Thứ Bảy , 13 Tháng Tư 2024

Thuyên tắc phổi

Bài viết thứ 17 trong 29 bài thuộc chủ đề Các bệnh Nội hô hấp
 

Thuyên tắc phổi là một tình trạng nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng, xảy ra do sự tắc nghẽn mạch máu trong phổi. Thuyên tắc phổi gây ra các triệu chứng như đau ngực, khó thở nhưng cũng có thể không hề có triệu chứng nào và rất khó để phát hiện. Một thuyên tắc phổi lớn có thể làm bệnh nhân choáng và tử vong.

Thuyên tắc phổi thường xảy ra do một cục máu đông (huyết khối) tiềm ẩn nằm ở chân trong bệnh lý huyết khối tĩnh mạch sâu. Điều trị kịp thời là rất quan trọng để có thể cứu sống bệnh nhân. Thai kỳ, một số thuốc và bệnh lý, tình trạng bất động hay phẫu thuật lớn đều làm tăng nguy cơ thuyên tắc phổi. Các thuốc kháng đông, đầu tiên là heparin và sau đó warfarin, là những thuốc thường dùng để điều trị thuyên tắc phổi.

huyết khối tĩnh mạch sâu

Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch

Thuyên tắc phổi là một thành phần (thể lâm sàng) trong một nhóm các bệnh liên quan đến thuyên tắc do huyết khối tĩnh mạch.

Tĩnh mạch là hệ thống các mạch máu dẫn máu trở về tim sau khi đi nuôi cơ thể. Huyết khối là cục máu đông. Sự thuyên tắc xảy ra khi một cục huyết khối tách ra khỏi nơi mà nó được tạo thành và trôi theo dòng máu cho đến khi nó bị mắc kẹt lại trong một mạch máu hẹp hơn ở một nơi khác trong cơ thể. Do đó, thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là một thuật ngữ chỉ cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch gây tắc nghẽn mạch máu ở một nơi nào đó trong cơ thể.

Huyết khối tĩnh mạch sâu là một nguyên nhân thường gặp của thuyên tắc phổi, là một tình trạng mà trong đó cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch sâu ở chân, và huyết khối tĩnh mạch sâu cũng là một thành phần trong nhóm thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch.

Thuyên tắc phổi là gì?

Thuyên tắc phổi là sự tắc nghẽn tại mạch máu (động mạch) của phổi – thường do cục máu đông. Thuyên tắc phổi có thể xảy ra ở động mạch ở trung tâm của phổi hoặc gần rìa phổi. Cục máu đông có thể lớn hoặc nhỏ và có thể có nhiều hơn một cục máu đông. Trong trường hợp xảy ra những triệu chứng nặng, do cục máu đông lớn tắc ở vị trí gần trung tâm của phổi, gọi là thuyên tắc phổi lớn. Đây là một tình trạng rất nặng có thể đe dọa tính mạng.

Nguyên nhân gây ra thuyên tắc phổi?

Nguyên nhân thường gặp là huyết khối tĩnh mạch sâu

Hình dưới đây minh họa rõ thêm về huyết khối tĩnh mạch sâu

hktms

Nguyên nhân chính trong hầu hết các trường hợp là do một cục máu đông (huyết khối) đã hình thành trong một tĩnh mạch sâu (gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu), cục máu đông này đi theo vòng tuần hoàn máu và cuối cùng bị mắc kẹt lại trong một trong những mạch máu ở phổi. Hầu hết huyết khối tĩnh mạch sâu đến từ tĩnh mạch chân hoặc tĩnh mạch chậu. Thỉnh thoảng, thuyên tắc phổi có thể do cục máu đông trong một tĩnh mạch cánh tay, hoặc từ tim.

