Thứ Ba , 5 Tháng Mười Hai 2023
Trang chủ Thuốc Tra cứu thuốc Phụ lục 2: Dùng thuốc trong thời kỳ mang thai

Phụ lục 2: Dùng thuốc trong thời kỳ mang thai

 

Trong thời kỳ mang thai, người mẹ và thai nhi hợp thành một đơn vị chức năng không thể tách rời. Tình trạng sức khỏe của người mẹ là điều kiện tiên quyết cho sự hoạt động và phát triển của thai. Vì vậy điều quan trọng là phải điều trị tốt cho người mẹ khi có nhu cầu, đồng thời bảo vệ cho thai ở mức cao nhất có thể.

Thuốc có thể gây hại cho thai ở bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ. Cần luôn nhớ điều đó khi kê đơn cho người ở tuổi mang thai. Tuy nhiên sợ dùng thuốc một cách phi lý trong thời kỳ mang thai cũng có thể có hại, thí dụ bệnh không được điều trị, người mẹ kém tuân thủ dùng thuốc, điều trị không tốt hoặc thất bại. Tất cả những điều đó có thể có hại cho sức khoẻ người mẹ và ảnh hưởng xấu đến thai.

Trong ba tháng đầu thai kỳ, thuốc có thể gây dị tật bẩm sinh (gây quái thai). Nguy cơ cao nhất là từ tuần thứ ba đến tuần thứ mười một của thai. Trong ba tháng giữa và cuối của thai kỳ, thuốc có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển chức năng của thai hoặc độc hại cho mô thai. Thuốc cho sát ngày thai đến hạn hoặc trong lúc chuyển dạ có thể tác dụng xấu đến chuyển dạ hoặc đến trẻ sơ sinh. Một số thuốc đã được kết luận gây quái thai ở người, nhưng không có một thuốc nào được coi chắc chắn là an toàn trong thời kỳ đầu mang thai.

Thuốc chỉ được kê đơn trong thời kỳ mang thai khi lợi ích đối với người mẹ lớn hơn nguy cơ đối với thai. Nếu có thể, phải tránh dùng mọi thuốc trong ba tháng đầu. Khi kê đơn, nên chọn các thuốc đã được dùng rộng rãi trong thời kỳ mang thai và thường được coi là an toàn hơn là kê đơn thuốc mới còn ít được thử thách. Phải dùng liều thấp nhất có hiệu quả, nên dùng những thuốc đơn thành phần đã biết rõ hơn là dùng các thuốc đa thành phần.

Các thuốc trong bảng dưới đây bao gồm một số thuốc có thể có hại trong thời kỳ mang thai và nêu rõ những tháng nào có nguy cơ. Các thông tin trong bảng này chỉ dùng như một hướng dẫn. Những thuốc không ghi trong bảng này thì không có nghĩa là những thuốc đó đã an toàn.

Bảng các thuốc nên tránh hoặc sử dụng thận trọng trong thời kỳ mang thai.

Thuốc Khuyến cáo
Abacavir Độc tính trong nghiên cứu trên động vật.
Acetazolamid Không được dùng để điều trị tăng huyết áp ở người mang thai. Ba tháng đầu thai kỳ: Tránh dùng (độc tính trong nghiên cứu trên động vật).
Acenocoumarol (Sintrom) Tất cả các giai đoạn của thai kỳ. Dị dạng bẩm sinh, chảy máu bào thai và trẻ sơ sinh.
Aciclovir Chưa biết các tác hại; ít hấp thu đối với các chế phẩm dùng ngoài.
Acid acetylsalicylic (aspirin) Ba tháng đầu của thai kỳ: Làm suy giảm chức năng tiểu cầu và có nguy cơ chảy máu; làm chậm chuyển dạ, kéo dài thời gian đau đẻ và tăng mất máu; tránh dùng với liều giảm đau, nếu có thể, trong những tuần cuối của thai kỳ (liều thấp có thể không  gây hại); với liều cao có thể gây đóng sớm ống động mạch của bào thai trong tử cung và có thể gây tăng áp lực động mạch phổi kéo dài cho trẻ sơ sinh; vàng da nhân não trên trẻ sơ sinh bị chứng vàng da.
Acid alendronic (biphosphonat) Nhà sản xuất khuyến cáo nên tránh dung
Acid ascorbic (vitamin C) Vitamin C liều cao có thể làm tăng nhu cầu về vitamin C ở thai nhi dẫn đến bệnh scorbut ở trẻ sơ sinh.
Acid cromoglicic Xem natri cromoglicat
Acid fusidic (natri fusidat) Chưa rõ có gây độc không, nhà sản xuất khuyên chỉ nên dùng khi thật cần thiết, lợi nhiều hơn hại
Acid nalidixic Tất cả các giai đoạn của thai kỳ: tránh dung – bệnh khớp khi nghiên cứu trên động vật; sử dụng các thuốc thay thế an toàn hơn nếu có
Acid tranexamic Không có chứng cứ về gây quái thai khi nghiên cứu ở động vật, nhà sản xuất khuyên chỉ dùng khi lợi ích cho mẹ vượt hẳn nguy cơ cho thai – thuốc qua nhau thai
Acid valproic Ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kỳ: tăng nguy cơ khuyết tật ống thần kinh (tư vấn và sàng lọc-bổ sung acid folic có khả năng làm giảm nguy cơ); nguy cơ gây quái thai lớn hơn nếu dùng từ 2 thuốc chống động kinh trở lên; chảy máu sơ sinh (liên quan đến giảm fibrin máu) và nhiễm độc gan sơ sinh; xem mục 5.1 (valproat natri)
Adefovir dipivoxil Có độc tính khi nghiên cứu ở động vật – Nhà sản xuất khuyên chỉ nên dùng khi lợi ích cho mẹ vượt hẳn nguy cơ cho thai; phải dùng biện pháp tránh thai hữu hiệu trong khi dùng thuốc
Albendazol Chống chỉ định trong nhiễm sán dây; xem mục 6.1.1.1 Ba tháng đầu thai kỳ: Tránh dùng khi nhiễm giun tròn; xem mục 6.1.1.2
Alcuronium Chưa qua được nhau thai với lượng đáng kể; chỉ sử dụng nếu lợi ích vượt hơn rủi ro.
