Mẹ sinh ra thằng con trai, rồi nó là bác sĩ trị ung thư mà lại vô dụng vậy sao? Tôi trăn trở suy nghĩ. Bình tĩnh lại, tôi nhớ ra rằng ai rồi cũng có lúc phải xa cái cõi đời này, xa người thân yêu ruột thịt của mình. Không chết vì bệnh này thì chết vì bệnh khác, có cả tỉ lý do làm con người ta phải chết. Sống được một năm hay trăm năm, thực chất đều là con số không, khi so với cái thời gian dài vô tận của sự tồn tại vũ trụ.

Điều quan trọng là sống như thế nào và chết như thế nào. Tôi không được chứng kiến ngày Mẹ sinh ra đời, nhưng tôi đã quyết giúp Mẹ tôi có một lần ra đi thật yên bình và thật đẹp. Tôi huấn luyện cho thằng em cách chích thuốc giảm đau để nó chích cho Mẹ khi tôi đi làm. Tối về hai anh em ngủ hai bên Mẹ để mẹ cần gì là chồm dậy làm ngay. Quan trọng nhất là tôi nằm bên Mẹ để điều trị tâm linh cho Mẹ. Dần dần, dù tôi chưa bao giờ nói ra, nhưng Mẹ tôi cũng tự hiểu mình bị nan y không qua khỏi.

Nhưng Mẹ đã cực kỳ bình tĩnh. Có một lần tôi hỏi “Mẹ ơi, bây giờ mẹ còn gì muốn nói với con không”. Mẹ gửi lời thương yêu đến con dâu cả của mẹ (vợ tôi) đang tu nghiệp bên Pháp. Rồi ôn tồn trả lời rằng “Đến bây giờ mẹ thấy không có gì là cần nữa cả. Đối với mẹ tất cả những yêu thương hay thù ghét, sung sướng hay đau khổ trong những tháng ngày đã qua đều là vô nghĩa như nhau. Bởi vậy, các con đang sống ngày nào thì hãy sống vui và hãy thương yêu nhau bằng cả tấm lòng đi. Với những ai đã làm gì không phải với mẹ con mình, các con hãy vì mẹ mà bỏ qua hết đi”. Tôi may mắn là đã luôn sát bên Mẹ từ khi tôi chào đời đến lúc Mẹ ra đi. Những đêm ngày cuối, ngồi bên Mẹ, tôi nhìn bờ môi này đã hôn tôi và khi xưa từng gọi thằng chó con này là “dòng sông của mẹ”. Chúng tôi là kết quả của tình yêu Bố Mẹ, cả đời Mẹ đã đam mê chăm sóc cho tình yêu đó. Nhiều đêm tôi ôm hai bàn tay của Mẹ vào ngực mình, áp vào má mình rồi tôi hôn tay Mẹ hoài hoài. Nước mắt tôi chảy ướt đẫm hai bàn tay Mẹ. Bởi hai bàn tay xanh xao gầy guộc này, khi xưa là đôi bàn tay thiếu nữ đã ôm ấp nâng niu tôi, cho tôi bú những dòng sữa thơm và ngọt ngào.

Đến một hôm, Mẹ nói với tôi mẹ thấy có hai nhà sư rất đẹp tướng đến báo với mẹ rằng đã đến lúc mẹ ra đi. Hai nhà sư dẫn mẹ ra nhìn một cánh đồng cỏ xanh ngát đến tận chân trời và một con đường rất đẹp dẫn đến phía chân trời xa ngút đó. Mẹ nói tôi mời hai người thân đến. Mẹ nói với chú kết nghĩa của tôi (là người tu tại gia): “Chị đã đến giờ phải ra đi, chị nhờ em lo chuyện hậu sự cho chị nhé”. Mẹ lại dặn người bác gái thân nhất “Mình đã đến lúc phải ra đi, nhờ N ở lại thỉnh thoảng đến chăm lo cho các cháu giúp mình”. Tôi nói với Mẹ: “Mẹ cứ yên lòng ra đi, con tin rằng sẽ có đức Phật đến tiếp dẫn mẹ về cõi Phật. Anh em con ở lại sẽ sống đúng theo những gì Mẹ đã dặn. Đối với chúng con, Mẹ không bao giờ ra đi, vì dòng máu trong tim chúng con là dòng máu của Mẹ, tâm hồn chúng con là tâm hồn của Mẹ. Mẹ luôn còn đây và còn mãi trong chúng con”.

Ngày hôm sau, linh tính báo cho tôi biết là hôm nay Mẹ sẽ ra đi. Tôi xin nghỉ việc về nhà sớm hơn. Đến chiều Mẹ tôi trở nên khó thở. Tôi gọi tất cả các em quay về và mời sư trên chùa Nam tông đến đọc kinh bằng tiếng Pali. Đến lúc đó tôi ghé môi vào tai Mẹ, thì thầm với mẹ rằng:

“Mẹ ơi!” “Ừ”, mẹ tôi hước hước trả lời. “Con xin lỗi Mẹ, vì Mẹ bị nan y mà con không giúp được gì”. “Ừ”, Mẹ lại đáp. “Nhưng bây giờ là lúc đức Phật đang đến”. “Ừ”. “Chúng con mừng Mẹ được trở về cõi Niết Bàn, Mẹ yên tâm nhé, chúng con yêu Mẹ”. Mẹ tôi “Ừ” lần cuối rồi hơi thở nhẹ dần. Trong tiếng kinh cầu Mẹ chìm vào giấc ngủ nghìn thu…

Khi người ta có trải nghiệm bị mất mát một thứ quý giá nhất trên đời, sẽ thấy mất mát những thứ còn lại đều là chuyện nhỏ. Tôi mất Mẹ, tôi trở nên dễ dàng chia sẻ, chia sẻ vô tư với mọi người. Tôi lại có được người bạn đời ý hợp tâm đồng, đó là một điều kiện quý giá để ước muốn sẻ chia trở thành những việc làm cụ thể. Chúng tôi đã sống với cuộc đời bằng cả tấm lòng mình. Chính sống như vậy, chúng tôi được cuộc đời tưởng thưởng bằng một tâm hồn thanh thản và hạnh phúc.

Điều trị tâm linh cho mẹ đẻ mình, tôi không mất mẹ về khía cạnh tâm linh. Không những thế, tôi lại còn có thêm rất nhiều người mẹ và cả nhiều người thân như ruột thịt trong thời gian thực hành y khoa. Có thể nói rằng điều trị tâm linh là cách giúp tôi và mọi người sống cho kiếp này và cả những kiếp sau.

Những người mẹ chung

Nguồn: https://www.outdoorartpros.com/products/mother-and-child-cast-stone-garden-statue

Rồi sẽ được ngày sống mãi bên nhau

Không còn đớn đau, không buồn rớt lệ

Mình lạ thành thân như cùng một mẹ

Hạnh phúc muôn người chung một trời quê

Còn đợi ngày về xin đến trao nhau

Trái tim tình yêu nụ cười khích lệ

Bàn tay chung tay hiền như lòng mẹ

Hát lên tình người muôn kiếp ta nghe