Xem thêm bài viết Huyết khối tĩnh mạch sâu của TS. Nguyễn Thị Thu Trang

Các nguyên nhân khác

Trong một số hiếm trường hợp, tắc nghẽn mạch máu phổi không phải do cục máu đông mà là do tác nhân khác như:

  • Giọt mỡ từ tủy của xương bị gãy (nếu xương gãy là một xương lớn và dài như xương đùi)
  • Dị vật từ bơm tiêm không sạch như bơm tiêm chích ma túy
  • Nước ối trong thai kỳ hoặc trong lúc sinh – tắc mạch ối (hiếm gặp)
  • Bóng khí lớn trong tĩnh mạch (hiếm gặp)
  • Một mảnh nhỏ khối u bị vỡ ra từ một khối u lớn trong cơ thể như trong ung thư

Ai có thể mắc thuyên tắc phổi?

Đa số các trường hợp thuyên tắc phổi gây ra bởi huyết khối tĩnh mạch sâu. Vì vậy, người có nhiều nguy cơ mắc thuyên tắc phổi là chính là những người dễ bị huyết khối tĩnh mạch sâu. Các yếu tố nguy cơ của huyết khối tĩnh mạch sâu sẽ được giải thích trong một trang khác. Một số yếu tố nguy cơ quan trọng là bất động lâu, mắc bệnh lý nghiêm trọng, và phẫu thuật lớn (đặc biệt là phẫu thuật phụ khoa hay phẫu thuật vùng xương chậu và chân). Nguy cơ phát triển huyết khối tĩnh mạch sâu hay thuyên tắc phổi trong bệnh viện có thể được giảm đáng kể nhờ vận động sớm và sử dụng các thuốc ngăn hình thành huyết khối ở những đối tượng có nguy cơ đặc biệt.

Thuyên tắc phổi phổ biến như thế nào

Ước tính có khoảng 1 trên 1.000 người bị huyết khối tĩnh mạch sâu mỗi năm ở Anh. Nếu không điều trị thì trong 10 người bị huyết khối tĩnh mạch sâu sẽ có khoảng 1 người bị thuyên tắc phổi. Một nửa số ca thuyên tắc phổi xảy ra khi bệnh nhân đang nằm viện. 25.000 ca tử vong mỗi năm ở Anh là do cục máu đông phát triển trong lúc bệnh nhân đang ở trong bệnh viện.

Tại Việt Nam, tuy chưa có số liệu chính xác, nhưng nghiên cứu INCIMEDI đã chứng minh tỷ lệ huyết khối tĩnh mạch sâu không hiếm gặp ở nước ta. Kết quả nghiên cứu cho thấy có đến 22% bệnh nhân nội khoa nhập viện có huyết khối tĩnh mạch sâu không triệu chứng dựa trên siêu âm mạch máu chi dưới.

Các triệu chứng của thuyên tắc phổi là gì?

Triệu chứng của thuyên tắc phổi phụ thuộc vào vùng ảnh hưởng của cục máu đông lớn hay nhỏ và tình trạng phổi của người bệnh có thể đối phó với nó đến mức nào. Những người đang yếu hoặc có bệnh từ trước thì triệu chứng sẽ nặng hơn những người khỏe mạnh. Triệu chứng của thuyên tắc phổi thường xảy ra đột ngột.

Thuyên tắc phổi nhỏ có thể gây ra:

  • Không có triệu chứng gì cả (thường gặp).
  • Khó thở với mức độ thay đổi từ nhẹ đến rất nặng (suy hô hấp)
  • Đau ngực kiểu màng phổi, là cảm giác đau nhói khi hít vào. Bạn cảm thấy dường như không thể hít thở sâu, vì cơn đau làm cho bạn phải nín thở lại. Lý do là cục máu đông kích thích lớp màng phổi bao xung quanh phổi. Thở nông sẽ thoải mái hơn là thở sâu.
  • Ho ra máu.
  • Nhiệt độ tăng nhẹ (sốt nhẹ).
  • Tim đập nhanh.

Thuyên tắc phổi lớn hoặc nhiều cục máu đông (gây thuyên tắc nhiều mạch máu) có thể gây ra:

  • Khó thở nặng (suy hô hấp).
  • Đau ngực: thuyên tắc phổi lớn có thể gây đau giữa ngực sau xương ức.
  • Cảm thấy yếu ớt, không khỏe, hoặc choáng. Do cục máu đông lớn cản trở tuần hoàn và hoạt động bơm máu của tim làm huyết áp giảm đáng kể.
  • Hiếm gặp hơn, trong những ca rất nặng, thuyên tắc phổi lớn có thể gây ngừng tim (tim ngừng đập) có thể dẫn đến tử vong, thậm chí khi đã nỗ lực hết sức để cứu bệnh nhân.