Alimemazin (trimeprazin) Không có chứng cứ gây quái thai
Alopurinol Không có báo cáo về độc tính; chỉ sử dụng khi không có thuốc an toàn hơn và bệnh gây nguy cơ cho cả mẹ lẫn con
Amilorid Không sử dụng để điều trị tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai
Aminophylin Ba tháng cuối thai kỳ: Kích thích và ngừng thở ở trẻ sơ sinh đã được báo cáo.
Amitriptylin Các nhà sản xuất khuyến cáo tránh dùng trừ khi thật cần thiết, đặc biệt ở ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kỳ
Amlodipin Chưa có đủ thông tin. Các nhà sản xuất khuyến cáo tránh dùng.
Amodiaquin Chỉ dùng nếu không có thuốc nào an toàn Hơn
Amoxicilin Chưa biết rõ tác hại
Amoxicilin + Acid clavulanic Chưa biết rõ tác hại
Amphotericin B Chưa biết rõ tác hại, chỉ dùng nếu lợi ích lớn hơn rủi ro
Ampicilin Chưa biết tác hại
Artemether Tránh dùng trong ba tháng đầu thai kỳ
Artemether + Lumefantrin Tránh dùng. Độc tính nghiên cứu trên động vật cùng artemether
Artesunat Ba tháng đầu thai kỳ: Tránh dùng
Asparaginas Tránh dùng. Xem mục 8.2
Atenolol Có thể gây chậm phát triển trong tử cung, hạ glucose – huyết ở trẻ sơ sinh và nhịp tim chậm; rủi ro lớn hơn trong tăng huyết áp nặng; Xem mục 12.3
Alteplase Xem streptokinase
Atropin Không biết rõ tác hại
Alverin Dùng phải thận trọng khi mang thai
Amantadin Tránh dùng, độc tính khi nghiên cứu trên động vật
Amikacin Xem aminoglycosid
Aminoglycosid Tổn thương dây thần kinh thính giác hoặc tiền đình. Nguy cơ cao nhất với strepto- mycin; nguy cơ có thể thấp hơn nếu dùng gentamicin và tobramycin, nhưng tránh dùng trừ khi thật cần (nếu dùng, phải nhất thiết giám sát nồng độ aminoglycosid trong huyết thanh)
Amiodaron 3 tháng thứ 2 và thứ 3 thai kỳ: nguy cơ có khả năng bướu giáp ở trẻ sơ sinh, chỉ dùng khi không có thuốc thay thế
Amlodipin Có thể ức chế chuyển dạ đẻ; theo nhà sản xuất, dilthiazem và một số dihydropyridin (amlodipin là dẫn chất của dihydropyridin) có thể gây quái thai ở động vật, nhưng cần phải cân nhắc giữa nguy cơ đối với thai nhi và nguy cơ tăng huyết áp không được kiềm chế ở người mẹ
Atorvastatin Tránh dùng – Đã có thông báo dị dạng bẩm sinh; giảm tổng hợp cholesterol có thể tác động đến phát triển của thai nhi
Azathioprin Các bệnh nhân được ghép tạng không được ngừng sử dụng azathioprin khi có thai; sử dụng trên phụ nữ mang thai phải được theo dõi tại cơ sở chuyên khoa; không có bằng chứng azathioprin gây quái thai
Azithromycin Chỉ sử dụng khi lợi ích lớn hơn rủi ro
Bạc sulfadiazin Ba tháng cuối thai kỳ: tan máu và methe- moglobin – huyết ở trẻ sơ sinh; Nguy cơ tăng vàng nhân não xuất hiện ở thai nhi chưa được tìm thấy.
Beclometason Lợi ích điều trị lớn hơn rủi ro, ví dụ trong bệnh hen
Benzathin  benzylpenicilin Không biết rõ tác hại
Benzimidazol Tránh dùng ba tháng đầu thai kỳ.
Benzylpenicilin Không biết rõ tác hại
Betamethason Lợi ích điều trị lớn hơn rủi ro, ví dụ trong bệnh hen
Biperiden Không biết có gây độc hại cho thai nhi không. Chỉ dùng khi thật cần thiết
Bisacodyl Chưa thấy nguy cơ
Bismuth subcitrat Chưa có nghiên cứu về tác hại đối với thai nhi
Bleomycin Tránh dùng (gây quái thai và ung thư khi nghiên cứu trên động vật); Xem mục 8.2
Bupivacain Ba tháng cuối thai kỳ: Với liều cao, suy hô hấp, giảm trương lực cơ và nhịp tim chậm ở trẻ sơ sinh sau khi phong bế vùng cạnh cổ tử cung hoặc ngoài màng cứng
Calci folinat Nhà sản xuất khuyến cáo chỉ dùng khi lợi ích lớn hơn rủi ro
Calcipotriol Nhà sản xuất khuyên tránh dùng nếu có thể
Calcitriol Nhà sản xuất khuyên tránh dùng calcitriol bôi tại chỗ. Liều cao vitamin D uống hoặc tiêm gây quái thai ở động vật nhưng khi dùng liều điều trị ít khả năng gây độc
Captopril Tránh dùng, có thể tác động xấu đến huyết áp về chức năng thận ở thai nhi và trẻ sơ sinh, cũng có thể gây khuyết tật ở sọ và ít nước ối; độc tính khi nghiên cứu ở động vật
Carbamazepin Ba tháng đầu thai kỳ: nguy cơ quái thai, kể cả nguy cơ tăng rủi ro về các khuyết tật ống thần kinh (tư vấn, sàng lọc và khuyến cáo bổ sung folat thích hợp, ví dụ 5 mg hàng ngày); nguy cơ gây quái thai lớn hơn nếu dùng nhiều hơn một loại thuốc chống động kinh; xem Mục 5. Ba tháng cuối thai kỳ: có thể gây thiếu vita- min K và nguy cơ chảy máu sơ sinh nếu không tiêm vitamin K khi đẻ, cần theo dõi chặt chẽ dấu hiệu chảy máu của trẻ sơ sinh.
