Thứ Sáu , 29 Tháng Chín 2023
Trang chủ Chuyên ngành Nhi khoa Bệnh vảy phấn trắng ở trẻ em

Bệnh vảy phấn trắng ở trẻ em

Bài viết thứ 44 trong 44 bài thuộc chủ đề Các câu hỏi thường gặp về nhi khoa
 

Giới thiệu chung

Vảy phấn trắng là một bệnh ngoài da lành tính và khá phổ biến, hay gặp ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên. Tên quốc tế của bệnh liên quan đến đặc điểm hình thái của nó – pityriasis alba, trong đó pityriasis có nghĩa là vảy mịn còn alba có nghĩa là sự nhạt màu (giảm sắc tố)

Hầu hết bệnh nhân có tiền sử dị ứng và bệnh vảy phấn trắng cũng là một trong số các biểu hiện của viêm da dị ứng.

Bệnh biểu hiện bởi các mảng da bất thường (hoặc dát mỏng), hình tròn hoặc bầu dục, thường có đóng vảy mỏng hoặc thỉnh thoảng ngứa nhẹ. Các thương tổn ban đầu là mảng da đỏ nhẹ, nhạt màu dần theo thời gian.

Vảy phấn trắng thường gặp ở mặt (đặc biệt ở hai bên gò má), hai tay, phần thân trên; dễ nhận biết hơn ở những người da sậm màu. Khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, các tổn thương trở nên nổi bật hơn. Bệnh nhi và phụ huynh thường quan tâm nhiều về vấn đề thẩm mỹ của tổn thương.

Bệnh vảy phấn trắng thường tự khỏi nhờ sự tái tạo dần dần của sắc tố da bình thường. Thời gian lành bệnh thay đổi tùy người, có thể vài tháng hoặc vài năm, hầu hết trường hợp khỏi bệnh hoàn toàn sau một năm. Điều trị chủ yếu với corticosteroids hiệu lực thấp bôi ngoài da và các loại thuốc làm mềm da.

Bệnh nguyên

Chưa phát hiện nguyên nhân đặc hiệu nào gây ra bệnh vảy phấn trắng. Bệnh không lây và hiện tại cũng không có nguyên nhân nhiễm trùng nào được báo cáo.

Bệnh thường xảy ra ở những người có cơ địa dị ứng, mặc dù bệnh cũng có thể gặp ở người không có cơ địa dị ứng. Trong nhiều trường hợp, bệnh vảy phấn trắng biểu hiện giống với bệnh viêm da cơ địa. Bệnh vảy phấn trắng được coi là một dạng biểu hiện khác của bệnh viêm da dị ứng.

Vảy phấn trắng cũng là một biểu hiện của viêm da không đặc hiệu, là quá trình giảm sắc tố tồn tại sau viêm da. Kết quả mô bệnh học cho thấy sự giảm sản xuất melanin ở các vùng da bệnh lý.

Một số nghiên cứu thấy rằng trong vảy phấn trắng có thể có hiện tượng teo tuyến bã nhờn, thiếu máu thiếu sắt và giảm lượng đồng (Cu2+) trong huyết thanh. Tuy nhiên những kết quả nghiên cứu này có mối quan hệ với bệnh vảy phấn trắng hay không chưa được khẳng định.

Dịch tễ

  • Vảy phấn trắng thường gặp ở trẻ từ 3 đến 16 tuổi, 90% trường hợp gặp ở trẻ dưới 12 tuổi. Ước tính có khoảng 5% trẻ em ở Mỹ có thể mắc bệnh lý này.
  • Một nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ hiện mắc cao hơn ở Ai Cập (18%) và Mali (20%), và thường gặp ở trẻ nam hơn.
  • Yếu tố nguy cơ chủng tộc không được ghi nhận nhưng các tổn thương thường nổi bật hơn ở người da sậm màu.
  • Bệnh vảy phấn trắng không xuất hiện theo mùa, mặc dù vào mùa đông, các vảy da có thể nhiều hơn (do không khí trong nhà khô). Đồng thời các tổn thương có thể rõ ràng hơn vào mùa xuân, mùa hạ (do da tiếp xúc với nắng nhiều, vùng da xung quanh vùng tổn thương sậm màu hơn).
  • Các sắc tố da bình thường sẽ hồi phục tự nhiên, thường sau một năm.

Sinh lý bệnh

Đặc điểm vi thể của bệnh vảy phấn trắng là tình trạng viêm da nhẹ, không đặc hiệu, mạn tính đi kèm với sự giảm sản xuất melanin. Một vài tổn thương mô bệnh học không đặc hiệu cũng được mô tả. Bao gồm:

  • Sự gia tăng sừng hóa
  • Giả sừng hóa
  • Á sừng
  • Hiện tượng xốp bào
  • Thâm nhiễm quanh mạch máu

Không có tiêu chuẩn chẩn đoán đặc hiệu nhưng một số tổn thương đặc trưng trong mẫu sinh thiết lấy từ tổn thương da sẽ giúp gợi ý chẩn đoán. Các tổn thương này bao gồm:

  • Sắc tố melanin không đều hoặc giảm rõ rệt ở lớp đáy, nhưng số lượng tế bào biểu bì sinh hắc tố giảm không nhiều
  • Giảm số lượng tế bào biểu bì sinh hắc tố đang hoạt động với biểu hiện giảm số lượng và kích thước của các hạt melanin.

Bệnh sử và triệu chứng thực thể

Mặc dù các thương tổn ban đầu của vảy phấn trắng chỉ là những vết ban đỏ nhẹ trên da, người bệnh có thể không chú ý giai đoạn hồng ban này. Hầu hết đều không triệu chứng (đôi khi ngứa nhẹ), hoặc là các mảng da nhạt màu, thường ở vùng mặt.