Một số triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu chẳng hạn như đau đột ngột ở bắp chân, đau cơ bắp chân, sưng một chân hoặc bàn chân, bắp chân nóng và đỏ, có thể có dấu bầm trên da.

Một thuyên tắc phổi được gọi là lớn không phải do kích thước thực tế của các cục máu đông mà do kích thước vùng tổn thương mà nó gây ra. Gọi là thuyên tắc phổi nguy cơ cao nếu nó gây ra vấn đề nghiêm trọng như choáng hay tụt huyết áp. Thuyên tắc phổi lớn là một thuyên tắc phổi nguy cơ cao. Hậu quả là trong 7 người bị thuyên tắc phổi lớn sẽ có 1 người tử vong.

Chẩn đoán thuyên tắc phổi như thế nào?

Chẩn đoán thuyên tắc phổi thường được nghĩ đến dựa trên triệu chứng và tiền sử bệnh lý của bạn. Ví dụ như, một người vừa trải qua phẫu thuật lớn, được bất động trong bệnh viện và sau đó đột ngột bị khó thở, người đó có thể bị thuyên tắc phổi.

Những xét nghiệm khác nhau có thể được sử dụng để giúp xác định chẩn đoán.

Siêu âm mạch máu chi dưới

Siêu âm doppler tĩnh mạch chi dưới được sử dụng để giúp bác sĩ quan sát dòng chảy của máu trong tĩnh mạch chân và nơi bị tắc nghẽn. Đây là một xét nghiệm hữu ích vì nó đơn giản, không xâm lấn và có thể cho thấy được huyết khối tĩnh mạch sâu. Nếu phát hiện huyết khối tĩnh mạch sâu thì có thể nghi ngờ thuyên tắc phổi là nguyên nhân gây ra các triệu chứng khác (như khó thở hoặc đau ngực). Điều trị (với thuốc chống đông – xem phía dưới) có thể được bắt đầu ngay lập tức cho cả huyết khối tĩnh mạch sâu và nghi ngờ thuyên tắc phổi, nói chung điều trị thì như nhau cho cả hai. Những xét nghiệm thêm có thể không cần thiết trong tình huống này.

Tuy nhiên, nếu siêu âm cho kết quả âm tính (không nhìn thấy cục máu đông), thì không loại trừ được huyết khối tĩnh mạch sâu hay thuyên tắc phổi, bởi vì có thể không nhìn thấy được cục máu đông trên siêu âm, trường hợp này cần làm thêm các xét nghiệm khác.

Xét nghiệm D-dimer trong máu

Xét nghiệm này giúp phát hiện sản phẩm phân hủy một cục máu đông. Nếu nồng độ D-dimer trong máu cao, nhiều khả năng có một cục máu đông trong tĩnh mạch. Tuy nhiên không may là xét nghiệm này có thể dương tính trong một số tình huống khác, chẳng hạn như bạn mới phẫu thuật gần đây, hoặc đang mang thai.

Một xét nghiệm dương tính không có nghĩa là bạn bị huyết khối tĩnh mạch sâu hay thuyên tắc phổi, tuy nghiên kết quả xét nghiệm này có thể gợi ý khả năng bạn bị huyết khối tĩnh mạch sâu hay thuyên tắc phổi đến mức nào để giúp bác sĩ quyết định làm thêm các xét nghiệm khác nếu cần. Khi kết quả xét nghiệm D-dimer âm tính thì khả năng cao bạn không bị huyết khối tĩnh mạch sâu hay thuyên tắc phổi. Tuy vậy, nếu bạn có nguy cơ cao của thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch và bác sĩ đang rất nghi ngờ bạn có cục máu đông thì mặc dù xét nghiệm D-dimer âm tính, bạn vẫn sẽ cần làm xét nghiệm thêm để chẩn đoán.