Carboplatin Tránh dùng (gây quái thai và độc cho phôi khi nghiên cứu ở động vật)
Cefaclor Không biết có gây độc không
Cefadroxil Không biết có gây độc không
Cefazolin Không độc hại
Cefotaxim Chưa biết tác hại
Cefpirom Chưa thấy có nguy cơ gây quái thai ở động vật
Cefradin Thường được coi là an toàn
Ceftazidim Không biết tác hại
Ceftriaxon Không biết tác hại
Cefuroxim Chưa biết có độc hại không
Cetirizin Xem alimemazin
Ciclosporin ít có kinh nghiệm sử dụng ciclosporin ở người mang thai, nhưng không gây hại hơn azathioprin; sử dụng trên người mang thai phải được theo dõi ở các cơ sở chuyên khoa.
Cimetidin Nhà sản xuất khuyên tránh dùng trừ khi thật cần.
Ciprofloxacin Tránh dùng trong suốt thai kỳ; gây các bệnh về khớp khi nghiên cứu trên động vật; nên sử dụng các thuốc an toàn hơn nếu có.
Cisplatin Tránh dùng (gây quái thai và độc khi nghiên cứu trên động vật).
Clarithromycin Nhà sản xuất khuyên tránh dùng trừ khi tiềm năng lợi ích điều trị lớn hơn rủi ro
Clindamycin Không rõ tác hại
Clomifen Có khả năng tác động trên sự phát triển bào thai
Clomipramin Nhà sản xuất khuyến cáo tránh dùng, trừ khi cần thiết, đặc biệt trong ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kỳ.
Clonazepam Tránh dùng thường xuyên (nguy cơ hội chứng cai thuốc sơ sinh); chỉ sử dụng khi có chỉ định rõ ràng, ví dụ để khống chế cơn động kinh (liều cao cuối thai kỳ hoặc trong khi chuyển dạ có thể gây hạ nhiệt, giảm trương lực cơ và suy hô hấp ở trẻ sơ sinh).
Clorambucil Tránh dùng; phải sử dụng các thuốc tránh thai có hiệu quả khi chỉ định clorambucil cho nam giới và phụ nữ; xem mục 8.2
Cloramphenicol Ba tháng cuối thai kỳ: Hội chứng “xám” ở trẻ sơ sinh
Clormethin Tránh dùng; xem Mục 8.2
Cloroquin Ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kỳ: lợi ích dự phòng và điều trị lớn hơn rủi ro; xem thêm Mục 6.6.4
Clorphenamin Không có bằng chứng gây quái thai
Clorpromazin Ba tháng cuối thai kỳ: đôi khi có các báo cáo về tác dụng ngoại tháp ở trẻ sơ sinh
Clotrimazol (Dùng tại chỗ) chưa có đủ số liệu. Trong 3 tháng đầu, chỉ dùng khi thật cần thiết
Cloxacilin Không biết rõ tác hại
Codein Ba tháng cuối thai kỳ: Suy hô hấp trẻ sơ sinh; hội chứng cai thuốc ở trẻ sơ sinh có mẹ nghiện codein; ứ đọng ở dạ dày và nguy cơ viêm phổi do hít phải chất nôn khi bà mẹ chuyển dạ
Colchicin Tránh dùng – gây quái thai khi nghiên cứu trên động vật.
Thuốc uống tránh thai Bằng chứng dịch tễ học cho thấy không có tác hại trên bào thai
Cyclophosphamid Tránh dùng (sử dụng thuốc tránh thai có hiệu quả trong khi sử dụng và ít nhất 3 tháng sau khi sử dụng cho nam và nữ); xem Mục 8.2
Cytarabin Tránh dùng (gây quái thai trên động vật nghiên cứu); xem Mục 8.2
Dacarbazin Tránh dùng (gây ung thư và quái thai trên động vật nghiên cứu); bảo đảm tránh thai có hiệu quả trong khi dùng thuốc và ít nhất 6 tháng sau khi điều trị cho cả nam và nữ; xem Mục 8.2
Dactinomycin Tránh dùng (gây quái thai trên động vật nghiên cứu)
Dapson Ba tháng cuối thai kỳ: Tan máu và methe- moglobin – huyết ở trẻ sơ sinh; cho bà mẹ uống 5 mg acid folic hàng ngày
Daunorubicin Tránh dùng (gây quái thai và ung thư ở động vật nghiên cứu); xem Mục 8.2
Deferoxamin Tác dụng gây quái thai ở động vật nghiên cứu; nhà sản xuất khuyến cáo chỉ sử dụng khi lợi ích lớn hơn rủi ro
Desmopressin Trong 3 tháng cuối, tác dụng gây yếu gây co bóp tử cung (trợ đẻ), tăng nguy cơ tiền sản giật
Dexamethason Trong điều trị hen, lợi ích lớn hơn rủi ro; nguy cơ làm bào thai chậm phát triển trong tử cung khi điều trị toàn thân lặp lại nhiều lần hoặc kéo dài; dự phòng corticoid cần thiết cho bà mẹ trong khi chuyển dạ; cần theo dõi chặt chẽ khi có hiện tượng giữ nước
Dextran Tránh dùng – đã có những thông báo vì phản ứng phản vệ ở mẹ gây thiếu oxy, tổn thương thần kinh và tử vong cho thai nhi Trong 3 tháng cuối, ức chế hô hấp thai nhi, hội chứng cai thuốc ở trẻ sơ sinh có mẹ nghiện thuốc phiện; ứ đọng ở dạ dày và có nguy cơ viêm phổi do hít phải chất nôn ở người mẹ trong thời gian chuyển dạ đẻ. Xem tramadol
Dextromethorphan Tránh dùng thường xuyên (nguy cơ có triệu chứng cai thuốc ở trẻ sơ sinh)
Diazepam Chỉ dùng khi có chỉ định rõ ràng như để khống chế cơn co giật (liều cao cuối thai kỳ hoặc khi chuyển dạ có thể gây hạ thân nhiệt, giảm trương lực cơ và ức chế hô hấp ở trẻ sơ sinh).
