Chủ Nhật , 26 Tháng Mười Một 2023
Trang chủ Thuốc Tra cứu thuốc Phụ lục 4: Dùng thuốc cho người suy thận

Phụ lục 4: Dùng thuốc cho người suy thận

 

Suy giảm chức năng thận có thể gây nhiều rắc rối cho việc dùng thuốc vì những lý do sau đây:

  1. Đào thải thuốc (hoặc chất chuyển hoá của nó) bị cản trở, nên thuốc có thể gây độc;
  2. Độ nhạy cảm với một số thuốc có thể tăng lên, ngay cả khi sự đào thải ở thận chưa bị suy yếu;
  3. Người bệnh suy thận khó dung nạp với nhiều tác dụng phụ của thuốc;
  4. Một số thuốc mất hiệu lực khi chức năng thận suy giảm.

Ở người suy thận, liều lượng của nhiều thuốc cần được điều chỉnh để tránh tác dụng có hại mà vẫn bảo đảm được hiệu lực. Khi chức năng thận giảm sút tới mức độ nào đó, thì cần phải giảm liều của một số thuốc; điều này phụ thuộc vào thuốc đó có độc tính như thế nào và có bị thải hoàn toàn qua thận hay không, hoặc có bị chuyển hóa một phần để mất hoạt tính hay không.

Nhìn chung, với người suy thận, liều nạp giống như liều vẫn thường dùng cho người có chức năng thận bình thường, còn những liều duy trì sẽ được điều chỉnh theo trạng thái lâm sàng. Liều duy trì của một thuốc khi đó có thể được giảm bằng hai cách:

  • Hoặc giảm từng liều riêng lẻ mà vẫn giữ nguyên khoảng cách thời gian bình thường giữa các liều kế tiếp
  • Hoặc nới rộng khoảng cách thời gian bình thường giữa các lần dùng kế tiếp, nhưng không thay đổi liều.

Phương pháp kéo dài khoảng cách thời gian có thể có ích là thuận tiện và giảm chi phí, còn phương pháp giảm liều thì giúp duy trì nồng độ thuốc trong huyết tương hằng định hơn.

Những thuốc trong bảng dưới đây được liệt kê theo thứ tự a,b,c. Bảng này chỉ gồm những thuốc sẵn có thông tin đặc trưng. Nhiều thuốc cần được sử dụng thận trọng khi suy thận, nhưng lại chưa có khuyến nghị cụ thể về điều chỉnh liều lượng. Vì vậy, cần phải tham khảo cẩn thận thêm ở chuyên luận của từng thuốc cụ thể. Các khuyến nghị được cung cấp theo những mức độ khác nhau về chức năng thận, được đánh giá bằng độ lọc cầu thận, cụ thể thường đo bằng độ thanh thải creatinin. Trong thực tế thường sử dụng thông số nồng độ creatinin huyết thanh để đánh giá chức năng thận nhưng đó mới chỉ là chỉ dẫn sơ lược, sau đó cần được chỉnh lý lại theo tuổi, giới tính và thể trọng bằng những toán đồ đặc biệt. Suy thận thường được chia thành ba mức độ:

  • Nhẹ: Nếu độ lọc cầu thận là 20 – 50 ml/phút, hoặc nồng độ creatinin huyết thanh xấp xỉ 150 – 300 micromol/lít.
  • Vừa: Độ lọc cầu thận 10 – 20 ml/phút hoặc nồng độ creatinin huyết thanh 300 – 700 micromol/lít.
  • Nặng: Độ lọc cầu thận < 10 ml/phút, hoặc nồng độ creatinin huyết thanh > 700 micromol/lít.

Trong thực hành, khi tuân thủ các hướng dẫn về liều lượng, cần chú ý tới những điều sau đây:

  • Kê đơn thuốc phải giữ ở mức tối thiểu;
  • Nếu có thể được, nên tránh mọi thuốc có độc tính với thận cho người có bệnh thận, vì với những đối tượng này, độc tính của thuốc với thận có thể nghiêm trọng hơn;
  • Nên kiểm tra chức năng thận cả trước và định kỳ trong thời gian điều trị, để điều chỉnh liều duy trì nếu thấy cần.

Chức năng thận (độ lọc cầu thận, độ thanh thải creatinin) giảm dần theo tuổi, cho nên với người cao tuổi (> 80 tuổi), chức năng thận chỉ bằng một nửa so với ở người trẻ khoẻ mạnh. Vì vậy, khi kê đơn thuốc cho người cao tuổi, nên coi đối tượng này ít ra là đã bị suy thận nhẹ.

Với những người bệnh có nồng độ urê huyết cao, cần phải theo dõi cẩn thận về độc tính bất ngờ của thuốc. ở những đối tượng này, tính phức tạp về trạng thái lâm sàng và cả về những biến đổi khác, ví dụ: những thay đổi về dược động học (hấp thu, gắn kết vào protein huyết tương, phân bố thuốc, chuyển hoá) về chức năng gan, về trị liệu với những thuốc khác không như bình thường, nên không cho phép sử dụng liều lượng thuốc cố định, mà cần có sự tiếp cận riêng biệt với những người bệnh cụ thể với lý do chưa có đầy đủ dữ liệu về an toàn thuốc, nên có những thuốc nào chưa được nêu ở bảng này, thì không nên hiểu là thuốc đó đã an toàn. Bạn đọc rất cần tham khảo kỹ ở phần cụ thể viết về từng thuốc.

Tài liệu tham khảo

http://www.nidqc.org.vn/duocthu/phu-luc-4-dung-thuoc-cho-nguoi-suy-than.html