Siêu âm tim

Siêu âm tim rất hữu ích cho những người bị thuyên tắc lớn, vì siêu âm có thể giúp nhìn thấy cục máu đông lớn trong phổi và hoặc gián tiếp thấy được ảnh hưởng của nó trên tim. Siêu âm tim có thể được thực hiện tại giường bệnh. Tuy nhiên, nó không giúp thấy được thuyên tắc phổi nhỏ.

Xạ hình phổi và chụp CT scanner đa đầu dò có cản quang (CTPA)

Xạ hình còn được gọi là V/Q scan, hay xạ hình thông khí/tưới máu phổi là phương pháp quét chuyên biệt giúp nhìn được tuần hoàn phổi. Chúng hữu ích vì có thể cho kết quả khá chính xác là có hay không có thuyên tắc phổi. Từng được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán trước nay, nhưng hiện nay ít nơi còn sử dụng xét nghiệm này.

CTPA một loại CTscan đa đầu dò, chụp được mạch máu phổi nhờ thuốc cản quang giúp nhìn thấy các động mạch phổi rõ hơn. CTPA hiện nay được xem là tiêu chuẩn vàng không xâm lấn để chẩn đoán thuyên tắc phổi. Cả hai đều liên quan đến tia X, CTPA là xét nghiệm có độ chính xác cao, còn xạ hình thông khí tưới máu thì được sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt, như dị ứng với thuốc cản quang (thuốc được bơm vào mạch máu để làm tăng độ tương phản giúp thấy rõ hình ảnh mạch máu hơn) vốn được sử dụng trong CTPA scan, bệnh thận mạn tính, hoặc nếu CTPA scan không có sẵn. Tuy nhiên chụp xạ hình phổi hiện này thường được thay thế bằng MRI nếu không chụp được bằng CTscan có cản quang.

Các xét nghiệm thường quy khác

Các xét nghiệm khác về tim, phổi và máu thường được chỉ định để có thể giúp chẩn đoán bệnh hoặc là phát hiện ra tình trạng bệnh khác.

  • Điện tim (điện tâm đồ, hoặc ECG) thường được thực hiện. Trên điện tim người ta tìm kiếm dấu hiệu của tăng gánh thất phải (xảy ra trong thuyên tắc phổi) và bất kỳ sự bất thường nào của nhịp tim như rung nghĩ, là một hậu quả của thuyên tắc phổi.
  • Xét nghiệm máu để tìm kiếm dấu hiệu của một cơn đau tim (nhồi máu cơ tim), tình trạng viêm nhiễm. Ngoài ra, xét nghiệm khí máu động mạch có thể được thực hiện, người ta lấy mẫu máu từ động mạch để kiểm tra nồng độ oxy trong máu.
  • Chụp X quang ngực để tìm viêm phổi hoặc bệnh lý khác ở ngực.

Điều trị cho thuyên tắc phổi là gì?

Phần này chỉ bàn về thuyên tắc phổi do cục máu đông mà không bàn đến những nguyên nhân hiếm được liệt kê ở trên. Các phương pháp điều trị chủ yếu là:

  • Điều trị chống đông máu.
  • Thở oxy trong giai đoạn đầu để cải thiện tình trạng khó thở và giảm oxy máu.

Điều trị thuốc chống đông

Thuốc chống đông thường được gọi là thuốc làm loãng máu. Tuy nhiên, nó không thực sự làm loãng máu. Nó làm thay đổi một số chất trong máu để ngăn chặn các cục máu đông hình thành dễ dàng. Nó cũng không hòa tan được cục máu đông đã hình thành (như một số người nhầm lẫn). Thuốc chống đông ngăn chặn cục máu đông ở phổi trở nên lớn hơn và ngăn ngừa hình thành cục máu đông mới. Sau đó cơ chế tự sửa chữa của cơ thể có thể làm việc để phá vỡ các cục máu đông.