Diclofenac Phần lớn các nhà sản xuất khuyên không nên dùng (hoặc tránh dùng trừ khi tiềm năng lợi ích điều trị vượt rủi ro). Trong 3 tháng cuối, nếu dùng đều đặn, ống động mạch bào thai đóng sớm trong tử cung và có thể có tăng áp lực phổi kéo dài ở trẻ sơ sinh. Chuyển dạ bắt đầu muộn và kéo dài
Didanosin Tránh dùng nếu có thể được ở ba tháng đầu thai kỳ; tăng nguy cơ nhiễm acid lactic và nhiễm mỡ; xem Mục 6.7.
Diethylcarbamazin Tránh dùng: hoãn dùng cho đến sau khi đẻ
Digoxin Cần điều chỉnh liều
Diloxanid Trì hoãn điều trị cho đến sau ba tháng đầu của thai kỳ
Diltiazem Tránh dùng
Dithranol Có thể hấp thu toàn thân; chưa biết có độc hại không
Dobutamin Chưa nghiên cứu đầy đủ, chỉ dùng khi thật cần.
Domperidon Nhà sản xuất khuyên tránh dùng
Dopamin Chưa biết có độc hại không
Doxorubicin Tránh dùng (gây quái thai và gây độc trong nghiên cứu trên động vật); với chế phẩm liposom phải dùng thuốc tránh thai có hiệu quả trong khi dùng thuốc và ít nhất 6 tháng sau cho cả nam và nữ; xem Mục 8.2
Doxycyclin Ba tháng đầu thai kỳ: Tác động xấu đến phát triển bộ xương trên động vật nghiên cứu. Ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ: biến đổi màu men răng; nhiễm độc gan cho mẹ với liều cao
Efavirenz Tránh dùng (nguy cơ cao gây quái thai); xem Mục 6.5.2
Enalapril Trong suốt thời kỳ mang thai: Tránh dùng; ảnh hưởng bất lợi trên huyết áp và chức năng thận của bào thai và trẻ sơ sinh, có thể gây khuyết tật sọ và chứng ít dịch ối; độc tính trên động vật nghiên cứu
Ephedrin Tăng tần số tim bào thai được báo cáo khi dùng ephedrin đường tiêm
Epinephrin (Adrenalin) Qua nhau thai, nhưng không gây dị dạng ở thai nhi
Ergocalciferol Liều cao có thể gây quái thai trên động vật thí nghiệm, nhưng liều điều trị không gây tác hại
Ergometrin Tránh dùng trong thời kỳ mang thai (gây co cứng cơ tử cung)
Ergotamin Trong suốt thai kỳ: tác dụng co thắt tử cung của thai phụ
Erythromycin Không biết tác hại
Ethambutol Không biết tác hại
Ether, thuốc mê Ba tháng cuối thai kỳ: suy hô hấp trẻ sơ sinh
Ethinylestradiol Các bằng chứng dịch tễ học cho thấy không gây tác hại đối với bào thai
Ethosuximid Ba tháng đầu thai kỳ: Có thể gây quái thai
Etoposid Tránh dùng (gây quái thai trong các nghiên cứu trên động vật); xem Mục 8.2
Fenofibrat Độc tính cho phôi khi nghiên cứu ở động vật – Nhà sản xuất khuyên tránh dùng
Fentanyl Xem Dextromethorphan
Fluconazol Tránh dùng (nhiều loại dị tật bẩm sinh được báo cáo khi dùng liều cao trong thời gian dài)
Flucytosin Gây quái thai trên động vật nghiên cứu; nhà sản xuất khuyến cáo chỉ dùng khi lợi ích điều trị lớn hơn rủi ro.
Fluorouracil Tránh dùng (gây quái thai); xem Mục 8.2
Fluphenazin Ba tháng cuối thai kỳ: Tác dụng ngoại tháp ở trẻ sơ sinh đôi khi được báo cáo
Furosemid Không dùng để điều trị tăng huyết áp ở người mang thai
Gemfibrozil Nhà sản xuất khuyên tránh dùng.
Gentamicin Ba tháng đầu và ba tháng giữa thai kỳ: có hại đối với thần kinh thính giác và tiền đình, rủi ro rất thấp đối với gentamicin, nhưng nên tránh dùng nếu không thật cần (nếu dùng, cần phải theo dõi nồng độ gen- tamicin trong huyết tương)
Glibenclamid Ba tháng cuối thai kỳ: Hạ glucose – huyết ở trẻ sơ sinh; cần thay thế bằng insulin ở tất cả bệnh nhân đái tháo đường; nếu dùng thuốc đường uống phải ngừng điều trị ít nhất hai ngày trước khi đẻ
Griseofulvin Tránh dùng (độc tính với bào thai và gây quái thai ở động vật thí nghiệm); phải dùng thuốc tránh thai có hiệu quả trong thời gian dùng thuốc và ít nhất một tháng sau khi dùng thuốc (quan trọng: giảm tác dụng của các thuốc tránh thai dùng đường uống, xem Phụ lục 1); đàn ông phải tránh có con trong thời gian dùng thuốc và ít nhất 6 tháng sau khi dùng thuốc
Haloperidol Ba tháng cuối thai kỳ: Tác dụng ngoại tháp ở trẻ sơ sinh đôi khi được báo cáo
Halothan Ba tháng cuối thai kỳ: Suy hô hấp trẻ sơ sinh
Heparin Trong suốt thai kỳ: Loãng xương được báo cáo sau khi dùng một thời gian dài; lọ thuốc tiêm nhiều liều có thể chứa phenylmethanol – một số nhà sản xuất khuyến cáo tránh dùng
Hợp chất stibi (antimoni) hóa trị 5 Bệnh Leishmania nội tạng nặng phải điều trị ngay không trì hoãn
Hydralazin Tránh dùng trong ba tháng đầu và ba tháng giữa thai kỳ; không thấy báo cáo về tác hại nghiêm trọng sau khi dùng trong ba tháng cuối thai kỳ
Hydroclorothiazid Không dùng để điều trị tăng huyết áp ở người mang thai Ba tháng cuối thai kỳ: Có thể gây giảm tiểu cầu ở trẻ sơ sinh
Hydrocortison Trong bệnh hen, lợi ích điều trị lớn hơn rủi ro; nguy cơ thai chậm phát triển trong tử cung khi điều trị toàn thân kéo dài và lặp lại; dự phòng corticoid cần thiết cho bà mẹ khi chuyển dạ; giám sát chặt chẽ nếu có hiện tượng giữ nước
Ibuprofen Tránh dùng trừ khi lợi ích lớn hơn rủi ro; Ba tháng cuối thai kỳ: nếu dùng thường xuyên gây đóng sớm ống động mạch ở bào thai trong tử cung và có thể gây ra tăng áp lực động mạch phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh
Idoxuridin Làm chậm và kéo dài thời gian chuyển dạ
Imipenem + Cilastatin Gây quái thai trên động vật thí nghiệm Chỉ sử dụng nếu lợi ích lớn hơn rủi ro (độc tính trên động vật nghiên cứu)
Indapamid Không dùng để điều trị tăng huyết áp ở người mang thai.