Có thể khai thác được tiền sử bệnh nhi hoặc gia đình từng mắc viêm da dị ứng, viêm mũi dị ứng, hoặc hen.

Thương tổn có thể phát hiện tình cờ khi thăm khám, mặc dù phần lớn lý do khiến bệnh nhi hoặc bố mẹ đi khám là vấn đề thẩm mỹ của tổn thương. Các mảng da giảm sắc tố biểu hiện rõ hơn khi người bệnh tiếp xúc với ánh nắng (vùng da xung quanh tổn thương sậm màu đi) vào mùa xuân, mùa hạ.

Thăm khám thực thể thấy các mảng, các vết da nhạt màu hình tròn, hình bầu dục (hoặc nổi sẩn nhẹ) ranh giới không rõ. Đôi khi có ban đỏ nhẹ và/hoặc đóng vảy. só lượng ban thường từ 4 đến 20, kích thước từ 0.5 cm – 5 cm và phân bố chủ yếu ở mặt, cổ, vùng trên cánh tay, và thân trên. Có thể kèm triệu chứng của viêm da dị ứng, bao gồm eczema ở vùng khoeo hay hố khuỷu, núm vú, viêm môi, và rãnh sau tai.

 

Tiên lượng

Dựa trên biểu hiện lâm sàng và phân bố thương tổn da ở trẻ nhỏ hoặc trẻ vị thành niên, hầu hết các trường hợp chẩn đoán bệnh vảy phấn trắng là khá rõ ràng.

Chẩn đoán phân biệt bệnh vảy phấn trắng với các bệnh giảm sắc tố da tồn tại sau viêm do bất cứ nguyên nhân nào:

  • Nhiễm nấm (lang ben, nấm da vàng)
  • Bạch biến
  • Mất sắc tố cố định bẩm sinh
  • Vảy nến
  • Tăng tiết nhờn
  • U sùi dạng nấm (u lympho tế bào T ở da)
  • Giảm sắc tố thứ cấp sau thuốc bôi tại chỗ chẳng hạn retinoic acid, benzoyl peroxide, và corticosteroids
  • Dựa vào vùng dịch tễ và lâm sàng đôi khi cần cân nhắc phân biệt với bệnh phong

Khi chẩn đoán không rõ ràng có thể thực hiện một vài thủ thuật hỗ trợ. Khi soi tổn thương bằng đèn Wood, sẽ thấy các tổn thương của bệnh phấn trắng nổi bật hơn nhưng không phát quang. Còn với các tổn thương của bệnh bạch biến sẽ phát quang sáng hơn và có bờ các cạnh sắc nét hơn.

Có thể cạo da đem soi tươi với KOH cho kết quả âm tính với nấm, trong khi đó bệnh lang ben hoặc nấm da vàng cho kết quả dương tính với nấm. Sinh thiết da thường không cần thiết, nhưng nó có thể giúp phân biệt vảy phấn trắng với u sùi dạng nấm.

Thái độ xử trí / Điều trị

Bệnh nhi và bố mẹ có thể yên tâm vì bệnh vảy phấn trắng khá lành tính và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh thường khỏi chậm, kéo dài vài tháng đến vài năm; hầu hết các trường hợp bệnh tự khỏi trong vòng một năm.

Lưu ý:

  • Nên tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời vì khi da xung quanh sậm màu sẽ càng làm rõ hơn vùng da thương tổn gây mất thẩm mỹ.
  • Điều trị steroid hiệu lực thấp bôi tại chỗ, chẳng hạn như kem hoặc thuốc mỡ hydrocortisone 1%, có thể làm giảm hồng ban, giảm ngứa và tăng tốc độ tái tạo sắc tố da.
  •  Các chất dưỡng ẩm nhẹ, như mỡ vaseline và kem Eucerin, có thể làm giảm sự đóng vảy. Kem chống nắng có thể giúp ngăn ngừa các tổn thương do bị cháy nắng và làm giảm sự sậm màu của vùng da xung quanh.
  • Điều trị bằng thuốc ức chế calcineurin tại chỗ, chẳng hạn như thuốc mỡ tacrolimus 0,1% và kem pimecrolimus 1%, cũng đem lại hiệu quả; tuy nhiên, vì chi phí cao nên hiếm khi được chỉ định.
  •  Calcitriol, một chất tương tự vitamin D tại chỗ, cho thấy hiệu quả tương đương với tacrolimus.
  • Các lựa chọn điều trị khác, thường được dành riêng cho các trường hợp rộng, bao gồm psoralen kết hợp với quang hóa tia cực tím-A (PUVA) và xạ trị định vị mục tiêu bằng laser excimer 308- nm.

Tóm lại và những vấn đề khác

Hai biến thể không thường gặp của bệnh vảy phấn trắng đã được mô tả là:

  • Các tổn thương vảy sắc tố ở giữa là vùng tăng sắc tố xanh bao quanh bởi một quầng giảm sắc tố. Chúng thường liên quan đến nhiễm trùng nấm ngoài da và được phát hiện chủ yếu ở những người có da sậm màu sống ở Nam Phi và Trung Đông
  • Bệnh vảy phấn trắng rộng được đặc trưng bởi các tổn thương lan rộng, đối xứng và dai dẳng, tổn thương phân bố chủ yếu trên than hơn là trên mặt, tỷ lệ nữ-nam cao hơn và mô bệnh học không có sự gia tăng lớp malpighi

Tài liệu tham khảo

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK431061/