Điều trị thuốc chống đông thường được bắt đầu ngay lập tức (ngay sau khi nghi ngờ thuyên tắc phổi) để ngăn ngừa diễn tiến nặng hơn trong khi chờ đợi kết quả xét nghiệm.

Thuốc chống đông có hai dạng trình bày là dạng tiêm và viên uống (hoặc xi-rô cho những người không thể nuốt viên thuốc).

Dạng tiêm là heparin chuẩn (heparin không phân đoạn) hoặc heparin trọng lượng phân tử thấp (LMWH). Heparin chuẩn được tiêm tĩnh mạch (IV), có nghĩa là bơm thuốc trực tiếp vào tĩnh mạch – thường ở cánh tay. Nó được sử dụng cho thuyên tắc phổi có nguy cơ cao và những bệnh nhân có bệnh lý nhất định – chẳng hạn như bệnh thận mạn tính. Heparin trọng lượng phân tử thấp (LMWH – tên thương mại thường dùng lovenox®) được tiêm dưới da vùng bụng.

Lưu ý: LMWH cũng được sử dụng với liều lượng thấp hơn, để ngăn ngừa thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (thuyên tắc phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu) ở một số bệnh nhân nằm viện, đặc biệt là những người đang hoặc đã trải qua phẫu thuật lớn.

Một loại thuốc gọi là natri fondaparinux (arixtra®) có thể được dùng bằng đường tiêm trong một số trường hợp, hoặc là để ngăn ngừa thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch hoặc điều trị thuyên tắc phổi hay huyết khối tĩnh mạch sâu.

Những viên thuốc hoặc xi-rô thường dùng để dự phòng thuyên tắc phổi là warfarin, sintrom® (acenocoumarol). Ngoài ra có thêm một số loại thuốc khác có tác dụng tương tự như warfarin có thể được sử dụng một số loại thuốc kháng đông mới đường uống (NOAC) như rivaroxaban, apixapan có thể được sử dụng thay thế warfarin.

Thông thường, thuốc tiêm được sử dụng khi khởi đầu điều trị, bởi vì chúng có hiệu quả ngay lập tức. Sau khi tiêm và việc chẩn đoán được xác nhận, warfarin uống có thể được bắt đầu. Warfarin mất vài ngày để có thể phát huy tác dụng đầy đủ.

Điều trị thuốc chống đông máu được tiếp tục cho đến ba tháng sau thuyên tắc phổi trong hầu hết các trường hợp. Đôi khi điều trị lâu hơn được khuyên áp dụng, đặc biệt nếu có nguy cơ cao bị thuyên tắc trở lại. Phòng khám hoặc bác sĩ quản lý việc điều trị chống đông sẽ tư vấn thêm cho bạn. Nếu bạn đang mang thai, tiêm heparin nên được sử dụng hơn là warfarin. Lý do là warfarin có thể gây hại (dị tật bẩm sinh) cho thai nhi, đặc biệt trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kì.

Điều trị hỗ trợ

Nghĩa là các biện pháp điều trị để giúp cơ thể đối phó với những ảnh hưởng của thuyên tắc phổi.

  • Oxy để giảm khó thở.
  • Trong một số trường hợp, truyền dịch tĩnh mạch để hỗ trợ tuần hoàn.
  • Theo dõi sát và nhập đơn vị chăm sóc tích cực có thể cần thiết nếu bệnh nhân không khỏe hoặc thuyên tắc phổi lớn.

Các phương pháp điều trị bổ sung

Biện pháp này được sử dụng để điều trị thuyên tắc phổi lớn hoặc nguy cơ cao trong trường hợp bệnh nhân rất yếu, hoặc không thể điều trị kháng đông.

Thuốc tiêu huyết khối (thrombolysis)

Đây là loại thuốc giúp hòa tan các cục máu đông đã hình thành. Alteplase là thuốc thường được sử dụng; streptokinase hoặc urokinase là lựa chọn thay thế. Chúng mạnh hơn so với phương pháp điều trị kháng đông heparin và warfarin mô tả ở trên tuy nhiên lại có nguy cơ cao hơn bị tác dụng phụ chảy máu không mong muốn, bao gồm cả chảy máu vào não (xuất huyết não) – đây cũng là một dạng đột quỵ. Xem thêm bài “đột quỵ do xuất huyết” để biết thêm thông tin.