Indinavir Tránh sử dụng, nếu có thể, trong ba tháng cuối thai kỳ; trên lý thuyết có nguy cơ tăng bilirubin máu và sỏi thận ở trẻ sơ sinh nếu dùng lúc cuối thai kỳ; xem Mục 6.7.2
Insulin Trong suốt thai kỳ: Phải được thầy thuốc lâm sàng có kinh nghiệm thường xuyên đánh giá nhu cầu insulin
Iod Ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ: bướu cổ và thiểu năng tuyến giáp sơ sinh
Isoniazid Không rõ tác hại
Ivermectin Hoãn dùng cho đến sau khi đẻ
Kali iodid Ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ: bướu cổ và thiểu năng tuyến giáp sơ sinh
Ketamin Ba tháng cuối thai kỳ: suy hô hấp sơ sinh
Lamivudin Tránh dùng, nếu có thể, trong ba tháng đầu thai kỳ; lợi ích điều trị được coi là lớn hơn rủi ro trong ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ; xem Mục 6.7.2
Levamisol Ba tháng cuối thai kỳ: tránh dùng
Levodopa + Carbidopa Độc tính khi nghiên cứu trên động vật
Levonorgestrel Trong dạng thuốc uống tránh thai, các bằng chứng dịch tễ học cho thấy không có tác hại trên bào thai
Levothyroxin Cần giám sát nồng độ thyrotrophin huyết thanh của mẹ để điều chỉnh liều khi cần thiết
Lincomycin Thuốc đi qua nhau thai, nhưng không gây tác dụng phụ cho trẻ sơ sinh
Lidocain Ba tháng cuối thai kỳ: Với liều cao, suy hô hấp sơ sinh, giảm trương lực cơ và nhịp tim chậm sau khi phong bế vùng cạnh cổ tử cung và ngoài màng cứng
Lisinopril Xem captopril
Lithi Ba tháng đầu thai kỳ: Tránh dùng nếu có thể (nguy cơ quái thai, kể cả các dị dạng về tim). Ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ: phải tăng liều (nhưng khi thai ra phải trở lại liều thông thường ngay); cần giám sát chặt chẽ nồng độ khuyến cáo lithi trong máu (nguy cơ độc ở trẻ sơ sinh)
Loperamid Nhà sản xuất khuyên tránh dùng – Hiện nay chưa có thông tin
Lopinavir + Ritonavir Tránh dùng nếu có thể được trong ba tháng đầu thai kỳ; tránh dùng dung dịch uống do hàm lượng propylen glycol cao; xem Mục 6.7.2
Loratadin Độc cho phôi ở động vật – Xem thêm alimemazin
Magnesi sulfat Ba tháng cuối thai kỳ: Không biết tác hại khi dùng đường tĩnh mạch trong thời gian ngắn trong sản giật, nhưng liều cao có thể gây suy hô hấp sơ sinh
Mazipredon Xem prednisolon
Mebendazol Độc tính khi nghiên cứu ở động vật. Chống chỉ định trong nhiễm sán dây; xem Mục 6.1.1.1. Ba tháng đầu thai kỳ: Tránh dùng trong nhiễm giun tròn; xem Mục 6.1.1.2
Medroxyprogesteron Tránh dùng (dị dạng sinh dục và khuyết tật tim trên bào thai nam và nữ được báo cáo); sử dụng không thận trọng thuốc tiêm tránh thai tác dụng kéo dài medroxyprogesteron acetat ở người mang thai không chắc gây hại bào thai
Mefloquin Chỉ dùng khi các thuốc sốt rét khác không thích hợp; xem Dự phòng và điều trị sốt rét, Mục 6.4.3
Meloxicam Xem diclofenac
Mercaptopurin Tránh dùng (gây quái thai); xem Mục 8.2
Metformin Tất cả các giai đoạn của thai kỳ: Tránh dùng; thay bằng insulin trong đái tháo đường
Methotrexat Tránh dùng (gây quái thai; khả năng thụ thai có thể giảm trong khi dùng thuốc nhưng có thể phục hồi); sử dụng các thuốc tránh thai có hiệu quả trong khi dùng thuốc và ít nhất 6 tháng sau cho cả nam và nữ; xem Mục 8.2 
Methyldopa Không rõ tác hại
Metoclopramid Không rõ tác hại
Metoprolol Hạn chế sự phát triển của thai nhi trong tử cung, hạ glucose – huyết và nhịp tim chậm ở trẻ sơ sinh; nguy cơ cao về tăng huyết áp nặng.
Metronidazol Tránh dùng liều cao
Miconazol Nhà sản xuất khuyên tránh dùng trừ khi thật cần thiết
Midazolam Tránh dùng thường xuyên (nguy cơ trẻ sơ sinh mắc hội trứng cai thuốc); chỉ dùng khi có chỉ định rõ ràng như để khống chế cơn co giật (liều cao trong thời kỳ cuối hoặc trong lúc chuyển dạ đẻ có thể gây hạ thân nhiệt giảm trương lực cơ và ức chế hô hấp ở trẻ sơ sinh)
Minocyclin Trong 3 tháng đầu thai kỳ, tác động xấu đến phát triển hệ xương ở động vật nghiên cứu. Trong 6 tháng sau làm răng biến màu, khi tiêm liều cao gây độc gan cho mẹ
Mitomycin Tránh dùng (gây quái thai ở động vật nghiên cứu)
Molgramostim Gây độc trên động vật nghiên cứu – Nhà sản xuất khuyên tránh dùng trừ khi tiềm năng lợi ích điều trị vượt rủi ro
Morphin Ba tháng cuối thai kỳ: Suy hô hấp sơ sinh, hội chứng cai (thiếu) thuốc ở trẻ sơ sinh có mẹ nghiện morphin; dạ dày ứ đọng và nguy cơ viêm phổi do hít phải chất nôn ở mẹ trong khi chuyển dạ
Naloxon Chỉ sử dụng nếu lợi ích rõ ràng so với rủi ro
Natri cromoglicat Không biết có độc hại không
Natri nitroprusiat Có tiềm năng gây tích lũy cyanid ở thai nhi, tránh dùng kéo dài
Natri valproat Trong ba tháng đầu và cuối, tăng nguy cơ bị khuyết tật ống thần kinh, cũng đã có thông báo về chảy máu (do giảm fibrin máu) và độc tính gan ở trẻ sơ sinh
Nelfinavir Tránh dùng, nếu có thể được, trong ba tháng đầu thai kỳ; sử dụng trong ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ nếu lợi ích điều trị lớn hơn rõ so với rủi ro; xem Mục 6.5.2
Neomycin Xem aminoglycosid
Neomycin và Chưa có thông báo bacitracin gây quái thai.
bacitracin; Bacitracin Tuy vậy, không dùng trong thời kỳ mang thai
Neostigmin Ba tháng cuối thai kỳ: Chứng nhược cơ trẻ sơ sinh với liều cao
Nevirapin Tránh dùng, nếu có thể, ở ba tháng đầu thai kỳ; sử dụng ở ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ nếu lợi ích điều trị vượt rủi ro; xem Mục 6.5.2
Nhựa Podophylum Trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ: Tránh dùng – đã có báo cáo về chết sơ sinh và gây quái thai
Niclosamid Nhiễm T. solium ở người mang thai phải được điều trị ngay; xem Mục 6.1.1.1
Nifedipin Có thể ức chế chuyển dạ, một số dihydropy- ridin có thể gây quái thai trên động vật, tuy nhiên cần cân nhắc rủi ro đối với bào thai so với rủi ro tăng huyết áp không thể kiểm soát được ở bà mẹ
Nimesulid Xem diclofenac
Nitrofurantoin Ba tháng cuối thai kỳ: Có thể gây huyết tán sơ sinh nếu dùng lúc cuối thai kỳ
Nitrogen oxyd Ba tháng cuối thai kỳ: Suy hô hấp trẻ sơ sinh
Norethisteron Dùng liều thuốc uống tránh thai, các bằng chứng dịch tễ học cho thấy không có tác hại trên bào thai. Dùng liều lớn hơn làm nam hoá bào thai gái và các khuyết tật khác đã được báo cáo
Norfloxacin Xem ofloxacin
Nystatin Không có thông tin, nhưng sự hấp thu qua đường tiêu hoá không đáng kể
Ofloxacin Trong suốt thai kỳ: Tránh dùng – bệnh khớp khi nghiên cứu trên động vật; dùng thuốc khác an toàn hơn
Omeprazol Chưa biết có tác hại không
Ondansetron Hiện nay chưa có thông tin, nhà sản xuất khuyên tránh dùng, trừ khi lợi ích vượt hẳn nguy cơ
Oseltamiviz Nhà sản xuất khuyên tránh dùng trừ khi lợi ích vượt hẳn nguy cơ
Oxamniquin Nếu không đòi hỏi điều trị ngay thì hoãn điều trị sán lá Schistosoma đến sau khi đẻ; xem Mục 6.1.3.1
Pancuronium Nhà sản xuất khuyên tránh dùng trừ khi tiềm năng lợi ích điều trị vượt rủi ro. Hiện nay chưa có thông tin
Papaverin Xem dextromethorphan
Paracetamol Không biết rõ tác hại
Penicilamin Tất cả các giai đoạn của thai kỳ: hiếm có dị tật bào thai được thông báo; tránh sử dụng khi có thể
Perindopril Xem captopril
Pethidin hydroclorid Xem dextromethorphan
Phenobarbital Trong ba tháng đầu có thể gây dị dạng bẩm sinh. Trong 3 tháng cuối, có thể gây thiếu hụt vitamin K và có nguy cơ chảy máu ở trẻ sơ sinh; nếu không cho vitamin K lúc đẻ, phải giám sát chặt chẽ trẻ sơ sinh để phát hiện dấu hiệu chảy máu
Phenoxymethylpenicilin Không rõ tác hại
Phenytoin Ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kỳ: dị tật bẩm sinh (tư vấn sàng lọc); cần bổ sung đủ acid folic cho bà mẹ (ví dụ 5 mg acid folic mỗi ngày); nguy cơ gây quái thai lớn hơn nếu dùng nhiều hơn một thuốc chống động kinh. Có thể gây thiếu vitamin K và nguy cơ chảy máu sơ sinh; Nếu không dùng vita- min K khi đẻ cần theo dõi chặt chẽ dấu hiệu chảy máu ở trẻ sơ sinh. Cần thận trọng khi phân tích kết quả nồng độ phytomenadion huyết tương, dạng kết hợp có thể giảm nhưng dạng tự do (có tác dụng) không đổi
Phytomenadion Chỉ sử dụng khi lợi ích điều trị vượt rủi ro – không có các thông tin đặc biệt
Pilocarpin Tránh dùng – Kích thích cơ trơn, độc tính khi nghiên cứu trên động vật
Piroxicam Xem diclofenac
Polygelin (Polystyren sulfonat resin) Nhà sản xuất khuyên chỉ nên dùng khi tiềm năng lợi ích điều trị vượt rủi ro. Hiện nay chưa có thông tin
Povidon – iod Ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ: lượng iod hấp thu có thể đủ để ảnh hưởng đến tuyến giáp của bào thai
Praziquantel Nhiễm T. solium ở người mang thai phải điều trị ngay; xem Mục 6.1.1.1. Lợi ích điều trị sán lá Schistosoma lớn hơn rủi ro. Nếu không cần thiết điều trị ngay nhiễm sán lá, hoãn điều trị đến sau khi đẻ
Prazosin Không có bằng chứng gây quái thai; nhà sản xuất khuyên chỉ nên sử dụng khi lợi ích điều trị vượt rủi ro.