Bộ lọc

Bộ lọc hay màng lọc tĩnh mạch chủ dưới, có thể được sử dụng để ngăn chặn cục máu đông trôi về phổi. Bộ lọc được đặt trong một tĩnh mạch lớn gọi là tĩnh mạch chủ dưới (tĩnh mạch lớn dẫn máu về tim) nó được đưa vào thông qua một ống mỏng, nhỏ luồn vào trong tĩnh mạch lớn và sau đó đi dọc theo tĩnh mạch đó tới đúng vị trí. Thủ thuật này không cần gây mê và có thể được thực hiện tại giường bệnh.

Bộ lọc hữu ích trong trường hợp một mình thuốc chống đông không đủ tác dụng hoặc vì một lý do gì đó bệnh nhân không thể điều trị chống đông được.

Phẫu thuật lấy huyết khối

Trong một số trường hợp, có thể lọai bỏ huyết khối bằng phẫu thuật gọi là phẫu thuật lấy huyết khối (embolectomy). Đây là một phẫu thuật lớn được tiến hành bên trong lồng ngực, gần với tim nên nó đòi hỏi phải có đội ngũ phẫu thuật kinh nghiệm và thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa. Thường được coi như là phương sách cuối cùng cho bệnh nhân rất nặng. Cuộc mổ làm tăng nguy cơ tử vong một cách rõ rệt, tuy nhiên, nó sẽ được cân nhắc như là một lựa chọn khi thuyên tắc phổi rất lớn mà chính bản thân nó đã đem đến nguy cơ tử vong rất cao nếu không được phẫu thuật.

Phẫu thuật cũng có thể được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân không thể sử dụng được thuốc chống đông hoặc thuốc làm tan huyết khối, thường là do họ có nguy cơ chảy máu cao.

Máy tim phổi nhân tạo (hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể) có thể được sử dụng trong một số trường hợp để điều trị thuyên tắc phổi lớn (hiếm)

Loại bỏ cục máu đông qua ống nhỏ (catheter)

Phương pháp điều trị này được gọi là loại bỏ huyết khối qua ống thông (catheter embolectomy) hoặc phá vỡ huyết khối qua ống thông (catheter fragmentation of the clot). Nó được tiến hành bằng cách luồn một ống thông nhỏ vào mạch máu cho đến khi nó tiếp cận được cục máu đông, người ta có thể lấy cục máu đông ra ngoài hoặc phá vỡ cục máu đông bằng những thiết bị đưa qua ống đó. Đây là phương pháp điều trị chuyên sâu và chỉ có sẵn ở một vài bệnh viện nhất định.

Mang thai và giai đoạn sau sinh

Có sự gia tăng nguy cơ bị thuyên tắc phổi ở phụ nữ trong suốt quá trình mang thai và cho đến 6 tuần sau sinh. Bất kỳ triệu chứng nào của huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi xảy ra trên một người phụ nữ mang thai hoặc sau sinh cần được hết sức lưu ý và đánh giá ngay lập tức.

Điều trị thuyên tắc phổi trong thai kỳ thường dùng heparin tiêm hơn warfarin uống. Điều này do warfarin có thể gây hại (dị tật bẩm sinh) cho thai nhi. Đối với một thuyên tắc phổi lớn, trong trường hợp bệnh nhân diễn biến không tốt, những phương pháp điều trị bổ sung (đã nói phía trên) có thể được sử dụng.

Điều trị trong thời kỳ mang thai được tiếp tục cho đến ba tháng sau thuyên tắc hoặc cho đến sáu tuần sau sinh, tùy thời gian nào dài hơn.

Sau sinh, warfarin có thể được khởi động thay cho heparin, một khi việc mất máu do sinh đẻ đã được giải quyết.

Heparin và warfarin có thể dùng được trên phụ nữ đang cho con bú. Nếu dùng warfarin, nên đảm bảo rằng em bé đã được tiêm liều vitamin k thường quy sau sanh vì vitamin k giúp chống lại tác dụng của warfarin. (Tại Anh, tất cả trẻ em được tiêm vitamin k ngay sau khi sinh một cách thường quy, trừ khi phụ huynh phản đối. Vitamin K giúp ngăn chặn các vấn đề đông máu ở trẻ sơ sinh bất kể người mẹ có đang điều trị warfarin hay không).

Các biến chứng của thuyên tắc phổi là gì?

Phần lớn thuyên tắc phổi được điều trị thành công và không có biến chứng. Tuy nhiên, một số biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra bao gồm:

  • Choáng: do ảnh hưởng của cục máu đông trên tim và hệ tuần hoàn. Điều này có thể khiến tim ngừng đập và có thể gây tử vong.
  • Thuyên tắc phổi có thể tạo ra một gánh nặng trên tim dẫn đến một tình trạng gọi là suy tim, nghĩa là tim không còn hoạt động mạnh như lúc bình thường được
  • Thuyên tắc có thể xảy ra thêm một lần nữa gọi là thuyên tắc phổi tái phát. Điều trị thuốc chống đông giúp ngăn chặn điều này.
  • Các biến chứng do điều trị: việc điều trị thuốc chống đông có thể có tác dụng phụ. Một trong những tác dụng phụ chính là chảy máu ở những nơi khác trong cơ thể – ví dụ như chảy máu từ một vết loét dạ dày. Khoảng 3 trong 100 bệnh nhân sẽ bị chảy máu đáng kể do sử dụng thuốc chống đông để điều trị thuyên tắc phổi. Thường loại chảy máu này có thể được điều trị thành công và hiếm khi gây tử vong (khoảng 3 trên 1000 trường hợp thuyên tắc phổi). Nói chung, việc điều trị chống đông vẫn an toàn hơn là không điều trị, để ngăn chặn thuyên tắc phổi nghiêm trọng.
  • Nếu thuyên tắc phổi nhỏ nhưng lặp đi lặp lại có thể dẫn đến tăng huyết áp trong mạch máu phổi (gọi là tăng áp phổi)

Tiên lượng của thuyên tắc phổi như thế nào?

Điều này phụ thuộc vào loại thuyên tắc phổi và sự hiện của bệnh lý khác kèm theo

Nếu thuyên tắc phổi được điều trị kịp thời, tiên lượng nói chung là tốt, và bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn.

Tiên lượng sẽ xấu hơn nếu có một bệnh lý nền nghiêm trọng từ trước dẫn đến thuyên tắc – ví dụ như ung thư giai đoạn tiến triển. Thuyên tắc phổi lớn thì khó điều trị hơn và có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Thuyên tắc phổi là một tình trạng nghiêm trọng và có nguy cơ tử vong cao nhưng điều này sẽ giảm đáng kể nếu điều trị sớm tại bệnh viện.

Thời gian nguy hiểm nhất có thể xảy ra biến chứng hoặc tử vong là vài giờ đầu sau khi thuyên tắc xảy ra. Ngoài ra, có một nguy cơ cao thuyên tắc phổi thứ hai xảy ra trong vòng sáu tuần lễ đầu sau lần thuyên tắc phổi đầu tiên. Đây là lý do tại sao cần điều trị chống đông ngay lập tức và kéo dài tiếp tục trong khoảng ba tháng sau

Thuyên tắc phổi được phòng ngừa như thế nào?

Điều này liên quan đến việc ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu. Tham khảo thêm phần phòng ngừa trong bài “huyết khối tĩnh mạch sâu”.

Người sắp trải qua phẫu thuật lớn nên được đánh giá nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu, và những người có nguy cơ cao cần liều phòng ngừa (dự phòng) heparin hoặc một thuốc tương tự trước và sau khi phẫu thuật. Các biện pháp phòng ngừa khác cũng có thể sử dụng khi ở bệnh viện.

Tài liệu tham khảo

  1. http://patient.info/health/pulmonary-embolism-leaflet
  2. https://yhoccongdong.com/thongtin/huyet-khoi-tinh-mach-sau/