Prednisolon Lợi ích điều trị, ví dụ bệnh hen, là lớn hơn rủi ro; nguy cơ bào thai chậm phát triển trong tử cung khi điều trị toàn thân kéo dài và lặp lại; điều trị dự phòng corticoid cần thiết cho bà mẹ khi chuyển dạ
Primaquin Ba tháng cuối thai kỳ: tan máu ở trẻ sơ sinh và methemoglobin – huyết. Hoãn điều trị đến sau khi đẻ
Procarbazin Tránh dùng (gây quái thai ở nghiên cứu trên động vật và có một số báo cáo trên người); xem Mục 8.2
Proguanil Lợi ích phòng ngừa và điều trị lớn hơn rủi ro. Bổ sung lượng folat thích hợp cho bà mẹ
Procain Trong 3 tháng cuối, có thể gây methemo- globin – huyết cho trẻ sơ sinh
Procainamid Nhà sản xuất khuyên tránh dùng, trừ khi lợi ích cho mẹ vượt hẳn nguy cơ cho thai
Progesteron Chưa thấy có độc hại
Promethazin Không có bằng chứng gây quái thai
Propofol Trong 3 tháng cuối, có thể ức chế hô hấp ở trẻ sơ sinh
Propranolol Có thể làm bào thai chậm phát triển trong tử cung; hạ glucose – huyết ở trẻ sơ sinh; chậm nhịp tim; nguy cơ lớn hơn nếu tăng huyết áp nặng; xem Mục 12.3
Propylthiouracil Ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ: Bướu cổ và thiểu năng tuyến giáp sơ sinh
Pyrantel Chưa thấy có độc hại
Pyrazinamid Chỉ dùng khi lợi ích điều trị vượt rủi ro
Pyridostigmin Ba tháng cuối thai kỳ: nhược cơ sơ sinh với liều cao
Pyrimethamin Ba tháng đầu thai kỳ: Trên lý thuyết có nguy cơ gây quái thai (chất đối kháng folat); cần bổ sung lượng thích hợp folat cho bà mẹ. Ba tháng đầu thai kỳ: Tránh sử dụng trong viêm phổi do Pneumocystis carinii và bệnh toxoplasma; xem Sulfadiazin
Quinidin Chưa thấy có độc hại ở liều điều trị, nhưng nhà sản xuất khuyên tránh dùng
Quinin Ba tháng đầu thai kỳ: Liều cao gây quái thai; nhưng trong bệnh sốt rét, lợi ích điều trị cao hơn rủi ro
Raloxifen Tránh dùng
Ranitidin Không biết rõ tác hại
Retinol Ba tháng đầu thai kỳ: Liều quá cao có thể gây quái thai; xem Mục 27.1
Ribavirin Tránh dùng, gây quái thai ở động vật nghiên cứu; cần phải dùng biện pháp tránh thai hữu hiệu trong khi uống và trong 6 tháng sau khi ngừng điều trị ở nữ và nam
Rifampicin Ba tháng đầu thai kỳ: Liều rất cao có thể gây quái thai trên động vật nghiên cứu Ba tháng cuối thai kỳ: Có thể tăng nguy cơ chảy máu sơ sinh
Rimantadin Tránh dùng
Ritonavir Xem Lopinavir với Ritonavir
Ropivacain Chưa xác định được tính an toàn nhưng chưa thấy có độc hại.
Roxithromycin Chưa thấy có độc hại, nhưng chỉ nên dùng khi thật cần.
Rượu Ba tháng đầu và ba tháng giữa của thai kỳ: nếu uống rượu hàng ngày có thể gây quái thai (hội chứng dị dạng bào thai do rượu có thể xảy ra với trẻ em có mẹ nghiện rượu) và có thể gây chậm phát triển bào thai; nếu thỉnh thoảng uống một cốc nhỏ, có thể an toàn. Ba tháng cuối thai kỳ: Hội chứng cai rượu có thể xảy ra cho trẻ sơ sinh khi mẹ nghiện rượu.
Salbutamol Sử dụng trong bệnh hen, xem Mục 25.1 3 tháng cuối thai kỳ: Dùng trong chuyển dạ sớm xem Mục 22.2
Salmeterol Xem Mục 25.1.2
Saquinavir Tránh dùng nếu có thể trong ba tháng đầu thai kỳ; lợi ích đáng kể trong điều trị so với rủi ro trong ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ; xem Mục 6.5.2
Sắt dextran Tránh dùng trong những tháng đầu thai kỳ
Selen sulfid Chưa biết có độc hại, nhưng nên tránh dung
Spectinomycin Không thấy gây độc hại
Spiramycin Không thấy gây độc hại
Spironolacton Độc tính trên động vật nghiên cứu
Stavudin Tránh sử dụng nếu có thể được trong ba tháng đầu thai kỳ; tăng nguy cơ nhiễm acid lactic và chứng nhiễm mỡ gan; xem Mục 6.7.2
Streptokinase Tất cả các giai đoạn của thai kỳ: Khả năng bong nhau thai sớm ở 18 tuần lễ đầu; về lý thuyết có khả năng chảy máu bào thai trong suốt quá trình mang thai; nguy cơ chảy máu ở bà mẹ khi dùng sau đẻ
Streptomycin Trong ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ: gây hại đến thần kinh thính giác và tiền đình; tránh dùng trừ khi rất cần (nếu dùng, cần giám sát nồng độ streptomycin huyết tương)
Sulfacetamid natri Chưa thấy độc hại
Sulfadiazin Ba tháng cuối thai kỳ: Tan máu và methe- moglobin – huyết sơ sinh; không thấy nguy cơ tăng vàng da nhân (kernicterus) ở trẻ sơ sinh. Trong bệnh do Toxoplasma, tránh dùng trong ba tháng đầu của thai kỳ, nhưng có thể dùng trong ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ nếu có nguy cơ truyền bệnh bẩm sinh
Sulfadoxin + Pyrimethamin Trong điều trị sốt rét, lợi ích dự phòng và điều trị lớn hơn rủi ro. Ba tháng đầu thai kỳ: nguy cơ khả năng gây quái thai (pyrimethamin là chất đối kháng folat). Ba tháng cuối thai kỳ: Tan máu và methe- moglobin – huyết sơ sinh; không thấy nguy cơ vàng da nhân ở trẻ sơ sinh
Sulfamethoxazol + Trimethoprim Ba tháng đầu thai kỳ: Nguy cơ gây quái thai (trimethoprim là chất đối kháng folat) Ba tháng cuối thai kỳ: Tan máu và methe- moglobin – huyết sơ sinh; không thấy nguy cơ vàng da nhân ở trẻ sơ sinh
Sulfasalazin Ba tháng cuối thai kỳ: trên lý thuyết, nguy cơ tan máu sơ sinh; phải bổ sung cho bà mẹ một lượng folat thích hợp
Sulpirid Trong 3 tháng cuối, có thể gây tác dụng ngoại tháp cho trẻ sơ sinh. Nhà sản xuất khuyên tránh dùng.
Suxamethonium Có thể xảy ra liệt nhẹ kéo dài ở mẹ
Tamoxifen Tránh dùng – có thể có tác động trên sự phát triển bào thai; phải dùng thuốc tránh thai có hiệu quả trong khi sử dụng và 2 tháng sau khi ngừng thuốc
Testosteron Tất cả các giai đoạn của thai kỳ: nam hoá bào thai nữ
Tetracyclin Ba tháng đầu thai kỳ: Tác động đến sự phát triển bộ xương trong những nghiên cứu trên động vật; Ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ: biến màu men răng; nhiễm độc gan thai phụ ở liều cao
Theophylin Ba tháng cuối thai kỳ: có báo cáo về tính dễ bị kích thích ở trẻ sơ sinh và ngừng thở
Thiamphenicol Tránh dùng trừ khi thật cần, lợi nhiều hơn hại. Tránh dùng quá liều (xem cloram- phenicol)
Thiopental Ba tháng cuối thai kỳ: Suy hô hấp sơ sinh
Timolol Có thể gây chậm phát triển bào thai trong tử cung, giảm glucose – huyết và làm chậm nhịp tim; nguy cơ lớn hơn khi gặp trong tăng huyết áp nặng
Tinidazol Nhà sản xuất khuyên tránh dùng trong ba tháng đầu thai kỳ
Tobramycin Xem aminoglycosid
Trihexyphenidyl Dùng thận trọng
Trimethoprim Ba tháng đầu thai kỳ: Nguy cơ gây quái thai (chất đối kháng folat)
Tropicamid Chưa biết rõ tác hại. Chỉ dùng khi thật cần
Vaccin BCG Ba tháng đầu thai kỳ: Trên lý thuyết, nguy cơ dị tật bẩm sinh, nhưng sự cần thiết phải tiêm chủng lớn hơn rủi ro có khả năng xảy ra với bào thai (xem phần giới thiệu mục 19.2 – chống chỉ định và thận trọng)
Vaccin Bại liệt sống Ba tháng đầu thai kỳ: Trên lý thuyết, nguy cơ dị tật bẩm sinh, nhưng sự cần thiết phải tiêm chủng lớn hơn rủi ro có khả năng xảy ra với bào thai (xem phần giới thiệu mục 19.2 – chống chỉ định và thận trọng);
Vaccin MMR (sởi, quai bị, rubella) Tránh dùng; tránh thụ thai một tháng sau khi tiêm chủng
Vaccin Rubella Tránh dùng; tránh thụ thai một tháng sau khi tiêm chủng
Vaccin Sốt vàng (Yellow fever) Ba tháng đầu thai kỳ: Trên lý thuyết, nguy cơ dị tật bẩm sinh, nhưng sự cần thiết phải tiêm chủng lớn hơn rủi ro có khả năng xảy ra với bào thai (xem phần giới thiệu Mục 19.2 – chống chỉ định và thận trọng)
Vaccin Sởi Ba tháng đầu thai kỳ: Trên lý thuyết, nguy cơ dị tật bẩm sinh, nhưng sự cần thiết phải tiêm chủng lớn hơn rủi ro có khả năng xảy ra với bào thai (xem phần giới thiệu mục 19.2 – chống chỉ định và thận trọng); tránh MMR
Vancomycin Chỉ sử dụng nếu lợi ích điều trị vượt rủi ro – cần giám sát nồng độ vancomycin máu để giảm độc tính với bào thai
Vecuronium Chỉ sử dụng nếu lợi ích điều trị vượt rủi ro – không có thông tin
Verapamil Nghiên cứu trên động vật không chứng minh được tác dụng gây quái thai; khả năng verapamil làm giãn cơ tử cung cần được lưu tâm cuối thai kỳ; nguy cơ đối với bào thai cần cân nhắc với nguy cơ tăng huyết áp không kiểm soát được ở bà mẹ
Vinblastin Tránh dùng (có ít kinh nghiệm cho rằng có độc hại đối với bào thai; gây quái thai trên động vật nghiên cứu); xem Mục 8.2
Vincristin Tránh dùng (gây quái thai và sảy thai trên động vật thí nghiệm); xem Mục 8.2
Vitamin A Trong 3 tháng đầu thai kỳ, liều quá cao có thể gây quái thai
Vitamin D Liều cao tác dụng toàn thân gây quái thai ở động vật nghiên cứu, nhưng liều điều trị ít khả năng gây độc hại; nhà sản xuất khuyên tránh dùng calcitriol bôi tại chỗ
Xanh methylen (methylth-ioninium clorid) Dùng thận trọng. Chỉ dùng khi thật cần thiết
Warfarin Tất cả các giai đoạn của thai kỳ: Dị tật bẩm sinh; chảy máu bào thai và chảy máu sơ sinh; xem Mục 10.2
Zanamiviz Nhà sản xuất khuyên chỉ nên dùng khi tiềm năng lợi ích điều trị vượt rủi ro. Hiện nay chưa có thông tin.
Zidovudin Tránh dùng, nếu có thể được, trong ba tháng đầu của thai kỳ; lợi ích điều trị được coi là lớn hơn nguy cơ trong ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ; xem Mục 6.7.2

Tài liệu tham khảo

http://www.nidqc.org.vn/duocthu/phu-luc-2-dung-thuoc-trong-thoi-ky-mang-thai.html